Văn hóa

Nhớ lần đầu tiên đến thăm mộ bà Hoàng Thị Loan

Chủ nhật, 19/05/2024, 15:22 PM

(NSMT) - Lối lên bên trái phần mộ bà Hoàng Thị Loan (thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh) có 269 bậc (con số 69 là năm Bác Hồ mất - 1969), lối xuống bên phải phần mộ có 242 bậc (con số 42 là năm ông Khiêm đưa hài cốt mẹ về đây - 1942). Trước phần mộ xuống sân bia có 33 bậc, ứng với con số 33 là tuổi đời của bà.

Với mỗi người dân Việt Nam cũng như nhiều du khách nước ngoài, mỗi khi về Kim Liên, huyện Nam Đàn (tỉnh Nghệ An), sau khi thăm Làng Sen - quê Nội, Làng Chùa (tên gọi khác của Làng Hoàng Trù) - quê Ngoại Chủ tịch Hồ Chí Minh, mọi người lại hành hương sang núi Động Tranh, xã Nam Giang (huyện Nam Đàn) để được viếng thăm, đốt nén hương thơm trước mộ bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu Bác Hồ.
Với tôi, cứ mỗi dịp về quê, tôi đều tranh thủ thu xếp thời gian đưa gia đình về thăm khu di tích Kim Liên và đến viếng mộ bà Hoàng Thị Loan, nơi mà tôi lần đầu tiên được đến thăm vào năm 1984…

z5455033845975_0d5f1b7cf692ee5b39c1f5423cf74820

Năm 1984, tôi là sinh viên năm thứ nhất, khoa ngữ Văn của trường Đại học sư phạm Vinh. Năm đó, khoa ngữ Văn tổ chức cho sinh viên đi thực tế sưu tầm văn học dân gian ở xã Kim Liên, quê Bác. Về Kim Liên, tôi may mắn được tiếp xúc với nhiều cụ già, nghe kể nhiều câu chuyện về Bác Hồ và nhất là các cụ cho biết mộ bà Hoàng Thị Loan đang được xây dựng ở trên núi Động Tranh ở xã Nam Giang. Vậy là, tôi và anh Lê Đình Cương (học chung lớp, hiện ở Nghĩa Đàn, Nghệ An) hẹn nhau ngày nghỉ sẽ đi thăm mộ bà.
Nói là làm. Hôm đó, trời mưa lất phất, gió se lạnh. Khoảng 8-9 giờ sáng, tôi và anh Cương “thủ” sẵn mấy chiếc bánh tét (loại nhỏ bằng cán dao, bán nhiều ngoài chợ) và trực chỉ hướng núi Đại Huệ lên đường. Lúc đó chưa có xe đạp, cũng làm gì có xe gắn máy cũng chưa có đường đi thênh thang như sau này. Tôi và anh Cương đi bộ, chọn cách đi nhanh nhất là đi tắt qua cánh đồng, men theo bờ ruộng.
Khoảng tầm gần trưa, hai anh em chúng tôi đến núi Đại Huệ nhưng không biết mộ nằm ở vị trí nào. Đang loanh quanh tìm thì thật may mắn gặp một cụ già đi chăn trâu. Nghe chúng tôi hỏi về mộ bà Hoàng Thị Loan, cụ dẫn đường cho chúng tôi đi theo con đường mòn nho nhỏ để lên mộ. Đến nơi, trước mắt chúng tôi là một khu vực đang ngổn ngang nhưng khu mộ hình chữ nhật đã hình thành phần thô.

Biết chúng tôi muốn tìm hiểu về ngôi mộ của bà Hoàng Thị Loan, cụ già cho biết: Nam Đàn là vùng đất “địa linh nhân kiệt”. Riêng khu vực có mộ bà Hoàng Thị Loan là khu vực hội tụ nhiều sinh khí. Người dân địa phương đã truyền nhau câu ca: “Bạch tượng uyển hồ, Hồ trung nhất huyệt, nhất đại đế vương” (tạm dịch là “ở trên con voi trắng trong xứ ao hồ có một huyệt đạo, phát làm vua một đời”).

Bà Hoàng Thị Loan sinh năm 1868, mất năm 1901 tại Huế. Năm 1922, bà Nguyễn Thị Thanh (chị gái Bác Hồ) đưa hài cốt của bà về an táng tại vườn nhà ở Làng Sen. Cuối năm 1941, sau khi ra khỏi nhà tù của thực dân Pháp, ông Nguyễn Sinh Khiêm (anh trai Bác Hồ) là người am hiểu về phong thủy, địa lý, đã đi khắp quê hương Nam Đàn, thậm chí lên cả các vùng lân cận như Thanh Chương, tìm nơi có phong cảnh đẹp để cải táng hài cốt của mẹ. Cuối cùng, ông chọn được một vị trí ở núi Động Tranh trong dãy Đại Huệ. Lúc đưa hài cốt mẹ lên núi Động Tranh, vì nhiều lý do, ông Cả Khiêm đã cho đào 9 huyệt mộ rải rác ở núi Động Tranh, chờ tới đêm khuya, ông bí mật một mình đưa hài cốt của mẹ đặt xuống một trong chín huyệt đã đào sẵn rồi lấp đất lại. Đến năm 1946, sau khi gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Hà Nội, ông mới chỉ cho bà con trong họ biết chính xác vị trí ngôi mộ bà Hoàng Thị Loan.

