Văn hóa

Chấm vàng, chấm xanh

Thứ bảy, 18/09/2021, 13:44 PM

Người ta nói thế giới muôn màu, nhưng trước mắt tôi chỉ có mấy màu mang ngữ nghĩa từ nguy cơ cao tới bình thường khi làn sóng đại dịch SARS-CoV-2 hoành hành 19 tỉnh thành phía Nam suốt 100 ngày qua.

“Xin chào! Đã có ai giúp đỡ bạn chưa?”

Cầm điện thoại trên tay, tôi nhắn 10 lần câu hỏi này cho 10 người mà tôi quan tâm trên ứng dụng Zalo Connect. Chiếc điện thoại nóng dần lên, liên tục nhảy tin: “Dạ chưa chị”.

Chưa cần phải đi đâu xa, chỉ cần ngồi ở nhà, bật định vị trên điện thoại di động và truy cập vào ứng dụng Zalo Connect, dễ dàng nhìn thấy rất nhiều “chấm vàng” xung quanh mình. Đó là những người đang khó khăn cần trợ giúp lương thực, thực phẩm, thuốc men hay vật tư y tế. Có người đơn giản chỉ đăng tin cầu cứu là một ít mì gói, một ít gạo và nước mắm, đủ cho bữa ăn vội mà quên đi cái đói hàng ngày.

IMG_3726

Zalo Connect là tính năng giúp người dân tìm kiếm sự giúp đỡ từ cộng đồng về lương thực, thuốc men, nhu yếu phẩm hoặc kết nối nhanh với các bác sĩ, chuyên gia y khoa để được tư vấn y tế từ xa.

Tôi chat với từng người để hỏi số người trong gia đình và địa chỉ nhà. Sau đó, tôi tiếp tục nhắn cho shipper xem có giao được thực phẩm đến các hộ gia đình đó không. Liên tục, không ngừng nghỉ nhắn tin cho đến tối muộn. Cuối cùng, tôi đã chốt được các phương án mang lương thực, thực phẩm đến cho các hộ khó khăn, chủ yếu là các gia đình đang thuê nhà trọ.

Sức chịu đựng của những“chấm vàng”có vẻ đã cạn và nguồn lực giới hạn của tôi cũng chỉ có thể giúp được một vài người trong khả năng và gần khu vực mình ở mà thôi. Từng câu chuyện của mỗi gia đình khiến bất kỳ ai nghe qua cũng chạnh lòng thương xót. Tiếc thay, những ngày giãn cách có lẽ còn dài và tôi không biết liệu mình còn hỗ trợ họ được bao lâu.

Không bước chân ra khỏi nhà, tôi không biết xung quanh mình có nhiều người rơi vào đường cùng đến vậy. Một em trai 25 tuổi, cha mẹ ly hôn khi em mới học lớp 10. Gia đình ly tán, em ra ở trọ một mình tại Cần Thơ và bươn chải làm thuê đủ nghề để kiếm sống. Cứ ngỡ mảnh đất dung dị này sẽ cưu mang cuộc đời em… Cho đến khi dịch bệnh bùng phát, cuộc sống và những ước mơ của em chỉ còn là những ngày chờ đợi một ai đó đến cho thức ăn, bất kể là món gì! Em ăn mì gói gần 2 tháng nay, người sụt cân, mong mỏi từng ngày một bó rau đồng hay một con cá. Dường như em không tồn tại trong thế giới thực, cho đến khi em đăng tin cầu cứu trên thế giới ảo. Như một duyên lành, tôi tình cờ nhìn thấy “chấm vàng” của em trên màn hình Zalo.

Giữa hàng trăm “chấm vàng” là những người cần trợ giúp, xen lẫn một vài “chấm xanh” là những người đã được giúp đỡ, tôi chọn em một cách ngẫu nhiên. Tôi không quan tâm đến việc em có đăng ký tạm trú không, có sổ hộ nghèo không, chỉ đơn giản vì em là “chấm vàng” giữa không gian mạng.

IMG_3731

Nhiều đơn vị, nhà hảo tâm tại Cần Thơ đang nổ lực hỗ trợ cho những người dân gặp khó khăn bị ảnh hường bởi đại dịch.

