An cư miền biên viễn
Huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang, có 5 xã và đường biên giới dài hơn 35km giáp với nước bạn Campuchia. Thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống người dân, góp phần xây dựng tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị.
Tạo sinh kế, giúp an cư
Cuối năm 2020, vợ chồng anh Trương Văn Tèo cùng hơn 200 hộ dân được bố trí cất nhà trên tuyến dân cư biên giới Nam Vĩnh Tế, xã Tân Khánh Hòa, huyện Giang Thành, theo Quyết định số 1776/QÐ-TTg ngày 21-11-2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình bố trí dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2013-2015 và định hướng đến năm 2020. Ngoài đất, anh Tèo còn được hỗ trợ 35 triệu đồng xây nhà nên vợ chồng anh rất yên tâm định cư trên tuyến dân cư biên giới. “Lộ ở đây rộng rãi, thuận lợi cho xe tải vào tận nơi thu mua, nên lúa, dưa hấu của bà con bán có giá hơn so với việc đi tìm thương lái bán. Bên cạnh đó, điện, trường học, trạm y tế đầy đủ, bà con yên tâm sinh sống, lập nghiệp” - anh Tèo bộc bạch.
![Tuyến dân cư biên giới Nam Vĩnh Tế, xã Tân Khánh Hòa, huyện Giang Thành, có hạ tầng hoàn chỉnh giúp 206 hộ ổn định cuộc sống.](https://i.ex-cdn.com/mientay.giadinhonline.vn/files/content/2023/08/29/365849702_6253257708137355_6008646575931392827_n-1430.jpg)
Tuyến dân cư biên giới Nam Vĩnh Tế, xã Tân Khánh Hòa, huyện Giang Thành, có hạ tầng hoàn chỉnh giúp 206 hộ ổn định cuộc sống.
Tuyến dân cư biên giới Nam Vĩnh Tế dài 2,5km, đến nay đã bố trí 206 hộ sinh sống, với kinh phí hỗ trợ hơn 7,2 tỉ đồng. Bí thư Huyện ủy Giang Thành Ong Văn Ngay cho biết hơn 20 năm trước, Trung ương và tỉnh có chủ trương đưa người dân từ các huyện An Biên, An Minh, Gò Quao, Vĩnh Thuận (tỉnh Kiên Giang) lên tuyến biên giới Giang Thành định cư, nhưng không thành công. Lý do là đất đai vùng này hoang hóa, trong khi đó muốn trồng được lúa phải có nhiều máy móc, đó là chưa kể hạ tầng thủy lợi, giao thông, điều kiện sinh hoạt… còn rất hạn chế. Lên biên giới được một thời gian, nhiều người bán đất, bỏ đi nơi khác sinh sống. “Nhưng khoảng 10 năm nay thì khác, hạ tầng điện, nước, giao thông được đầu tư, nên chủ trương vận động người có đất gần sát biên giới ra các tuyến dân cư ở khá phù hợp, bà con yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống” - ông Ong Văn Ngay nói.
Năm 2021, ông Nguyễn Văn Ru ở ấp Hòa Khánh, xã Tân Khánh Hòa, là 1 trong 7 hộ dân của xã được hỗ trợ từ Dự án “Cải thiện sinh kế cho nông hộ nghèo ở huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang” của tổ chức Heifer Project International (dự án Heifer). Ông Ru được hỗ trợ 1 con bò cái sinh sản, tiền làm chuồng, cỏ giống. Ðến nay con bò cái chuẩn bị sinh sản lứa thứ hai. “Tôi được huấn luyện, tiếp cận kỹ thuật mới. Ngoài bò mẹ, do bò con sinh ra là đực nên tôi được giữ lại nuôi. Khi nào bò mẹ sinh bò cái thì tôi chuyển giao cho người khác” - ông Ru nói.
Hiện nay, ngoài nuôi bò từ dự án Heifer, ông Ru còn nuôi 8 con bò thịt. Ðầu năm 2023, ông Ru bán 2 con bò thịt được 30 triệu đồng. “Vợ chồng tôi còn trồng 4ha lúa, hằng năm sau khi trừ chi phí còn lời hơn 150 triệu đồng. Vợ chồng tôi dự định 1-2 năm tới sẽ cất nhà mới khang trang hơn” - ông Ru chia sẻ.
Ông Nguyễn Thành Ðược, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Giang Thành, cho biết đến nay huyện Giang Thành đã hỗ trợ 27 con bò sinh sản cho 27 hộ. Kết quả bước đầu cho thấy, sau mỗi năm, mỗi gia đình được chuyển giao 1 bò mẹ (trị giá 30-35 triệu đồng) để khai thác, có nguồn thu là 1 con bê trị giá 10-12 triệu đồng. Ðây là nguồn thu nhập không nhỏ đối với hộ nông dân nghèo. Nếu con giống mẹ đẻ ra con cái thì sẽ bàn giao cho hộ khác con giống cái. “Dự án Heifer thiết thực, mang lại hiệu quả bởi phương thức đầu tư bằng hiện vật, tránh được hiện tượng người dân sử dụng vốn không đúng mục đích. Việc thu hồi vốn bằng bê con sẽ tạo tâm lý yên tâm cho người tham gia. Mặt khác, sản phẩm thu hồi được tái đầu tư cho hộ dân khác trong cộng đồng theo phương thức “vết dầu loang”. Như vậy chương trình sẽ không kết thúc sau 1 chu kỳ sản xuất mà nó cứ tiếp tục được nhân ra và ngày càng có nhiều người hưởng lợi” - ông Ðược nói.
