Bông súng đồng
Không rực rỡ như sen, bông súng mang nét đẹp bình dị, càng nhìn càng thích. Chúng gắn liền với tuổi thơ của nhiều người dân miền Tây, về ký ức những bữa cơm ngoài đồng không thể thiếu món bông súng vừa được hái ở ruộng.
Mưa dứt hột thì bữa cơm cho người đi cấy ngoài ruộng cũng chuẩn bị xong.
Một nồi cơm, một xoong nhỏ bí rợ hầm dừa, cái ơ cá sặt kho tiêu, tô mắm chưng, vài trái chuối chát, mấy trái ớt xanh, rồi chén, đũa, muỗng… Tất cả được chị dâu tôi sắp xếp gọn gàng trong cái thúng mới, trên đậy thêm cái nón lá, vừa che cho khỏi nắng, vừa phòng trời mưa.

Bông súng gắn liền với tuổi thơ của những người con miền Tây. Ảnh Internet
Bữa nay, cả nhà tôi đi cấy. Chị dâu mới sinh em bé nên ở nhà, lo nấu cơm. Phần tôi, “tuổi nhỏ làm việc nhỏ”, được người lớn giao nhiệm vụ đem cơm ra ruộng.
Bưng thúng đựng cơm để ngay ngắn giữa xuồng, tôi quay lên nhà lấy cái ấm lớn ra lu múc đầy nước mưa, cầm theo cây mác vót, đội cái nón lá cũ rồi nhổ sào, chống xuồng đi.
Chị dâu dặn vói theo: “Coi dọc đường có bắp chuối thì bẻ một cái. Bận vô nhổ vài bụi bông súng chiều nấu canh nhe!”.
Nắng xuyên qua mấy đọt tràm, chiếu những tia vàng óng, lao xao trên ngọn đám dừa nước. Những vạt bông súng bị xuồng chống dạt ra hai bên. Xuồng qua khỏi, bông súng bật lên, mang theo trên cánh hoa, ẩn vào trong nhụy những hạt nước long lanh như ngọc.
Ðã hơn 9 giờ một chút, tuy không “canh giờ” nhưng bữa cơm cho dân đi cấy ngày nào cũng được chị dâu tôi chuẩn bị đúng bon. Mùa cấy, mặt trời chưa ló dạng là cả nhà đã dậy ăn cơm lót dạ, rồi ra đồng. Người ở nhà chuẩn bị bữa trưa, mang ra ăn ngay tại ruộng, nghỉ ngơi một chút rồi cấy tiếp tới mặt trời đứng bóng mới nghỉ, nông dân kêu là làm “buổi đứng”.
Qua khỏi mấy con mương vườn, cánh đồng hiện ra bát ngát trước mặt. Ruộng lúc này là một khoảnh nước trắng xoá, mênh mông, xa xa lác đác vài lá bông súng chắc chỉ vừa trồi lên đêm qua. Mặt ruộng sạch sẽ kia là công sức của các thành viên gia đình trong cả tháng ròng. Phát cỏ, chờ cỏ mục chân rồi cào lên bờ vồng, những bụi cỏ còn sót lại thì dùng phảng “chế” cho sạch. Ruộng cấy được khi nước sâu chừng hai, ba tấc. Cấy phải đi lùi, nên mọi người thường bắt đầu từ hậu đất, dàn hàng ngang rồi cấy lần ra. Ðàn bà cấy chính, đàn ông thì kéo mạ, chở lúa cây rải đều trên mặt ruộng sao cho cấy tới đâu là có “nguyên liệu phục vụ” tới đó.
Xuồng lướt ro ro trên mặt ruộng phẳng phiu. Chống bằng sào chán, tôi lại nhảy xuống nước, nắm mũi xuồng đẩy đi băng băng. Xa xa, mấy cây “đài” giăng lưới theo nhịp nước động, cứ giật giật liên hồi. Cá sặt, cá rô, cá trê, có khi là cả rắn bông súng, rắn râu, rắn ri cá… mắc lưới cả chùm. Bận trở vô, nhiệm vụ của tôi là cuốn mấy tay lưới đem vô nhà, gỡ “chiến lợi phẩm” cho bữa cơm chiều.
Xuồng ghé dưới tán cây bình bát lớn. Dân đi cấy ngừng tay, buông nọc, lội vô ăn cơm. Mấy người đàn ông tranh thủ xuống mé kênh hái vài nhánh rau dừa, vài đọt rau muống non nhớt. Mọi người ngồi bệt xuống ruộng, nước ngập ngang lưng, rồi ăn cơm. Bữa cơm diễn ra trong không khí rôm rả, đầy ắp tiếng nói cười ấm áp.
Tuổi thơ tôi đã từng trải qua nhiều bữa cơm tại ruộng như thế, phải nói là ngon miệng đến lạ lùng. Làm nông vất vả, bụng nhanh đói thì cơm cũng ngon hơn. Có thể!
