Yêu 360°

Con nhà lính

Thứ bảy, 21/12/2024, 14:26 PM

Là con nhà lính, chơi đánh trận giả, tôi luôn phải dũng cảm và… hy sinh trên tuyến đầu lửa đạn. Là con nhà lính, tuổi thơ tôi sống trong gia đình mà như doanh trại.

Năm 1970, cha tôi tròn 18 nhưng chỉ nặng gần 40 cân, cao chưa quá mét rưỡi. Để được cầm súng vào Nam chiến đấu, cha phải lén bỏ thêm mấy hòn đá vào túi quần cho đủ cân nặng. Hồi mới vào lính, vì thấp bé nên mỗi lần lái xe tải chở lương thực, vũ khí dọc đường Trường Sơn, cha phải kê thêm chiếc gối vào ghế lái mới nhìn thấy đường. Cùng năm, ở xã bên, mẹ tôi chưa tròn 17 cũng lên đường vào Nam “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.

Mẹ đi đánh giặc mà không hề biết, lúc ấy người anh trai hơn mình 4 tuổi vừa nằm lại mãi mãi ở chiến trường.

Cha tôi trước ngày vào Nam chiến đấu năm 1970

Cha tôi trước ngày vào Nam chiến đấu năm 1970

Hồi nhỏ mỗi lần xem phim về chiến tranh, tôi thường hình dung mẹ có hai bím tóc, một tay cầm xẻng, một tay cầm hoa vẫy chào những đoàn xe, trong đó có cha đang hành quân vào chiến trường.

Rồi cha mẹ gặp nhau, cô gái công binh mở đường gặp anh chiến sỹ vận tải lái xe chở đạn, họ yêu nhau giữa rừng Trường Sơn mùa hoa nở. Nhưng chiến tranh không đẹp như những bài ca. Cha bao lần lái xe băng qua làn mưa bom bão đạn, mẹ bấy nhiêu lần hành quân bên những cánh rừng chết cháy bởi chất độc hóa học dioxin. Họ cùng nhau ra tiền tuyến nhưng chưa từng gặp nhau trên bước đường hành quân.

Tết độc lập đầu tiên sau ngày non sông liền một dải, họ cưới nhau chỉ sau một tuần quen biết. Đám cưới đầu xuân, ông nội tôi mượn một chiếc xe đạp Thống Nhất làm xe hoa. Trên con đường đất ngoằn nghoèo, chú rể mặc bộ quân phục màu cỏ úa, cô dâu bận chiếc áo trắng còn sớt chỉ đường tà. Đôi bồ câu hòa bình trên sân khấu được cắt dán từ trang giấy trắng học trò của cô út.

Tân hôn chưa kịp bén hơi nhau, cha lại biền biệt theo những mùa trăng biên cương, bỏ lại mẹ ở làng cùng những mùa xuân mòn mỏi đợi chờ. Hòa bình chỉ đẹp qua những trang thư còn chia ly vẫn neo vào lòng người bao nhớ nhung, khắc khoải.

Tết năm nào mẹ cũng thở dài trông ngóng. Thư nào cha cũng hứa Tết này sẽ “gửi nắng cho em” bằng một cành mai vàng khoe sắc ấm . Nhưng hết xuân năm này đến Tết năm khác, lòng người chờ đợi muốn hóa vọng phu. Sau ngày đất nước thống nhất, biên giới chưa yên nên bàn chân cha vẫn trải khắp các chiến trường. Mỗi lần nghe tiếng bác đưa thư, cả bà và mẹ đều thảng thốt giật mình… Biết đâu không phải thư mà là giấy báo tử, biết đâu… cha tôi cũng sẽ đi mãi không về… như các chú, các bác ở làng.

Mẹ tôi đã sống trong thấp thỏm, chờ đợi người chồng, người đồng đội như thế suốt 5 năm dài sau chiến tranh. Mẹ chỉ ao ước cha sớm hoàn thành nhiệm vụ, trở về quê đi biển, phụ ông nội làm thợ mộc để được gần nhau. Nhưng binh nghiệp đã ngấm vào máu cha. Từ khắp các chiến trường B, C, K, cha đã dành hết thời trai trẻ cho giấc mộng trường chinh.

Rồi anh em chúng tôi chào đời, mẹ xem con cái là mùa xuân của cuộc đời mình, là món quà lớn nhất mà cha đã dành cho mẹ. Cả 4 lần mẹ vượt cạn, cha đều không có ở bên. Mãi đến năm tôi tròn 3 tuổi mới được gặp cha lần đầu. Cứ thế, mấy anh em tôi, đứa nào cũng sinh vào cuối tháng 9 âm lịch. Là bởi bộ đội chỉ được nghỉ phép vào dịp Tết. Mùa xuân huy hoàng đã gieo vào lòng mẹ những trái ngọt tình yêu để 9 tháng 10 ngày sau chúng tôi chào đời như một chứng nhân của lịch sử.

