Văn hóa

Lão nông Sóc Trăng đam mê sưu tầm hình ảnh Bác Hồ

Chủ nhật, 19/05/2024, 15:26 PM

(NSMT) - Người dân ở xã Thới An Hội nói riêng, người dân ở huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng nói chung đều biết chuyện ông Nguyễn Văn Nhung, một “anh Hai lúa” dù cuộc sống còn nhiều khó khăn thiếu thốn nhưng có nỗi đam mê đặc biệt: Sưu tầm tài liệu, hình ảnh về Bác Hồ.

Đã gần 50 năm qua, ông có được gia tài vô giá: Hàng ngàn trang tài liệu viết về Bác Hồ, trên 2.000 tấm ảnh về Bác trong nhiều thời điểm lịch sử khác nhau. Có thể nói ông là người có bộ sưu tập về tài liệu, hình ảnh của Bác Hồ nhiều nhất Việt Nam… Và, mục đích của ông khi thực hiện bộ sưu tập này là để phục vụ bà con ở địa phương.

Ông Nguyễn Văn Nhung bên bộ sưu tập quý giá của mình.

Ông Nguyễn Văn Nhung bên bộ sưu tập quý giá của mình.

Trò chuyện với ông Nguyễn Văn Nhung, tôi hỏi vì sao mà anh có nỗi đam mê ấy. Trầm ngâm một lát, ông kể: Quê ông là một xã vùng sâu của huyện Kế Sách, nơi có truyền thống cách mạng từ lâu đời. Một lần, vào năm 11 tuổi, ông về nhà bà ngoại chơi. Đêm đó, vào đầu tháng 9-1969, đã khuya, mọi người đã ngủ. Riêng ông vẫn còn thức. Tình cờ, nhìn sang giường bà ngoại, ông thấy bà nâng niu một vật gì đó. Tò mò, ông lại gần thì thấy ngoại đang cầm một tấm ảnh, áp chặt vào ngực. Ông hỏi “Hình ai đó ngoại?”. Ngoại nhìn ông rồi nói khe khẽ trong dòng nước mắt: “Bác Hồ đó con ơi. Bác đã mất rồi”. Nghe nói về Bác Hồ, thấy ảnh của Bác nhưng ông chưa hiểu Bác là ai mà ngoại lại khóc. Ông hỏi thì ngoại nói “lớn lên con sẽ biết”.

Lần khác, ông theo mẹ đi vào một ngôi chùa. Thấy một nhà sư đang thắp hương trước tấm ảnh của một người thanh niên trẻ, mắt sáng quắc. Ông hỏi thì được nhà sư cho biết: “Đó là một vị Thánh của dân ta”. Ông lại càng thắc mắc nhiều hơn. Năm 1975, quê hương được giải phóng. Lúc này, ông được gần gũi với các chú bộ đội từ miền Bắc vào. Thấy các chú bộ đội cũng có ảnh của Bác, lại được nghe các chú kể nhiều chuyện về Bác thì lúc này ông mới hiểu Bác Hồ là ai, tại sao Bác lại được nhiều người biết đến như thế. Vậy là, từ đó, hình ảnh Bác Hồ kính yêu được khắc sâu vào trong tâm trí của ông với lòng ngưỡng mộ cao cả. Cũng từ đó, ông đề ra cho mình một công việc là sưu tầm những tài liệu, hình ảnh về Bác Hồ kính yêu.

