Kiên Giang tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
Sáng ngày 25/4, tỉnh Kiên Giang long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025).

Toàn cảnh Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Các đại biểu tham dự buổi lễ
Tham dự buổi lễ có, ông Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ; Đại tướng Lê Hồng Anh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng; Nguyễn Thanh Nghị - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP. Hồ Chí Minh; ông Nguyễn Tiến Hải - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang; nguyên lãnh đạo tỉnh Kiên Giang các thời kỳ, cùng 400 đại biểu đại diện cho lực lượng vũ trang, Mẹ Việt Nam anh hùng, người có công với cách mạng, đoàn viên, thanh niên tỉnh Kiên Giang.
Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Nguyễn Tiến Hải ôn lại truyền thống lịch sử, chiến đấu kiên cường, với ý chí “Không có gì quý hơn độc lập tự do” của quân - dân tỉnh Kiên Giang, góp phần cùng cả nước làm nên Đại thắng lịch sử mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Tại tỉnh Rạch Giá (nay là tỉnh Kiên Giang), thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ, ta giao vùng, chuyển quân tập kết ra Bắc, với tinh thần “Đi cũng vinh quang, ở lại cũng vinh quang”, với niềm tin Bắc - Nam sẽ sớm sum họp một nhà trong độc lập, tự do. Tuy nhiên, kẻ địch vi phạm Hiệp định, đàn áp các phong trào cách mạng, khủng bố, bắt bớ, giết hại cán bộ, chiến sĩ kháng chiến cũ và nhân dân yêu nước.
Trước tình hình đó, Tỉnh ủy Rạch Giá đã kịp thời lãnh đạo nhân dân đấu tranh chính trị, đòi thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ, bảo vệ quyền dân sinh, dân chủ; đồng thời, xây dựng lực lượng vũ trang, thực hiện chủ trương diệt ác, hỗ trợ tích cực cho phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng, mở rộng vùng giải phóng, hòa nhịp cùng phong trào cách mạng toàn miền Nam, góp phần làm thất bại chiến lược “Chiến tranh đơn phương” của Mỹ.
Bước vào cao trào Đồng Khởi năm 1960, vùng giải phóng trong tỉnh được hình thành và mở rộng, trở thành căn cứ cách mạng vững chắc. Địch đẩy mạnh lập “ấp chiến lược”, “ấp tân sinh” hòng chia rẽ quần chúng với cách mạng. Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo nhân dân kết hợp đấu tranh chính trị với vũ trang, đập tan các âm mưu của địch, góp phần cùng cả nước làm thất bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ.
Tiếp đến, Xuân Mậu Thân 1968, thực hiện mệnh lệnh tổng tấn công và nổi dậy của Trung ương Đảng, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo toàn quân, toàn dân trong tỉnh dồn sức tấn công vào tận sào huyệt của địch ở khắp thị xã, huyện lị và thị trấn trong tỉnh, góp phần cùng toàn miền Nam, làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, làm phá sản chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ.
Những năm 1969 - 1972, dưới sự chỉ đạo của Khu ủy và Quân khu ủy, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo quân dân đoàn kết, vượt qua khó khăn, gian khổ, tích cực đánh địch bình định, lập nên những “kỳ tích” mới với những trận như Hòn Đất, Mo So, Thứ Mười Một… góp phần cùng cả nước làm thất bại một bước quan trọng chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ.
Ngày 27/01/1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết. Mùa xuân 1975 lịch sử, hưởng ứng lệnh tổng tiến công, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo toàn quân, toàn dân trong tỉnh vùng lên mạnh mẽ với tinh thần chủ động, tự lực, tốc chiến tốc thắng, tiến tới giải phóng hoàn toàn tỉnh Kiên Giang từ đất liền đến hải đảo trong ngày 30/4/1975.
Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Nguyễn Tiến Hải nhấn mạnh, có được hòa bình, độc lập, tự do, cuộc sống yên bình hôm nay, nhân dân Kiên Giang phải trải qua sự hy sinh mất mát đau thương lớn lao. Qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc và chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, tỉnh Kiên Giang có trên 13.000 cán bộ, chiến sĩ và trên 100.000 đồng bào đã vĩnh viễn nằm xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc và hàng chục nghìn thương binh, bệnh binh. Đặc biệt, kẻ thù đã xây dựng ở Phú Quốc một trại giam lớn ở miền Nam, có lúc giam cầm, tra tấn dã man trên 40.000 cán bộ, chiến sĩ, thủ tiêu hơn 5.000 người, trong đó có hơn 4.000 người chưa tìm được hài cốt.
Với trang sử vẻ vang, oanh liệt đó, Kiên Giang có 57 tập thể, 28 cá nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 461 Mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, hơn 22.000 tập thể và cá nhân được tặng thưởng 38.000 huân chương, huy chương các loại; tỉnh có hơn 30.000 gia đình có công với cách mạng. Đó là những biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là tấm gương sáng ngời truyền thống kiên cường, bất khuất của Đảng bộ, dân và quân tỉnh Kiên Giang anh hùng.
Sau 50 năm giải phóng, Kiên Giang đã vươn lên trở thành một trong những tỉnh có quy mô kinh tế tốp đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Năm 2024, GRDP bình quân đầu người đạt hơn 80 triệu đồng; sản lượng lúa 4,7 triệu tấn, đứng đầu cả nước; sản lượng thủy sản hơn 800.000 tấn, tăng hơn 4,5 lần so những năm đầu giải phóng; du lịch phát triển mạnh mẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh thu hút hơn 9,8 triệu lượt khách, trong đó gần 1 triệu lượt khách quốc tế.
