Xưa - Nay

Đám giỗ miệt vườn miền Tây

Thứ tư, 15/09/2021, 16:03 PM

Sáng nay, nhận được tin nhắn của một người bạn từ TP.HCM: “Hôm nay đám giỗ ba tôi mà vì dịch bệnh Covid - 19 nên tôi không về được, mình tụ họp nhau sau nhé!”. Đọc tin nhắn, tôi hiểu anh đang rất buồn vì nỗi nhớ gia đình, bè bạn và cũng khiến tôi miên man về khung cảnh đám giỗ quê tôi...

Người miệt vườn Nam Bộ có tập quán quần cư ven các bờ sông, kinh rạch để thuận tiện trong việc đi lại (trước đây phương tiện giao thông chủ yếu là ghe, xuồng) và lấy nước tưới tiêu cho đồng ruộng. Nhà này cách khá xa nhà kia, người trong dòng họ hiếm có khi được quây quần đông đủ. Đám giỗ ông bà được xem như một dịp để nhớ về nguồn cội, thắt chặt tình thâm để đoàn kết, tương trợ nhau trong cuộc sống.

Đám giỗ là dịp để người còn sống sum họp và tưởng nhớ. Ảnh: Internet

Đám giỗ là dịp để người còn sống sum họp và tưởng nhớ. Ảnh: Internet

 Đám giỗ là ngày kỷ niệm ông bà mất thường được người Nam Bộ chia thành 3 buổi cúng: “Mâm tiên”- là bữa cơm diễn ra chiều hôm trước ngày ông bà từ trần, đây cũng là thời điểm con cháu ở xa tụ họp về nên còn có gọi khác là “mâm nhóm họ”; “mâm giỗ chính” được tổ chức vào sáng ngày giỗ chính được tổ chức trang trọng và qui củ, phân chia thứ bậc ai ngồi mâm giữa (các bậc cao niên, vai vế lớn trong họ tộc), ai ngồi các mâm chầu rìa (con cháu); “mâm hạ” hay còn gọi là mâm chiều dành cho con cháu ở xa, phải ở lại ngủ qua đêm hoặc những ai chưa “đã”, muốn nhậu tiếp.

Nếu ngày đám giỗ ngày thiêng liêng nhằm tưởng nhớ công ơn người đã khuất thì chiều “nhóm họ” mới chính là thời khắc vỡ òa cảm xúc trong tình thâm gia tộc khi được gặp lại nhau sau một thời gian xa cách.

Mâm cúng đám giỗ thường thấy ờ miệt vuờn miền Tây - Ảnh: Internet

Mâm cúng đám giỗ thường thấy ờ miệt vuờn miền Tây - Ảnh: Internet

Thằng Tư, thằng Tám cùng vợ con chèo xuồng hàng chục cây số sang mang theo cặp vịt và mớ trái cây rồi khoe: “Vịt chạy đồng ăn ốc, ăn lúa nên nó chắc thịt và thơm hơn vịt ăn thức ăn công nghiệp mua ở chợ nhiều. Tui nói thiệt á!”.

Chú thím Năm kêu thằng Út lại rầy: “Mầy mần ruộng ít xịt sao đủ ăn? Tụi tao còn mấy công ruộng cho mướn, năm nay lấy lại cho mầy mần kiếm thêm tiền nuôi con nha? Mình là nông dân mà không bám đất, không cày bạc mặt thì không sống nổi đâu con ơi”.

Lại thêm vợ chồng bác Hai, cậu Mười, dì Chín và anh em họ hàng ngoài chợ mới đi đò vào khiến căn nhà thờ tự thường ngày vắng vẻ nay chộn rộn tiếng cười, tiếng nói ấm cúng hẳn lên. Có tiếng ai đó hỏi to như trách móc nhưng giọng nói lại thấm đẫm yêu thương, tự hào: “Nãy giờ sao không thấy mặt anh Ba vậy chị Ba? Bộ ảnh ở thành phố làm cán bộ lớn giờ về đây quên hết anh em rồi hả?”

Mặc ai nói gì nói, anh Ba chỉ mủm mỉm cười, nhặt cành khô trong vườn đốt lửa lấy than, tỉ mẩn ngồi nướng mớ cá rô, cá lóc của cậu Tám nhà kế bên mới đem qua biếu. Trong khói nướng cá thơm nồng nhưng cay sè, anh dụi mắt nói với con thằng Út đang ngồi chầu rìa bên cạnh: “Bác nhớ nội con quá! Hồi còn sống bác cũng hay ngồi xem nội con nướng cá như vầy”.

Cái khâu gói bánh tét, bánh ít… để cúng giỗ  thường do phụ nữ đảm nhận. Theo thông lệ, hàng xóm láng giềng sau khi đến dự đám giỗ thường được gia chủ thơm thảo biếu thêm đòn bánh tét, vài cái bánh ít đem về cho con cháu ở nhà. Ngồi canh nồi bánh tét chín cũng là niềm vui đối với những người xa quê, trăn trở những giấc mơ thị thành.

Quây quần gói bánh trước ngày đám giỗ. - Ảnh: Internet

Quây quần gói bánh trước ngày đám giỗ. - Ảnh: Internet

Bữa ăn chiều “nhóm họ” thường kéo dài đến tận đêm khuya. Rượu đế rót tràn cung mây, ai uống được thì uống. Ai tửu lượng yếu hoặc không uống được vẫn ngồi lại tâm tình bên nhau cho bõ quãng thời gian xa cách. Chị Hai khóc: “Mấy đứa bận công tác, làm ăn xa thỉnh thoảng nhớ viết thư, gọi điện về cho chị biết tình hình cuộc sống mấy em ra sao, chị nhớ các em lắm. Hồi còn sống, ba má luôn dạy anh chị em mình phải biết đùm bọc, thương yêu nhau”.

