Bác sỹ Cu Ba đi nửa vòng trái đất, biến đất lạ miền núi thành quê hương thứ hai
Tháng 9/2021, nhiều người trong giới y học ngỡ ngàng khi bác sỹ Piter, chuyên gia tim mạch người Cu Ba quyết định đến làm việc lâu dài tại một bệnh viện tư nhân tuyến huyện ở Phú Thọ.
Bệnh viện tư nhân Hùng Vương - Phú Thọ được cho là điểm sáng về y tế tại khu vực miền núi phía Bắc nhưng việc một bác sỹ đến từ nền y học hàng đầu thế giới lựa chọn gắn bó lâu dài, tiếp tục sự nghiệp tại một cơ sở y tế tư nhân đóng tại một xã miền núi còn nhiều khó khăn là câu chuyện chưa hề có tiền lệ.
“Từng có người nghĩ chúng tôi thu hút một bác sỹ quốc tế để làm thương hiệu nhưng không hẳn như vậy. Đúng là từ ngày có bác sỹ Piter, chuyên khoa tim mạch của bệnh viện chúng tôi phát triển mạnh hơn hẳn. Nhưng nguyên nhân chủ yếu đến từ chính năng lực chuyên môn của bác sỹ này.
Piter trước khi đến bệnh viện Hùng Vương là một bác sỹ tim mạch được giới chuyên môn đánh giá rất cao. Hai năm qua, chưa có một ca bệnh nào về tim mạch qua tay bác sỹ Piter thất bại”, ông Phạm Văn Học, Chủ tịch HĐQT bệnh viện đa khoa Hùng Vương lý giải việc mời bác sỹ Piter về làm việc.
Lựa chọn để cống hiến
Bác sỹ Piter, tên đầy đủ là Piter Martinez Benitez, sinh năm 1978 tại thủ đô Havana, Cu Ba. Năm 2005, ở tuổi 27, Piter tốt nghiệp bằng đỏ ngành bác sỹ tại Đại học La Habana. 3 năm sau, ông tốt nghiệp bác sỹ chuyên khoa cấp 1 chuyên ngành Y đa khoa tổng quát.
Năm 2014, Piter trở thành bác sỹ chuyên khoa cấp 1 chuyên ngành tim mạch tại Viện tim mạch và phẫu thuật tim mạch, Trường Đại học La Habana. Sau một thời gian làm bác sỹ chuyên khoa tim mạch tại Cu Ba, Piter trải qua thời gian 5 năm làm việc tại Venezuela.
Năm 2018, ông đến Việt Nam theo chương trình hỗ trợ y tế của chính phủ nước này cho Việt Nam và làm việc tại bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cu Ba Đồng Hới (Quảng Bình).
Sau khi kết thúc chương trình làm việc tại Việt Nam, Piter có hai lựa chọn, quay về nước làm việc hoặc tìm công việc mới tại một quốc gia khác.
Sở hữu CV “khủng” cùng năng lực đã được kiểm chứng 3 năm tại Bệnh viện Việt Nam – Cu Ba Đồng Hới, Piter được giới chuyên môn lĩnh vực tim mạch tại Việt Nam đánh giá cao và giới thiệu tới làm việc tại nhiều bệnh viện quốc tế hàng đầu tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, ông đã chọn bệnh viện đa khoa tư nhân Hùng Vương, một bệnh viện tuyến huyện, nằm ở xã miền núi Chí Đám, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ, giáp ranh với tỉnh Tuyên Quang, cách Hà Nội 130km.
Tháng 9/2021, Piter một mình khoác ba lô lên Đoan Hùng, Phú Thọ trong sự ngỡ ngàng của giới chuyên môn. Lý giải cho lựa chọn của mình, bác sỹ Piter cho biết, ông muốn đến một vùng đất mới, còn nhiều khó khăn để có nhiều cơ hội giúp đỡ bệnh nhân.
“Tôi nhìn thấy tâm huyết của ông Học (ông Phạm Văn Học, chủ tịch HĐQT bệnh viện đa khoa Hùng Vương - PV) trong chiến lược đầu tư bệnh viện tại một địa phương còn nhiều khó khăn. Ông Học cam kết sẽ xây dựng Trung tâm can thiệp tim mạch với những thiết bị hiện đại nhất để giúp tôi có cơ hội làm việc. Đặc biệt là giúp cho bệnh nhân ở địa phương hạn chế việc phải chuyển tuyến đến Hà Nội”, Bác sỹ Piter nói về cơ duyên đến làm việc tại một bệnh viện ở vùng nông thôn – miền núi", bác sỹ Piter cho hay.
Ở Cu Ba, theo bác sỹ Piter, thu nhập của bác sỹ không quá cao vì hệ thống y tế nhà nước miễn phí. Do đó, khi quyết định làm việc tại Việt Nam, thu nhập chưa bao giờ là yếu tố được ông lựa chọn hàng đầu.
