Dạy trẻ nhận tiền lì xì ngày đầu năm
(NSMT) - Lì xì đầu năm là phong tục tốt đẹp của người Việt trong dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, những năm gần đây, thái độ ứng xử với lì xì, đặc biệt là của trẻ em lại trở thành nỗi băn khoăn trong nhiều bậc phụ huynh.
Cùng với bánh chưng, mứt Tết, Tết truyền thống của người Việt không thể thiếu sắc đỏ rực rỡ của những phong bao lì xì. Lì xì Tết là việc người lớn mừng tuổi cho trẻ con để đánh dấu một năm mới bắt đầu. Thông qua việc lì xì, người lớn chúc cho trẻ nhỏ một năm mới may mắn, mạnh khỏe, gặt nhiều thành công trong công việc, học tập.
Tục lì xì không còn giới hạn trong việc người lớn lì xì cho trẻ nhỏ. Con cái cũng có thể mừng tuổi những bậc cao niên như ông bà, cha mẹ. Đó gọi là chúc thọ, cầu mong cho ông bà, cha mẹ sống thọ, sống lâu cùng con cháu.
Có thể thấy, bao lì xì tuy nhỏ nhưng chứa đựng trong đó một giá trị to lớn. Mà đã nói to lớn thì phải xét về ý nghĩa tinh thần, trong khi đó nếu xét về vật chất thì không còn to lớn nữa thậm chí mất đi ý nghĩa của nó.
Nếu như ngày xưa người ta chỉ cần ít tiền, tiền mới, có thể có thêm nhiều loại khác nhau như tiền hào, tiền xu... để mừng tuổi thì bây giờ nhiều người phải cho thật nhiều, cho làm sao người này bằng người kia. Chính từ những lối tư duy và suy nghĩ đó của người lớn, khiến con trẻ không hiểu được hết ý nghĩa nhân văn của việc lì xì trong ngày Tết truyền thống mà chỉ quan tâm tới giá trị vật chất bên trong mỗi phong bao lì xì. Chính từ đây, không ít tình huống "dở khóc dở cười" đã xảy ra khi trẻ nhận lì xì. Có trẻ quên cảm ơn người lì xì, có bé vừa nhận đã mở ra ngay trước mặt, đôi khi có bé còn chê tiền lì xì quá ít...
Thậm chí, không ít trẻ chỉ trực chờ khách đến nhà dịp Tết để nhận tiền lì xì. Nhiều trường hợp khi khách vừa mới bước vào cửa nhà là lập tức vòi vĩnh, nói lặp đi lặp lại “lì xì cho cháu đi” hay “lì xì cho con đi…”. Hay câu nói “Còn anh/chị/em cháu nữa ạ!” cũng trở thành câu nói quen thuộc của nhiều em nhỏ mỗi khi nhận được phong bao lì xì trong trường hợp anh chị em ruột thịt vắng nhà. Thấy đứa trẻ “đòi” như vậy nên chẳng ai có thể từ chối.
Đối với những khách đã chuẩn bị sẵn thì việc đưa lì xì trước hay sau không mấy quan trọng. Tuy nhiên, với những người không có ý định lì xì hay trong túi “hạn hẹp” về tiền bạc thì việc bị đứa bé “đòi” như vậy mà không lì xì thì sẽ gây ra tình huống rất khó xử.
Chính vì vậy, để trẻ ứng xử có văn hóa, cư xử phải phép, vui và đẹp lòng khách khi được nhận tiền lì xì, các bậc cha mẹ và những người lớn trong gia đình phải luôn chú trọng uốn nắn, hướng dẫn, dạy bảo trẻ từ những điều đơn giản, nhỏ nhặt nhất.
Dạy con từ ý nghĩa của phong bao lì xì
Xung quanh mỗi phong bao lì xì có rất nhiều câu chuyện. Cha mẹ nên bắt đầu dạy con về ý nghĩa của lì xì và không phải tất cả người lớn đều phải tặng lì xì cho trẻ nhỏ.
Tục lệ lì xì đầu năm mới có từ thời xa xưa. Tương truyền, khi ông Táo, người phụ trách bếp lửa, sự no ấm, an nguy của gia đình về chầu trời, quỷ dữ dưới trần thừa cơ làm loạn. Bọn chúng lẻn vào những nhà có trẻ nhỏ, quấy nhiễu và gây bệnh tật cho trẻ.
Để xua đuổi ma quỷ và chúc cho trẻ con khoẻ mạnh, người dân bỏ một đồng tiền gói trong giấy đỏ vào dưới gối như bùa hộ mệnh. Phép lạ này nhanh chóng lan truyền ra khắp nhân gian. Từ đó mỗi dịp Tết, người ta lại bỏ tiền vào trong những cái túi màu đỏ tặng trẻ con, ý chúc trẻ khỏe mạnh, ăn mau chóng lớn, học hành giỏi giang. Dần dần điều này hình thành nên tục lì xì đầu năm.
Phong bao lì xì là tượng trưng cho sự kín đáo, không so bì hơn thua, để tránh dẫn đến những xích mích không đáng có. Màu đỏ của chiếc bao lì xì tượng trưng cho màu như ý, cát tường, thịnh vượng trong suốt cả năm. Ngoài ra, đó cũng được coi là màu của niềm hy vọng và sự may mắn.