Cụ già chăn trâu diễn tả: Vị trí mà ông Cả Khiêm chọn đặt mộ mẹ là một vùng đất rất bằng phẳng; có độ cao 100 mét so với mực nước biển. Nhìn từ xa, khu vực đặt mộ trông như một chiếc ngai vàng bởi phía sau là dãy núi Động Tranh cao làm huyền vũ, bên trái có động Khe Cùng làm tả Thanh Long, bên phải có động Ao Hồ làm hữu Bạch Hổ, ngay trước mộ có động Dù làm Án Sơn, xa xa ngọn cao nhất là núi Trà Sơn là triều Sơn chầu về. Phía trước có sông Đào là tiểu mạch, xa nữa là dòng Sông Lam với hai bên bờ cư dân sầm uất làm đại mạch thuỷ. Huyệt đạo có đại minh đường là cánh đồng Lâm Cựu. Theo lý thuyết phong thuỷ mộ của Bà Hoàng Thị Loan đã đạt tiêu chí cát địa.

Cụ nói: “Cả dãy núi này nhấp nhô, không nhiều cây cối, nhưng chỉ có khu vực này (nơi đặt mộ bà Hoàng Thị Loan) rất bằng phẳng, có nhiều cây xanh mọc mà không ai chặt phá gì cả. Hồi còn nhỏ, tôi và nhiều bạn bè trong xóm đi chăn trâu ở đồi này. Đưa trâu ra khỏi chuồng, chúng tôi lùa thả trâu lên rú (núi) rồi chơi đánh khăng, đánh đáo. Đến chiều về, đàn trâu ăn no kéo nhau về bãi đất bằng phẳng này nằm nghỉ, chúng tôi chỉ việc đến đó lùa trâu về chuồng. Cũng rất lạ là đàn trâu hàng trăm con dẫm nát khắp nơi nhưng không con nào vào chỗ lùm cây đó cả. Sau này biết đó là nơi ông Cả Khiêm đặt mộ bà Loan, dân trong làng ai cũng nói thật linh thiêng”.

Hôm đó, tôi và anh Lê Đình Cương ngồi trên núi Động Tranh cùng cụ già chăn trâu, nghe cụ kể chuyện về Bác Hồ, về ngôi mộ của bà Hoàng Thị Loan trong cái rét của mùa đông xứ Nghệ với những cơn gió lạnh lùa về giữa mênh mông của đất trời nhưng thấy ấm áp vô cùng. Đây là lần đầu tiên tôi được về Nam Đàn, được thăm mộ thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một kỷ niệm không thể nào quên được. Sau lần đó, năm nào có dịp về quê, tôi đều bố trí thời gian đưa gia đình về Kim Liên thăm nhà Bác, về núi Động Tranh viếng mộ bà Hoàng Thị Loan…

Đường lên Khu mộ Bà Hoàng Thị Loan.

Đường lên Khu mộ Bà Hoàng Thị Loan.

Khu mộ Bà Hoàng Thị Loan nằm cách trung tâm thành phố Vinh khoảng 13km được toạ lạc trên vùng đất bằng phẳng của núi Động Tranh thuộc dãy núi Đại Huệ. Núi Đại Huệ trước đây có tên là Đại Tuệ, người dân địa phương thường gọi là Rú Nậy. Trên đỉnh Đại Huệ có động Thăng Thiên, trong động có chùa Đại Tuệ. Tục truyền do Hồ Quý Lý và Hồ Hán Thương dựng lên để thờ Phật Bà Đại Tuệ, người đã phù hộ hai cha con xây thành chống giặc ngoại xâm. Cuối năm 1788, Nguyễn Huệ - Quang Trung sau khi đại thắng quân xâm lược nhà Thanh trong Tết Kỷ Dậu trở về vua Quang Trung đã đổi tên núi Đại Tuệ thành Đại Huệ để ghi nhớ công ơn thần linh đã phù hộ cho đoàn quân áo vải. Vì vậy, tên núi đã có từ đó đến nay.

