Nếp nhà

Tình nghĩa hậu ly hôn

Chủ nhật, 06/10/2024, 15:23 PM

(NSMT) - Nhiều cặp vợ chồng sau khi chia tay, có thời gian bình tĩnh, nhìn nhận lại sự việc, đã có cách cư xử văn minh, lịch sự, dành cho nhau sự tôn trọng, sẵn sàng hỗ trợ khi gặp khó khăn, chung sức chăm lo tương lai con cái. Những hành động đẹp của đôi bên không chỉ hóa giải mâu thuẫn, tạo được mối quan hệ tốt mà còn tác động tích cực, giúp trẻ bớt tổn thương khi không có được mái ấm trọn vẹn.

Đầu năm học mới, bé My, 14 tuổi, ở quận Ninh Kiều, được cha mua cho xe đạp điện và máy vi tính để phục vụ việc học. Các buổi chiều, cha hay qua nhà hướng dẫn My chạy xe và cài đặt những chương trình phù hợp, dạy con làm các bài thuyết trình, video trên máy tính. Từ khi ba mẹ ly hôn, ở riêng, My vẫn có được sự quan tâm yêu thương của cha mẹ và ông bà hai bên.
Chị Diễm - mẹ bé My, chia sẻ: “Gần 10 năm đi chung đoạn đường, đến lúc thấy không còn phù hợp về quan điểm sống, chúng tôi quyết định dừng lại. Thời gian đầu, tôi cũng từng trải qua những cảm xúc tiêu cực, bị stress. Chồng cũ cùng gia đình giúp tôi ổn định lại tâm lý. Chúng tôi cố gắng giữ gìn tình cảm, đồng hành cùng con trưởng thành”.

Giữ tình nghĩa hậu ly hôn.

Giữ tình nghĩa hậu ly hôn.

Khi ly hôn, trong phân chia tài sản, ba My để lại căn nhà cho hai mẹ con ở, sổ tiết kiệm chung trước đây thì phần của ba để dành cho My. Biết chị Diễm hay đi công tác, chồng cũ thuê nhà ở gần để tiện phụ đưa rước con đi học. Thấy chồng cũ sống “có trước có sau”, chị Diễm vui vẻ ủng hộ mối quan hệ mới của chồng. Người này cũng trải qua đổ vỡ, có con riêng và đang mang thai con chung với chồng cũ. Chị Diễm thường cho các con gặp nhau, vui chơi, khuyên con gái biết thương em, dạy em học. Thỉnh thoảng các bên tổ chức đi ăn, về quê giới thiệu với họ hàng, khi ai có việc đột xuất thì người kia sẵn sàng đỡ đần… Chị Diễm rất biết cách cư xử nên bên chồng cũ tôn trọng, quý mến và lại càng thương cháu nội nhiều hơn.

Khi con trai bước vào lớp 6, chị Ngọc ở quận Bình Thủy, đành ly hôn vì không chịu đựng nổi thói bài bạc của chồng. Số nợ chồng gây ra quá lớn, chị phải bán căn nhà ba má chồng cho để trả nợ, còn dư chút ít cất căn nhà nhỏ trên đất người quen ở tạm. Ban đầu, vì hận chồng nên chị Ngọc tránh tiếp xúc, chặn điện thoại liên lạc, con nhớ cha cũng không dám nói. Qua biến cố, chồng cũ chị Ngọc sửa đổi, lo làm ăn kiếm tiền phụ nuôi con. Sau thời gian bình tâm, chị Ngọc cảm thấy mình quá khắt khe nên chị dần thay đổi, tạo điều kiện cho chồng cũ thăm nom, chăm sóc con... Biết chồng cũ ở trọ đi làm, ăn uống thất thường nên mỗi khi nấu đồ ăn ngon, chị vẫn kêu con mời cha ghé ăn. Khi mở lòng, bao dung, giữ được sự cân bằng, chị Ngọc cảm thấy như bớt được gánh nặng, tâm trạng thoải mái hơn; con trai thì vui ra mặt, thêm quấn quýt cha. Năm nay con trai chị Ngọc vào lớp 12, được cha tặng món quà là sổ tiết kiệm để học đại học. Sau 6 năm, giờ đây chị Ngọc và chồng cũ như những người bạn tốt, phối hợp vun đắp tương lai cho con.

