Đình Phú Hựu là một trong những ngôi đình lớn tiêu biểu của tỉnh Đồng Tháp, tọa lạc tại ấp Phú Hòa, thị trấn Cái Tàu Hạ, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp. Với bề dầy kịch sử hình thành cùng những đặc điểm nghệ thuật kiến trúc độc đáo, đình đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.

Đình Phú Hựu được gọi theo địa danh của xã Phú Hựu. Theo của các vị bô lão cao niên ở đây thì những năm đầu của thế kỷ XIX, ông Thiều Quang Lộc là người địa phương đã vận động người dân trong làng đóng góp tiền của, công sức để xây dựng ngôi đình thờ phụng Thành Hoàng (là vị thần được tôn thờ chính trong các đình làng Việt Nam), cùng các vị thần tín ngưỡng trong truyền thuyết dân gian khác như Thần Nông, Bà Chúa Xứ, ông Hổ và những người có công với địa phương, cũng là nơi hội họp của người dân trong làng.

Sau đó, ngôi đình đã được ông Võ Thế Lực đứng ra quyên góp tu bổ thêm khang trang. Đến năm Tự Đức ngũ niên (1852), đình Phú Hựu được vua Tự Đức ban sắc phong “Thành Hoàng Bổn Cảnh”. Đến năm Bính Dần 1903, do bị nước xoáy mòn, đình được di dời (cách vị trí ban đầu khoảng 100m) và trùng tu một lần nữa được giữ gìn nguyên trạng như vị trí đến nay.

Không gian và kiến trúc Đình Phú Hựu là một minh chứng cho tài nghệ xây dựng của ông cha ta, từ việc chọn địa điểm ở nơi thoáng mát, thuận lợi cho việc cúng tế. Đình được xây dựng ở ngã ba sông, đón gió sông Sa Đéc ở phía trước mặt, sông Cái Tàu Hạ từ bên hông, nép mình dưới bóng mát rặng cây cổ thụ, hòa nhập với thiên nhiên, tận dụng hết ưu việt của địa thế tự nhiên kết hợp với hình thức, tỉ lệ  kiến trúc, sử dụng các vật liệu xây dựng và màu sắc tạo nên những đặc điểm nghệ thuật kiến trúc độc đáo, mang đậm tính dân và sắc thái dân gian.

Đình Phú Hựu gồm các hạng mục công trình: Bình phong, đài sen, nghi môn, miếu Ngũ hành, miếu ông Hổ, miếu Thần Nông, miếu Bà Chúa Xứ, gian thờ thần Thành Hoàng và nhà khách. Theo trục chính thì đình Phú Hựu được chia là 2 gian. Gian phía trước là gian nhà khách, là nơi làm việc của hội đồng làng - xã, có kê bàn ghế, chỗ ngồi để tiếp khách. Kết cấu theo lối tứ trụ, chính giữa có 4 cột gỗ tròn (02 cột ngoài viết câu đối, 2 cột phía trong chạm rồng). Gian chính   phía trong là nơi thờ phụng chính, có kết cấu gần giống với khu ngoài nhưng được chia vách phân cách các khu thờ phụng.

Nơi thờ Thành Hoàng có chữ “Thần” rất lớn bày trong 01 trang thờ riêng, phía dưới chữ “Thần” là hộp phủ khăn điều đựng sắc phong Thành Hoàng Bổn Cảnh. Hai bên là bàn thờ Tả ban và Hữu ban, theo tín ngưỡng là nơi thờ phụng các vị hỗ trợ thần Thành Hoàng trong việc cai quản, chăm lo cho vùng đất địa phương. Các câu đối ở bàn thờ Tả ban và Hữu ban đều đã được phiên âm Hán - Việt. Khu vực này còn được trang trí các Lộc bình và các vật phẩm cổ xưa.

Empty

Được sự quan tâm của chính quyền địa phương và người dân nơi đây, đình Phú Hựu thường xuyên tu bổ, giữ gìn được gần như nguyên trạng nét kiến trúc cổ kính như thuở ban đầu. Chính vì thế, ngày 18 tháng 12 năm 2009, đình Phú Hựu đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.

Hàng năm, đình Phú Hựu diễn ra các lệ cúng chính là: Lễ Hạ Điền (ngày  17 tháng 6 âm lịch); Lễ Thượng Điền (ngày 17 tháng 9 âm lịch) và Lễ Chạp miễu (ngày 17 tháng 12 âm lịch). Khách thập phương muốn đến viếng đình Phú Hựu, có thể đi đường bộ theo đường Tỉnh 933 theo hướng đi về Tân Thạnh, hoặc theo đường thủy theo lối sông Đại Ngãi.

Thu Phương