"Chìa khóa" để doanh nghiệp tại ĐBSCL thu hút người lao động quay lại làm việc
(NSMT) - Sau thời gian đóng cửa, đến nay nhiều doanh nghiệp ở ĐBSCL đã được phép mở cửa hoạt động trở lại. Áp lực tìm lao động sau dịch không nhiều nhưng để thực hiện mục tiêu kép “vừa chống dịch, vừa sản xuất”, doanh nghiệp cần có nhiều chế độ ưu đãi và tạo điều kiện thuận lợi để người lao động yên tâm trở lại công việc thường qui.
Báo cáo từ Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ, sau hơn 3 tuần gỡ bỏ giãn cách xã hội, số doanh nghiệp ở ĐBSCL trở lại sản xuất đã đều hơn, nhưng tỉ lệ mới đạt tối đa từ 30-50%. Nhiều doanh nghiệp cũng nôn nóng mở cửa tái hoạt động công suất nhiều hơn nhưng phương án phòng chống dịch tại một số phân xưởng vẫn còn đang củng cố thiết lập.

Nỗ lực đảm bảo môi trường làm việc an toàn cho lao động, các doanh nghiệp tại Cần Thơ vẫn đang áp dụng phương án “3 tại chỗ”, hoặc “2 tại chỗ” kết hợp vùng xanh.
Bà Phạm Thị Thanh Hiền – Chủ tịch Công đoàn Các Khu chế xuất, khu công nghiệp TP Cần Thơ cho biết: Hiện Khu chế xuất của TP Cần Thơ có 24 doanh nghiệp đang hoạt động. Nỗ lực đảm bảo môi trường làm việc an toàn cho lao động, các doanh nghiệp tại Cần Thơ vẫn đang áp dụng phương án “3 tại chỗ”, hoặc “2 tại chỗ” kết hợp vùng xanh. Đối với điều kiện “2 tại chỗ” vùng xanh, người lao động phải ở vùng xanh, cam kết đi 1 cung đường từ nhà đến công ty và ngược lại. Địa phương quản lí công nhân bằng cách cấp giấy phép cho người lao động có nhu cầu muốn đi làm, đầu vào của các doanh nghiệp hiện nay thắt chặt kiểm soát.
"Tất cả các doanh nghiệp “3 tại chỗ” và “2 tại chỗ” đều có phương án hết, ban quản lí và ngành chức năng sẽ đi kiểm tra, đạt thì duyệt. Đầu vào thì bố trí vùng đệm, test xong sẽ đưa vào ở vùng đệm ở vài ngày, sau đó mới cho vào xưởng. Các doanh nghiệp đều có khu cách ly dành cho F0 trong lúc chờ đợi Sở y tế xuống đưa ca F0 này vào khu cách ly tập trung", bà Thanh Hiền chia sẻ.
Người lao động với những nỗi trăn trở
Số liệu từ Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ cho biết, hơn 40.000 công nhân lao động làm việc tại các khu chế xuất và công nghiệp của thành phố đã được tiêm vắc - xin với tỉ lệ đạt gần 100%. Các doanh nghiệp đang từng bước phục hồi, tái sản xuất với khoảng 10.000 công nhân lao động đang làm việc. Tất cả công nhân này đều được tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin, qua 14 ngày. Bắt đầu từ tháng 11, doanh nghiệp và công nhân sẽ tập trung tăng ca để đáp ứng kịp thời các đơn hàng xuất khẩu.
Bà Lã Thị Thanh Thủy – Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Pataya Việt Nam cho biết: "Khi hoạt được trở lại, về phía công ty chọn người nào đã chích ngừa 1 mũi rồi, qua 14 ngày sẽ cho vào làm. Ai chưa tiêm thì còn ở nhà. Phòng chống dịch vẫn phải thực hiện theo phương pháp 5K, giãn ra 2 ca. Lúc trước ca ngày làm nhiều lắm nhưng bây giờ giãn ra hết để giãn số lượng người ra".

Phương án "3 tại chỗ" tại Công ty Pataya Việt Nam.
Chị Nguyễn Thị Minh Thư, công nhân thuộc một doanh nghiệp chế biến thủy sản của Khu công nghiệp Trà Nóc, TP Cần Thơ chia sẻ, chị đang chuẩn bị trở lại nhà máy làm việc theo thông báo của công ty. Phương án sản xuất “2 tại chỗ” hiện nay là công nhân phải được tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin mới được vào nhà máy lao động. Đã yên tâm về phần tiêm vắc xin, nhưng cái lo lớn nhất của chị hiện giờ vẫn là chế độ bồi dưỡng. Chị vừa nhận tin xí nghiệp cắt bớt một phần ăn nhẹ khi tăng ca, điều này ảnh hưởng khá nhiều đến sức khỏe và chế độ dinh dưỡng cho công nhân.
