Văn hóa

Thầy giáo làng!

Thứ bảy, 19/11/2022, 12:25 PM

Có bận, gặp thầy đi cà kheo đánh xiếc, chiếc quần đùi “lò xo” bám đầy tôm tép, vẩy cá, lũ học trò chúng tôi phá lên cười. Trong mắt chúng tôi, thầy là thần tượng. Thầy nói gì cũng đúng, hỏi gì cũng biết.

Tiếng trống vào lớp đã điểm nhưng phải chừng 10 phút sau thầy mới xuất hiện. Dựng vội chiếc xe đạp cà tàng không phanh, không chuông vào gốc cây bàng dưới sân trường, quần ống thấp, ống cao, thầy thở hổn hển bước vào lớp. Tay phải thầy cầm giáo án, tay trái vẫy vẫy, ra hiệu cả lớp không cần phải đứng dậy chào.

Thầy giáo làng thầm lặng (Tranh minh họa)

Thầy giáo làng thầm lặng (Tranh minh họa)

Bao giờ cũng thế, trước khi đến trường, thầy lại phải ra biển cào dắt làm thức ăn cho đàn vịt ở nhà. Thầy bảo, không có đàn vịt đẻ trứng, không có đàn lợn nái tái đàn đến xác xơ, thầy không thể đứng vững trên bục giảng. Tám miệng ăn, một mình vợ thầy vừa làm ruộng vừa chạy chợ, bố mẹ lại già yếu, thầy, một thư sinh đành phải hóa lực điền. Sau giờ lên lớp, từ bổ củi, gánh nước, thồ lúa, việc gì thầy cũng làm.

Có bận, gặp thầy đi cà kheo đánh xiếc, chiếc quần đùi “lò xo” bám đầy tôm tép, vẩy cá, lũ học trò chúng tôi phá lên cười. Trong mắt chúng tôi, thầy là thần tượng. Thầy nói gì cũng đúng, hỏi gì cũng biết. Thầy không thể như bố chúng tôi, những người dành cả thanh xuân cho ruộng đồng và biển cả.

Trong làng, ngoài xã, ai có việc gì cũng hỏi thầy. Nhiều bạn, bố mẹ cãi nhau cũng đến nhờ thầy phân xử. Sáng, trên lớp giọng thầy trầm ấm, ngân nga những vần thơ lục bát. Tối về nhà, thầy lại hì hục cắt rau, băm bèo chăm đàn lợn. Chủ nhật, được nghỉ dạy, có hôm thầy đi quăng chài kiếm con diếc, con rô cải thiện bữa cơm cho 4 đứa con đang tuổi ăn, tuổi lớn.

Những năm 80, 90 của thế kỷ trước, lương của thầy chỉ đủ mua cặp sách cho con và ít gạo “làm nền” cho khoai sắn. Dù xoay xở nhiều nghề nhưng nhà thầy vẫn quay quắt bữa đói bữa no. Vợ thầy thi thoảng lại buông thõng một câu “thở dài thế kỷ” rằng người ta sức dài vai rộng đi thợ, đi thuyền, đi biển nuôi cái cùng con. Mình đi dạy học làm gì cho đói. Chữ có mài ra mà ăn được đâu. Những lúc ấy thầy buồn lắm, thương vợ con lắm!

Có hôm trăng sáng, chúng tôi kéo đến nhà thầy luyện chữ. Thầy viết chữ và vẽ tranh rất đẹp. Thầy bảo nét chữ nết người. Làng mình nghèo, các em gắng mà học. Tuyệt đối không được bỏ học sớm đi thợ gạch, thợ xẻ hay đi kéo rùng. Cái ăn chỉ giúp đỡ đói hôm nay, còn tri thức sẽ nuôi dưỡng cả tương lai rộng lớn.

 20/11, dù nghèo nhưng bao giờ nhà thầy cũng đầy ắp kẹo vừng, kẹo lạc. Thầy biết, kiểu gì chúng tôi cũng kéo đến chúc mừng. Nói là chúc mừng nhưng thực ra chúng tôi chỉ mong được một hôm trốn học tụ tập đến nhà thầy quậy phá. Hồi đó, ngày Nhà giáo Việt Nam vô cùng giản dị. Sau màn văn nghệ trên trường, học trò các lớp tỏa về nhà thầy cô ăn bánh kẹo. Mỗi đứa xin bố mẹ một ít tiền, góp lại mua cho cô giáo một cái nón hoặc một cái khăn tay, mua cho thầy một cái phích nước hoặc một bộ ấm chén sứ Hải Dương pha trà. Cả đoàn lũ lượt đèo nhau trên những chiếc xe đạp cũ, ríu ra ríu rít khắp làng.

Có năm, thầy kể sáng 20/11 đã thấy một phụ huynh mang theo rổ cá trích, cá ve đến chúc mừng. Phụ huynh tha thiết: "Mong thầy nhận mớ cá tạp này, chiều chúng tôi qua nhà làm gỏi nhậu chúc mừng cho vui".

Lại có phụ huynh nọ biếu thầy cân lạc, bò vừng, nải chuối. Tất cả đều là của nhà trồng được. Thầy bảo, hạnh phúc của nghề dạy học giản dị thế đấy.