Chat với những chấm vàng như có ai mách bảo phải lắng nghe người thân của mình,  nhiều lần tôi tự hỏi, một thanh niên 25 tuổi biết sử dụng công nghệ và điện thoại thông minh, nên em ấy có cơ hội tìm đến những người có thể giúp đỡ mình. Vậy còn những người lớn tuổi thì sao? Giữa lòng thành phố Cần Thơ, không khó để có kết nối internet, thế nhưng, vẫn có những người nghèo khó, không có điện thoại thông minh, không ở gần trung tâm, thậm chí ở những vùng ven đang bị cô lập thì tìm trợ giúp bằng cách nào? Họ dường như không tồn tại trong thế giới thực của các gói cứu trợ từ những tổ chức chính thức và cũng không tồn tại trong không gian mạng. Và lẽ dĩ nhiên, cho đến lúc này họ vẫn đói, vẫn cần thức ăn cho cả gia đình – một nhu cầu rất cơ bản của con người trên tháp nhu cầu Maslow.

Tôi thấy lòng mình nghẹn lại khi nhận được tin nhắn cảm ơn từ những chấm vàng về phần quà của tôi gởi tặng. Họ bày tỏ lòng biết ơn và nhắn nhủ tôi giữ liên lạc, là lời mời uống trà sữa khi đi làm trở lại, là chút quà quê mang đến cho tôi khi họ được về thăm nhà. “Chị ơi, nhà em cũng còn gạo, chị cho em xin ít thức ăn là được rồi”, có người nhắn tin cho tôi. Tôi tin người miền Tây thật thà, biết đủ là đủ, sẵn sàng nhường cơ hội cho người khác khó khăn hơn nên trả lời: “Chị tặng em rau và cá, còn gạo thì em cứ nhận. Dịch dã chắc còn dài nên dự trữ ít gạo ăn dần”.

Đồng bằng sông Cửu Long vốn được xem là vùng trũng về giáo dục, tỷ lệ học sinh bỏ học luôn ở mức cao so với các vùng kinh tế khác. Chỉ tính riêng năm 2019 tỷ lệ học sinh bỏ học vì nhiều lý do ở cấp tiểu học là 0,45%, trung học cơ sở 3,26% và trung học phổ thông 3,94%. Trình độ học vấn thấp khiến người lao động khó tìm được việc làm trong các xí nghiệp, nhà máy. Thêm vào đó là tính cách phóng khoáng của người miền Tây, càng khiến cuộc sống của họ khó khăn hơn khi tỷ lệ thu nhập dành để tiết kiệm là khá thấp. Một khi các biến cố ập đến như thiên tai, dịch bệnh, hay tai nạn thì nhiều người sẽ dễ dàng trở nên túng quẫn. Thế nhưng, cũng chính vì sự hào phóng, bao dung vốn có mà người dân miền Tây tham gia các hoạt động từ thiện rất nhiều. Tôi và vài người bạn kết nối với các bằng hữu ở Úc châu xa xôi, cùng chi viện cho Sài Gòn và Cần Thơ. Dựa vào sức dân, chúng tôi làm những việc rất đỗi bình dân: “chia gạo cho nhau”.

“Dân tự giúp dân” – tôi từng ngậm ngùi khi nghe câu nói này từ một em phụ hồ học vấn chưa hết tiểu học. Quả thật không sai, chúng tôi là dân, tự nguyện giúp đỡ lẫn nhau. Cả người cho và người nhận đều thấy ấm lòng. Nhưng tôi biết, sức dân có hạn. Khi tiền tiết kiệm cạn dần, tôi phải lo cho gia đình mình trước, phải đảm bảo bữa ăn vừa đủ chất cho con mình đang trong tuổi phát triển. Bạn bè tôi cũng vậy, khi con họ chưa no thì lấy gì để giúp đỡ hàng xóm!

Tôi tin vào “ý Đảng – lòng dân” và tinh thần “không để một người dân nào bị bỏ lại phía sau” mà bác Nguyễn Xuân Phúc đã từng nói. Tôi tin và chờ đợi gói an sinh xã hội đến được tay người nghèo, người lao động tự do, đúng người và đúng lúc.

