Bạc Liêu: Đi lại khó khăn, hơn 30 hộ dân mỏi mòn chờ con đường bê tông
Dù sinh sống ở phường nhưng hơn 20 năm nay hàng chục hộ dân ở các khóm 7, 8 của phường Láng Tròn, thị xã Giá Rai (Bạc Liêu) đi lại rất khó khăn, chủ yếu bằng đường thủy hoặc đi bộ. Vì vậy, bà con ở đây vô cùng bức xúc và mong mỏi chính quyền địa phương sớm đầu tư con đường để việc đi lại của người dân được thuận tiện.
Trong đơn phản ánh gửi đến PV Nhịp sống miền Tây, ông Phan Văn Vĩnh, đại diện cho hơn 30 hộ dân ở khu vực các khóm 7, 8, phường Láng Tròn, thị xã Giá Rai (Bạc Liêu) trình bày, nơi ông và các hộ dân đang sinh sống chỉ cách UBND phường Láng Tròn khoảng 4km nhưng điều kiện đi lại hết sức khó khăn vì chưa có lộ giao thông nông thôn. Mặc dù ở phường nhưng nơi đây chẳng khác nào ở khu vực vùng sâu, vùng xa.

Vào mùa mưa, con đường đầy sình lầy, việc đi lại của người dân trở nên khó khăn gấp bội
Ông Phan Văn Vĩnh nêu ra những khó khăn của người dân nơi đây: “Hầu hết phương tiện lưu thông ở đây chủ yếu là tàu và vỏ lãi (phương tiện di chuyển trên sông nước – PV). Nhưng đó là đối với các hộ dân có điều kiện kinh tế tương đối, riêng các hộ có thu nhập thấp không có điều kiện thì chủ yếu là đi bộ. Đặc biệt là vào mùa mưa, việc đi lại trở nên khó khăn gấp bội. Hình ảnh các em học sinh đến trường vào mùa mưa trong những bộ quần áo lấm lem bùn đất nhìn mà xót xa vô cùng.
"Nguyện vọng của chúng tôi ở đây là mong chính quyền sớm đầu tư con lộ để bà con thuận tiện lưu thông. Bởi hiện nay, việc đi lại khó khăn mỗi khi trong gia đình nhà nào có người ốm đau, bệnh tật lúc nữa đêm thì việc di chuyển đến nơi khám chữa bệnh rất bất tiện và mất nhiều thời gian, có khi dẫn đến nguy hiểm đến tính mạng”, ông Vĩnh nói.

Người dân địa phương mong chờ có được con đường bê tông để thuận tiện cho việc đi lại.
Cùng điều mong mỏi, ông Trương Mậu Hợp (ngụ khóm 7, phường Láng Tròn) bức xúc cho biết, gia đình ông về đây xây dựng nhà ở khoảng 40 năm nay. Ban đầu ở đây nhà cửa thưa thớt, nhưng càng về sau dân cư càng tập trung đông hơn. Đến nay, đã có khoảng 30 hộ nhưng suốt hơn 20 năm qua vấn đề giao thông đi lại luôn là nỗi bức xúc của người dân địa phương. “Mùa nắng thì việc đi lại theo lối đường mòn, còn khi mưa xuống thì đường trở nên lầy lội, rất khó đi. Giao thông thủy thì có nhiều vụ chìm xuồng ghe xảy ra. Nông sản, vật nuôi tới lứa thu hoạch đều bị thương lái ép giá”, ông Hợp cho hay.
Theo ông Hợp, do nhu cầu bức xúc cần có đường đi lại được thuận tiện nên bà con đã trình bày những mong muốn của mình với khóm. Sau đó Trưởng khóm đã chuyển tâm tư, nguyện vọng của người dân lên phường. Và phường có nói là do liên quan đến công tác quy hoạch nên đến năm 2025 mới triển khai xây dựng con đường.