Bữa cơm cấy kết thúc khi cánh đàn ông chia nhau mấy miếng cơm cháy vàng rộm. Phụ nữ thì tráng miệng bằng mấy trái chuối trên quày chín bói, đốn ở đầu bờ. Ấm nước mưa nhanh chóng cạn queo. Các chị tận dụng nước ruộng làm vệ sinh sơ sơ cho mớ chén đũa, rồi réo kêu tôi chuẩn bị đem đồ về.
Tranh thủ lúc mọi người ăn cơm, tôi long theo bờ kênh, tìm hớt cá lia thia trong mấy bụi môn. Bận về, ngoài ghé dọc đường cuốn mấy tay lưới, tôi còn lãnh nhiệm vụ đi thăm vài cái lọp ém trong mấy đầu đìa. Bữa nào trúng mánh, có thể kiếm được mấy con cá dày bự chảng hoặc vài con rùa. Cái thú đem cơm đi ruộng cũng đáng kể lắm.
Và cái việc không thể quên là nhổ bông súng theo lời dặn của chị dâu. Mùa này, bông súng đồng mọc đầy trong các con mương vườn, xen lẫn trong đám lá là những nụ hoa với ba màu chủ đạo là trắng, hồng và tim tím duyên dáng. Lựa mấy chỗ nước sâu, tôi nhảy ùm xuống, dùng bàn chân đạp đứt rễ rồi kéo cả bụi bông súng lên. Cây mác đem theo dùng để cắt bỏ lá già, dọn rạch phần gốc, rễ. Lựa chỗ nước trong, dùng tay vuốt cho sạch phù sa, nước phèn; từng cọng bông súng cọng vàng ngà ngà, cọng thì trắng boong, dài tha thướt như… suối tóc của mấy nàng con gái. Nhiều người chỉ nhổ những cọng có hoa của cây bông súng, nhưng ăn bông súng “đúng điệu” là phải nhổ cả bụi, vì phần gốc có nhiều thân và lá non, ăn giòn giòn và có vị chát rất đặc trưng. Nhổ một lần chừng hai ba bụi là đủ cho cả nhà ăn một bữa.
Bông súng tuy dân dã, nhưng có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon lành và độc đáo. Ðơn giản nhất là ăn sống, hoặc bóp giấm, chấm nước cá kho. Cầu kỳ hơn thì bóp dập, trộn dừa nạo, ăn với mắm đồng kho, ngon … hết sẩy.
Món bông súng được chế biến phổ biến nhất là nấu canh. Bông súng nấu canh chua, canh ngọt đều ngon. Nếu là canh chua thì nấu với cá lóc, hoặc rô đồng, nêm ngò gai, thêm vài lát ớt. Bông súng nấu canh ngọt có vị bùi bùi, nhẫn nhẫn độc đáo từ những thân non và lá non còn “quấn kèn” chưa kịp bung nở.
Nếu hôm nào bắt được mớ ốc bươu, hay mớ nhái đồng, có thể làm món ốc, nhái xào nước cốt dừa với bông súng. Món này thì ngon đặc biệt, ăn tới… quên thôi.
Ðem bông súng vô nhà, tôi ra cây rơm mục, bới lên bắt chừng chục con dế làm mồi câu cá rô. Cá rô mùa này chưa phải là lớn và ngon nhất, nhưng đã trọng cảy, ú mềm, cắn câu giật rất đã tay. Vác cần câu ra ruộng một chút là kiếm được lưng lưng rổ cá. Vậy là chiều nay, cả nhà có món canh chua bông súng, cá rô đồng. Món ăn nhà quê xưa, nhưng ngày nay đã làm say lòng biết bao thực khách khắp mọi miền đất nước.
Bông súng đồng chỉ có trong mùa mưa, khi các ao đìa đầy nước. Khi gió bấc trở ngọn, trời chuyển mùa lạnh, lúa trên đồng ngả vàng thì bông súng dưới mương cũng úa màu, lớp lụi tàn, lớp thì bật gốc, nổi lều bều trên mặt nước. Những bụi bông súng trụ lại được trong mùa này cũng già cỗi, thân xơ cứng, ăn không ngon. Hạn về, bông súng biến đi đâu mất, chờ khi mưa xuống thì sinh sôi trở lại. Sức sống của loài thực vật này khá mãnh liệt, tương tự như loài sen. Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia thì khả năng tồn tại của hạt hoa súng có thể kéo dài đến… hàng ngàn năm, khiến chúng có thể dễ dàng sinh sôi vào mùa nước. Tại một số nước trên thế giới, hoa súng được xem là quốc hoa, còn với người dân nông thôn Việt Nam, hoa súng đại diện cho những gì bình dị, chân chất nhất, và cũng là món ăn quen thuộc trong bữa cơm gia đình.
