Lưu truyền giá trị dòng tộc
Gia đình, dòng họ không chỉ là “cái nôi” sản sinh ra nhiều nhân tài, tuấn kiệt cho quê hương, đất nước mà còn là hạt nhân gìn giữ, bồi đắp và phát huy nét đẹp văn hoá gia đình, xóm, ấp, góp phần tạo nên nét đặc sắc trong văn hoá dân tộc. Dọc dài lịch sử của quá trình đấu tranh và phát triển của tỉnh Cà Mau, điều này đã được minh chứng rõ nét hơn qua sự đóng góp to lớn của các họ tộc tiêu biểu.
“Đạo hiếu trung con cháu kính thờ/ Nền phúc đức tổ tiên truyền để/ Tổ tiên vì nước ra đi mở cõi bờ/ Ông cha giữ gìn dòng giống đất phương Nam”. Ðó là 4 câu thơ được ghi trang trọng ở trang đầu quyển gia phả họ Dương, được ông Dương Tôn Bảo, cháu 5 đời họ Dương ở ấp Bàu Sen, xã Tân Duyệt, huyện Ðầm Dơi, gìn giữ như báu vật.
Ở tuổi 89 nhưng ông Bảo vô cùng minh mẫn khi kể rành mạch tên từng người trong các trực hệ. “Tổ tiên cội nguồn là cái gốc của con người. Do đó, gia phả là nơi chất chứa nhiều giá trị mà không gì có thể thay thế được. Mở gia phả không chỉ để xem từng đời này, đời khác, mà để tưởng nhớ ông bà, cha mẹ, rồi để dạy bảo, khuyên răn nhau sống cho có kỷ cương, tôn ti, theo bản sắc truyền thống tốt đẹp của dân tộc”, ông Bảo thì thầm chia sẻ.
Gia phả của dòng họ Dương được soạn từ những năm 1946, tức đến nay ngót nghét 75 năm. Trong gia phả ghi chép cẩn thận tên tuổi, nơi ở của con cháu nội, ngoại 8 đời dòng họ Dương. Ông Dương Tôn Bảo là người đã dành phần đời còn lại của mình bôn ba khắp nơi để tìm kiếm và viết tiếp gia phả dòng tộc từ năm 2003 đến nay.
Là vùng đất được ông cha khai khẩn, lại trải qua nhiều cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm, không ít gia đình ở phương Nam trong cảnh lưu lạc tha hương. Do đó, việc tìm lại tổ tiên là một mong muốn truyền đời của người Việt nói chung và người dân miền đất phương Nam nói riêng. Và quyển gia phả là một báu vật của niềm mong mỏi trùng phùng ấy. Ông Bảo cho rằng: “Giữ gia phả bên mình còn là niềm tự hào dòng tộc, như được tổ tiên kề cận phù trợ, như được gần hơn với nguồn cội”.
Quyển gia phả được ghi chép cẩn thận họ, tên (cả tên cúng cơm), ngày, tháng, năm sinh, tử, nơi an táng, kết hôn với ai, sinh mấy con, nơi cư ngụ... của từng thành viên trong họ tộc, theo từng đời. Sự cẩn trọng này không chỉ đơn thuần để con cháu biết rõ danh tánh, tuổi tác của tổ tiên, quan hệ gần xa nội, ngoại để tránh cháu chắt đặt tên trùng với tên ông bà và cả việc cưới hỏi, nguồn gốc quê hương… Giá trị cốt lõi của cuốn sử gia tộc này là để con cháu noi theo, gìn giữ nếp nhà, luôn phấn đấu sống sao cho xứng đáng với đời trước.