Ông kể, năm 1977, khi bắt tay sưu tầm tài liệu, cả Thị xã (nay là Thành phố) Sóc Trăng cũng chỉ có chưa đến chục sạp báo. Nhà sách thì có 3-4 chỗ nhưng không phải dễ kiếm tài liệu về Bác Hồ. Còn như ở Kế Sách, cả huyện chỉ có một vài chỗ bán báo. Riêng xã Thới An Hội thì lại không có chỗ nào. Nói như thế để thấy được hành trình đi sưu tầm tài liệu về Bác Hồ của ông Nguyễn Văn Nhung trên 40 năm qua là không đơn giản chút nào. Chỉ có những ai có tâm, có hiểu biết, kiên trì mới có thể làm được.
Nói về điều này, ông Nhung không giấu giếm chút nào: Ở xứ xa xôi này, tìm sách báo khó lắm, phải kiên nhẫn lắm, thậm chí phải lì mới có được. Khi thì cọc cạch đạp xe ra huyện, khi thì lên tỉnh, tìm đến ngành văn hóa thông tin, thư viện, các trường học, báo đài ở tỉnh, ở huyện để xin báo cũ. Sau đó tìm đến trụ sở xã, Bưu điện… nơi nào có báo là tôi tìm đến. Lúc đầu không dễ xin vì họ đâu có biết mình xin làm gì, có khi họ còn cho là mình xin về cân ký cho mấy bà ve chai nên họ không cho. Nhưng tôi vẫn cứ làm lì. Hôm nay không được, hôm sau lại đến nữa. Có khi phải “uốn ba tấc lưỡi” để giải thích cho người ta biết mục đích của mình. Khi đó họ tin nên cho ngay. Thế là có cái mình cần. Có rồi, mang về nhà, ngồi phân loại. Đọc kỹ từng tờ báo, tờ nào có tài liệu, hình ảnh liên quan đến Bác là gom lại, cất cẩn thận. Có khi may mắn kiếm được kha khá. Nhưng có khi mang về cả một chồng báo nhưng tìm mãi chẳng có bài nào. Lúc đó buồn ghê lắm. Thỉnh thoảng, dành dụm được chút đỉnh tiền, ông ra Thị xã Sóc Trăng tìm mua báo cũ, lục tìm tài liệu, hình ảnh về Bác. Hễ thấy ở đâu có ảnh, có tài liệu về Bác là ông tìm đến, xin cho bằng được mới thôi. Nhiều khi thấy mình trở thành kẻ vô duyên vì thấy ai (dù không quen biết) có tờ báo, cuốn sách viết về Bác là ông tìm cách làm quen xin cho bằng được. Còn nhà ai có ảnh Bác, xin không được thì ông mướn người đến vẽ lại cho mình. Vì vậy trong nhà ông có rất nhiều tranh vẽ về Bác Hồ. Cứ mỗi dịp sinh nhật Bác, ông lại có thêm một số tài liệu, hình ảnh Bác. Có tài liệu, hình ảnh rồi, ông phân loại theo từng mốc như Bác thuở thiếu thời, Bác khi đi tìm đường cứu nước, Bác ở nước ngoài, Bác ở Việt Bắc, Bác về Hà Nội, Bác với các tầng lớp nhân dân...

02

Có tài liệu rồi, ông Nhung bổ sung thêm ảnh để thuyết minh về tài liệu. Có ảnh, lại cặm cụi tìm tài liệu phục vụ cho ảnh. Cứ thế, dần dần ông trở thành người có kiến thức về lịch sử nói chung, về Bác nói riêng vào hàng nhất nhì ở địa phương. Mỗi khi có cuộc thi tìm hiểu nào về Lịch sử, các em học sinh của xã lại chạy đến ông Nhung nhờ ông cho mượn tài liệu hay giải thích cho. Vô tình ông trở thành “giáo viên” dạy Lịch sử “bất đắc dĩ” ở địa phương.
Lại có chuyện rằng, một lần, kỷ niệm ngày sinh của Bác, Sở Văn hóa-thông tin tỉnh đưa về xã Thới An Hội một số hình ảnh triển lãm. Trong đó có nhiều hình ảnh về Bác. Quá mê nên ông đã bỏ công việc để đi xem triển lãm. Do triển lãm chỉ có trưng bày ảnh cho dân xem chứ không tổ chức thuyết minh nên nhiều người dân đến xem mà không biết nội dung của các tấm ảnh. Ngứa nghề, ông Nhung tự nguyện làm người thuyết minh cho bà con nghe nội dung của từng tấm ảnh một cách rạch ròi, từ sự kiện, ngày tháng…thậm chí cả tên người chụp ảnh nữa. Thấy thế, một cán bộ của ngành này bèn kiểm tra trình độ hiểu biết của “Hai Lúa” bằng cách “nhìn ảnh nói nội dung”. Ông làm một lèo hết sạch, không sai tí nào. Khâm phục trước sự hiểu biết của ông, sau này, Sở Văn hóa thông tin tỉnh tặng ông bộ ảnh về Bác.

Hàng ngàn trang tài liệu, trên 2.000 tấm ảnh về Bác là tài sản vô giá của cá nhân ông Nhung. Nhưng, cái mà ông Nhung và nhiều người không ngờ tới là từ kho tài liệu đó đã cung cấp cho nhiều người những kiến thức quý giá.

Hàng ngàn trang tài liệu, trên 2.000 tấm ảnh về Bác là tài sản vô giá của cá nhân ông Nhung. Nhưng, cái mà ông Nhung và nhiều người không ngờ tới là từ kho tài liệu đó đã cung cấp cho nhiều người những kiến thức quý giá.