"Công ty test miễn phí rồi mình vào làm, đăng kí “2 tại chỗ” nếu có ca nhiễm thì mình sẽ ở trong công ty luôn. Mình không có nghĩ ra được cái biện pháp nào phòng dịch hết nên mình đâu dám ý kiến, biểu sao thì làm vậy thôi, cũng không tin tưởng lắm, thực tế là môi trường lạnh mà dịch bùng phát là ở trong đó mình dễ lây hơn bên ngoài lắm. Công ty vẫn hỗ trợ cơm trưa như mọi khi, nhưng tăng ca thì không hỗ trợ ăn nhẹ. Hồi đó tăng ca 11 tiếng là cho ăn nhẹ rồi, còn bây giờ thì không", chị Thư chia sẻ.
Trên thực tế, công nhân vẫn đang phập phồng đối mặt với nhiều rủi ro khi trở vào nhà máy làm việc trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, vì những ngày gần đây, ĐBSCL liên tục phát hiện nhiều ca F0 tại các xí nghiệp chỉ sau vài ngày mở cửa tái sản xuất.
Điển hình như trong ngày 26/10, tỉnh Bạc Liêu đã ghi nhận 242 trường hợp dương tính với COVID 19. Trong đó có đến 58 F0 ghi nhận thông qua truy vết có liên quan đến chuỗi lây nhiễm tại Công ty TNHH xuất nhập khẩu thủy sản Tấn Khới, Công ty TNHH thủy sản Châu Bá Thảo.
Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu - Lữ Văn Hùng cho biết: Tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh thời gian gần đây diễn biến xấu đi là do các địa phương thực hiện công tác kiểm tra, giám sát chưa tốt.
"Tôi cũng đã nhắc Ban chỉ đạo phòng, chống dịch covid-19 các cấp, phải quyết liệt hơn nữa, triển khai tuyên truyền tới ấp, khóm, khu vực, chia ra để nhắc nhở người dân hiện nay tình hình dịch COVID - 19 diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh. Mọi người phải có ý thức phòng, chống dịch, hướng dẫn cho người dân biết rõ nơi nào cấp độ 3, cấp độ 4 và bây giờ người dân phải làm gì, sinh hoạt đi lại ra sao. Chúng ta làm như thế mới ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh được, như vậy thì công tác phòng, chống dịch COVID - 19 mới đảm bảo an toàn và trở lại bình thường mới trên địa bàn tỉnh", Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu nhấn mạnh.
Ngoài ra, tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, TP Cần Thơ… hầu hết đều ghi nhận hàng chục F0 phát sinh tại các xí nghiệp buộc phải phong tỏa toàn công ty. Dù công ty đã có các kịch bản chống dịch, song việc toàn bộ nhà xưởng bị phong tỏa, chăm sóc ăn, ở cho hàng trăm công nhân cùng một lúc bên trong nhà xưởng khiến công ty rất bị động, bản thân công nhân cũng bị ảnh hưởng tâm lý. Chính vì thế, lo chống dịch là 1, lo cho sức khỏe công nhân là 2 và lo những chế độ đãi ngộ sau khi trở lại làm việc… là muôn vàn trăn trở của nhiều công nhân hiện nay.
Trong 3 tháng chống dịch, ĐBSCL có hơn 65 ngàn lao động mất việc tạm thời. Trong con số này, rất nhiều đã không còn hy vọng tái lao động trong khu công nghiệp mà chọn nghề khác để thích nghi. Sau dịch, nhiều người cho rằng, vắc xin là động lực để níu kéo người lao động bên cạnh chế độ đãi ngộ tiền lương. Thực tế người lao động cần nhiều hơn sự giúp đỡ này mới an tâm một lòng sản xuất.
Người lao động cần được tạo điều kiện như thế nào để an tâm trở lại nhà máy làm việc?
Trong đại dịch, hàng trăm lao động còn may mắn vì công ty đủ năng lực sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” nhưng rồi dần kiệt sức vì chi phí quá lớn trong khi công suất hoạt động chỉ nằm ở mức 50%. 65 ngàn lao động của ĐBSCL lao đao từ đầu tháng 7/2021 đến nay cũng đủ chứng minh họ càng khao khát trở lại nhà máy để có nguồn thu nhập. Nhưng thực tế sau dịch là một bức tranh mà người lao động chưa từng nghĩ tới.
Về mặt tinh thần, công nhân sẵn sàng tâm thế quay lại nhà xưởng. Nhưng dịch chưa kiểm soát ổn định, nhà trường chưa mở cửa, con cái công nhân không ai lo hộ dạy dỗ. Về chế độ phúc lợi, nói thẳng, công nhân rất cần tháng lương đầu tiên để bắt đầu cuộc sống sau dịch... Công nhân chỉ thật sự chuyên tâm vào sản xuất khi cuộc sống phía sau họ an toàn.
Chính vì thế, tiếp tục tiêm vắc xin để sản xuất an toàn, thu hút lao động là giải pháp hữu hiệu nhất hiện giờ. Mỗi khu công nghiệp cần có một bệnh viện dã chiến mini để công nhân trong trường nhiễm bệnh có thể được điều trị. Việc được điều trị gần khiến họ an tâm hơn rất nhiều.

