Bố thương nhớ, xin hãy tha lỗi cho con
Những ngày bố sống trên đời, khổ đau, cay đắng có lẽ nhiều hơn niềm vui, tiếng cười. Con chưa từng một lần nói con yêu bố, chưa từng một lần xin lỗi bố về cái đêm gió rét năm nào ở viện Bạch Mai.
Bố ơi!
Có biết bao nhiêu lần trong đêm, con giật mình tỉnh giấc, cố gắng hồi tưởng lại từng chi tiết trong mơ. Bóng hình một người đàn ông với khuôn mặt khắc khổ, làn da sạm đen vì cháy nắng và khối u to như chiếc mũ cối úp vào lưng đang cõng hai đứa trẻ trứng gà, trứng vịt đi trên con đường làng ngập nước hiện ra trước mắt con rồi bỗng chốc cứ xa dần, mờ dần mặc cho con không ngừng cất tiếng gọi "Bố ơi!".
Mùa dịch năm 2021, con bị mắc kẹt tại thành phố suốt mấy tháng không thể về nhà, một nhà báo đã hỏi con rằng: "Động lực nào khiến em ở bên cạnh bố suốt hơn hai mươi năm với đầy sự yêu thương và kiên nhẫn đến như vậy?". Con cúi gằm mặt xuống đất, trong lòng dâng lên một nỗi xót xa, tủi hổ vô cùng. Con nào có tốt đẹp được như vậy? Con nào có nhẫn nại được như vậy suốt bao năm trời? Người đời không ai biết, chỉ đáy lòng con hiểu.
Bố ơi!
Gia đình ta chỉ thực sự hạnh phúc trong tám năm đầu đời của con. Con vẫn còn nhớ cảnh tượng mười con gà và mười hai con vịt nằm dài trên cái sân gạch nhuốm màu rêu xanh trong lần đầu tiên bố phát bệnh tâm thần. Khối u to mọc ở lưng chèn vào dây thần kinh đã biến bố từ một người đàn ông chăm chỉ, hiền lành, yêu vợ thương con thành một người điên lúc nào không biết.
Con vẫn còn nhớ cánh cửa gỗ vá chằng vá đụp trong căn nhà đất mưa dột tứ tung - nơi con trốn vào trong mỗi lần bố lên cơn. Ánh mắt bố hằn lên những tia đỏ máu và mẹ thì không ngừng khóc lóc van xin. Ngôi nhà nơi con ở tắt dần những tiếng yêu thương, nơi mà hàng ngày chỉ còn những tiếng của bạo lực gia đình. Những năm tháng sau này con mới biết nghèo đói đã là gì, thóc vừa phơi bị đổ xuống ao, lợn sắp đến ngày xuất chuồng bị đập chết, sách vở của hai chị em con trở thành giấy vụn ngoài bãi tha ma... đã là gì đâu so với những vết sẹo trên cơ thể và cả những tổn thương tâm lý trong lòng.
Trong suốt những năm học dưới ghế nhà trường, mỗi lần bài tập làm văn nói về bố, con đều nộp giấy trắng. Con không biết phải viết gì trên đó, không có chút tình cảm yêu thương nào ngoài những lần bố đập phá, đánh mấy mẹ con, đẩy gia đình ta trong vũng bùn của sự đói nghèo và bị người đời khinh miệt. Nhưng hôm nay, một mình trong đêm tối, ở cái tuổi không còn trẻ nữa, con muốn nhìn thật sâu vào nội tâm của chính mình, muốn được trung thực một lần dẫu những dòng con viết ra đây, ai đó đọc được khó lòng mà hiểu cho hết.
Bố thân yêu! Con muốn tự thú một lần.
Con đã rất nhiều lần trong đêm ao ước con không có mặt trên đời. Con căm ghét sự tồn tại của chính bản thân con trong gia đình mình. Con cũng không ít lần đứng trước tượng Phật trong chùa tự hỏi con đã làm gì sai mà có một người bố nửa tỉnh nửa mê. Những lần bố đánh mẹ chảy máu đầu, đánh bé út bỏng tay và ném bát cơm vào con trong bữa ăn; những lần bố uống dầu hoả, nuốt dao lam, nuốt đinh... nằm viện, trước ánh mắt của người đời, bao lần con muốn chạy trốn khỏi gia đình mình, khỏi người bố điên dại.