Tôi may mắn hơn nhiều người khi vẫn còn có lương hàng tháng, và không phụ thuộc vào gói an sinh. Nhưng liệu cụ bà 63 tuổi bán vé số dạo ở xóm trọ kia còn chờ được bao lâu? Tôi không rõ!

Tôi sợ nghịch cảnh neo đơn, hiu quạnh của cụ - người không thể tự mình phát tín hiệu...

Hoàng Hồng Lộc  
Đoán trí thông minh của trẻ qua quan sát bàn tay

Đoán trí thông minh của trẻ qua quan sát bàn tay

Những đặc điểm như chiều dài ngón hay cấu trúc bàn tay có thể giúp phụ huynh nhận biết khả năng tư duy và tiềm năng phát triển của trẻ ngay từ nhỏ.

Ở nhà thuê có cần cúng ông Công ông Táo không?

Ở nhà thuê có cần cúng ông Công ông Táo không?

Cúng ông Công ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp là truyền thống lâu đời của người Việt. Nhiều người thuê nhà đang phân vân liệu có phải thực hiện nghi lễ này hay không?

Dọn nhà cuối năm bỏ 7 loại cây để đón vận may

Dọn nhà cuối năm bỏ 7 loại cây để đón vận may

Việc dọn dẹp cuối năm cần phải vứt bỏ một số cây cảnh không tốt cho phong thủy gia đình, xua đuổi xui xẻo ra khỏi nhà.

Cổ nhân dạy tháng 12 âm lịch không làm 5 điều

Cổ nhân dạy tháng 12 âm lịch không làm 5 điều

Những điều cấm kỵ trong tháng 12 âm tuy có phần mê tín nhưng cũng thể hiện sự mong đợi, cầu phúc trong năm mới cũng như sự tôn trọng, kế thừa văn hóa truyền thống của người dân.

Phối cảnh Đường hoa nghệ thuật Cần Thơ Tết Ất Tỵ năm 2025

Phối cảnh Đường hoa nghệ thuật Cần Thơ Tết Ất Tỵ năm 2025

(NSMT) - Đường hoa nghệ thuật Cần Thơ Tết Ất Tỵ năm 2025 với chủ đề “Hội tụ và phát triển”. Dự kiến khai mạc đưa vào phục vụ ngày 27/01/2025 và hoạt động đến hết ngày 03/02/2025 (từ ngày 28 tháng Chạp đến hết ngày mùng 6 Tết) tại tuyến đường Võ Văn Tần – Nguyễn Thái Học, quy mô khoảng 310m, kinh phí thực hiện khoảng 5,5 tỉ đồng được xã hội hóa, không dùng ngân sách.

Vì sao tháng Chạp không nên chuyển nhà?

Vì sao tháng Chạp không nên chuyển nhà?

Tháng Chạp là tháng cuối cùng trong năm Âm lịch, lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống mà còn được chứa đựng nhiều điều kiêng kỵ mang đậm dấu ấn tâm linh.

Xuân yêu thương 2025: Sự trở lại của hành trình trao gửi niềm vui dịp Tết cho trẻ em mồ côi

Xuân yêu thương 2025: Sự trở lại của hành trình trao gửi niềm vui dịp Tết cho trẻ em mồ côi

(NSMT) - Mùa xuân luôn là thời điểm sum vầy, chia sẻ những khoảnh khắc hạnh phúc bên gia đình, người thân. Tuy nhiên, không phải đứa trẻ nào cũng có được niềm vui ấy. Nhiều trẻ em mồ côi, cơ nhỡ và khuyết tật sống trong hoàn cảnh khó khăn, không có một mùa Tết đầy đủ như bao trẻ em khác. Để xoa dịu nỗi đau này, chương trình “Xuân yêu thương” tổ chức hàng năm tại TP Cần Thơ đã và đang trở thành một hành trình trao gửi yêu thương ý nghĩa, nối dài truyền thống tốt đẹp của dân tộc "Lá lành đùm lá rách".