Khi tôi hỏi trong số vài ngàn tấm ảnh Bác Hồ, ông ấn tượng nhất là tấm nào thì ông nói ngay: "Với tôi, tấm ảnh nào về Bác cũng ấn tượng cả, mỗi tấm có một vẻ đẹp riêng, tất cả tổng hợp lại thành vẻ đẹp toàn diện ở Bác. Nếu được chọn trong số những tấm ảnh về Bác, tôi chọn 3 tấm: Một là tấm ảnh Bác chụp tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XVIII Đảng xã hội Pháp ở thành phố Tours ngày 26/12/1920 bởi tấm ảnh toát lên vẻ đẹp của ý chí, nghị lực, tinh thần con người Việt Nam trên đất nước Pháp lúc đó. Tấm thứ hai là tấm ảnh chụp tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa I (tháng 1/1956) Bác xúc động khi nói đến miền Nam thể hiện rõ tình yêu thương sâu sắc mà Bác dành cho đồng bào miền Nam ruột thịt đang sống trong sự kìm kẹp tàn khốc của kẻ thù. Tấm thứ ba là tấm ảnh khi Bác mất (tháng 9/1969), cạnh Bác không có người thân ruột thịt nhưng có các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bên ngoài có đông đảo các tầng lớp nhân dân khóc Bác. Người thật là vĩ đại, đúng như nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã viết “Người không con mà có triệu con”.

Ông kể cho tôi nghhe một chi tiết khác: Một lần, anh được một đoàn làm phim mời sang thăm đền thờ Bác Hồ ở xã An Thạnh Đông (huyện Cù Lao Dung- Sóc Trăng). Một cán bộ của ngành văn hóa nghe giới thiệu ông là người có bộ sưu tập tài liệu, hình ảnh về Bác rất nhiều nên “nhờ” thuyết minh giúp cho mấy tấm ảnh về Bác treo trên tường trong nhà lưu niệm. “Biết họ muốn “kiểm tra kiến thức” của mình, “tôi giới thiệu một lèo hết mấy tấm ảnh một cách rạch ròi như đó là hình ảnh Bác vào thời điểm nào, ở đâu,…”, ông Nhung cho biết.Cứ như thế, ngót nghét 50 năm nay, ông Nguyễn Văn Nhung đã sưu tập được hàng ngàn tài liệu, trên 2.000 tấm ảnh về Bác Hồ. Có thể nói, ông là người có nhiều tài liệu, ảnh về Bác ở khu vực ĐBSCL, và có thể là ở trên cả nước nữa.

Mỗi khi có những cuộc thi tìm hiểu về Lịch sử nói chung, về Bác Hồ nói riêng, thư viện của ông Nhung trở thành nơi lui tới của nhiều người. Các em học sinh ở xã đến nhờ ông Nhung cung cấp tài liệu, hình ảnh làm bài dự thi. Mỗi khi có ngày lễ hội, ngày kỷ niệm, cần tài liệu nào, lại tìm đến ông. Có những người ở mãi tận tỉnh xa cũng viết thư cho ông, hỏi về những kiến thức lịch sử, kiến thức về Bác Hồ. Nhiều người trước đây thấy ông làm công việc sưu tầm tài liệu, hình ảnh Bác thì cho là viển vông, thậm chí có người còn cho là “không bình thường”. Thế nhưng, giờ đây họ đã nhìn khác. Họ đánh giá rất cao bộ sưu tập của ông vì đã đem lại nhiều hiểu biết cho người dân nơi đây. Không chỉ trưng bày ở trong nhà mình, ông còn đưa ảnh Bác ra trưng bày ở trung tâm xã cho nhiều người cùng chiêm ngưỡng. Ngoài ra, ông còn tặng cho một bảo tàng ở TP Cần Thơ hàng trăm tấm ảnh về Bác.

Chuyện ông Nguyễn Văn Nhung sưu tầm tài liệu, ảnh Bác đã là một kỳ công. Nhưng bảo quản, giữ gìn kho tài liệu vô giá ấy lại càng đáng nể hơn. Ông kể: Hồi đó nhà nghèo lại đông con. Để nuôi con, vợ chồng ông mở một quán cháo nhỏ ven đường. Căn nhà của ông nằm cạnh bờ sông Cầu Lộ là một căn nhà sàn ọp ẹp, mái dột cột xiêu, tài sản có giá nhất, chiếm chỗ nhiều nhất vẫn là kho tài liệu về Bác Hồ, chiếm hơn một nửa diện tích căn nhà. Tất cả đều được chất thành hàng, thành lối trên sàn nhà, bên trên được phủ bằng tấm vải nhựa tránh bụi bặm và mưa dột. Còn ban đêm, ông cũng ít khi ngủ ngon vì lâu lâu phải thức dậy xua đuổi lũ chuột, gián luôn tìm cách xâm nhập vào kho tài liệu đó.