Qua sự giải thích của cha mẹ, trẻ sẽ hiểu tiền lì xì mang ý nghĩa mừng tuổi, cầu mong sức khỏe, thể hiện tình cảm yêu mến mà người lớn dành cho trẻ nhỏ, chứ không mang nặng ý nghĩa về vật chất. Do đó trẻ không được kỳ vọng về số tiền mà mình nhận được. Đây là bài học đầu tiên trong kỹ năng sống mà trẻ có thể học được từ tục lì xì ngày Tết.
Nhận lì xì đúng cách
Ngay từ khi trẻ còn nhỏ, cha mẹ cần dặn dò con thật cẩn thận về việc nhận lì xì. Tuyệt đối thấy khách đến nhà không được chạy tới với vẻ chờ đợi. Càng không được đòi khi khách chưa lì xì.
Khi nhận lì xì từ người lớn phải đưa cả hai tay ra đón nhận bao lì xì và bày tỏ thái độ biết ơn và chúc Tết lại người lớn với những lời chúc phúc, may mắn đầu năm mà không cần ba mẹ nhắc nhở.
Cha mẹ có thể giúp bé suy nghĩ một số câu chúc đơn giản phù hợp với từng đối tượng. Chẳng hạn, khi chúc ông bà thì chúc sức khỏe dồi dào, sống lâu trăm tuổi; khi chúc cô chú thì năm mới phát tài, vạn sự như ý... Bên cạnh đó, cha mẹ hãy giúp bé hiểu khi nhận được những lời chúc Tết của bé, mọi người sẽ cảm thấy rất vui vẻ.
Bố mẹ cũng đặc biệt lưu ý, dặn con trẻ một số điều kiêng kị: không được mở lì xì trước mặt người lớn; không bình luận về số tiền lì xì. Bố mẹ có thể giúp con thực hành ứng xử ở nhà để con có thể thực hiện ngay cả khi không có bố mẹ bên cạnh nhắc nhở. Kỹ năng sống được hình thành thông qua một quá trình, vì vậy, bố mẹ nên tạo điều kiện để trẻ có cơ hội tập luyện.
Không chỉ trẻ nhỏ mà ngay cả người lớn cũng cần chú ý thái độ và hành vi của mình khi trẻ nhận lì xì. Cha mẹ không nên hỏi các con về số lượng tiền lì xì con nhận được hay sân si việc mình lì xì con họ nhiều sao họ lại lì xì con mình ít thế. Bởi vì khi bố mẹ quá quan tâm đến số tiền trẻ nhận được như vậy, vô tình khiến con trẻ có tư duy coi trọng vật chất, giá trị của đồng tiền, làm mất đi ý nghĩa của việc mừng tuổi năm mới.
Bên cạnh đó, nếu người lớn muốn tập trung vào giá trị tinh thần của món quà lì xì đầu năm thì hoàn toàn có thể chuyển những đồng tiền lì xì thành những món quà ấm áp và ý nghĩa như: tặng cây, tặng hạt giống, tặng quà handmade, tặng sách...cho trẻ.
Tài sản lớn nhất cuộc đời là người vợ xấu, đất cằn và chiếc áo bông rách
Tục ngữ có câu: “Ba tài sản lớn nhất của cuộc đời là người vợ xấu, đất cằn và chiếc áo bông rách”, nó chiếm bao nhiêu trong cuộc đời còn lại của bạn?
Vì sao ngày càng nhiều gia đình từ bỏ sàn gỗ?
Xu hướng trang trí lát sàn gỗ từng rất phổ biến nhưng hiện nay nhiều gia đình không còn lựa chọn. Sàn gỗ có chăng chỉ được lắp trong phòng ngủ, các phòng khác đều được lát gạch men.
Về nhà - về với yêu thương
Ðối với nhiều người, ngôi nhà không chỉ để ở mà còn mang giá trị tinh thần đặc biệt. Ðó còn là gia đình với sự bao dung, chở che, nâng đỡ và trách nhiệm dành cho nhau. Cuộc sống đôi khi phải đối mặt với khó khăn, thử thách... những lúc ấy, điểm tựa lớn nhất không đâu khác mà chính là mái nhà và những người thân yêu của mình.
Có nên thiết kế phòng tắm trong phòng ngủ?
Với sự thay đổi trong lối sống và sự đa dạng hóa nhu cầu sinh hoạt, phòng ngủ chính có phòng tắm có còn đáp ứng được nhu cầu của các gia đình hiện đại hay không và nên giữ lại hay loại bỏ đã trở thành đề tài bàn luận sôi nổi.
Có nên tiết lộ cho con cái biết về tiền lương hưu, sổ tiết kiệm?
Một người đàn ông 69 tuổi trăn trở: “Ở tuổi già, số tiền ký gửi này giống như một chiếc chìa khóa bí ẩn trong tay. Tôi không biết có nên trao lại cho con cháu hay không”.
Tâm thư gửi vợ ngày 20/10
Hạnh phúc là 365 ngày biết hài lòng chứ không phải chỉ một hai ngày hoan hỷ. Nếu không phải đánh đông dẹp bắc, anh cũng sẽ sẵn sàng ẵm con, nhặt rau để em lắp bóng đèn, sửa đường ống nước.
Top 10 quà tặng độc đáo cho Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10
Ngày Phụ Nữ Việt Nam 20/10 là dịp lý tưởng để thể hiện lòng biết ơn và tôn vinh người phụ nữ trong cuộc sống của bạn. Một cách tuyệt vời để làm điều này là thông qua việc tặng những món quà ý nghĩa và đặc biệt.