Cha mẹ tôi thời trẻ (Ảnh phục chế)

Cha mẹ tôi thời trẻ (Ảnh phục chế)

Tuổi thơ con nhà lính, nếu bị đám trẻ cùng làng bắt nạt, tôi chỉ còn cách chạy về mách mẹ kèm theo lời dọa… gió: “Cha tao có súng đấy”. Mỗi lần thấy các chú, các cậu từ biển về xách theo những xâu cá, bà nội tôi lại thở dài: hòa bình rồi sao đi mãi, không về đi rùng kiếm cá nuôi con… Mỗi lần thấy bố của đám bạn cõng chúng lên vai, tôi chỉ biết ước… Mỗi lần chơi trò đánh trận giả, vì là con nhà lính, bạn bè bắt tôi phải xung phong tiến lên trận địa ác liệt nhất, rồi bị thương, rồi hy sinh như thật. Có hôm “diễn” sâu quá, bị đám bạn đấm đá sưng hết người nhưng tôi không được phép khóc chỉ vì… con nhà lính phải dũng cảm.

Những ngày phép ngắn ngủi của cha, với mẹ và anh em chúng tôi luôn là những ngày Tết. Ngay cả sau này khi đã chuyển công tác về Hà Nội, mỗi năm cha chỉ về nhà vài lần, mỗi lần đôi ba ngày. Rồi đến lúc đã là chỉ huy trung đoàn, lễ, tết, cha luôn xung phong trực cho anh em, đồng đội nghỉ. Bao giờ cha cũng đặt việc nước lên trên việc nhà. Mẹ vì thế đã thiệt thòi lại càng thiệt thòi hơn.

Như để bù đắp cho thanh xuân đằng đẵng đợi chờ của mẹ, ngày nhận quyết định nghỉ hưu, cha bán miếng đất được cấp giữa thủ đô Hà Nội về quê xây nhà cho cho vợ. Nhiều người nói cha dại nhưng chỉ anh em chúng tôi hiểu, cha đã quyết định đúng.

Giờ thì cha mẹ tôi đã ngoài bảy mươi, vẫn duy trì nếp sống như doanh trại. Sáng dậy sớm tập thể dục, đọc báo, nghe đài, chiều ruộng vườn, bếp núc. Ông bà vẫn tháng giận nhau mấy lần nhưng xa nhau vài ngày là nhớ.

Quang Duy  
Từ khóa:
Xu hướng hẹn hò của giới trẻ

Xu hướng hẹn hò của giới trẻ

Những xu hướng hẹn hò nổi bật trên Tinder cho thấy, giới trẻ bước vào chuyện tình cảm với tâm thế chủ động, hiểu rõ mình tìm kiếm điều gì và sẵn sàng đón chào năm mới.

Còn đâu mái ấm gia đình!

Còn đâu mái ấm gia đình!

Chỉ vì níu kéo tình cảm không thành, trong cơn ghen tuông mù quáng, Phan Việt Cường (41 tuổi, ngụ quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) dùng hung khí nguy hiểm ra tay tàn nhẫn với vợ. Nhưng nhát dao oan nghiệt lại đâm trúng vào đứa con bé bỏng đang nằm ngủ bên cạnh, khiến cháu phải rời bỏ cõi đời khi chưa tròn 2 tuổi. Trả giá cho hành động nông nổi, tàn ác, Cường phải lãnh mức án 17 năm tù về tội giết người.

Nỗi khổ tâm của người chồng gặp chuyện

Nỗi khổ tâm của người chồng gặp chuyện "khó nói"

Người đàn ông từng có một cuộc hôn nhân đổ vỡ đang đứng trước lo sợ về cuộc hôn nhân hiện tại do chuyện "khó nói".

Chồng ngoại tình, tôi làm đơn ly hôn nhưng rồi xé vội

Chồng ngoại tình, tôi làm đơn ly hôn nhưng rồi xé vội

Chồng ngoại tình, tôi làm đơn ly hôn nhưng rồi xé vội sau câu trách móc từ anh ta tôi đau khổ và dằn vặt khi mình cũng là nguyên nhân trong đó.

“Dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về”

“Dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về”

Người xưa thường nói “Dạy con từ thuở còn thơ, dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về”, ý nói người cha phải dạy dỗ con cái từ khi còn nhỏ, và người chồng có trách nhiệm hướng dẫn và chỉ bảo khi vợ mới vào gia đình. Tuy nhiên, thời nay, chuyện “dạy vợ” đã khác xưa và cách “dạy vợ” như thế nào cho phù hợp mới là quan trọng.

“Vỏ bọc” hôn nhân

“Vỏ bọc” hôn nhân

(NSMT) - Nhiều cặp đôi không còn tình cảm nhưng vì một số lý do nên chưa chọn giải pháp chia tay. Chung nhà nhưng vợ chồng cư xử như người xa lạ, chỉ còn ràng buộc trên danh nghĩa về con cái, tài sản, sự nghiệp... Cuộc sống thiếu sự cảm thông, chia sẻ, không chỉ gây tổn thương cho đôi bên mà còn tác động tiêu cực đến người thân.