Chuyện ông Nhung có kho tư liệu về Bác phong phú, sinh động lan truyền khắp nơi. Nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân tặng gia đình ông một căn nhà cấp 4 rộng 75m2, tặng thêm tủ, bàn ghế, tivi, tủ đựng tài liệu,…Sau đó, UBND tỉnh Sóc Trăng hỗ trợ mấy chục triệu đồng để ông tu bổ, bảo quản thư viện của mình. Nhiều bác cựu chiến binh ở TP Hồ Chí Minh, nhiều thầy cô, học sinh ở Nghệ An, Phan Thiết, Huế, Bạc Liêu, Cần Thơ…đã gửi thư cho ông, làm quen, giao lưu, có người còn gửi tặng nhiều tài liệu quý về Bác Hồ với mong muốn được góp phần nhỏ bé của mình vào việc xây dựng thư viện Bác Hồ của ông.
Ông tâm sự với tôi: “Tôi sinh ra và lớn lên ở miền Nam, chưa một lần được gặp Bác. Tôi nghe bà ngoại, mẹ, các chú bộ đội… kể nhiều câu chuyện cảm động về cuộc đời, thân thế của Bác. Tôi hiểu Bác là người đã đem lại độc lập tự do cho dân tộc, hòa bình cơm áo cho nhân dân. Vì thế, tôi luôn nhớ về Bác. Lập thư viện về Bác, tôi mong muốn lúc nào bên mình cũng có Bác và để phục vụ cho người dân ở địa phương. Bác đã tiếp thêm sức mạnh cho tôi, cho tất cả mọi người. Bên cạnh những người ủng hộ, khuyến khích công việc của mình thì vẫn không ít kẻ tìm cách quấy phá hòng ngăn cản việc làm đầy ý nghĩa của ông".
Ông Nhung kể tiếp: “Có một thời gian, nhà tôi liên tục nhận được nhiều cú điện thoại của nhiều người với lời lẽ hăm dọa, không cho tôi tiếp tục công việc của mình. Thậm chí, họ còn tuyên bố sẽ ném mìn vào nhà cho nổ tan tành… Có ngày tôi phải nghe hàng trăm cú điện thoại như thế, nhưng tôi không nản lòng”.
Một lần khác, có 4 người đàn ông đi xe du lịch xịn tìm đến nhà ông và giới thiệu họ là Việt kiều ở bang California (Hoa Kỳ) về Việt Nam. Nghe tin ông có kho tài liệu về Bác Hồ nên họ rất ngưỡng mộ tìm đến để được chiêm ngưỡng kho báu đó. Sau khi xin phép chụp một số tấm ảnh trong kho tài liệu, họ hỏi mua 4 đĩa hình video về bộ sưu tập với giá 12.000 USD.

“Nghe họ nói, tôi ngạc nhiên vì số tiền đó là quá lớn so với 4 đĩa video. Sau khi cân nhắc, tôi phải từ chối bởi trong đĩa video có phát biểu của cán bộ chính quyền, có bài phát biểu của tôi nữa, nếu họ mua về tuyên truyền cho bà con Việt kiều ở nước ngoài thì tốt, biết đâu họ sẽ sử dụng kỹ thuật hiện đại để làm thay đổi nội dung các bài phát biểu cũng như thêm hình ảnh phản cảm thì không ổn. Vì vậy, tôi từ chối khéo với lý do trong tay tôi chỉ có 1 đĩa video mà vài ngày nữa phải chiếu cho các cháu thiếu nhi ở xã xem nên không thể cung cấp cho họ được. Tôi nói với họ, nếu các anh có lòng thì cho tôi số điện thoại và địa chỉ, sau 5 ngày tôi sẽ gửi tặng mỗi người một đĩa video. Sau khi nghe tôi nói, họ đi mất luôn cho đến nay không một lần quay lại”, ông Nhung chia sẻ.

04
Bộ sưu tập vô giá.

Bộ sưu tập vô giá.