Ngày nay, bông súng được nhân giống và trồng quanh năm. Nhiều giống bông súng thân to và dài gấp đôi, gấp ba bông súng đồng; có thể dễ dàng mua được ngoài chợ, nhưng ăn không ngon bằng bông súng đồng mọc hoang trong ao vườn. Trong cảm nhận của tôi, bông súng “công nghiệp” không có vị thơm đặc trưng; đồng thời, việc chỉ thu hoạch những cọng đang trổ hoa, thực khách không thể thưởng thức mùi nhân nhẫn của cọng bông súng non tơ và cái lá còn quấn kèn của nó.
Những bữa đem cơm cấy, rồi bận về nhổ bông súng đồng đã lùi xa trong quá khứ. Vụ hè thu đã thu hoạch xong, những cánh đồng đang được cải tạo để quay tiếp vụ đông xuân. Phương thức sản xuất mới khiến ruộng đồng, ao vườn không còn như trước, bông súng đồng cũng có ít không gian sinh sôi, nảy nở như xưa. Viết những dòng này, trong tôi lại trào dâng bao cảm xúc, nhớ về cái thuở ấu thơ nơi đồng quê, chiều chiều quây quần bên gia đình thưởng thức mùi hương thân quen toả ra từ nồi canh bông súng.
Theo Tuấn Ngọc (Báo Cà Mau)
https://www.baocamau.com.vn/phong-su-ky-su/bong-sung-dong-70284.html
Cần Thơ: Tuyên truyền, hưởng ứng Cuộc thi và Triển lãm ảnh nghệ thuật “Tổ quốc bên bờ sóng” lần thứ III
Nhằm góp phần thực hiện tốt công tác tuyên truyền, hưởng ứng tham gia Cuộc thi và Triển lãm ảnh nghệ thuật cấp Quốc gia “Tổ quốc bên bờ sóng” lần thứ III do Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương chủ trì tổ chức, Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy Cần Thơ ban hành Công văn số 260-CV/BTGDVTU ngày 26/5/2025 về việc tăng cường thông tin, tuyên truyền tham gia Cuộc thi và Triển lãm ảnh nghệ thuật cấp Quốc gia “Tổ quốc bên bờ sóng” lần thứ III trên địa bàn thành phố Cần Thơ.
An Giang: Hàng ngàn người trang nghiêm dự nghi lễ tắm Bà Chúa Xứ Núi Sam
(NSMT) - Rạng sáng 21/5 (nhằm 24/4 âm lịch), tại miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam, TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang, đã long trọng diễn ra lễ tắm Bà (còn gọi là lễ mộc dục) theo nghi thức truyền thống. Đây là một trong những nghi thức quan trọng trong chuỗi các nghi thức của lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam vừa được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Học sinh Cần Thơ góp phần giới thiệu, quảng bá hình ảnh, bản sắc văn hóa Việt Nam
(NSMT) - Ngày 20/5, Cô Trần Thị Lụa - Hiệu trưởng Trường THPT Châu Văn Liêm, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ cho biết, Trường THPT Châu Văn Liêm vừa tổ chức chương trình giao lưu quốc tế với đoàn học sinh thuộc Sở giáo dục tỉnh Jeollanam, Hàn Quốc.
Ra mắt Hội họ Lê và Hội Doanh nghiệp - Doanh Nhân họ Lê thành phố Cần Thơ
(NSMT) - Ngày 19/5, tại Cần Thơ đã diễn ra Lễ ra mắt Hội doanh nghiệp, doanh nhân họ Lê TP. Cần Thơ. Đến tham dự có ông Lê Nam Giới - Nguyên ủy viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Thành ủy TP. Cần Thơ; Ông Dương Tấn Hiển - Uỷ viên Ban thường vụ Thành uỷ, Phó Chủ tịch thường trực UBND TPCT; Ông Lê Quang Thắng - Chủ tịch Tổng Hội họ Lê Việt Nam.
Press Cup 2025: Lần đầu giao lưu quốc tế với Liên đoàn Báo chí Thái Lan
Trải qua 8 mùa giải thành công, Press Cup 2025 đánh dấu bước ngoặt mới khi lần đầu tiên mở rộng giao lưu quốc tế với Liên đoàn Báo chí Thái Lan, khẳng định uy tín và tầm vóc ngày càng lớn của sân chơi dành cho những người làm báo.
Cần Thơ triển lãm sách chuyên đề “Hồ Chí Minh - Vĩ đại một con người”
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ phối hợp Thư viện thành phố Cần Thơ tổ chức triển lãm sách chuyên đề “Hồ Chí Minh - Vĩ đại một con người”, nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025).
An Giang: Hàng ngàn người đội mưa tham gia Lễ phục hiện rước tượng Bà Chúa Xứ núi Sam
(NSMT) - Chiều 19/5 (nhằm 22/4 âm lịch), tại TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang, Ban tổ chức Lễ hội cấp quốc gia Vía Bà Chúa xứ Núi Sam tổ chức lễ phục hiện rước tượng Bà Chúa Xứ núi Sam từ bệ đá bà ngự trên đỉnh núi Sam về miếu dưới chân Núi Sam. Đây là một trong những nghi thức quan trọng trong chuỗi các nghi thức của lễ hội.