“Đương nhiên, mời một bác sỹ có trình độ cao như Piter đến làm việc, đãi ngộ phải cao hơn hẳn mặt bằng chung nhưng chắc chắn, bệnh viện chúng tôi không thể trả lương ngang bằng, hoặc cao hơn so với các bệnh viện lớn tại Hà Nội. Chưa kể, điều kiện sống, làm việc tại các thành phố lớn tốt hơn đối với các chuyên gia nước ngoài. Trường hợp bác sỹ Piter khá đặc biệt, ông ấy muốn có nhiều cơ hội để giúp bệnh nhân nghèo, người có thu nhập thấp ở những vùng nông thôn, miền núi. Hiện nay, ngoài việc khám, chữa bệnh tại bệnh viện, Piter còn rất tích cực tham gia các dự án y tế vì cộng đồng mà chúng tôi tham gia”, ông Phạm Văn Học, Chủ tịch HĐQT bệnh viện Hùng Vương cho biết.
Để chiêu mộ bác sỹ Piter, đúng như cam kết, ông Học và cộng sự của mình đã đầu tư, xây dựng Trung tâm Tim mạch – điện quang can thiệp với hệ thống trang thiết bị y tế hiện đại; đồng thời bổ nhiệm vị bác sỹ đến từ Cu Ba làm giám đốc. Bác sỹ Piter cho biết, sau gần 2 năm làm việc tại bệnh viện Hùng Vương, phần lớn các yêu cầu của ông về chuyên môn của ông đều được lãnh đạo bệnh viện đáp ứng.
“Ngay từ khi đến đây, tôi không nghĩ Hùng Vương là bệnh viện nhỏ. Nhỏ hay lớn không phải ở quy mô mà là môi trường, điều kiện làm việc. Ở đây có nhiều bệnh nhân tim mạch cần đến chúng tôi hơn”, bác sỹ Piter chia sẻ.
Gần 2 năm qua, nhất là từ khi Trung tâm tim mạch – điện quang can thiệp được thành lập tại bệnh viện Hùng Vương, Piter đã phát huy được hết các kiến thức, kinh nghiệm của mình trong thăm khám, điều trị các bệnh về tim mạch cho bệnh nhân tại địa phương và một số tỉnh lân cận Phú Thọ.
Vị bác sỹ này luôn hào hứng chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm cho đồng nghiệp Việt Nam. Piter gần như không ngừng học, từ chuyên môn đến ngoại ngữ.
Ở Cu Ba nói tiếng Tây Ban Nha nhưng 5 năm ở Việt Nam, ông đã học, sử dụng thành thạo tiếng Anh và có thể giao tiếp tiếng Việt cơ bản với bệnh nhân. Các bác sỹ Việt Nam cũng học hỏi được nhiều từ chuyên gia Piter cả về chuyên môn lẫn phong cách làm việc chuyên nghiệp của một bác sỹ đến từ nền y tế tiên tiến của thế giới.
Đất lạ hóa quê hương
Một năm sau khi ổn định công việc tại bệnh viện Hùng Vương, bác sỹ Piter quyết định đưa vợ con sang sinh sống làm việc cùng. Vợ ông, bác sỹ Yanitsy Chipi Rodriguez trở thành đồng nghiệp của chồng tại khoa tim mạch. Gia đình Piter bắt đầu cuộc sống mới tại một xã miền núi tỉnh Phú Thọ với nhiều bỡ ngỡ. Bé Amalia, con gái họ 5 tuổi, ngoài học tiếng Anh còn phải học tiếng Việt để nhập học “trường làng”.
Tháng 9/2022, thầy trò trường tiểu học xã Chí Đám đón một học sinh đặc biệt nhập học. Cô bé tóc xoăn Amalia Benitez xinh xắn đến từ Cu Ba trở thành bạn học trường làng với các bạn Việt Nam.
Thông thường các chuyên gia nước ngoài khi làm việc tại Việt Nam đều chọn trường quốc tế tại các thành phố lớn cho con cái theo học nhưng với bác sỹ Piter, việc Amalia học tại Trường Tiểu học xã Chí Đám là một trải nghiệm đáng giá của cô bé.
“Tuy không được học trường quốc tế tại các thành phố lớn như con cái các chuyên gia khác nhưng ở đây, Amalia được thầy cô, bạn bè rất yêu quý. Cháu phải trải qua những thử thách rất khó khăn như học tiếng Anh để có thể học tiếng Việt. Con gái tôi biết thêm Tết Trung thu, Tết Nguyên Đán và nhiều phong tục độc đáo tại Việt Nam”, Piter hào hứng chia sẻ.
Kết quả năm học đầu tiên của Amalia khiến tất cả phải thán phục. Bé sử dụng khá thành thạo tiếng Việt, đạt danh hiệu học sinh xuất sắc, giải nhì kỳ thi Violympic Toán Tiếng Anh trên Internet cấp huyện; đồng thời được trao tặng danh hiệu: “Cháu ngoan Bác Hồ”.