Bạn bè chơi chung thầm ngưỡng mộ cách cư xử của anh Việt và chị Hồng ở quận Cái Răng. Sau khi ly hôn, anh Việt về nhà mẹ ruột ở, để lại căn nhà cho vợ cũ và các con. Không chỉ chu toàn việc trợ cấp hằng tháng, anh Việt còn nhiệt tình phụ giúp gia đình vợ cũ khi hữu sự. Ngược lại, chị Hồng cũng thể hiện tròn vai trong những lần má chồng cũ lâm bệnh, nhập viện, điều trị dài ngày. Cuối tuần, chị Hồng thường cùng các con qua nhà nội dọn dẹp, đi chợ, sơ chế thức ăn… Chị Hồng quan niệm ai cũng có khuyết điểm nên cứ nhìn vào điểm tốt của nhau mà bỏ qua những vướng mắc trong lòng. Khi chồng cũ có bạn gái, chị Hồng vun vén cho hai người sớm về một nhà để có người lo lắng sớm hôm vì má chồng cũ thường đau yếu, mà anh Việt hay đi công tác. Thấy chị Hồng bận rộn đi làm, người sau của chồng cũng thường phụ đưa rước con đi học; những khi chị Hồng bận đột xuất thì đem các con về nhà nội lo chu đáo. Chị Hồng chia sẻ: “Tình vợ chồng không còn nhưng còn nghĩa và những đứa con chung. Mỗi khi các con thắc mắc điều gì, tôi giải thích để các con hiểu lý do tại sao cha mẹ chia tay. Cách cha mẹ xử lý vấn đề sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển tâm lý và lối sống của con cái nên chúng tôi luôn tôn trọng nhau, thống nhất trong việc chăm sóc, dạy bảo con điều hay lẽ phải, biết yêu thương, giúp đỡ người thân”.

Không phải ai cũng có thể ứng xử lịch sự, văn minh sau ly hôn. Vợ chồng cũ không tình cũng nghĩa, hãy bước qua rào cản, để lại phía sau những gút mắc, đối đãi với nhau chân thành, cùng giữ hình ảnh đẹp, phối hợp nuôi dưỡng để con cái không mặc cảm, vững bước vào đời. Mặt khác, buông bỏ cũng là để người trong cuộc có tâm thế nhẹ nhàng, thoải mái, tiếp tục xây dựng cuộc sống mới cho mình.

Kiều Chinh  
Quà 8/3 tặng mẹ cảm động giúp ngày lễ trở nên ý nghĩa

Quà 8/3 tặng mẹ cảm động giúp ngày lễ trở nên ý nghĩa

Việc chọn quà 8/3 tặng mẹ cảm động không chỉ thể hiện lòng biết ơn mà còn làm ấm lòng và mang lại niềm vui cho đấng sinh thành.

Các gia đình

Các gia đình "vượt khó" khi kinh tế eo hẹp

Công việc gặp khó khăn, giảm thu nhập, một số mặt hàng thiết yếu tăng giá… ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt của các gia đình hiện nay. Với sự chu đáo, đảm đang, nhiều chị em khéo léo tính toán, vận động người thân cùng thực hành tiết kiệm, nỗ lực duy trì chất lượng cuộc sống.

Vì sao mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu tồn tại bất chấp thời đại?

Vì sao mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu tồn tại bất chấp thời đại?

Tiến sĩ Madeleine A. Fugère - GS Tâm lý học xã hội tại Đại học Bang Eastern Connecticut (Mỹ) đã chia sẻ những lý do bất ngờ đằng sau mâu thuẫn trong mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu.

Giảm 37% nguy cơ tử vong nhờ... trông cháu

Giảm 37% nguy cơ tử vong nhờ... trông cháu

Dành thời gian cho trẻ nhỏ có thể giúp ông bà minh mẫn, vui vẻ và thậm chí khỏe mạnh hơn về lâu dài.

Đàn ông cũng cần được khóc

Đàn ông cũng cần được khóc

Nhiều nam giới trao đổi rằng họ không được ai dạy về cách thế hiện tình cảm yêu thương thế nào và giải tỏa cảm xúc nóng giận một cách hiệu quả ra sao.

Bắt nhịp sau Tết

Bắt nhịp sau Tết

Sau những ngày Tết vui chơi, nghỉ ngơi thoải mái, người lớn trở lại với công việc, trẻ em đến trường. Nhanh chóng lấy lại sức khỏe, cũng như rèn luyện con cái vào nền nếp, thích nghi với môi trường đi học là điều phụ huynh quan tâm. Để đầu năm được thuận lợi, suôn sẻ, các gia đình có sự chuẩn bị chu đáo, giữ tâm trạng vui vẻ, lan tỏa năng lượng tích cực, cùng nhau nỗ lực học tập, làm việc tốt hơn.

Cúng ông Công ông Táo sau 12 giờ ngày 23 tháng Chạp được không?

Cúng ông Công ông Táo sau 12 giờ ngày 23 tháng Chạp được không?

Nhiều người cho rằng việc cúng ông Công ông Táo phải thực hiện trước 12 giờ ngày 23 tháng Chạp. Tuy nhiên chuyên gia lại phân tích điều ngược lại.