Mặc dù ở phường nhưng nơi đây chẳng khác nào ở khu vực vùng sâu, vùng xa.
“Xét thấy nhu cầu bức thiết của người dân cần có con lộ để đi lại thuận tiện, chứ đợi đến 3 – 4 năm nữa thì lâu quá. Bà con ở đây không cần lộ lớn, chỉ tầm 1,5 mét là đủ, là quý dữ lắm rồi. Chúng tôi có đưa đơn kiến nghị rồi nhưng đến nay vẫn chưa thấy địa phương có động thái gì.
Hiện nay ở hai đầu của khóm 7 và 8 đều có xây dựng lộ cả rồi, chỉ còn một đoạn khoảng 1,5 km ở khóm 7 và nối tiếp một đoạn khoảng 1,5 km nữa ở khóm 8 là giao thông đường bộ thông suốt hết rồi. Vậy mà nguyện vọng chính đáng của người dân phải chờ đợi quá lâu. Chúng tôi phải chờ đến bao giờ?”, ông Hợp thắc mắc.
Ông Nguyễn Thanh Hải, Trưởng khóm 7, phường Láng Tròn cho biết, ông đã nhận được phản ánh của người dân về nhu cầu cần có một con lộ để thuận tiện đi lại. "Mấy hôm trước, tôi có nhận được phản ánh của anh Vĩnh. Lúc đó, tôi đang ở phường và có báo cáo với phường luôn. Phường cũng đã có ý kiến sẽ cho cán bộ vào xem xét cụ thể tuyến đường này có bao nhiêu hộ dân sinh sống và có chiều dài là bao nhiêu mét", ông Hải cho biết thêm.
Còn ông Nguyễn Hiền Uy, Chủ tịch UBND phường Láng Tròn thông tin rằng, hiện phường đã nhận được ý kiến phản ánh của bà con nhân dân ở khóm 7 và khóm 8 đề nghị làm đoạn đường nói trên. “Phường cũng có báo với thị xã để xem xét cân đối, bố trí vốn ở nguồn nào cho phù hợp để làm. Chúng tôi sẽ báo cáo với thị xã xem xét lại một lần nữa để có điều kiện làm tuyến đường sớm cho bà con. Việc này cũng có nằm trong nghị quyết của HĐND về nhu cầu xây dựng giao thông nông thôn giai đoạn 2021-2025”, ông Uy cho hay.
Xét thấy, nguyện vọng và nhu cầu đi lại của người dân địa phương là rất chính đáng và bức thiết. Mong rằng, chính quyền địa phương sớm khảo sát, lập phương án và triển khai xây dựng con đường để phục vụ cho việc đi lại của người dân địa phương trong thời gian sớm nhất.
Cà Mau long trọng tổ chức Lễ giỗ Tổ Hùng Vương
(NSMT) - UBND huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2025 tại ấp Giao Khẩu, xã Tân Phú.
Cụm công nghiệp 100% vốn FDI đầu tiên của tỉnh Sóc Trăng
Sau một thời gian xây dựng, Dự án Cụm công nghiệp 100% vốn FDI đầu tiển của tỉnh Sóc Trăng có diện tích 53,9 ha chính thức đưa vào hoạt động...
Cần Thơ tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2025: Gìn giữ cội nguồn - Lan tỏa bản sắc dân tộc
Hướng về ngày lễ trọng đại của dân tộc - Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch), thành phố Cần Thơ sẽ tổ chức chuỗi hoạt động ý nghĩa, trang trọng và đậm đà bản sắc dân tộc theo chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đồng thời phát huy truyền thống văn hóa đặc trưng của địa phương.
Bộ Công an tặng 700 căn nhà cho hộ nghèo, cận nghèo ở Bạc Liêu
(NSMT) - Ngày 3/4, Bộ Công an phối hợp với Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bạc Liêu tổ chức Lễ trao tặng nhà, bàn giao kinh phí xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ dân khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.
Cháy lớn ở Kiên Giang, thiêu rụi 6 căn nhà tạm
Một dãy nhà tạm ven sông ở phường Vĩnh Hiệp, TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang bất ngờ xảy cháy lớn. Lực lượng chức năng địa phương hiện đã khống chế được lửa và phun nước dập tắt hoàn toàn.
Cà Mau: Xây dựng 2.900 căn nhà xã hội đến năm 2030
(NSMT) - Ông Lâm Văn Bi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau vừa ký Kế hoạch về việc xây dựng và phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2030.
Về Sóc Trăng thưởng thức mận MST...
Nhiều năm qua, nhà vườn ở Sóc Trăng đã có nhiều tìm tòi, mạnh dạn đầu tư chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi và đã cho hiệu quả cao. Trong đó có mô hình trồng giống mận hồng MST...