Chợ nổi Ngã Năm trong mắt ai?
(NSMT) - Sáng của tuần đầu tháng 1 năm 2024, chú em ở TP. Hồ Chí Minh xuống Sóc Trăng chơi và nói nghe tên đã lâu mà chưa biết “mặt mũi” nên rủ tôi đi chợ nổi Ngã Năm cho biết. Vậy là hai anh em lên chiếc xe gắn máy tìm về Ngã Năm.
Mới sáng sớm, chúng tôi đã có mặt tại khu vực chợ nổi Ngã Năm nhưng thất vọng vì cả năm ngả sông trở nên vắng lặng, đìu hiu, không có một chiếc thuyền ghe nào của thương hồ như trước. Tấp vào một quán cà phê hỏi thì được bà chủ quán cho biết chợ nổi nay không còn mà đã lên bờ rồi....
Chợ nổi Ngã Năm thuộc địa bàn phường 1, thị xã Ngã Năm. Nơi họp chợ là nơi năm nhánh sông hợp lại. Thị xã Ngã Năm là một trong những địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh Sóc Trăng, có đường giao thông tương đối đồng bộ. Ngoài ra, còn có đường thủy nối liền các địa phương và các vùng lân cận như: Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang…với 5 nhánh sông tụ hội thành chợ nổi - là điểm thương mại sầm uất với cảnh quan sông nước thơ mộng, trữ tình, khiến ai đã từng một lần đến đều nhớ mãi.
Theo giải thích của các cụ cao niên ở địa phương, cái tên Ngã Năm xuất phát từ khi hai con kênh đào là kênh Xáng và kênh Quản lộ Phụng Hiệp cắt ngang qua một dòng sông tự nhiên tạo thành những nhánh sông đổ về năm ngả, gồm: Ngã Năm - Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang); Ngã Năm - Phụng Hiệp (cùng tỉnh Hậu Giang); Ngã Năm - Phước Long (tỉnh Bạc Liêu); Ngã Năm - Vĩnh Quới (cùng thị xã Ngã Năm); Ngã Năm - Phú Lộc, (thị trấn Phú Lộc, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng). Cũng vì thế mà Ngã Năm được mệnh danh là vùng đất mà một con gà gáy 3 tỉnh đều nghe. Và chợ nổi Ngã Năm nằm ở điểm hội tụ của 5 dòng kênh đó.
Trước đây, đến chợ nổi Ngã Năm, du khách gần như hoa mắt bởi cảnh buôn bán tấp nập cũng như mọi sinh hoạt của người bán người mua đều diễn ra trên ghe thuyền. Người bán dùng ghe xuồng làm nơi bán hàng, còn người mua cũng dùng xuồng ghe ra đó mua hàng, mặc dù bờ sông, bờ kênh rất gần. Đến chợ nổi Ngã Năm, trước mắt du khách chỉ thầy tàu thuyền san sát, đủ các loại ghe xuồng, lớn có, nhỏ có khiến cho mặt sông gần như hết chỗ, nhiều ghe xuồng phải luồn lách mới di chuyển được.
Hàng hóa mua bán ở chợ nổi Ngã Năm là các loại hoa màu, lúa, gạo, cây trái, rau, củ, quả…. Và nhiều mặt hàng khác phục vụ cho cuộc sống, cho sản xuất kinh doanh. Ban đầu do đường sá chưa có, sông nước dày đặc, đi lại khó khăn nên phải dùng ghe xuồng làm phương tiện đi lại. Ban đầu cũng chưa thể gọi là chợ mà chẳng qua là do nhà nông sản xuất được các loại hoa màu, nông sản, sau khi sử dụng trong nhà còn dư ra thì mang ra khúc sông đó, nơi có nhiều tàu thuyền qua lại, để trao đổi, mua bán. Sau đó, dần dần người bán người mua đông hơn, không chỉ ở trong vùng mà còn từ các nơi khác tới…nên thành chợ sầm uất.