Nhờ đẩy mạnh các giải pháp giúp người dân “an cư, lạc nghiệp” mà tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Giang Thành giảm xuống còn 2,75% vào cuối năm 2022. Ðời sống vật chất, tinh thần của cư dân vùng biên giới được nâng lên, qua đó góp phần thực hiện các tiêu chí huyện nông thôn mới.
Xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị
Ông Tạ Văn Dũng, Chủ tịch UBND huyện Giang Thành, cho biết: Do huyện nằm xa trung tâm kinh tế của tỉnh, khu vực, nên khó mời gọi nhà đầu tư. Xác định đây là khâu yếu nên thời gian qua, huyện tập trung kêu gọi đầu tư hạ tầng giao thông, phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ nhựa hóa hoặc bê tông đạt 96%. Từ đó, kêu gọi đầu tư phát triển thương mại vùng biên giới, chợ nông sản tại khu vực cửa khẩu Giang Thành, hình thành bến xếp dỡ hàng hóa, nhà kho; mời gọi doanh nghiệp tham gia các dự án khai thác đất sét, than bùn...; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào phát triển làng nghề truyền thống đan cỏ bàng Phú Mỹ và khai thác một số điểm du lịch khác ở tuyến biên giới.
Ngoài kêu gọi đầu tư hạ tầng, thời gian qua huyện Giang Thành đặc biệt chú trọng trong việc xây dựng tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị, từ đó giúp nhân dân hai bên biên giới an cư, lạc nghiệp. Lãnh đạo huyện Giang Thành thường xuyên trao đổi định kỳ giữa lực lượng, chính quyền các cấp hai bên biên giới nhằm kịp thời thông tin, trao đổi tình hình liên quan, chủ động phối hợp giải quyết kịp thời các vụ việc phát sinh (nếu có), không để kéo dài, không tạo cơ hội để các phần tử xấu lợi dụng xuyên tạc gây chia rẽ đoàn kết, mâu thuẫn trong mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước. Theo Bí thư Huyện ủy Giang Thành Ong Văn Ngay, mối quan hệ giữa nhân dân hai bên biên giới gần gũi, gắn bó lâu đời. Việc qua lại, buôn bán, trao đổi hàng hóa, thăm thân nhân hai bên diễn ra nhộn nhịp và được tạo điều kiện thuận lợi từ hai phía. Những dịp lễ, Tết cổ truyền của hai nước, hai bên đều tổ chức thăm hỏi, chúc mừng, hoạt động ngoại giao nhân dân giữa cư dân hai biên giới ngày càng gắn bó. Ðó chính là nền móng vững chắc để xây dựng vùng biên giới hòa bình, hợp tác, hữu nghị lâu bền.
Theo Lê Vinh/ Báo Cần Thơ
Cần Thơ thực hiện nhiều biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán năm 2025 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm
Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. UBND thành phố Cần Thơ đã thống nhất chủ trương tổ chức thực hiện chi trước lương tháng 02/2025 cho cán bộ, công chức; viên chức, người lao động và trợ cấp tháng 02/2025 cho các đối tượng chính sách, người có công, đối tượng hưu trí, đối tượng bảo trợ xã hội,… trên địa bàn thành phố trước ngày 24/01/2025.
Cần Thơ: Phường Thới Bình tổ chức chương trình “Xuân gắn kết – Tết sẻ chia” năm 2025
(NSMT) - Ủy ban nhân dân Phường Thới Bình phối hợp cùng Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận và Nhà Văn hóa thiếu nhi quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ vừa tổ chức chương trình “Xuân gắn kết – Tết sẻ chia” năm 2025.
Đại học Nam Cần Thơ đưa vào sử dụng Viện Khoa học Sức khỏe DNC trị giá hơn 750 tỷ đồng
(NSMT) - Trường Đại học Nam Cần Thơ (DNC) vừa tổ chức Lễ Khánh thành Viện Khoa học sức khỏe DNC và Kỷ niệm 12 năm thành lập Trường (25/1/2013-25/1/2025).
Điểm đến vui chơi đặc biệt dành cho các em nhỏ mồ côi, cơ nhỡ tại Xuân Yêu Thương 2025
Chiều 18/01, Tạp chí Gia Đình Việt Nam tại TP Cần Thơ tổ chức buổi tham quan, vui chơi và trải nghiệm đầy ý nghĩa cho hơn 300 em mồ côi, cơ nhỡ, khuyết tật và có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại TP Cần Thơ, Hậu Giang và Vĩnh Long tại Làng du lịch Mỹ Khánh. Đây là hoạt động đặc biệt nằm trong khuôn khổ chương trình Xuân Yêu Thương 2025, mang lại niềm vui và sự ấm áp cho các em trong dịp Tết đến xuân về.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng làm Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long
(NSMT) – Chiều 18/1, tại Tỉnh ủy Vĩnh Long, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng đã trao quyết định của Bộ Chính trị điều động, chỉ định ông Trần Tiến Dũng làm Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long nhiệm kỳ 2020-2025.
Cà Mau tổ chức Họp mặt báo chí mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ năm 2025
(NSMT) - Chiều 17/1, trong khí khí hân hoan đón chào xuân mới, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh Cà Mau tổ chức cuộc họp mặt báo chí mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ năm 2025.
Ông Nguyễn Hồ Hải làm Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau
(NSMT) – Ngày 18/1, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Cà Mau, Bộ Chính trị công bố quyết định ông Nguyễn Hồ Hải được điều động, chỉ định giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau thay ông Nguyễn Tiến Hải giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang.