Chế tài nghiêm khắc đối với hành vi bạo lực gia đình
Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, tình dục, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình. Người vi phạm tùy tính chất, mức độ, có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự với mức án cao nhất là tử hình.
Ðầu tháng 5-2024, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Tây Ninh tạm giữ hình sự Trần Lập Duy (ngụ ấp Nam Bến Sỏi, xã Thành Long, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh) để điều tra về hành vi giết người.
Theo kết quả điều tra ban đầu, vào chiều 2-5-2024, người dân phát hiện bé V (9 tháng tuổi) bị Duy - cha của bé V đánh, nằm bất động, liền báo công an. Sau đó, Công an xã Thành Long đến hiện trường đưa bé V đi cấp cứu, nhưng bé đã tử vong trước khi vào viện.
Qua điều tra ban đầu xác định, Duy không nghề nghiệp, đang nuôi 2 con nhỏ (1 bé 28 tháng tuổi và bé V 9 tháng tuổi). Vào trưa cùng ngày, Duy mua rượu về nhà uống một mình, đến khoảng 15 giờ, bé V thức dậy, được Duy cho uống sữa và tắm nhưng bé quấy khóc. Duy dỗ không được nên bực tức, tát, đấm vào mặt V. Sau đó, Duy thấy con gái sùi bọt mép nên gọi điện thoại báo cho cha mình biết sự việc.
Ðến 18 giờ 30 phút cùng ngày, Duy đến Công an xã Thành Long đầu thú và khai nhận hành vi phạm tội. Kết quả khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi xác định nguyên nhân tử vong của bé V là do chấn thương sọ não.
Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành quy định: tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, đối với hành vi bạo hành, tùy vào mức độ tương ứng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong các tội được quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) như: tội hành hạ người khác, tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác, tội vô ý làm chết người, tội giết người.
Ðối với tội hành hạ người khác được quy định tại Ðiều 140, Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017): người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình, nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Ðiều 185, Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017), thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 1-3 năm: đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ; gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 31% trở lên; đối với 2 người trở lên.
Ðối với tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác, Bộ luật Hình sự hiện hành quy định: người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 11-30% hoặc dưới 11% đối với người dưới 16 tuổi thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Về tội vô ý làm chết người, Bộ luật Hình sự hiện hành quy định: người nào vô ý làm chết người thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù 1-5 năm. Phạm tội làm chết 2 người trở lên thì bị phạt tù 3-10 năm.
Ðối với tội giết người, thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 12-20 năm, tù chung thân hoặc tử hình: giết 2 người trở lên; giết người dưới 16 tuổi; giết phụ nữ mà biết là có thai; giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân; giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình; giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác; để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân; thực hiện tội phạm một cách man rợ; bằng cách lợi dụng nghề nghiệp; bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người; thuê giết người hoặc giết người thuê; có tính chất côn đồ; có tổ chức; tái phạm nguy hiểm; vì động cơ đê hèn. Phạm tội không thuộc các trường hợp nêu trên thì bị phạt tù từ 7-15 năm. Người chuẩn bị phạm tội này thì bị phạt tù 1-5 năm. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc cấm làm công việc nhất định từ 1-5 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 1-5 năm.
Hoàng Yến (tổng hợp)/ Báo Cần Thơ
Khi mẹ là cô giáo
Chiến tranh kết thúc, mẹ tôi rời quân ngũ về làng rồi trở thành cô giáo. Làm con của cô giáo khiến tuổi thơ của tôi nhà cũng là trường mà trường cũng là nhà. Áp lực phải học giỏi, phải ngoan vì là con của cô giáo khiến tôi nhiều phen không còn là một đứa trẻ.
Hơn nửa thế kỷ đắp xây hạnh phúc
Cưới nhau từ năm 1973, ông Võ Văn Hai và bà Nguyễn Thị Điệp (ngụ khu vực Bình Thường A, phường Long Tuyền, quận Bình Thủy) là tấm gương về xây dựng gia đình văn hóa, con cháu thành tài. Hơn nửa thế kỷ qua, họ đã nắm tay nhau vượt qua gian khó để cùng đi đến bến bờ hạnh phúc.
Tài sản lớn nhất cuộc đời là người vợ xấu, đất cằn và chiếc áo bông rách
Tục ngữ có câu: “Ba tài sản lớn nhất của cuộc đời là người vợ xấu, đất cằn và chiếc áo bông rách”, nó chiếm bao nhiêu trong cuộc đời còn lại của bạn?
Vì sao ngày càng nhiều gia đình từ bỏ sàn gỗ?
Xu hướng trang trí lát sàn gỗ từng rất phổ biến nhưng hiện nay nhiều gia đình không còn lựa chọn. Sàn gỗ có chăng chỉ được lắp trong phòng ngủ, các phòng khác đều được lát gạch men.
Về nhà - về với yêu thương
Ðối với nhiều người, ngôi nhà không chỉ để ở mà còn mang giá trị tinh thần đặc biệt. Ðó còn là gia đình với sự bao dung, chở che, nâng đỡ và trách nhiệm dành cho nhau. Cuộc sống đôi khi phải đối mặt với khó khăn, thử thách... những lúc ấy, điểm tựa lớn nhất không đâu khác mà chính là mái nhà và những người thân yêu của mình.
Có nên thiết kế phòng tắm trong phòng ngủ?
Với sự thay đổi trong lối sống và sự đa dạng hóa nhu cầu sinh hoạt, phòng ngủ chính có phòng tắm có còn đáp ứng được nhu cầu của các gia đình hiện đại hay không và nên giữ lại hay loại bỏ đã trở thành đề tài bàn luận sôi nổi.
Có nên tiết lộ cho con cái biết về tiền lương hưu, sổ tiết kiệm?
Một người đàn ông 69 tuổi trăn trở: “Ở tuổi già, số tiền ký gửi này giống như một chiếc chìa khóa bí ẩn trong tay. Tôi không biết có nên trao lại cho con cháu hay không”.