Trong mâm cơm cúng đám giỗ ngày chính của người miền Tây tuy không bị gò bó vào những món bắt buộc, bên cạnh các món như: cà-ri gà vịt, cù lao rau củ thịt heo, cá nướng, chả lạnh, thịt kho trứng… còn thường thấy xuất hiện cặp vịt luộc, gỏi vịt. Có lẽ do đặc thù địa lý, trước nhà là kinh rạch, bên hiên là mương vườn, sau nhà là ao cá nên việc nuôi vịt cũng là cách cải thiện kinh tế, dự trữ thực phẩm khi có khách đến chơi mà chợ thì xa.

Các món ăn đám giỗ miền Tây thường có các món: hầm, luộc, xào, kho... Ảnh: Internet

Các món ăn đám giỗ miền Tây thường có các món: hầm, luộc, xào, kho... Ảnh: Internet

Có thể nói đám giỗ trong văn hóa của người Nam Bộ là tổng hòa các mối quan hệ gia đình, làng xóm và sự tri ân những tiền nhân đã khuất. Bây giờ đất nước ngày càng phát triển, cơ sở hạ tầng ở nông thôn được cải thiện, giao thông đường bộ thuận tiện hơn trước rất nhiều. Nhưng cũng chính vì vậy mà nhịp sống trở nên hối hả hơn. Thế giới phẳng chỉ có thể giúp con người xóa nhòa khoảng cách về địa lý nhưng để tình cảm gần nhau hơn lại là những tập quán đẹp đã hình thành nên tính cách nghĩa tình, hào sảng, không chấp nhặt tiểu tiết của người miền Tây bao đời nay.

 Đừng để nó nhạt nhòa…

Thụy Vũ  
Mua vàng ngày vía Thần Tài nắm kỹ những điều này để hút tài lộc

Mua vàng ngày vía Thần Tài nắm kỹ những điều này để hút tài lộc

Mua vàng ngày vía Thần Tài nắm kỹ những điều này để hút tài lộc khi ngày vía Thần Tài năm Ất Tỵ 2025 rơi vào thứ Sáu, ngày 7/2 Dương lịch, ngày làm việc trong tuần.

Có nên mua vàng trước ngày Vía Thần Tài?

Có nên mua vàng trước ngày Vía Thần Tài?

Ngày vía Thần Tài nhiều người thường có thói quen đi mua vàng nên thường xảy ra tình trạng chen chúc, giá tăng vọt. Vậy có thể mua vàng trước ngày vía Thần Tài hay không?

Giữ Tết truyền thống trong lòng con trẻ giữa thời đại số hóa

Giữ Tết truyền thống trong lòng con trẻ giữa thời đại số hóa

(NSMT) - Nhiều người cứ than thở Tết trong mắt con trẻ bây giờ “nhạt” lắm, chẳng còn háo hức và mong ngóng như xưa…

Tản mạn với làng nghề gạch - gốm trăm năm

Tản mạn với làng nghề gạch - gốm trăm năm

Năm 2024, tỉnh Vĩnh Long có một sự kiện quan trọng, tiêu biểu: Festival Gạch Gốm Đỏ - Kinh Tế Xanh lần thứ nhất nhằm tôn vinh nghề gạch - gốm trăm năm tồn tại ở xứ này; qua đó quảng bá thương hiệu, đồng thời bảo tồn, phát huy di sản, kêu gọi đầu tư, phát triển du lịch, thu hút khách trong và ngoài nước đến với làng nghề độc đáo, hiếm có ở miền Tây Nam Bộ.

Độc đáo Lễ cúng Trăng của đồng bào dân tộc Khmer

Độc đáo Lễ cúng Trăng của đồng bào dân tộc Khmer

(NSMT) - Lễ cúng Trăng là một trong những lễ hội truyền thống đặc sắc, phản ánh nét văn hóa độc đáo của đồng bào Khmer Nam Bộ. Với hoạt động đặc trưng là đút cốm dẹp, hay còn gọi là Oóc Om Bóc trong tiếng Khmer, lễ cúng Trăng còn được biết đến rộng rãi với cái tên Lễ Oóc Om Bóc.

Lung linh đêm hội sông Trăng

Lung linh đêm hội sông Trăng

(NSMT) - Trong khuôn khổ Lễ hội Óoc Om Bóc – Đua ghe Ngo Sóc Trăng khu vực ĐBSCL lần thứ 6 và Tuần lễ VHTT-DL Sóc Trăng lần thứ nhất năm 2024, tối ngày 12/11, trên đoạn sông Maspero (tên khác là Nguyệt Giang, Sông Trăng), Sở Văn hoá – Thể thao – Du lịch tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội thi Lôiprotip (thả Đèn nước), trình diễn Đèn nước và ghe Cà Hâu. Đêm hội có sự góp mặt của 20 đèn nước và 5 ghe Cà Hâu đến từ các chùa trong tỉnh.

Cà Mau: Công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh đối với Bia kỷ niệm Bác Hồ với cây vú sữa miền Nam

Cà Mau: Công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh đối với Bia kỷ niệm Bác Hồ với cây vú sữa miền Nam

(NSMT) - Ngày 12/11, tỉnh Cà Mau tổ chức lễ công bố quyết định xếp hạng di tích cấp tỉnh và khánh thành “Bia kỷ niệm Bác Hồ với cây vú sữa Miền Nam”. Buổi lễ được tổ chức vào Tuần lễ cao điểm với các hoạt động tái hiện 200 ngày Sự kiện Tập kết ra Bắc.