Nếp nhà

Chánh tòa gia đình kể chuyện... ly hôn: Kỳ 2 - Hệ lụy khi chiếc giường hạnh phúc chia đôi

Thứ tư, 22/11/2023, 10:27 AM

Có nhiều vụ việc, cả 2 con khi được hỏi muốn ở với bố hay mẹ thì ôm nhau òa khóc nức nở. Hai chị em nấc lên từng tiếng rồi ấp úng trả lời rằng, muốn ở với cả hai người, không muốn bố mẹ chia tay. Dù đã quen với những tình huống như thế nhưng nữ thẩm phán nói, cả hội đồng xét xử, ai cũng phải quay mặt đi vì xúc động.

Phút giây thôi, hãy nghe tiếng con mình

Thẩm phán Lê Thị Dung, Chánh tòa gia đình và người chưa thành niên (Tòa án Nhân dân tỉnh Thanh Hóa) nói, nhiều vụ việc xét xử lĩnh vực hôn nhân gia đình xong, chị bị ám ảnh nặng nề. Thừa nhận bản thân không có năng khiếu thi ca nhưng thi thoảng bà cũng làm thơ như một cách để giảm stress. Là thẩm phán, là chủ tọa phiên tòa nhưng đồng thời cũng là một người phụ nữ, một người vợ, người mẹ, bà Dung thấu hiểu được những mất mát không gì bù đắp nổi khi vợ chồng kéo nhau ra tòa.

Sau mỗi một vụ ly hôn là một gia đình tan đàn xẻ nghé, một “tế bào” của xã hội bị cắt bỏ. Dẫn bài thơ “Hai chị em” của nhà thơ Vương Trọng, nữ thẩm phán cho hay, nếu các cặp vợ chồng trước khi ra tòa, họ một lần đọc những câu như: “Những bố mẹ bên bờ chia cắt/ Phút giây thôi, hãy nghe tiếng con mình!” chắc sẽ phải suy nghĩ lại. Bởi hai người có thể giải phóng cho nhau nhưng những đứa trẻ vô tội kia sẽ lớn lên trong nỗi đau gia đình chia cắt mà không gì bù đắp nổi.

Quyền, nghĩa vụ nuôi con sau mỗi vụ ly hôn được pháp luật quy định rõ nhưng cũng có những ranh giới “mềm”. Trước khi xét xử, tòa phải xác minh, tìm hiểu kỹ các bên về điều kiện nuôi con để phán quyết công bằng, khách quan nhất. Theo thẩm phán Lê Thị Dung, phần lớn phụ nữ sau ly hôn đều muốn nuôi con.

Trong một số trường hợp luật quy định rõ như con dưới 36 tháng tuổi đương nhiên sẽ sống cùng mẹ nhưng có trường hợp nếu người mẹ kinh tế không ổn, công việc không đảm bảo các điều kiện nuôi con thì tòa sẽ phải xem xét phù hợp theo hướng đảm bảo quyền lợi cho trẻ em.

Đối với trường hợp con gái đang tuổi dậy thì cần có mẹ ở bên cạnh hơn bố, tòa cũng sẽ xem xét cân nhắc để phán quyết hợp lý. Cá biệt, có những trường hợp người mẹ làm những công việc “nhạy cảm”, nhân thân có vấn đề, khi ly hôn, tòa sẽ không thể giao con cho họ…

dnc

Nữ thẩm phán chia sẻ, có nhiều vụ việc, cả 2 con khi được hỏi muốn ở với bố hay mẹ thì ôm nhau òa khóc nức nở. Hai chị em nấc lên từng tiếng rồi ấp úng trả lời rằng, muốn ở với cả hai người, không muốn bố mẹ chia tay. Dù đã quen với những tình huống như thế nhưng nữ thẩm phán nói, cả hội đồng xét xử, ai cũng phải quay mặt đi vì xúc động. Nhưng cá biệt, có những vụ, cả 2 đứa trẻ đều dõng dạc trả lời trước tòa rằng, mong tòa xử cho bố mẹ ly hôn càng sớm càng tốt. Lý do là các cháu không thể chịu đựng nổi những cơn cãi vã như cơm bữa của bố mẹ chúng.

Thẩm phán Lê Thị Dung kể, việc phán quyết nuôi con tại các phiên tòa xử ly hôn rất phức tạp. Có những vụ cả vợ và chồng đều tranh nhau nuôi con nhưng có những vụ cả hai đều thoái thác trách nhiệm nuôi con. Điều đáng nói là cả 2 vợ chồng đều khỏe mạnh, đều có thu nhập nhưng đều có ý đùn đẩy cho ông bà như kiểu “rảnh nợ” để đi tìm hạnh phúc mới.

“Thụ lý, xét xử những vụ như thế, chúng tôi thực sự đau lòng. Tình cảm gia đình, máu mủ ruột rà bị chối bỏ một cách không thương tiếc. Tất nhiên là pháp luật không cho phép họ chối bỏ trách nhiệm dễ dàng như thế”, thẩm phán Dung buồn bã nói.

