“Bà giáo già” hết lòng vì trẻ em khó khăn
Sau hơn 10 năm lặn lội, vận động, bằng tình thương, tấm lòng của nhà giáo, cô Lê Thị Bích Thủy, ngụ ấp Tân Hòa, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau đã âm thầm dạy chữ miễn phí cho trẻ em kém may mắn trên địa bàn. Đến nay, cô đã giúp đỡ được nhiều trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận với chữ, cầu nối để các em có được cuộc sống tốt hơn.
Cô Lê Thị Bích Thủy, sinh năm 1957, từng là giáo viên tại Trường tiểu học Thạnh Phú 1 (xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước), nay cô đã về hưu. Tuy không sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Cà Mau, nhưng cô đã cống hiến tuổi trẻ của mình cho quê hương thứ hai này. Tưởng chừng sẽ an nhàn tuổi già, nhưng với mong muốn được cống hiến, cô tham gia vào công tác Hội Liên hiệp phụ nữ xã và tiếp tục rong ruổi các nẻo đường để tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước đến với Nhân dân. Cô Thủy kể lại: “Được đi nhiều, biết nhiều, tiếp xúc với những hoàn cảnh khác nhau, tôi thấy xung quanh mình còn rất nhiều người khó khăn. Hàng ngày, bà con phải chật vật lo từng miếng ăn, cái mặc thì làm sao nghĩ tới chuyện cho con cái học hành. Nhưng nếu cứ tiếp tục như vậy, cái khổ, cái nghèo vẫn sẽ tiếp tục đeo bám cho đến đời con, đời cháu sau này”.
Xuất phát từ suy nghĩ đó và bằng kinh nghiệm, kiến thức của mình, cô quyết định mang chữ đến những em có hoàn cảnh khó khăn mà cô gặp. Khi không còn tham gia công tác Hội Liên hiệp phụ nữ xã nữa, cô vẫn tiếp tục kiên trì và mở nên lớp học tình thương, mặc dù điều kiện gặp nhiều khó khăn. Lúc đầu chỉ một vài em, “lớp học” có thể là hàng ba, sân nhà của một ai đó. Cô Thủy dạy các em biết mặt chữ cái, đánh vần và làm quen với toán. Dần dà, chuyện “bà giáo già” dạy chữ miễn phí cho trẻ em nghèo đồn xa, lớp học của cô mỗi ngày mỗi đông, có khi hơn chục em. “Những nơi tạm bợ không đủ để đáp ứng nhu cầu cho các em học, tôi phải đến xin nhờ các quán cà phê, mượn nhờ bàn ghế để học sinh có nơi ngồi viết bài. Một điều may mắn, cô trò tôi đi đến đâu cũng được người dân yêu thương, tạo điều kiện để dạy và học. Nay chỗ này, mai chỗ kia, miễn ở đâu có trẻ em nghèo cần học chữ là lớp học lại hoạt động và được mọi người hỗ trợ hết lòng”, cô Thủy cho biết.
Anh Phạm Thanh Sang, ngụ ấp Tân Hòa, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước cho biết: “Trong một lần đi ngang trên đường, tôi thấy cô Thủy và các em học sinh ngồi học tạm bợ trong một quán nước rất vất vả. Đến hỏi chuyện mới biết cô đang dạy chữ miễn phí cho các em nghèo, bệnh tật, mồ côi. Thấy vậy tôi quyết định cho cô mượn căn phòng còn trống sau nhà. Tuy đã có nơi học ổn định nhưng điều kiện còn nhiều thiếu thốn. Việc mở lớp học tình thương của cô Thủy được nhiều nhà hảo tâm biết đến, họ tích cực vận động, quyên góp và hỗ trợ xây dựng nên lớp học như hôm nay”.
Trong căn phòng rộng khoảng 20m2 được nhà hảo tâm tài trợ, định kỳ vào thứ 4, thứ 7 và chủ nhật hàng tuần, lớp học tình thương của cô Lê Thị Bích Thủy lại rôm rả tiếng đọc bài của hơn 20 em. Mỗi em một hoàn cảnh, không ai giống ai nhưng một điểm chung là trước khi đến với lớp học tình thương, việc được đi học, biết đọc, biết viết đối với các em là rất khó. Không chỉ gieo chữ, cô Thủy còn là cầu nối để các em có điều kiện học tốt hơn. Cô Thủy cho biết: “Nghỉ hưu cũng lâu nên có khi chương trình tôi không cập nhật hết được. Lớp học chỉ đảm bảo để các con biết đọc, biết viết và làm toán cơ bản. Những học sinh nào có khả năng, tôi liên hệ với Hội Liên hiệp phụ nữ xã hỗ trợ, giới thiệu các con vào trường để học sâu thêm cho đúng với chương trình. Có nhiều em học được đến cấp trung học cơ sở, rồi đi học nghề, có công việc ổn định, tôi vui lắm”.