Nếu chế độ đãi ngộ là yếu tố hàng đầu để thu hút người lao động quay trở lại làm việc thì bảo đảm sự an toàn trong lao động, sản xuất trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 chính là “chìa khóa” để “giữ chân” người lao động.
Quan tâm xây dựng các khu lưu trú, khu nhà ở cho công nhân, xây dựng các trung tâm y tế phục vụ người lao động tự do không thuộc tổ chức nào. Đồng thời, cộng đồng các doanh nghiệp phải truyền thông thường xuyên với người lao động, mời họ trở lại bằng các thông tin cụ thể cũng như chuẩn bị sẵn các biện pháp an toàn phòng chống dịch để họ an tâm trở lại làm việc.
Quan trọng là chính sách tiền lương, phúc lợi thỏa đáng cho người lao động. Giải pháp an sinh xã hội và chăm lo chỗ học, nhà trẻ cho con em của người lao động để họ yên tâm làm việc.
Vừa qua, một số địa phương đã chủ động phối hợp với các doanh nghiệp và các địa phương bạn để có kế hoạch đón người lao động trở lại làm việc. Đó là tổ chức đưa đón, đi lại cho công nhân bằng đường bộ, đường sắt, đường thủy theo mã QR của phương tiện giao thông và xe đưa đón của doanh nghiệp. Người lao động có thể đi bằng phương tiện cá nhân khi chấp hành tốt quy định của các địa phương. Ngoài ra, các tỉnh, thành phố cũng thiết lập khu tạm trú cho công nhân ngoại tỉnh trở lại làm việc tại những địa điểm gần với doanh nghiệp đang làm việc.
Khôi phục sản xuất, kinh doanh trong trạng thái bình thường mới, là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID -19. Việc các địa phương và doanh nghiệp thực hiện nhiều biện pháp giữ chân người lao động, đón họ trở lại làm việc không chỉ góp phần phát triển kinh tế xã hội, mà còn tạo công ăn việc làm, chăm lo đời sống cho người lao động trong giai đoạn hiện nay. Vì vậy, Chính quyền, người dân và doanh nghiệp phải đồng hành với nhau để tiếp tục thực hiện mục tiêu kép mà Chính phủ đã đề ra trong bối cảnh bình thường mới.
Sóc Trăng tạm dừng nhiều dự án
Do thực hiện việc hợp nhất tỉnh và để tránh lãng phí, tỉnh Sóc Trăng cho tạm dừng triển khai 6 dự án với kinh phí gần 75 tỉ đồng.
Bàn giao các công trình trụ sở mới cho Công an xã trên địa bàn huyện Kế Sách - Sóc Trăng
Ngày 15/5, Đại tá Phạm Quốc Việt, Phó Giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng cùng đoàn công tác của Công an tỉnh đã đến nghiệm thu, bàn giao các công trình trụ sở cho Công an các xã trên địa bàn huyện Kế Sách.
Sóc Trăng: Phát hiện gần 8 tấn sữa, thực phẩm chức năng không hoá đơn chứng từ, nguồn gốc xuất xứ
Ngày 14/5, Công an xã Hồ Đắc Kiện, huyện Châu Thành (tỉnh Sóc Trăng) cho biết đang phối hợp điều tra, xử lý theo quy định gần 8 tấn hàng hoá không có hoá đơn chứng từ, nguồn gốc xuất xứ và giấy phép lưu hành sản phẩm vừa phát hiện trên địa bàn.
Cà Mau: Lắng nghe thiếu nhi, dựng xây Cà Mau vươn mình cùng kỷ nguyên mới
(NSMT) - Chiều 15/5, Tỉnh ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cà Mau tổ chức chương trình gặp gỡ thiếu nhi với năm 2025 chủ đề “Lắng nghe thiếu nhi, dựng xây Cà Mau vươn mình cùng kỷ nguyên mới”.
Trường Đại học Nam Cần Thơ và UBND TP Cần Thơ ký kết ghi nhớ hợp tác phát triển
(NSMT) - Chiều 14/5, tại TP. Cần Thơ, Trường Đại học Nam Cần Thơ (DNC) và Ủy ban nhân dân TP. Cần Thơ tổ chức Hội nghị ký kết Bản ghi nhớ hợp tác phát triển nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển khoa học - công nghệ, nâng cao chăm sóc sức khỏe phục vụ tốt hơn nhu cầu của nhân dân TP. Cần Thơ và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ 20 năm vươn mình thành “trái tim” của ngành y tế miền Tây
Ngày 12/5, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập (2005–2025), đánh dấu hành trình hai thập kỷ không ngừng phát triển, trở thành trung tâm y tế chuyên sâu hàng đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang kiểm tra, khảo sát tại xã Thổ Châu
Ngày 12-5, đoàn công tác của Thường trực Tỉnh ủy do Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Nguyễn Tiến Hải làm trưởng đoàn đã đến kiểm tra, khảo sát và làm việc với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn xã Thổ Châu (TP. Phú Quốc).