Dấu ấn công viên Lưu Hữu Phước trong lòng người Cần Thơ
(NSMT) - Nằm giữa trung tâm quận Ninh Kiều, công viên Lưu Hữu Phước có tổng diện tích hơn 1,6 ha được đầu tư cơ sở hạ tầng khá đồng bộ nên thu hút đông đảo người dân đến vui chơi giải trí, tập thể dục thể thao. Bên cạnh công năng chính, nơi đây còn được sử dụng như một quảng trường để tổ chức các sự kiện quan trọng của thành phố Cần Thơ.
Ngược dòng thời gian, vào khoảng những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ 20 trở về trước, khu vực công viên Lưu Hữu Phước bây giờ chỉ là bãi đất hoang, nhởn nhơ vài con bò ung dung gặm cỏ giữa trưa nắng. Ban đêm, khi có việc phải ngang qua nơi này các cô gái còn e dè, không dám đi một mình.
Cùng với đà phát triển của kinh tế - xã hội, bãi đất trống năm xưa được chính quyền Cần Thơ cải tạo để xây dựng thành một công viên, tạo không gian văn hóa mà mọi người dân đều được thụ hưởng.
![IMG_20220817_081609](https://i.ex-cdn.com/mientay.giadinhonline.vn/files/content/2022/08/26/img_20220817_081609-0711.jpg)
Công viên Lưu Hữu Phước là địa điểm thường xuyên được Tạp chí Gia đình Việt Nam tổ chức các chương trình xã hội phi thương mại phục vụ cộng đồng, được nhiều lãnh đạo TP tin tưởng đến dự cùng sẻ chia, kết nối yêu thương. Ảnh: Trung Phạm
Ban đầu, công viên Lưu Hữu Phước được xây dựng theo lối khép kín với các cổng ra vào có cửa khóa và hàng rào kiên cố bao quanh. Có lẽ để tạo nguồn thu trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn rất eo hẹp nên ban đầu công viên này cho phép tư nhân vào thuê mặt bằng để kinh doanh các loại hình dịch vụ như: quán giải khát, trò chơi trẻ em, đu quay (thời ấy được xem như đu quay có chiều cao cao nhất miền Tây)…
Đến đầu năm 2015, công viên Lưu Hữu Phước được thành phố Cần Thơ đầu tư nguồn kinh phí lớn để tu bổ, nâng cấp thành một công viên bề thế, hiện đại nhằm tạo điểm nhấn văn hóa xứng tầm với vị thế đô thị loại 1 trực thuộc trung ương, trung tâm khu vực Đồng bằng sông Cửu Long của thành phố Cần Thơ như bây giờ.
![](https://i.ex-cdn.com/mientay.giadinhonline.vn/files/content/2022/08/24/1b61beb36aaeaff0f6bf-2022.jpg)
![(Ảnh Internet).](https://i.ex-cdn.com/mientay.giadinhonline.vn/files/content/2022/08/24/d1cf3137e52a2074793b-2023.jpg)
(Ảnh Internet).
Mang tên người nhạc sĩ cách mạng tài hoa Lưu Hữu Phước nên công viên này được thiết kế theo dáng hình cây đàn ghi ta (cách điệu) rất độc đáo. Ngay giữa trung tâm công viên là bức tượng đồng người nhạc sĩ tay cầm đàn ghi ta, chân tiến về phía trước, gương mặt ngời ngời khí chất. Có thể nói đây là tác phẩm nghệ thuật rất thành công của điêu khắc gia khi lột tả được cái thần của một nhân sĩ miền Tây qua những đường nét.
Bên cạnh đó công viên Lưu Hữu Phước có rất nhiều hàng cây xanh che bóng mát rượi và những tiểu đảo hoa nhiều màu sắc, thảm cỏ xanh rờn tạo được những điểm nhấn ấn tượng trên bức tranh tổng thể tuyệt đẹp. Đặc biệt, công viên Lưu Hữu Phước hiện nay được xây dựng theo kiểu không có hàng rào bao quanh nên đã tạo được một không gian mở, gần gũi, thân thương như tấm lòng hào sảng của người miền Tây.
![IMG_20220817_081501](https://i.ex-cdn.com/mientay.giadinhonline.vn/files/content/2022/08/26/img_20220817_081501-0720.jpg)
Chương trình Đêm hội Trăng rằm - San sẻ yêu thương được Tạp chí Gia đình Việt Nam tổ chức hằng năm phục vụ các cháu thiếu nhi tại CV Lưu Hữu Phước. Ảnh: Trung Phạm
Ông V.H.H 64 tuổi, nhà ở phường An Cư quận Ninh Kiều tâm sự: “Vợ chồng tôi đều đã về hưu nên coi công viên này như một người bạn tri âm. Mỗi tối, vợ chồng tôi hay vào công viên đi dạo, hít thở khí trời trong lành, bà xã tranh thủ sử dụng miễn phí trên những thiết bị thể dục lắp đặt sẵn trong công viên. Sáng, tôi cùng các ông bạn về hưu trong xóm vào công viên vừa chạy bộ vừa chia sẻ tâm tình. Hổng chừng nhờ cái công viên này mà tuổi thọ tụi tui tăng lên, BHXH còn trả lương hưu cho tụi tôi dài dài đó mấy chú”.
