Nông trại cam hữu cơ của anh Ba Tình - Cà Mau
(NSMT) - Từ khi triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay giữa vùng ngọt hóa U Minh, Cà Mau đã có nhiều sản phẩm được chứng nhận 03 sao OCOP. Ngoài các sản phẩm như chuối xiêm sấy dẻo Minh Quân, rượu trái giác 5 Quốc thì cam Ba Tình của nông trại anh Nguyễn Văn Tình, ở ấp 18, xã Khánh Thuận, huyện U Minh cũng là một sản phẩm được nhiều người trong và ngoài tỉnh biết đến.

Vườn cam đạt chứng nhận VietGAP và đạt chuẩn 03 sao OCOP của nông trại anh Nguyễn Văn Tình.
Anh Nguyễn Văn Tình, sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh là chủ doanh nghiệp về lắp đặt các thiết bị phòng cháy chữa cháy. Ấp ủ giấc mơ làm nông nghiệp từ lâu, trong một lần tình cờ về xã Khánh Thuận, huyện U Minh anh thấy nơi đây đất đai màu mỡ, nhiều dưỡng chất, có hệ sinh thái rừng nên khí hậu mát mẻ, thích hợp để trồng cây ăn trái. Từ đó, anh Tình đã mạnh dạn đầu tư mua đất vườn, mở nông trại, cải tạo đất để trồng cây ăn trái với hình thức hữu cơ. Mục đích chính của anh là mang lại sản phẩm sạch, chất lượng cung cấp cho thị trường.
Anh Nguyễn Văn Tình cho biết: “Bạn bè, người thân khi nghe nói sẽ mua đất ở U Minh, Cà Mau để làm nông nghiệp ai cũng ngăn cản. Vì đường sá xa xôi, đi lại khó khăn. Trong khi đó, làm nông nghiệp hữu cơ vừa khó, vừa cực, thời điểm đó (năm 2015) chưa có ai trồng cây ăn trái với diện tích lớn như vậy. Nhưng với niềm đam mê về sản xuất nông nghiệp, với cây, với đất đã thôi thúc tôi đổ đường gần 300km từ thành phố Hồ Chí Minh về xứ rừng U Minh, Cà Mau để làm nông dân”.

Năm nay, anh Tình thay đổi cách chăm sóc cam, đảm bảo cam được ra trái liên tục để cung ứng cho thị trường.
Công việc kinh doanh của anh tuy khá bận rộn, thời gian đầu làm cũng gặp nhiều khó khăn nhưng không vì thế mà anh từ bỏ. Anh Tình quan niệm, vừa làm vừa học, học về đất, về nước, khí hậu nơi đây, học tới cách cải tiến phân thuốc, cách chăm sóc cây cam, đặc biệt anh tự sản xuất ra phân, thuốc hữu cơ sử dụng cho chính vườn cam của mình.
Dắt chúng tôi thăm kho sản xuất phân hữu cơ do chính mình làm ra, anh Nguyễn Văn Tình hào hứng kể: “Toàn bộ phân bón cho vườn cam đều từ kho này, tính ra còn rẻ hơn mua phân hóa học, chỉ khoảng vài trăm ngàn để mua vi sinh có thể dùng ủ phân xài cho cả năm. Từ cá, đầu tôm, thân cây chuối, vỏ các loại trái cây, phân chuồng hoai mục được ủ vi sinh làm phân bón cho cây. Các chế phẩm sinh học sau khi ủ hoại thành phân hữu cơ được tưới bằng hệ thống tự động đến từng gốc cam. Các vườn trái cây khác trong khu vực tìm mua phân hữu cơ ở đây cũng nhiều, tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và kỹ thuật ủ phân nếu bà con có nhu cầu”.
Làm nông nghiệp đã khó, làm theo hướng hữu cơ càng khó hơn. Mỗi khi cam gặp sâu bệnh, rụng trái anh cũng xử lý theo kiểu “truyền thống” quyết tâm không sử dụng thuốc hóa. Anh Tình ủ mục các chế phẩm từ: thuốc lá, bã trầu, gừng, tỏi... làm thuốc trị sâu bệnh cho cam. Vì chọn hình thức canh tác thuần tự nhiên, nên trong vườn cam của anh cỏ mọc xanh tốt, để không ảnh hưởng đến chất lượng trái cam anh không sử dụng thuốc diệt cỏ mà thuê nhân công để phát dọn.

Kho ủ phân hữu cơ phục vụ cho nông trại cam của anh Nguyễn Văn Tình.
Anh Tình chọn giống cam sành Bến Tre để trồng trong nông trại. Sau 3 năm trồng, cây cam phát triển tốt và đã cho trái. Với diện tích 7ha trồng cam, mỗi năm anh thu hoạch 1 vụ. Năm 2021, vườn cam thu hoạch 150 tấn, các siêu thị thu mua với giá 30.000 đồng/kg, thương lái thu với giá 16.000 đồng/kg. Sau khi trừ các khoản chi phí anh thu về 1,5 tỷ đồng/vụ. Năm vừa rồi cam của anh bị rụng do thời tiết thay đổi, nên vườn cam không đạt năng suất đúng như dự kiến khoảng 300 – 400 tấn/năm, cây bị mất sức dẫn đến không đủ cam để bán trong khi giá thu mua cao.
“Khoảng 9 tháng cam có thể thu hoạch, nếu mỗi năm thu hoạch một lần sẽ không có cam liên tục để cung ứng cho thị trường. Nên năm nay tôi quyết định thay đổi, giao công việc kinh doanh trên thành phố Hồ Chí Mình cho các anh trong công ty để tập trung vào vườn cam. Tăng năng suất vườn cam lên từ gấp rưỡi đến gấp đôi so với các năm trước, làm cho vườn cam rải vụ. Giờ cam ra bông nhưng tôi không thúc phân, ít tưới nước, ép cây cam một số liếp xen kẽ để chậm ra trái hơn các liếp khác; đảm bảo trong vườn cho trái gối đầu và liên tục. Có như vậy, đầu ra mới ổn định và thu nhập mới cao. Ngoài ra, tôi cũng đang tìm các công ty xuất khẩu lớn để trái cam được ra thị trường lớn hơn, tuy nhiên cũng còn nhiều khó khăn”, anh Nguyễn Văn Tình bộc bạch.