Khi đưa bố đi từ phòng bệnh đến phòng tắm trong bệnh viện Bạch Mai, con từng nghĩ chỉ cần mình buông tay ra thôi, đi đến một nơi hoàn toàn xa lạ, mình sẽ vĩnh viễn thoát khỏi cảnh những ngày đang làm việc và phải theo bố vào viện. Con đã từng nguỵ biện, bào chữa cho chính bản thân con trong giây phút đó rằng bố có từng nuôi lớn con đâu, rằng bố chỉ mang lại cho con những khổ đau và nước mắt, rằng con đã cùng mẹ chăm sóc bố bao nhiêu năm nay bằng tất cả sự nhẫn nại và rằng con không thể tiếp tục chôn vùi cuộc sống của mình như thế này.
Khi những suy nghĩ đó hiện lên rõ ràng trong tâm trí con, khi con đã mua đầy đủ những thứ bố muốn ăn để trong tủ, khi con đã chuẩn bị cho mình chiếc ba lô và chiếc sim điện thoại mới để thay, khi con không muốn ở thêm một giây phút nào để dùng dằng bản thân nữa, con cúi xuống nhìn bố trong đêm. Con thấy mình như một tên tội phạm đang chuẩn bị cho cuộc chạy trốn. Và rồi câu nói bố con hỏi khiến lòng con chết lặng: "Nhà trọ có xa đây không con?".
Chao ôi! Với người khác nó có lẽ là câu nói bình thường nhưng với con, nó là câu nói đầy sự quan tâm. Là bố đã nhìn thấu ý muốn bỏ đi của con hay chỉ là giây phút hiếm hoi bố tỉnh táo trong ngày. Hai hàng nước mắt lăn dài trên gò má con, mặn đắng trên môi. Con từng căm ghét sự tồn tại của con trên cõi đời này, trong gia đình mình và giờ đây đối mặt với ánh mắt của bố, con một lần nữa căm ghét chính bản thân mình vì đã có những thời khắc muốn trốn tránh, chối bỏ chính người đã sinh ra mình.
Một cuộc đấu tranh tâm lý diễn ra không ngừng, sự dày vò ấy khiến thân thể và trái tim con rã rời. Lòng con đau đáu khôn nguôi giữa hai mảng hồi ức. Một bên là những trận đòn bố đánh mấy mẹ con chỉ như mới vừa diễn ra ngày hôm qua, là lần bố lấy hết sức có thể của người đàn ông trong cơn điên loạn đập hết mọi thứ trong nhà, là ánh mắt ái ngại của những người con yêu lần đầu thấy bố. Một bên là kỷ niệm rời rạc của ngày mưa bão tháng bảy, bố cõng hai chị em con trên con đường làng, là những lần sau khi đánh con, bố ngờ nghệch hỏi con rằng có đau không, là khi bà nội không cho nước tương và con vì quá thèm, bố đã ăn trộm của bà...
Con tự hỏi lòng mình bố có lỗi gì đâu? Người bệnh tâm thần có lỗi gì đâu? Một người không thể kiểm soát được hành vi của chính mình thì người đó đáng thương đến mức nào? Huống hồ số phận cùng lúc giáng xuống đầu bố hai biến cố: tàn tật và điên dại. Vậy thì tại sao con, đứa con đầu lòng, bố từng mong mỏi, yêu thương, có nhiều năm bên bố hơn các em, mang trên mình hình hài của bố, mang trong tim dòng máu của bố giờ đây lại lên một kế hoạch đầy vị kỷ cá nhân như thế.
Con đã quên mất niềm khát khao có được một người bố bình thường đúng nghĩa và sự thiếu thốn tình cảm gia đình đã là cái nôi, là nguồn cảm hứng tạo nên mối duyên giữa con và nghề viết. Con cũng quên mất ngoài mẹ và các con, bố không còn ai bên cạnh đủ để thấu hiểu, yêu thương và bao dung. Con cũng quên mất những ngày con và mẹ đi gặt từ sáng sớm, bố ở nhà giặt từng chiếc quần lót, áo ngực cho con và treo một cách vụng về trên chiếc dây phơi. Và hơn hết, con thấy mình thật đáng trách vì đã quên đi con từng sợ như thế nào mỗi lần bố tự tử.
Những điều thầm kín trên đây con chưa một lần thổ lộ cùng ai, cũng chưa một lần đủ dũng cảm đưa vào những trang viết của mình để rồi hôm nay, trong đêm lặng thinh, từng giọt nước mắt con rơi trên bàn phím máy tính. Con có phải là đứa con bất hiếu không bố ơi? Bởi suốt bao nhiêu năm thời thơ ấu đến khi trưởng thành con không ngừng có những suy nghĩ giá như con không phải là con của bố? Bởi con đã lạnh lùng đến tàn nhẫn sắp đặt một kế hoạch rời bỏ gia đình mình? Bởi con đã không bước qua được ánh mắt hiếu kỳ, thương hại và hơn hết là có phần khinh miệt của người đời dành cho bố và chính con lại thêm một lần hắt hủi bố.