Một cô bạn Việt kiều Mỹ thì nhận xét: “Không khó để nhận ra vị trí đắc địa của công viên Lưu Hữu Phước. Có thể nói mỗi tấc đất ở đây đều là “tấc vàng” theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Nhìn sang phía bên kia đường, Bệnh viện đa khoa thành phố được xây dựng hoành tráng, hiện đại với tầng thượng nghe nói được thiết kế đủ để trực thăng đáp như muốn truyền đi thông điệp: chính quyền thành phố dành mọi điều tốt đẹp nhất cho các công trình phúc lợi để phục vụ lợi ích người dân”.
Được biết, kinh phí để quản lý, duy tu và chăm sóc cây xanh ở công viên Lưu Hữu Phước mỗi năm tốn khoảng 2,7 tỉ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước. Thế cho nên hiện nay đã xuất hiện Đề án thí điểm cho doanh nghiệp khai thác một phần công viên Lưu Hữu Phước nhằm tạo thêm nguồn thu ngân sách, tăng kinh phí duy tu bảo dưỡng các công trình phúc lợi xã hội.
![(Ảnh Internet).](https://i.ex-cdn.com/mientay.giadinhonline.vn/files/content/2022/08/24/d7e97d3ca9216c7f3530-2023.jpg)
(Ảnh Internet).
“Công viên được xây dựng theo phương án không gian mở, nhưng chủ yếu phục vụ việc nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí, luyện tập thể dục - thể thao cho người dân, chưa được đầu tư, khai thác các dịch vụ có thu phí” (đăng trên Báo Tuổi Trẻ Online 15/8/2022).
Trong khi đó, theo thiển ý của người viết bài thì chính yếu tố phi thương mại là một trong những nét đẹp tạo nên giá trị nhân văn của công viên Lưu Hữu Phước. Số tiền 2,7 tỉ đồng mỗi năm nhà nước bỏ ra để duy tu, bảo dưỡng công viên Lưu Hữu Phước không hề lãng phí bởi có những giá trị mà khi mất đi có bỏ bao nhiêu tiền cũng không tìm lại được.
Ở nhà thuê có cần cúng ông Công ông Táo không?
Cúng ông Công ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp là truyền thống lâu đời của người Việt. Nhiều người thuê nhà đang phân vân liệu có phải thực hiện nghi lễ này hay không?
Dọn nhà cuối năm bỏ 7 loại cây để đón vận may
Việc dọn dẹp cuối năm cần phải vứt bỏ một số cây cảnh không tốt cho phong thủy gia đình, xua đuổi xui xẻo ra khỏi nhà.
Cổ nhân dạy tháng 12 âm lịch không làm 5 điều
Những điều cấm kỵ trong tháng 12 âm tuy có phần mê tín nhưng cũng thể hiện sự mong đợi, cầu phúc trong năm mới cũng như sự tôn trọng, kế thừa văn hóa truyền thống của người dân.
Phối cảnh Đường hoa nghệ thuật Cần Thơ Tết Ất Tỵ năm 2025
(NSMT) - Đường hoa nghệ thuật Cần Thơ Tết Ất Tỵ năm 2025 với chủ đề “Hội tụ và phát triển”. Dự kiến khai mạc đưa vào phục vụ ngày 27/01/2025 và hoạt động đến hết ngày 03/02/2025 (từ ngày 28 tháng Chạp đến hết ngày mùng 6 Tết) tại tuyến đường Võ Văn Tần – Nguyễn Thái Học, quy mô khoảng 310m, kinh phí thực hiện khoảng 5,5 tỉ đồng được xã hội hóa, không dùng ngân sách.
Vì sao tháng Chạp không nên chuyển nhà?
Tháng Chạp là tháng cuối cùng trong năm Âm lịch, lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống mà còn được chứa đựng nhiều điều kiêng kỵ mang đậm dấu ấn tâm linh.
Xuân yêu thương 2025: Sự trở lại của hành trình trao gửi niềm vui dịp Tết cho trẻ em mồ côi
(NSMT) - Mùa xuân luôn là thời điểm sum vầy, chia sẻ những khoảnh khắc hạnh phúc bên gia đình, người thân. Tuy nhiên, không phải đứa trẻ nào cũng có được niềm vui ấy. Nhiều trẻ em mồ côi, cơ nhỡ và khuyết tật sống trong hoàn cảnh khó khăn, không có một mùa Tết đầy đủ như bao trẻ em khác. Để xoa dịu nỗi đau này, chương trình “Xuân yêu thương” tổ chức hàng năm tại TP Cần Thơ đã và đang trở thành một hành trình trao gửi yêu thương ý nghĩa, nối dài truyền thống tốt đẹp của dân tộc "Lá lành đùm lá rách".
Tản mạn với làng nghề gạch - gốm trăm năm
Năm 2024, tỉnh Vĩnh Long có một sự kiện quan trọng, tiêu biểu: Festival Gạch Gốm Đỏ - Kinh Tế Xanh lần thứ nhất nhằm tôn vinh nghề gạch - gốm trăm năm tồn tại ở xứ này; qua đó quảng bá thương hiệu, đồng thời bảo tồn, phát huy di sản, kêu gọi đầu tư, phát triển du lịch, thu hút khách trong và ngoài nước đến với làng nghề độc đáo, hiếm có ở miền Tây Nam Bộ.