Cam sau khi thu hoạch được dán nhãn chứng nhận rồi mới xuất bán cho các siêu thị và cửa hàng trái cây sạch.
Trái cam Ba Tình đạt tiêu chuẩn về nông sản sạch nay đã có mặt trong các siêu thị lớn như Coop.mark, Citimark, AEON, ở Cà Mau, thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Tại các shop trái cây sạch ở thành phố Hồ Chí Minh đang rất ưa chuộng thương hiệu cam Ba Tình, tuy giá có cao (giá thu mua khoảng 30.000 – 40.000 đồng/kg) nhưng người tiêu dùng vẫn sẵn sàng mua. Họ chỉ cần bỏ vỏ ngoài ăn trực tiếp tại chỗ, vì cam Ba Tình đảm bảo được độ ngọt tiêu chuẩn. Anh được chính quyền địa phương vận động, hỗ trợ hoàn thành hồ sơ tham gia sản phẩm OCOP của tỉnh và đạt chứng nhận 03 sao năm 2021.
Không chỉ là doanh nhân, nông dân sản xuất giỏi, anh Nguyễn Văn Tình còn là công dân gương mẫu tham gia đóng góp và phát triển chung của xã. Anh Trần Công Mười, Chủ tịch UBND xã Khánh Thuận nhận xét: “Từ khi có vườn cam Ba Tình, nhiều lao động nhàn rỗi tại địa phương có việc làm và thu nhập ổn định. Ngoài ra , anh Nguyễn Văn Tình còn thực hiện tốt công tác an sinh xã hội như đóng góp xây dựng trụ sở sinh hoạt văn hóa tại các ấp 9, 16; xây dựng cầu giao thông nông thôn; hỗ trợ nấu cơm phát miễn phí cho bà con từ vùng dịch về khi dịch Covid-19 bắt đầu khởi phát. Về sản phẩm cam Ba Tình, ngoài các chứng nhận VietGAP, hữu cơ nay đủ tiêu chuẩn công nhận 03 sao OCOP càng làm phong phú thêm các sản phẩm OCOP tại địa phương. Từ mô hình này, xã tiếp tục khuyến khích, vận động và hỗ trợ các hộ có tiềm năng khác tham gia sản phẩm OCOP, các sản phẩm đã đạt chuẩn sẽ giữ hạng và có hướng nâng hạng trong thời gian tới”.
Hội Từ thiện TP. Cần Thơ tổ chức khám bệnh, tặng quần áo và cơm miễn phí cho người khó khăn
Sáng 26/4/2025, tại Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em Thành phố Cần Thơ (100 Trần Việt Châu, quận Ninh Kiều) đã diễn ra chương trình khám bệnh miễn phí định kỳ, thu hút khoảng 100 – 120 lượt bà con nghèo và lao động xa quê, chưa có bảo hiểm y tế.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn gặp mặt các Mẹ VNAH, lãnh đạo Cần Thơ, Hậu Giang qua các thời kỳ
(NSMT) - Ngày 26/4, tại TP. Cần Thơ, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn gặp mặt các Mẹ Việt Nam Anh hùng, nguyên lãnh đạo Trung ương, Quân khu 9 và TP. Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang qua các thời kỳ, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).
Di tích khảo cổ Vĩnh Hưng đón nhận Bằng xếp hạng Quốc gia đặc biệt
(NSMT) - Ngày 26/4, tỉnh Bạc Liêu tổ chức buổi lễ Lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt khảo cổ Vĩnh Hưng tại xã Vĩnh Hưng A, huyện Vĩnh Lợi.
Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước ở Cà Mau
(NSMT) - Sáng 26/4, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cà Mau long trọng tổ chức họp mặt Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước.
Sóc Trăng đã trình Đề án sắp xếp đơn vị cấp xã, vượt tiến độ Chính phủ quy định
Cuối ngày 26.4, ông Lâm Văn Mẫn, Bí thư tỉnh uỷ, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng, cho biết: Tỉnh Sóc Trăng đã hoàn thành và trình Bộ Nội vụ về Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, vượt tiến độ Chính phủ quy định.
Cà Mau: Khai mạc ngày hội Hương rừng U Minh năm 2025
(NSMT) – Ngày 25/4, UBND huyện U Minh phối hợp cùng Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau tổ chức lễ khai mạc ngày hội Hương rừng U Minh năm 2025 với chủ đề sắc màu U Minh Hạ.
Sóc Trăng: Trao 240 suất học bổng cho học sinh nghèo vượt khó
Ngày 25/4, Hội Khuyến học tỉnh Sóc Trăng tổ chức trao học bổng Quỹ khuyến học Dương Kỳ Hiệp cho học sinh nghèo vượt khó, học giỏi năm 2025.