Theo giới thiệu, ngày 5/7/1983, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Nghệ Tĩnh ra Nghị quyết tôn tạo, nâng cấp khu mộ bà Hoàng Thị Loan. Ngày 19/5/1984, Đảng bộ, nhân dân Nghệ Tĩnh và lực lượng vũ trang Quân khu IV tổ chức lễ khởi công. Chỉ một năm sau, công trình được hoàn thành. Ngày 16/5/1985, khu mộ được khánh thành, đón khách trong và ngoài nước đến tham quan, chiêm ngưỡng.

Ngôi mộ có hình một khung cửi khổng lồ. Xung quanh ngôi mộ được ốp bằng những phiến đá hoa cương và đá cẩm thạch. Nóc mộ được phủ lên bằng những hòn đá tự nhiên của núi Đại Huệ, phía trên có dàn bê tông che chắn có hình khung cửi được phủ đầy hoa giấy (được mang về trồng từ khu lăng mộ cụ Nguyễn Sinh Sắc tại Cao Lãnh – Đồng Tháp). Tại nền sân thượng hình bán nguyệt trước ngôi mộ, có dựng một tấm bia lớn tạc tiểu sử và công lao của bà Hoàng Thị Loan bằng đá đen. Hai bên tả hữu là đường đi lên và đường đi xuống được làm thành nhiều bậc đá khác nhau giống như hai giải lụa đào xõa xuống từ khung cửi.

Để đáp ứng nhu cầu thăm viếng của du khách ngày càng cao, ngày 03/12/2001, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Nghệ An có Thông báo về việc bảo tồn, tôn tạo Khu Di tích lịch sử văn hoá Kim Liên gắn với phát triển du lịch. Ngày 11/8/2004, UBND tỉnh Nghệ An ra Quyết định phê duyệt Dự án bảo tồn, tôn tạo khu mộ bà Hoàng Thị Loan. Ngày 03/6/2011 tổ chức lễ khánh thành. Khu mộ bà Hoàng Thị Loan được bảo tồn, tôn tạo rộng 65,2ha. Khu mộ có 2 cổng là Cổng đón và cổng kết. Cổng đón để đón khách bắt đầu đi lên khu mộ, cổng kết là nơi tạm biệt khách khi kết thúc quy trình thăm viếng. Chiều dài từ cổng đón đến cổng kết dài 1.260m. Đoạn đường từ cổng đón lên đến mộ bà Hoàng Thị Loan có 269 bậc, từ mộ xuống đến cổng kết có 242 bậc. Trên đường lên và đường xuống được bố trí một số chòi nghỉ, diện tích mỗi chòi rộng 40m2. Đường lên và xuống có phong cảnh hữu tình, mỗi bên là thảm cỏ xanh chạy dọc theo sườn núi, một bên là dãy lan can màu xanh thẫm.

Từ cổng đón đi lên vài trăm mét có ngôi mộ cụ Hà Thị Hy (bà nội của Chủ tịch Hồ Chí Minh) cũng được tôn tạo đẹp. Đường đi lên từ mộ cụ Hà Thị Hy đến mộ bà Hoàng Thị Loan được đặt 33 đoá hoa sen bằng đá, tượng trưng cho 33 năm của cuộc đời Bà, mỗi đoá sen là một ngọn đèn toả sáng lung linh. Đường từ mộ Bà đi xuống đến cổng kết cũng được bố trí nhiều cây đèn đá. Ở đây còn có mộ Nguyễn Sinh Xin (em trai của Bác mất khi còn nhỏ ở Huế) cũng được tôn tạo đẹp, khang trang.

Từ chân núi Động Tranh đi theo lối lên phần mộ bà Hoàng Thị Loan có 269 bậc (con số 69 là năm Bác Hồ mất - 1969), lối xuống bên phải có 242 bậc (con số 42 là năm ông Khiêm đưa hài cốt mẹ về đây - 1942). Trước phần mộ xuống sân bia có 33 bậc, ứng với con số 33 là tuổi đời của bà. Phía trên mộ là giàn hoa cách điệu hình khung cửi. Hai cụm cây hoa giấy che mát phần mộ bà được lấy giống từ Huế - nơi bà mất và khu lăng mộ của ông Nguyễn Sinh Sắc ở Đồng Tháp. Khe trước phần mộ trồng nhiều cây quí từ nhiều miền đất nước.