Thầy Trần Minh Thương, giáo viên trường THPT Ngã Năm (Thị xã Ngã Năm) cho biết: Chợ nổi Ngã Năm ngày nào cũng họp, nhưng đông nhất vẫn là từ 3 - 4 giờ sáng cho đến khoảng trước 9 giờ thì thưa vắng. Vì lúc đó những người bán hàng mang hàng ra để cho người mua hàng lấy hàng xong là đưa về các nơi khác bán lại; chỉ còn lại một số ghe tàu tiếp tục thực hiện giao dịch mua bán hàng hóa để tiếp tục đưa đi muôn nơi…
Không chỉ mua bán hàng hóa, nhiều “cửa hàng” ăn uống cũng được thực hiện ngay trên những chiếc ghe, những chiếc xuồng, bán đủ các loại thức ăn như bún, cháo, hủ tiếu, mì,….cho thực khách. Còn gì thú hơn khi ngồi trên xuồng lắc lư theo nhịp sóng, bưng tô bún nước lèo đặc sản Sóc Trăng trên tay vừa ăn vừa ngắm cảnh sông nước hữu tình, ngắm cảnh họp chợ tấp nập trên bến dưới thuyền, nghe những lời mời, những tiếng rao ấm áp của người bán hàng.
Chợ nổi Ngã Năm mang nét mộc mạc nhưng khá hấp dẫn, vẫn giữ được cái hồn đặc trưng của chợ nổi miền Tây, là điểm du lịch lý tưởng cho khách du lịch đến đây tìm hiểu và khám phá. Với những tiềm năng đó, chợ nổi Ngã Năm đã được xếp vào một trong những điểm du lịch hấp dẫn của tỉnh Sóc Trăng.
Một người chèo đò đưa khách khu vực chợ nổi tâm sự: “Khi còn chợ nổi, người mua bán đông nên tôi chèo xuồng đưa đón người đi chợ hay chở khách tham quan chợ nổi, một ngày cũng có vài ba trăm ngàn. Nhưng từ khi chợ nổi lên bờ, không còn khách như trước nên thu nhập từ nghề chèo xuồng giảm sâu, ngày nào khá lắm thì được một trăm ngàn, có ngày không tới”.
Trao đổi với chúng tôi về việc chợ nổi Ngã Năm không còn hoạt động như trước, Tiến sĩ Trịnh Công Lý, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Sóc Trăng, chia sẻ: Ở Nam Bộ có nhiều chợ nổi như chợ nổi Cái Bè (Tiền Giang), chợ nổi Cái Răng (TP.Cần Thơ), chợ nổi Ngã Bảy – Phụng Hiệp (Hậu Giang) và chợ nổi Ngã Năm của tỉnh Sóc Trăng. Trước đây chợ hoạt động tấp nập, trên bến dưới thuyền. Nhưng do quá trình phát triển giao thông, thương hồ đã rời sông chuyển lên chợ trên đường, từ đó chợ nổi trở nên thưa vắng”.
Theo một chủ quán cà phê ở khu vực chợ nổi, mấy năm gần đây, khi hệ thống giao thông đường bộ phát triển, việc vận chuyển hàng hóa thuận tiện hơn, chi phí thấp hơn nên chợ nổi thưa vắng là điều dễ hiểu, hợp quy luật phát triển của cuộc sống. Nhưng không còn chợ nổi lại buồn. Nhiều du khách đến tham quan nhưng chợ nổi không còn họ cũng tiếc ngẩn ngơ.
Nghe chị chủ quán tâm sự, chú em tôi cũng...ngẩn ngơ khi đánh đường từ TP.Hồ Chí Minh xuống để được trải nghiệm nhưng năm dòng sông, năm ngả sông vẫn còn đó còn chợ nổi thì không còn. Nói chính xác hơn, chợ nổi còn nhưng chỉ còn nơi năm dòng sông gặp nhau, không phải là chợ dập duềnh trên sóng nước mà là chợ cặp sát bờ sông để vận chuyển hàng hoá lên chợ trên lề đường bộ. Từ đây, hàng hoá được cho lên xe ô tô đưa đi các nơi.
Tiến sĩ Trịnh Công Lý nói với tôi: Tỉnh Sóc Trăng đang tập trung nhiều giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy du lịch Chợ nổi Ngã Năm. Nghị quyết của Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân và kế hoạch triển khai Đề án tổng thể phát triển du lịch tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030 đã xác định du lịch văn hóa thương hồ Chợ nổi Ngã Năm là một trong 10 sản phẩm du lịch chủ lực của tỉnh. Việc bảo tồn chợ nổi phải đúng với thực tế văn hóa của cư dân thương hồ Tây Nam bộ như cách thức buôn bán, phong cách ăn mặc, giao tiếp để thu hút du khách đến với Chợ nổi Ngã Năm.