Tranh chấp nuôi con ngoài giá thú

Cách đây hơn ít năm, thẩm phán Lê Thị Dung chủ tọa một phiên tòa khá đặc biệt liên quan đến giải quyết tranh chấp nuôi con ngoài giá thú.

Theo hồ sơ vụ việc, anh N.M.Q đã có gia đình, quan hệ “ngoài luồng” với chị L.T.N là mẹ đơn thân. Hai năm sau, chị N. sinh cháu N.P.H, được xác định là con trai của anh Q. sau khi có kết quả giám định AND.

Từ khi chào đời, cháu H. sống với mẹ, anh Q. thường xuyên qua lại, đưa đón đi học, cấp dưỡng đều đặn hằng tháng từ 2,5 – 5 triệu đồng. Hơn 2 tuổi, cháu H. xuất hiện những biểu hiện lạ về tâm lý như ít nói, hay hờn dỗi, la hét, không kiềm chế được cảm xúc. Bác sỹ kết luận cháu H. bị chứng bệnh: “tính tự kỷ không điển hình”. Sau khi có kết quả chẩn đoán, anh Q. nhiều lần đưa con đi điều trị nhưng chị N. ngăn cản vì cho rằng con không có bệnh. Vụ việc sau đó được đưa ra tòa nhưng cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu giao cháu H. cho anh Q. chăm sóc, nuôi dưỡng trực tiếp.

Về phần mình, chị N. cho rằng, do không có con trai nên anh Q. tìm mọi cách dành quyền nuôi cháu H. Tại tòa phúc thẩm, anh Q. chứng minh bản thân có thu nhập ổn định, có tài sản, có điều kiện tốt hơn chị N. để chăm sóc, nuôi dưỡng, chữa bệnh cho cháu H. Đồng thời anh Q. cung cấp bằng chứng (video) chị N. ngăn cản anh không được thăm nom, đưa con trai đi chữa bệnh. Trong khi đó, chị N. công việc, thu nhập không ổn định, đang ở nhờ nhà mẹ đẻ và nuôi 1 con riêng. Cuối cùng tòa phúc thẩm chấp nhận giao cháu H. cho anh Q. trực tiếp nuôi dưỡng.

bé 1jpg

Thẩm phán Lê Thị Dung cho biết, trong các vụ liên quan đến tranh chấp quyền nuôi con, thì đảm bảo quyền lợi cho trẻ em là nguyên tắc tối thượng. Hai người trong vụ án trên không phải vợ chồng hợp pháp nhưng cả hai đều thừa nhận cháu H. là con chung, có kết quả giám định AND chứng minh. Trong khi cháu H. bị bệnh tự kỷ không điển hình (có bệnh án của bệnh viện) nên phải giao cháu cho người có điều kiện, có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng, chữa bệnh cho cháu.

Chia đôi cả... chổi cùn, rế rách

Mới đây, một cặp vợ chồng ở Hà Tĩnh khi đệ đơn ra tòa, người vợ đòi chia đôi đàn cá dưới ao. Đây là yêu cầu đúng pháp luật vì tài sản hình thành sau hôn nhân và quá trình xác minh cho thấy cả vợ và chồng đều có công… đào ao thả cá. Tuy nhiên, đây là vụ việc chưa có tiền lệ trong lịch sử tố tụng của địa phương, gây xôn xao dư luận. Nhiều người ví von hài hước rằng, khi đã cạn tình, cạn nghĩa, thì khi chia tay chổi cùn, rế rách, mâm thủng, người ta cũng cố mang theo.

Thẩm phán Lê Thị Dung kể, có những vụ giải quyết rất nhanh chóng khi cả hai vợ chồng thuận tình ly hôn và họ đã có thỏa thuận từ trước. Ra tòa chỉ là thủ tục, ứng xử sau ly hôn rất văn minh. Tuy nhiên số đó chiếm không nhiều, đa phần là tìm cách tranh phần hơn về mình.

Có những vụ, người chồng hoặc người vợ đưa con cái ra để gây áp lực với đối phương. Có những ông chồng, vợ quỳ xuống trước tòa van xin nhưng vẫn lạnh lùng quay lưng cho dù chính ông ta là người có lỗi dẫn đến đổ vỡ hôn nhân.

Cũng theo thẩm phán Dung, tình trạng vợ chồng khi ra tòa xem nhau như kẻ thù không hiếm gặp, nhất là khi đụng chạm đến con cái, tài sản. Mấy chục năm trước, khi kinh tế còn khó khăn việc chia đôi nồi xong, mâm bát, chum vại… là có thật. Bây giờ điều kiện kinh tế tốt hơn nhưng việc “đo lọ tương, đếm quả cà” khi thỏa thuận về tài sản giữa hai người ly hôn vẫn còn nhiều.