Phát huy giá trị cốt lõi của gia tộc, con cháu các đời sau của họ Dương trong suốt mấy mươi năm qua luôn không ngừng phấn đấu vươn lên, một lòng theo Ðảng, theo Bác Hồ, sẵn sàng hy sinh cho đất nước. Dù chưa thể thống kê hết trong cuốn gia phả nhưng sơ bộ đã có mấy mươi người của gia tộc họ Dương là liệt sĩ và thương binh. Trong gia tộc còn có 2 mẹ được Nhà nước truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng. Ðiều khiến mọi người đều nể phục là mẹ Ðặng Thị Gương có 4 người con thì cả 4 hy sinh trong các cuộc kháng chiến. Và mẹ Trần Thị Nĩa có 3 người con, 2 rể và 1 cháu nội hy sinh vì nền độc lập của dân tộc.
Nối tiếp truyền thống kiên trung, bất khuất của gia tộc, khi hoà bình lập lại, đất nước thống nhất, con cháu nhà họ Dương lại tiếp tục cống hiến sức mình cho công cuộc xây dựng quê hương. Nhiều con cháu đời thứ 6, thứ 7, thứ 8 của gia tộc họ Dương được Ðảng và Nhà nước giao phó những vị trí quan trọng, đóng góp to lớn cho mảnh đất cực Nam Tổ quốc. Tiêu biểu trong số ấy có thể kể đến ông Dương Việt Thắng, nguyên Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ; ông Lê Huỳnh Kỳ, nguyên Tỉnh uỷ viên, nguyên Phó chủ tịch HÐND tỉnh; ông Trương Minh Hoàng, Tỉnh uỷ viên... và nhiều người khác được Ðảng, Nhà nước và Nhân dân tín nhiệm, giao phó nhiều trọng trách khác.
Ông Mạc Thanh Bô, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam TP Cà Mau, nay đã vào ngưỡng thất thập, nhưng vẫn ngày đêm dành phần sức lực còn lại của mình cho những người không may bị nhiễm chất độc da cam trên địa bàn thành phố. Ngày ngày ông ngược xuôi thăm hỏi từng hoàn cảnh gia đình để rồi tiếp tục bôn ba tìm nguồn tài trợ với hy vọng cuộc sống của họ phần nào vơi bớt khó khăn. “Họ không là đồng đội thì cũng là con cháu của đồng đội mình và cả anh mình, nên việc giúp đỡ hỗ trợ là trách nhiệm”, ông Năm hiền hoà chia sẻ.
Sẵn sàng hy sinh, luôn đóng góp hết sức mình cho quê hương xứ sở cũng là một trong những giá trị tốt đẹp của gia tộc họ Mạc trên mảnh đất Cà Mau. Ông Mạc Thanh Bô là cháu đời thứ 9 của dòng họ Mạc Cửu. Hẳn nhiều người không xa lạ với cái tên Tư Hùng, tức Mạc Thành To, bởi tên tuổi người Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân này gắn liền với nhiều trận đánh tiêu biểu trong lịch sử kháng chiến của tỉnh nhà. Một trong những chiến công tiêu biểu là cùng tập thể bộ phận quân báo tiêu diệt nhiều tên ác ôn khét tiếng như tên Nguyễn Hải Bình, Trưởng đoàn bình định tỉnh An Xuyên, tên Mười Tâm, tên Nga, cảnh sát đặc biệt; diệt tên mật vụ của Sài Gòn cử xuống tỉnh An Xuyên....
4 Mẹ Việt Nam anh hùng và 1 Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân đã nói lên những đóng góp, hy sinh to lớn của gia tộc họ Mạc cho quê hương Cà Mau. Nối tiếp truyền thống gia đình, con cháu nhà họ Mạc tại Cà Mau, tiêu biểu là ông Năm Bô vẫn không ngừng cống hiến sức mình cho sự phát triển của quê hương từ những năm 1968 cho đến nay bằng những việc làm thiết thực nhất, cụ thể nhất, dù ở cương vị nào.
Những đóng góp của gia tộc họ Dương, họ Mạc và nhiều họ tộc khác cho quê hương Cà Mau nói riêng và cả nước nói chung suốt mấy mươi năm qua là kết tinh của truyền thống kiên trung, bất khuất của dòng họ, của dân tộc. Tổ tiên, ông bà, cha mẹ, những thế hệ đi trước trong họ tộc luôn là tấm gương cho con cháu phấn đấu noi theo.