Được biết, Thị xã Ngã Năm đang hoàn thiện Đề án phát triển du lịch thị xã Ngã Năm gắn với bảo tồn chợ nổi giai đoạn 2021 -2025 để trở thành sản phẩm du lịch sông nước hấp dẫn chủ lực của tỉnh. Từ trung tâm chợ Ngã Năm theo đường sông đi 5 ngã sẽ nghiên cứu khai thác từng đoạn để phục vụ du khách gắn với trải nghiệm, tham quan làng nghề, hoạt động văn hóa, văn nghệ ven theo tuyến sông.
Ngồi nhâm nhi li cà phê trên tầng hai của một quán ven sông, nhìn ra vẫn thấy năm dòng sông từ năm ngả đổ về đây, gặp nhau trong chốc lát rồi chia tay nhau đi về năm ngả. Kẻ đi về một số địa phương của tỉnh Sóc Trăng, kẻ chia tay xuôi về Bạc Liêu, người bịn rịn để rồi nói lời chia tay đi về Hậu Giang, kẻ ngậm ngùi về Mỹ Tú (Sóc Trăng). Mặt sông yên tĩnh. Thi thoảng có chiếc ghe, xuồng chạy qua, mặt nước duềnh lên rồi lặng lại. Không còn cảnh tấp nập xuồng ghe ken cứng như năm nao. Không còn cảnh người mua kẻ bán tập nập từ khi chưa rõ mặt người cho đến lúc trời sáng hẳn như dạo nọ. Ly cà phê trở nên đắng ngắt. Không biết bao giờ...chợ nổi Ngã Năm...
Mỹ Khánh Royal: Trải nghiệm du thuyền khám phá Cần Thơ về đêm
(NSMT) - Tổ chức tiệc tùng, liên hoan, cưới hỏi hay đơn giản chỉ là những buổi tiệc riêng tư ấm cúng bên gia đình và bạn bè, tất cả đều có thể trở nên đặc biệt hơn khi được thực hiện trên một chiếc du thuyền, đưa bạn dạo một vòng quanh Cần Thơ lung linh về đêm. Trong không gian thư thái ấy, bạn không chỉ thưởng thức những món đặc sản miền Tây thơm ngon mà còn được tận hưởng cảnh sắc sông nước bình yên, mang đến một trải nghiệm tuyệt vời không thể bỏ qua khi du lịch vùng đất Tây Đô cùng du thuyền Mỹ Khánh Royal.
Đa dạng sản phẩm du lịch khai thác văn hóa bản địa
Văn hóa bản địa được xem là tài nguyên đem đến nét đặc trưng cho du lịch của vùng đất. Việc khai thác tốt các giá trị văn hóa trong hoạt động du lịch sẽ làm nên những sản phẩm khác biệt thu hút du khách. Tại Cần Thơ, nhiều điểm đến, doanh nghiệp du lịch đã sớm tiếp cận xu hướng này và ngày càng có nhiều đơn vị khai thác đa dạng sản phẩm du lịch từ văn hóa.
Cà Mau nỗ lực xây dựng sản phẩm OCOP du lịch
(NSMT) - Thời gian qua, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau thực hiện kế hoạch của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, về việc thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới đến năm 2025.
Phú Quốc vào top những hòn đảo tuyệt vời nhất thế giới năm 2024
(NSMT) - Tạp chí du lịch Condé Nast Traveler công bố TP Phú Quốc vào top những hòn đảo tuyệt vời nhất thế giới năm 2024, hạng mục do độc giả bình chọn. Đây là năm thứ ba liên tiếp thành phố được bình chọn vào top này.
Về Cà Mau
(NSMT) - Mũi Cà Mau tọa lạc tại nơi cực Nam của Tổ quốc là nơi đặt cột mốc tọa độ quốc gia. Nơi đây là điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Về miền Tây mùa nước nổi
Theo con nước từ thượng nguồn Mekong, hằng năm từ tháng 8 đến tháng 11 âm lịch, miền Tây vào mùa nước nổi. Mùa nước nổi trở thành một phần của văn hóa sông nước gắn liền với đời sống của người dân miền Tây. Do đó, khám phá mùa nước nổi miền Tây cũng là trải nghiệm được nhiều du khách lựa chọn.
Huyền thoại Bạc Liêu
(NSMT) - Bạc Liêu, một vùng đất đầy huyền thoại, là nơi lưu giữ nhiều di tích lịch sử, ghi dấu ấn từ những ngày đầu khai hoang. Tỉnh mang đậm sắc thái văn hóa của ba dân tộc Kinh, Hoa và Khmer, tạo nên những công trình văn hóa độc đáo, góp phần làm nổi bật vẻ đẹp riêng biệt của Bạc Liêu.