Chỉ đến khi con dần dài đôi cánh, rời xa khỏi vòng tay bố mẹ, chỉ đến khi con thực sự làm mẹ, những lúc trống rỗng, chông chênh đến đau lòng nơi đô thành phồn hoa và lòng người thì chật hẹp, con mới day dứt trong tâm can những kỷ niệm về bố. Con hồi tưởng lại từng chút kỷ niệm yêu thương còn sót lại của bố trong giấc ngủ mỗi đêm. Và con nhận ra rằng, con sợ biết bao, sợ vô cùng mình sẽ quên đi tiếng bước chân bố cõng chị em con trên con đường năm ấy. Đó là ký ức duy nhất trước ngày sóng gió ập đến gia đình ta khiến con trăn trở không nguôi.
Mất bố rồi con mới nhận ra có quá nhiều yêu thương trong trái tim con, nhưng không gì day dứt bằng nỗi nhớ bố. Hình hài này do bố sinh ra, mái tóc rễ tre, đôi mắt sắc sảo này là của bố, tâm hồn mong manh dễ vỡ đến đau lòng này được tạo thành từ những mong ước được bố yêu thương trong đời. Vậy mà giờ đây, con chỉ còn thấy bố trong mơ.
Bố ơi! Những ngày bố sống trên đời, khổ đau, cay đắng có lẽ là nhiều hơn niềm vui, tiếng cười. Con chưa từng một lần nói con yêu bố, chưa từng một lần xin lỗi bố về cái đêm gió rét năm nào ở viện Bạch Mai nhưng hôm nay, con muốn nói với bố: Con yêu bố rất nhiều. Xin bố tha lỗi cho con.
Bài dự thi cuộc thi viết "Cha và con gái"
Tác giả: Đỗ Thị Vân
Địa chỉ: xóm 9, thôn Nam Ô Trình, xã Thuỵ Trình, huyện Thái Thuỵ, tỉnh Thái Bình.
Hơn nửa thế kỷ đắp xây hạnh phúc
Cưới nhau từ năm 1973, ông Võ Văn Hai và bà Nguyễn Thị Điệp (ngụ khu vực Bình Thường A, phường Long Tuyền, quận Bình Thủy) là tấm gương về xây dựng gia đình văn hóa, con cháu thành tài. Hơn nửa thế kỷ qua, họ đã nắm tay nhau vượt qua gian khó để cùng đi đến bến bờ hạnh phúc.
Tài sản lớn nhất cuộc đời là người vợ xấu, đất cằn và chiếc áo bông rách
Tục ngữ có câu: “Ba tài sản lớn nhất của cuộc đời là người vợ xấu, đất cằn và chiếc áo bông rách”, nó chiếm bao nhiêu trong cuộc đời còn lại của bạn?
Vì sao ngày càng nhiều gia đình từ bỏ sàn gỗ?
Xu hướng trang trí lát sàn gỗ từng rất phổ biến nhưng hiện nay nhiều gia đình không còn lựa chọn. Sàn gỗ có chăng chỉ được lắp trong phòng ngủ, các phòng khác đều được lát gạch men.
Về nhà - về với yêu thương
Ðối với nhiều người, ngôi nhà không chỉ để ở mà còn mang giá trị tinh thần đặc biệt. Ðó còn là gia đình với sự bao dung, chở che, nâng đỡ và trách nhiệm dành cho nhau. Cuộc sống đôi khi phải đối mặt với khó khăn, thử thách... những lúc ấy, điểm tựa lớn nhất không đâu khác mà chính là mái nhà và những người thân yêu của mình.
Có nên thiết kế phòng tắm trong phòng ngủ?
Với sự thay đổi trong lối sống và sự đa dạng hóa nhu cầu sinh hoạt, phòng ngủ chính có phòng tắm có còn đáp ứng được nhu cầu của các gia đình hiện đại hay không và nên giữ lại hay loại bỏ đã trở thành đề tài bàn luận sôi nổi.
Có nên tiết lộ cho con cái biết về tiền lương hưu, sổ tiết kiệm?
Một người đàn ông 69 tuổi trăn trở: “Ở tuổi già, số tiền ký gửi này giống như một chiếc chìa khóa bí ẩn trong tay. Tôi không biết có nên trao lại cho con cháu hay không”.
Tâm thư gửi vợ ngày 20/10
Hạnh phúc là 365 ngày biết hài lòng chứ không phải chỉ một hai ngày hoan hỷ. Nếu không phải đánh đông dẹp bắc, anh cũng sẽ sẵn sàng ẵm con, nhặt rau để em lắp bóng đèn, sửa đường ống nước.