Ông Dương Tôn Bảo tự hào: “Giữ gìn gia phả, truyền thống họ tộc là trách nhiệm thiêng liêng. Nhìn thế hệ con cháu hiện nay trưởng thành, thật không uổng công sức đã bỏ ra trong mấy mươi năm qua!”.
Gia đình, dòng họ là một cộng đồng, xã hội thu nhỏ quan trọng để hình thành nên làng, xã, quốc gia, dân tộc. Chính vì vậy, việc giữ gìn nề nếp gia phong, giáo dục của gia đình, dòng họ là yếu tố cốt lõi góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn.
Theo Nguyễn Phú
Người hạnh phúc coi cuối tuần như kì nghỉ
Khi đo lường mức độ hạnh phúc, nhà nghiên cứu này thấy rằng những người có tư duy nghỉ dưỡng vào cuối tuần thể hiện sự hài lòng và tích cực hơn khi họ trở lại làm việc.
Trẻ có IQ cao mang 5 tật xấu khi còn nhỏ khiến không ít cha mẹ bực mình
Những “thói quen xấu” của trẻ có thể là biểu hiện chỉ số IQ cao. Mặc dù bố mẹ lo lắng và bực bội nhưng nhiều hành vi mà người lớn coi là không đúng mực thực ra có thể phản ánh sự sáng tạo, trí tưởng tượng và khả năng tư duy của trẻ.
Nhà chật đến mấy vẫn phải tránh đặt bếp 4 hướng này để không lục đục, ốm đau
Bếp không chỉ đơn thuần là nơi nấu nướng mà còn mang theo nguồn năng lượng hỏa, ảnh hưởng đến tài vận của gia chủ. Có một số lỗi phong thủy khi đặt bếp nấu mà nhiều gia đình Việt thường mắc phải.
Yêu thương bản thân để sống vui, sống khỏe
(NSMT) - Dẫu bận rộn, nhiều phụ nữ vẫn cố gắng sắp xếp, cân bằng giữa công việc, gia đình và nghỉ ngơi, thư giãn để nâng cao chất lượng cuộc sống. Các chị thể hiện tình yêu bản thân bằng sự quan tâm đến cảm xúc cá nhân, nuôi dưỡng thể chất và tâm hồn, xây dựng lối sống lành mạnh. Những thói quen tốt giúp các chị tái tạo năng lượng tích cực, vui vẻ, lạc quan, khỏe đẹp hơn…
Hơn 150 vận động viên tranh tài sôi nổi tại Giải đua vỏ Composite TP Cần Thơ mở rộng
(NSMT) - Ngày 30/11, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP. Cần Thơ tổ chức Giải đua vỏ Composite TP. Cần Thơ mở rộng năm 2024. Tham gia giải có 164 vận động viên thuộc 9 tỉnh, thành phố.
Tất cả đã sẵn sàng cho đêm chung kết Hội thi Nét đẹp Áo bà ba Xưa và Nay năm 2024
(NSMT) - Sau 3 tháng tạm hoãn, vòng chung kết Hội thi Nét đẹp Áo bà ba Xưa và Nay lần II năm 2024 đã trở lại, hứa hẹn với nhiều phần thi đầy hấp dẫn.
Độc đáo Lễ cúng Trăng của đồng bào dân tộc Khmer
(NSMT) - Lễ cúng Trăng là một trong những lễ hội truyền thống đặc sắc, phản ánh nét văn hóa độc đáo của đồng bào Khmer Nam Bộ. Với hoạt động đặc trưng là đút cốm dẹp, hay còn gọi là Oóc Om Bóc trong tiếng Khmer, lễ cúng Trăng còn được biết đến rộng rãi với cái tên Lễ Oóc Om Bóc.