Năm chúng tôi học lớp 9, thầy chuyển sang nghề buôn hàng xén. Theo thầy, giờ con cái đã lớn, nhu cầu tiêu dùng của gia đình ngày càng cao, thầy chuyển sang buôn bán tăng thêm thu nhập. Ngặt nỗi, vì cuộc sống khó khăn, nhiều phụ huynh mua chịu, lâu dần thành… nợ xấu khó đòi. Có những đợt, thầy chạy vạy khắp nơi vay mượn, lấy cả lương để bù lỗ. Có hôm trời mưa, thầy đi đổ hàng từ sáng sớm, chiếc xe ba – bét – ta chết máy. Lũ học trò còng lưng đẩy xe giúp thầy. Tiếng thầy trò nói cười râm ran khắp xóm. Chiếc xe bê bết bùn đất như thường lệ lại được dựng cạnh cây bàng lá đỏ quạnh. Trống vào lớp, giọng thầy lại ngân vang bên trang giáo án soạn vội đêm qua.

Từ ngày chuyển sang đi buôn, sáng thầy vẫn lên lớp, chiều về trải chiếc áo mưa ra giữa chợ, trở thành người bán hàng xén kỳ kèo bớt một thêm hai. Có hôm theo mẹ đi chợ, chứng kiến cảnh thầy và mẹ tôi đong gạo, tôi không khỏi nghẹn lòng.

Sau này, lũ học trò của thầy chẳng ai theo nghề dạy học. Lời thầy dặn năm xưa cố gắng mà học cũng đứt đoạn giữa chừng. Nhiều đứa bỏ học đi thợ gạch, thợ xẻ, đi kéo rùng. Cuộc sống mưu sinh vất vả khiến cho con chữ lặn mất tăm từ thuở ấy. Sau này mỗi lần họp lớp, thầy thường nhẹ nhàng nhắc lại ký ức xưa, chỉ sợ học trò buồn.

Lũ chúng tôi, giờ tóc đã pha sương nhưng mỗi lần được gặp thầy, cả một trời tuổi thơ học trò nghèo khó lại sống dậy. Vẫn văng vẳng đâu đây giọng văn thiết tha, nồng ấm của thầy. Và vẫn còn đó hình ảnh một thầy giáo làng, sáng dạy học, chiều vá xăm, tát ao, gánh củi. Thầy đã đi qua những năm tháng gian lao ấy bằng một tình yêu nghề vô bờ bến. Những lời văn, nét chữ của thầy đã cùng chúng tôi đi dài theo năm tháng.

Quang Duy  
Đoán trí thông minh của trẻ qua quan sát bàn tay

Đoán trí thông minh của trẻ qua quan sát bàn tay

Những đặc điểm như chiều dài ngón hay cấu trúc bàn tay có thể giúp phụ huynh nhận biết khả năng tư duy và tiềm năng phát triển của trẻ ngay từ nhỏ.

Ở nhà thuê có cần cúng ông Công ông Táo không?

Ở nhà thuê có cần cúng ông Công ông Táo không?

Cúng ông Công ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp là truyền thống lâu đời của người Việt. Nhiều người thuê nhà đang phân vân liệu có phải thực hiện nghi lễ này hay không?

Dọn nhà cuối năm bỏ 7 loại cây để đón vận may

Dọn nhà cuối năm bỏ 7 loại cây để đón vận may

Việc dọn dẹp cuối năm cần phải vứt bỏ một số cây cảnh không tốt cho phong thủy gia đình, xua đuổi xui xẻo ra khỏi nhà.

Cổ nhân dạy tháng 12 âm lịch không làm 5 điều

Cổ nhân dạy tháng 12 âm lịch không làm 5 điều

Những điều cấm kỵ trong tháng 12 âm tuy có phần mê tín nhưng cũng thể hiện sự mong đợi, cầu phúc trong năm mới cũng như sự tôn trọng, kế thừa văn hóa truyền thống của người dân.

Phối cảnh Đường hoa nghệ thuật Cần Thơ Tết Ất Tỵ năm 2025

Phối cảnh Đường hoa nghệ thuật Cần Thơ Tết Ất Tỵ năm 2025

(NSMT) - Đường hoa nghệ thuật Cần Thơ Tết Ất Tỵ năm 2025 với chủ đề “Hội tụ và phát triển”. Dự kiến khai mạc đưa vào phục vụ ngày 27/01/2025 và hoạt động đến hết ngày 03/02/2025 (từ ngày 28 tháng Chạp đến hết ngày mùng 6 Tết) tại tuyến đường Võ Văn Tần – Nguyễn Thái Học, quy mô khoảng 310m, kinh phí thực hiện khoảng 5,5 tỉ đồng được xã hội hóa, không dùng ngân sách.

Vì sao tháng Chạp không nên chuyển nhà?

Vì sao tháng Chạp không nên chuyển nhà?

Tháng Chạp là tháng cuối cùng trong năm Âm lịch, lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống mà còn được chứa đựng nhiều điều kiêng kỵ mang đậm dấu ấn tâm linh.

Xuân yêu thương 2025: Sự trở lại của hành trình trao gửi niềm vui dịp Tết cho trẻ em mồ côi

Xuân yêu thương 2025: Sự trở lại của hành trình trao gửi niềm vui dịp Tết cho trẻ em mồ côi

(NSMT) - Mùa xuân luôn là thời điểm sum vầy, chia sẻ những khoảnh khắc hạnh phúc bên gia đình, người thân. Tuy nhiên, không phải đứa trẻ nào cũng có được niềm vui ấy. Nhiều trẻ em mồ côi, cơ nhỡ và khuyết tật sống trong hoàn cảnh khó khăn, không có một mùa Tết đầy đủ như bao trẻ em khác. Để xoa dịu nỗi đau này, chương trình “Xuân yêu thương” tổ chức hàng năm tại TP Cần Thơ đã và đang trở thành một hành trình trao gửi yêu thương ý nghĩa, nối dài truyền thống tốt đẹp của dân tộc "Lá lành đùm lá rách".