Cạnh đó, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, diện mạo nông thôn và đô thị của tỉnh có chuyển biến tích cực, 8/15 huyện, thành phố đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, 40 xã nông thôn mới nâng cao và 05 xã nông thôn mới kiểu mẫu; tỷ lệ đô thị hóa chiếm trên 36%, trong đó có 2 đô thị loại I là thành phố Rạch Giá và Phú Quốc.
Lĩnh vực văn hóa - xã hội của tỉnh có nhiều chuyển biến tiến bộ, mặt bằng dân trí, đời sống văn hóa, tinh thần của người dân sau 50 năm đã có sự thay đổi rõ rệt. Từ thành thị đến nông thôn, các phong trào văn hóa, lối sống văn minh phát triển mạnh mẽ. Số hộ khá, giàu không ngừng tăng lên, nếu như năm 1976 hộ nghèo chiếm trên 50% thì nay còn 0,99%; mạng lưới giáo dục, y tế phát triển đồng bộ, 100% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, có 58% trường đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 73,5%. Tỉnh đặc biệt quan tâm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt, hiệu quả các chính sách đền đơn đáp nghĩa đối với người có công, hiện nay có trên 8.340 đối tượng hưởng trợ cấp, với số tiền trên 23 tỷ đồng/tháng. Tỉnh xây dựng nhiều công trình lịch sử, văn hóa để tri ân, tưởng nhớ công ơn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thế hệ ông cha như: Tượng đài Bác Hồ tại thành phố Phú Quốc, Khu chứng tích chiến tranh rừng tràm Bang Biện Phú và Đền thờ anh hùng liệt sĩ, người có công tại huyện Vĩnh Thuận; Đền thờ anh hùng liệt sĩ, lực lượng vũ trang nhân dân và thanh niên xung phong hy sinh trên tuyến đường 1C tại huyện Giang Thành; Đền tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ và người có công tỉnh tại thành phố Rạch Giá.
Tại buổi lễ, Kiên Giang công bố hoàn thành chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo. Theo đó, tỉnh đã hoàn thành xây dựng và sửa chữa 3.618 căn nhà, với tổng trị giá gần 213 tỷ đồng.

Chủ tịch UBND tỉnh đã tặng bằng khen cho 10 tập thể đã có thành tích xuất sắc
Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh đã tặng bằng khen cho 10 tập thể đã có thành tích xuất sắc đóng góp trong Phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Kiên Giang năm 2025”.
Bạc Liêu: Nhiều gia đình bị nữ chủ hụi chiếm đoạt hơn 6 tỷ đồng
(NSMT) - Ngày 24/4, TAND tỉnh Bạc Liêu mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với bị cáo Nguyễn Thùy Trang (37 tuổi, ngụ ấp Nhà Việc, xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu), về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều hộ gia đình trên địa bàn tỉnh.
Vườn quốc gia U Minh Hạ - Cà Mau chuẩn bị tổ chức sự kiện Hương rừng U Minh
(NSMT) - Ông Hồ Hoàng Ca, Phó Giám đốc Vườn quốc gia U Minh Hạ - Cà Mau vừa ký Kế hoạch, về việc tổ chức các hoạt động thể thao, du lịch Sự kiện “Hương rừng U Minh” trong Chương trình sự kiện “Cà Mau - Điểm đến năm 2025” tại Vườn quốc gia U Minh Hạ.
Cần Thơ phát động Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động
Sáng 22/4/2025, Ủy ban Nhân dân (UBND) Thành phố Cần Thơ tổ chức lễ phát động Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) và Tháng Công nhân năm 2025 với sự tham dự của Bà Nguyễn Thị Ngọc Điệp, Phó Chủ tịch UBND TP; cùng lãnh đạo các sở, ngành, doanh nghiệp và đông đảo đoàn viên, người lao động.
Crystal Star Entertainment công bố đại diện Việt Nam tại đấu trường Universal Woman International 2025
Tại buổi họp báo ra mắt chuỗi dự án lớn trong năm, Crystal Star Entertainment (CSE) đã chính thức công bố 4 đại diện Việt Nam sẽ tham gia tranh tài tại các cuộc thi sắc đẹp quốc tế uy tín trong năm 2025. Thông tin này đã khiến giới mộ điệu không khỏi phấn khích, đặc biệt khi cái tên Hà Bích Ngọc được công bố là đại diện Việt Nam tại Universal Woman International 2025 – cuộc thi sẽ được tổ chức tại Ấn Độ.
Chính phủ có giải pháp đa dạng hóa thị trường, tiếp cận nguồn vốn, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp
Sáng 21-4, tại Hội trường Thành ủy Cần Thơ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, cùng các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP Cần Thơ đã tiếp xúc 300 cử tri là đại diện Hiệp hội doanh nghiệp (DN), Hội doanh nhân trẻ, Hội nữ doanh nhân và các DN tiêu biểu trên địa bàn TP Cần Thơ trước kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XV.
Trường Phổ thông FPT Cần Thơ tổ chức ngày hội trải nghiệm học tập và thi học bổng dành cho học sinh THCS
(NSMT) - Ngày 20/4, Trường Phổ thông FPT Cần Thơ đã tổ chức chương trình “Experience Day 2025” – Ngày hội trải nghiệm học tập và thi học bổng dành cho học sinh THCS. Tham dự chương trình có hơn 400 người tham dự gồm phụ huynh, học sinh, cán bộ và giáo viên Trường Phổ thông FPT.