Phần mộ bà Hoàng Thị Loan được giữ nguyên theo hình mẫu ban đầu, được ốp bên ngoài bằng đá hoa cương, đá cẩm thạch liền khối. Phần trên mộ được xây dựng theo hình khung cửi cách điệu, gợi nhớ cuộc đời canh cửi vất vả để nuôi chồng, nuôi con thuở sinh thời. Phía sau phần mộ là bức phù điêu bằng đá trắng khắc họa hình những cánh sen thanh cao, tinh khiết của quê nhà và cũng là biểu tượng về cuộc đời, nhân cách của bà.Sân chuẩn bị hành lễ trước mộ được mở rộng với diện tích là 200m2. Mặt sân và các bậc thang lên xuống được ốp bằng đá tự nhiên, lan can quanh sân được chạm trổ hình hoa sen, trông rất sinh động. Trong khu sân hành lễ có dựng hai tấm bia lớn bằng đá đen, một tấm khắc tiểu sử bà Hoàng Thị Loan, một tấm khắc nội dung quá trình bảo tồn, tôn tạo khu mộ....

Một nữ hướng dẫn viên ở đây cho biết: Sau nhiều lần tôn tạo, quần thể khu mộ ngày nay đã trở thành một công trình văn hoá, lịch sử tiêu biểu của huyện Nam Đàn nói riêng và của tỉnh Nghệ An nói chung. Với tổng diện tích 48,2 ha, bao gồm cả phần mộ bà Hà Thị Hy (bà nội) và phần mộ cậu Nguyễn Sinh Xin (em trai) của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nơi đây đã trở thành địa chỉ vô cùng quan trọng bởi những giá trị to lớn mà nơi này mang lại.

Khu mộ bà Hoàng Thị Loan là một công trình tưởng niệm nhưng trong tâm khảm của mỗi người từ lâu đây được coi như là một di tích sánh cùng với nhiều khu di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp bên dòng sông Lam, khu mộ bà Hoàng Thị Loan rất thuận tiện cho việc đi lại cũng như khai thác giá trị du lịch. Từ chỗ chỉ đơn thuần là một ngôi mộ, về sau khu vực này đã được đầu tư xây dựng thành một khu tưởng niệm rộng lớn, liên kết với khu lăng mộ Mai Hắc Đế, di tích cụ Phan Bội Châu tạo thành một quần thể di tích lịch sử có giá trị du lịch hấp dẫn du khách về thăm. Khu mộ bà Hoàng Thị Loan không chỉ đơn thuần là một địa danh văn hoá thiêng liêng, một chứng nhân cho tình yêu thương, lòng biết ơn của con dân đất Việt giành cho người mẹ vĩ đại, người đã có công sinh thành và dưỡng dục những người con ưu tú cho đất nước, đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh - anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất...

Cao Xuân Lương  
Khám sức khỏe tiền hôn nhân gồm những gì, những ai nên thực hiện?

Khám sức khỏe tiền hôn nhân gồm những gì, những ai nên thực hiện?

Khám sức khỏe trước khi kết hôn là hình thức sàng lọc quan trọng để xây dựng cuộc sống gia đình bền vững và góp phần nâng cao chất lượng dân số. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều cặp đôi chưa thực sự quan tâm đến vấn đề này.

Tác hại khi cho trẻ xem TV trước 6 tuổi

Tác hại khi cho trẻ xem TV trước 6 tuổi

Việc để trẻ em xem tivi, điện thoại quá sớm sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng cho trẻ như khả năng phát triển ngôn ngữ, giao tiếp, trí nhớ ngắn hạn…

Tết vui, tiết kiệm

Tết vui, tiết kiệm

Còn hơn tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, các gia đình đã bắt đầu sắm sửa để chuẩn bị đón mừng năm mới. Với sự chu đáo, vén khéo, nhiều chị em lên kế hoạch chi tiêu hợp lý, tiết kiệm để cả nhà có một mùa vui ý nghĩa.

Trẻ vị thành niên chiếm 20% các ca mang thai tại Việt Nam

Trẻ vị thành niên chiếm 20% các ca mang thai tại Việt Nam

Thông tin từ Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) cho thấy, tỷ lệ trẻ vị thành niên có thai ngoài ý muốn đang chiếm khoảng 20% các ca mang thai ở nước ta.

Giáo dục con truyền thống gia đình qua dịp lễ Noel

Giáo dục con truyền thống gia đình qua dịp lễ Noel

Giáng sinh đang dần trở nên quan trọng khi là dịp để mỗi gia đình đoàn tụ yêu thương, chia sẻ và tận hưởng không khí vui tươi bên bạn bè, người thân.

Trẻ sinh mùa nào khoẻ mạnh và thông minh nhất?

Trẻ sinh mùa nào khoẻ mạnh và thông minh nhất?

Những đứa trẻ được sinh ra ở các mùa khác nhau có sức khỏe, chiều cao, thậm chí là chỉ số thông minh (IQ) khác nhau.

Lên cơn đau tim khi dạy con ôn thi vào THPT

Lên cơn đau tim khi dạy con ôn thi vào THPT

Một người đàn ông Trung Quốc đã quá tức giận khi đang kèm cặp con trai làm bài tập về nhà đến nỗi lên cơn đau tim và suýt mất mạng.