Thư viện về Bác Hồ của ông Nguyễn Văn Nhung là một chuyện lạ ở ĐBSCL và có lẽ cũng là của cả nước. Chuyện lạ ấy lại bắt đầu từ tấm lòng thành kính của ông đối với Bác Hồ. Và, nó đã trở thành kho tài liệu phong phú, có giá trị ở địa phương. Mong muốn của ông là làm sao thư viện ngày càng phong phú hơn, phục vụ có hiệu quả hơn cho lợi ích cộng đồng và trong công tác giáo dục thế hệ trẻ. Ngoài ra, ông Nhung cũng còn có bộ sưu tập hình ảnh về các vị cách mạng tiền bối, các vị anh hùng dân tộc, các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc như Võ Nguyên Giáp, Lê Hồng Phong, Trần Phú, Nguyễn Thị Minh Khai,….

Chia tay tôi, ông Nhung tâm sự: “Xuất phát từ sự kính yêu, mến mộ Bác nên tôi sưu tầm ảnh và tư liệu về Bác. Năm nay tôi đã gần 70 rồi, lại bị thoát vị đĩa đệm, đi lại khó khăn nhưng không ngăn được niềm đam mê của mình. Tôi vẫn tiếp tục công việc này cho đến khi nào không còn sức nữa mới thôi anh ạ. Chỉ mong được chính quyền, các cơ quan, đoàn thể và người dân đồng hành để tôi được toại nguyện”.

Cao Xuân Lương  
Giáo dục giới tính cho con từ khi mấy tuổi?

Giáo dục giới tính cho con từ khi mấy tuổi?

Nhiều cha mẹ né tránh và lo lắng khi trò chuyện với con về các chủ đề liên quan đến tình dục. Tuy nhiên đó lại là vấn đề quan trọng cha mẹ cần định hướng cho con ở một độ tuổi phù hợp.

Nghĩa vợ - Tình chồng

Nghĩa vợ - Tình chồng

(NSMT) - Chưa phải là vợ chồng hợp pháp, cũng không bị trói buột bởi con cái... Nhưng câu chuyện của anh Bằng - chị Hưởng đã mang đến rất nhiều bài học quý giá về ý nghĩa thiêng liêng của 2 tiếng "vợ chồng".

Hạnh phúc của gia đình có 14 con gái

Hạnh phúc của gia đình có 14 con gái

Sinh ra trong gia đình có 19 chị em (gồm 14 nữ, 5 nam), chị Phạm Thị Hương cảm thấy hạnh phúc khi nhà đông anh em nhưng mọi người đều đoàn kết, yêu thương nhau.

Cụ bà 100 tuổi nhớ vanh vách tên 12 đứa cháu và 20 chắt trong nhà

Cụ bà 100 tuổi nhớ vanh vách tên 12 đứa cháu và 20 chắt trong nhà

Ở tuổi xưa nay hiếm, cụ bà 100 tuổi vẫn khỏe mạnh, minh mẫn. Đặc biệt, nhà có tới 12 đứa cháu và 20 chắt nhưng cụ nhớ vanh vách tên từng đứa.

Hạnh phúc dưới mái nhà...

Hạnh phúc dưới mái nhà...

Từ năm 2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định chọn ngày 28-6 hằng năm là Ngày gia đình Việt Nam, nhằm tôn vinh các giá trị tốt đẹp của gia đình, gìn giữ và phát huy những ý nghĩa văn hóa, tinh thần đậm nét truyền thống Việt Nam. Gia đình có hòa thuận, hạnh phúc, xã hội mới phồn vinh, phát triển… Ngày Gia đình Việt Nam năm nay có chủ đề “Gia đình hạnh phúc - quốc gia thịnh vượng”, tiếp tục lan tỏa những thông điệp ý nghĩa để mọi người hướng về nhau, cùng kết nối yêu thương, vun đắp mái ấm thêm bền vững.

Nơi cha và con gái được thành thật với nhau để sẵn sàng tha thứ

Nơi cha và con gái được thành thật với nhau để sẵn sàng tha thứ

Đánh giá về cuộc thi viết “Cha và con gái” lần thứ 2, nhà thơ Hồng Thanh Quang - Trưởng Ban giám khảo nhận xét, cuộc thi là nơi cha và con gái được thành thật với nhau để sẵn sàng tha thứ

Thư gửi Mẹ

Thư gửi Mẹ

Chỉ là, ngày con viết thêm một bức thư cho Mẹ rồi xếp chung vào chồng thư cũ đã nhàu nhĩ màu của năm tháng. Chồng thư ấy đề tên người nhận là Mẹ và địa chỉ vỏn vẹn ghi là Bầu trời. Mẹ à, xin Mẹ cho con địa chỉ rõ ràng hơn được không?