Có những ông chồng tính toán từng đồng cấp dưỡng sau ly hôn đối với chính con đẻ của mình cho dù lương cao, thu nhập tốt. Họ không nghĩ rằng cấp dưỡng sau ly hôn vừa là nghĩa vụ theo quy định của pháp luật nhưng đồng thời cũng là lương tâm, trách nhiệm của người làm cha, làm mẹ.

“Theo quy định, sau khi bản án ly hôn có hiệu lực, người có nghĩa vụ cấp dưỡng nếu không thực hiện sẽ bị cưỡng chế. Biết vậy nhưng thực tế khi xử các vụ ly hôn, chúng tôi từng chứng kiến nhiều ông bố kỳ kèo bớt một thêm hai đối với việc cấp dưỡng nuôi con. Họ suy nghĩ theo kiểu số tiền đó là chuyển cho vợ cũ chứ không phải cho con. Có ông bố còn viện lý do, sau ly hôn, ông ta sẽ có gia đình mới nên phải dành dụm để vun vén hạnh phúc mới, với những đứa con mới”, thẩm phán Dung buồn bã nói.

Quang Duy  
“Đồng vợ, đồng chồng...”

“Đồng vợ, đồng chồng...”

(NSMT) - Ðể xây dựng gia đình hạnh phúc, cần có sự vun đắp, phối hợp ăn ý của các thành viên trong nhà. Ði làm kiếm tiền, tạo dựng kinh tế hay ở nhà nội trợ, nuôi dạy con cái… đều quan trọng như nhau. Nhiều cặp vợ chồng thấu hiểu vai trò của bạn đời nên cư xử khéo léo, trân trọng, song cũng không ít trường hợp xem nhẹ “người ở nhà”, dẫn đến sứt mẻ tình cảm…

Nói với nhau...

Nói với nhau...

(NSMT) - Trong đời sống hôn nhân, giao tiếp đóng vai trò rất quan trọng, bởi không chỉ gắn kết tình cảm mà còn giúp vợ chồng hiểu nhau hơn. Dù bận rộn, mỗi bên cần dành thời gian trò chuyện, lắng nghe, chia sẻ, cùng điều chỉnh bản thân cho thêm hòa hợp với bạn đời. Đừng để vì lý do nào đó mà vợ chồng rơi vào tình trạng mất kết nối, “nghẽn mạch” trong giao tiếp, sẽ dễ phát sinh hiểu lầm, rạn nứt tình cảm gia đình.

Nghĩa vợ chồng

Nghĩa vợ chồng

(NSMT) - Cô Thủy trẻ hơn rất nhiều so với tuổi 70, da dẻ hồng hào, tươi tắn. Chú Thành - chồng cô Thủy, trạc tuổi vợ, nhìn cũng rất phong độ, khỏe mạnh. Cô Thủy tiết lộ bí quyết, nhờ giữ tinh thần luôn thoải mái kết hợp luyện tập thể thao nên cô chú lúc nào cũng vui vẻ, gia đình yên ấm. Các con cô Thủy đều có công việc ổn định, hiếu thảo, góp phần vun đắp hạnh phúc cha mẹ thêm vẹn tròn.

Cố níu hôn nhân: Sống vì con cái hay sĩ diện của chính mình?

Cố níu hôn nhân: Sống vì con cái hay sĩ diện của chính mình?

Ly hôn là một quyết định khó khăn đặc biệt khi có con. Nhiều cặp vợ chồng đã chán ngấy nhau nhưng vẫn cố ở lại vì con mà không biết hậu quả nặng nề đến mức nào.

Hãy thay bố chăm sóc mẹ khi bố đi xa

Hãy thay bố chăm sóc mẹ khi bố đi xa

(NSMT) - Câu nói cuối cùng của người cha trước khi rời bỏ thế giới khiến chị nhớ mãi. Cha chị vẫn như thế, lo lắng và chu toàn mọi điều đến tận giây phút cuối đời.

Bước qua đổ vỡ

Bước qua đổ vỡ

Khi lập gia đình, ai chẳng mong muốn có được hạnh phúc vững bền. Thế nhưng, vì nhiều yếu tố, không ít chị em phụ nữ phải dừng cuộc hôn nhân, chọn sống đơn thân. Bằng nghị lực, sự tự tin và tình yêu thương con, các chị đã vượt qua nghịch cảnh, xây dựng cuộc sống mới tốt hơn cho mình.

Cha yêu con bằng tình yêu của một người điên

Cha yêu con bằng tình yêu của một người điên

Một người cha không trọn vẹn, không ít lần những lúc điên dại sẵn sàng cầm roi đánh con không xót nhưng khi tâm hồn đó bình yên lại xót xa, chăm bẵm trong tâm thức của một người làm cha. Tình thương đó dù "khuyết tật" nhưng lớn lao, vĩ đại.