Hình ảnh cha con Piter cười rạng rỡ, cầm giấy khen, phần thưởng khi kết thúc năm học được ông Phạm Văn Học, Chủ tịch bệnh viện Hùng Vương chia sẻ trên trang cá nhân khiến nhiều người xúc động.
Piter cho biết, Việt Nam và Cu Ba là 2 dân tộc có nhiều điểm tương đồng về lịch sử. Ông rất ngưỡng mộ Chủ tịch Hồ Chí Minh và cả Chủ tịch Phidel Castro. Trong số 3 phần thưởng mà con gái Amalia được trao, Piter đặc biệt thích thú với danh hiệu: “Cháu ngoan Bác Hồ”.
Chủ tịch bệnh viện Hùng Vương Phạm Văn Học nói, đây là phần thưởng gây xúc động mạnh mẽ nhất, có giá trị truyền cảm hứng đối với toàn thể cán bộ, y bác sỹ bệnh viện.
“Chúng tôi cũng cảm thấy hạnh phúc như chính gia đình Piter. Bởi để có thể bắt nhịp nhanh chóng với cuộc sống, môi trường giáo dục mới còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, Amalia đã phải nỗ lực gấp nhiều lần so với các bạn Việt Nam”, ông Học xúc động chia sẻ.
Sau hơn một năm cả gia đình sống tại Việt Nam, vợ bác sỹ Piter đã biết nấu những món ăn Việt Nam truyền thống như cơm, phở, cá kho… Thậm chí, trong căn hộ dành cho chuyên gia tại bệnh viện Hùng Vương, Piter còn cho người lập một bàn thờ gia tiên để… nhập gia tùy tục.
Nói về việc định cư lâu dài tại Việt Nam, bác sỹ Piter khá dè dặt nhưng trước mắt ông muốn tiếp tục sự nghiệp tại bệnh viện Hùng Vương.
Theo vị bác sỹ người Cu Ba, nghề bác sỹ không có biên giới, ở đâu được được làm việc, tận hiến chữa bệnh cứu người, ở đó sẽ tìm thấy hạnh phúc.
Lặng lẽ nghề pháp y
(NSMT) - Cũng khoác áo blouse để mưu sinh và cống hiến, thế nhưng chẳng mấy ai biết bác sĩ pháp y - nghề “lên tiếng thay người đã khuất” vẫn thầm lặng tìm công lý bên những xác chết, phục vụ công tác điều tra phá án. Và, đâu đó góc khuất của nghề chưa được kể, hiểu đúng cũng như cảm thông.
Chuyện về người thương binh “tàn nhưng không phế” ở Cà Mau
(NSMT) - Thương binh hạng 2/4 Nguyễn Văn Chà, sinh năm 1963, ở xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau, luôn giữ được phẩm chất của người lính bộ đội Cụ Hồ "tàn nhưng không phế”, tích cực phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng và có nhiều đóng góp tích cực cho quê hương.
Lễ hội Oóc Om Bóc
Đua ghe Ngo Sóc Trăng, Khu vực đồng bằng sông Cửu Long lần thứ VI và Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng lần thứ I, năm 2024 diễn ra trong 7 ngày.
Bữa cơm 0 đồng: San sẻ yêu thương với bà con khó khăn TP Cần Thơ
(NSMT) - Gần 3000 suất cơm "0 đồng” được phát cho bà con khó khăn, người lao động, học sinh sinh viên tại quán cà phê Ngọc Trương (Số 372D, đường Nguyễn Văn Cừ Nối Dài, Phường An Khánh, Quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) trong hơn 2 tháng qua. “Bữa cơm 0 đồng” san sẻ yêu thương, phần nào giúp họ vơi bớt nhọc nhằn, “ấm bụng no lòng” nhất là trong những ngày mưa, triều cường ngập nặng, buôn bán chật vật…
Người trẻ sợ ngày cuối tuần
(NSMT) - Thay vì tận hưởng ngày nghỉ cuối tuần, hầu hết mọi người lại có cảm giác uể oải, chán nản vào ngày Chủ nhật vì hôm sau là một tuần làm việc mới.
Con trai chủ tháp đôi Petronas từ bỏ thừa kế 5 tỷ USD để đi tu hành
Là con trai duy nhất của tỷ phú Ananda Krishnan, người có giá trị tài sản ròng 5 tỷ đô la, Ajahn Siripanyo được định sẵn sẽ thừa kế đế chế viễn thông khổng lồ của cha mình nhưng ông đã từ bỏ sự xa hoa và quyết định trở thành một nhà sư.
Có nên cho bạn bè, gia đình vay tiền?
Ngay cả giữa anh chị em, con cái đã trưởng thành và cha mẹ, những mâu thuẫn do vay mượn là điều không thể tránh khỏi. Nhiều người chủ trương dù ai vay tiền cũng phải từ chối.