Lớp học tình thương của cô Thủy là nơi tập hợp nhiều hoàn cảnh, nhiều độ tuổi khác nhau. Có em mới vừa 4 tuổi, vì nhà nghèo không có điều kiện học mẫu giáo, cô lo tiếp tục như vậy sẽ không có ý thức đi học nên vận động gia đình chở đến lớp để làm quen cùng các anh chị. Có em hơn 20 tuổi, vì khả năng nhận thức có phần hạn chế nên đến giờ vẫn chưa biết chữ. Rồi những em mồ côi cha hoặc mẹ, cha mẹ ly tán phải ở với ông bà đã lớn tuổi không có điều kiện để cho đi học. Về chương trình dạy, cô không có giáo án cụ thể, mà linh hoạt theo từng lứa tuổi là mỗi bài dạy khác nhau. Phần bảng viết của cô Thủy được chia ra thành nhiều ô cho từng trình độ. Cô Lê Thị Bích Thủy cho biết: “Sau nhiều năm hoạt động của lớp học tình thương, nhiều người ngỏ ý muốn đưa con đến gửi để tôi dạy kèm thêm, nhưng tôi đều từ chối. Miễn là những em nghèo, gia đình khó khăn, chưa biết chữ, chưa được đi học là tôi nhận vô lớp ngay. Vì các trường hợp này cần ưu tiên giúp trước. Sau này, tôi chỉ sợ không đủ sức khỏe để tiếp tục dạy chữ cho các em, tuy cũng có lúc cực, nhưng thấy các em học mỗi ngày một tiến bộ đó là động lực, niềm vui và hạnh phúc của người làm nghề giáo”.
Cô Nguyễn Thị Bình, ngụ ấp Bà Bèo, xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước: “Gia đình tôi đơn chiếc, con trai và dâu thì ly hôn, hai đứa cháu nội ở với tôi. Tuổi cao, sức yếu không làm ra được tiền, chỉ lo gói gọn bữa ăn hàng ngày cho cháu nên không có khả năng đưa các cháu đến trường được. Cô Thủy trước đây dạy học cho tôi, giờ nghe cô mở lớp học tình thương dạy miễn phí nên dù có xa tôi cũng cố gắng cho cháu theo học. Sau thời gian dài học ở đây, các cháu của tôi cũng biết đọc và biết viết, dù chậm hơn những trẻ khác nhưng như vậy là mừng lắm rồi. Phải cố gắng biết chữ, nếu không thì khổ lắm”.
Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước Trần Diễm Mi cho biết: “Trong nhiều năm nay, cô Lê Thị Bích Thủy đã hết lòng giúp đỡ nhiều trẻ em nghèo, chưa được đi học trên địa bàn. Việc làm của cô mang tính nhân văn sâu sắc, xứng đáng là tấm gương để thế hệ trẻ noi theo học hỏi. Thời gian qua, Hội Liên hiệp phụ nữ xã Thạnh Phú đã đồng hành cùng cô trong hành trình mang chữ đến những em có hoàn cảnh khó khăn, như vận động mạnh thường quân hỗ trợ các vật dụng cần thiết cho lớp học, liên hệ các trường trong xã tạo điều kiện cho các em của lớp học tình thương được học hành đúng độ tuổi và chương trình học”.
Người hạnh phúc coi cuối tuần như kì nghỉ
Khi đo lường mức độ hạnh phúc, nhà nghiên cứu này thấy rằng những người có tư duy nghỉ dưỡng vào cuối tuần thể hiện sự hài lòng và tích cực hơn khi họ trở lại làm việc.
Yêu thương bản thân để sống vui, sống khỏe
(NSMT) - Dẫu bận rộn, nhiều phụ nữ vẫn cố gắng sắp xếp, cân bằng giữa công việc, gia đình và nghỉ ngơi, thư giãn để nâng cao chất lượng cuộc sống. Các chị thể hiện tình yêu bản thân bằng sự quan tâm đến cảm xúc cá nhân, nuôi dưỡng thể chất và tâm hồn, xây dựng lối sống lành mạnh. Những thói quen tốt giúp các chị tái tạo năng lượng tích cực, vui vẻ, lạc quan, khỏe đẹp hơn…
Những “bông hoa khuyết” tỏa sáng trên đường chạy
(NSMT) - “Những đoá hoa khuyết” phá rào cản, vượt qua giới hạn bản thân để tỏa sáng trên đường chạy “Bước chân hòa nhập 2024” – Mùa 2 do Hội Người khuyết tật TP. Cần Thơ (CAPD) tổ chức.
Tài không vào cửa gấp, phú không vào cửa lệch
Phát tài cũng có rất nhiều điểm khác biệt, trong đó có cả tiền của bất chính, loại tài sản này không ổn định, hơn nữa còn dễ dẫn đến rắc rối.
Lặng lẽ nghề pháp y
(NSMT) - Cũng khoác áo blouse để mưu sinh và cống hiến, thế nhưng chẳng mấy ai biết bác sĩ pháp y - nghề “lên tiếng thay người đã khuất” vẫn thầm lặng tìm công lý bên những xác chết, phục vụ công tác điều tra phá án. Và, đâu đó góc khuất của nghề chưa được kể, hiểu đúng cũng như cảm thông.
Chuyện về người thương binh “tàn nhưng không phế” ở Cà Mau
(NSMT) - Thương binh hạng 2/4 Nguyễn Văn Chà, sinh năm 1963, ở xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau, luôn giữ được phẩm chất của người lính bộ đội Cụ Hồ "tàn nhưng không phế”, tích cực phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng và có nhiều đóng góp tích cực cho quê hương.
Lễ hội Oóc Om Bóc
Đua ghe Ngo Sóc Trăng, Khu vực đồng bằng sông Cửu Long lần thứ VI và Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng lần thứ I, năm 2024 diễn ra trong 7 ngày.