Chỗ dựa vững chắc của bà con dân tộc thiểu số vùng biên giới biển
(NSMT) - Không chỉ giữ vững chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, những năm qua, Bộ đội Biên phòng tỉnh Sóc Trăng còn phát huy hiệu quả hệ thống trạm xá quân dân y kết hợp để chăm sóc sức khỏe cho người dân ở nhiều phum sóc đồng bào Khmer vùng biên giới biển. Các trạm xá này thực sự trở thành “điểm tựa” của người dân, góp phần quan trọng nâng cao nhận thức về công tác phòng, chống dịch bệnh của đồng bào. Điển hình như Trạm y tế quân dân y kết hợp xã Lai Hoà, thị xã Vĩnh Châu.
Mới sáng sớm, ông Tăng Phor, ở xã Lai Hoà đã tranh thủ đến trạm Quân dân y kết hợp xã Lai Hoà để được các y bác sĩ khám và điều trị bệnh. Ông thường xuyên bị tê nhức cơ thể và được cán bộ y tế Trạm theo dõi, điều trị đã gần 8 tháng nay. Ông Tăng Phor chia sẻ "Y bác sĩ ở đây là trực 24/24, mình lợi giờ nào đều có cán bộ thăm khám hết. Thấy các chú bộ đội, y sĩ trong trạm rất là nhiệt tình và tận tình với chúng tôi".
Lai Hòa là xã còn khó khăn của thị xã Vĩnh Châu, có đông đồng bào Khmer, bà con sống chủ yếu bằng nghề nông và đi biển. Vì vậy, để tranh thủ việc mưu sinh, bà con thường đến khám bệnh từ rất sớm. Chỉ vừa mới hơn 6h sáng, nhưng đã có gần 20 người đã đến Trạm chờ khám bệnh.

Người dân đang khám bệnh.
Y sĩ Lâm Thuỳ Trang nhiều năm công tác tại Trạm dân y kết hợp xã Lai Hoà cho biết: "Chưa được 6 giờ là bà con mình lại rồi, người lớn tuổi bệnh cũng lo nên lợi sớm, thành ra mình cũng phải sắp xếp công việc của gia đình lên sớm một chút để khám điều trị cho bà con mình, không để bà con đợi chờ lâu, thứ 2 nữa là không để tồn động bệnh vì trạm cũng nhỏ".
Theo Trung tá Thái Minh Phong, Trạm trưởng Quân dân y kết hợp xã Lai Hoà, để khám bệnh cho bà con kịp thời "Mỗi ngày, từ sáng sớm là cán bộ y tế của trạm đã có mặt để tiến hành khám chữa bệnh". Đặc biệt, bà con đến trạm khám bệnh phần lớn ngoài giờ làm việc, do đó, trạm còn phân công cán bộ y tế trực 24/24 để phục vụ tốt công tác chăm sóc sức khỏe và làm tròn trách nhiệm của người thầy thuốc với bệnh nhân.
“Trạm luôn luôn lúc nào cũng phải trực 24/24. Tới giờ là mỗi người mỗi công việc, mỗi người mỗi chuyên môn khám về sản, nhi, đa khoa, đông y… mỗi người một việc, phân công cán bộ, nhất là buổi sáng phải đi sớm hơn bệnh nhân đến khám”, Trung tá Thái Minh Phong cho biết.
Chính vì sự nhiệt tình, hết lòng vì người bệnh của người thầy thuốc mang quân hàm xanh, cùng cán bộ y tế tại trạm đã tạo dựng được lòng tin yêu của nhân dân ở địa bàn.
Do nằm cách trung tâm xã nên nhiều bà con ở một số ấp của xã Vĩnh Tân, các ấp Prey Chóp, Prey Chóp A, Prey Chóp B, thuộc xã Lai Hòa đều chọn đến khám, chữa bệnh tại trạm quân dân y kết hợp xã Lai Hoà. Ngoài ra, còn có cả bà con ở xã giáp ranh thuộc tỉnh Bạc Liêu cũng sang đây để điều trị. Hiện nay, bình quân một ngày, trạm tiếp nhận khám và cấp thuốc cho hơn 30 lượt người bệnh.
Ông Hồng Tha Rinh, người dân ở xã Lai Hoà đến khám tại trạm chia sẻ: "Đến đây khám gần nhà, đỡ tốn chi phí đi lại. Ở đây khám cũng miễn phí, cán bộ y tế khám nhiệt tình lắm, giờ bệnh tôi cũng đỡ nhiều rồi, tôi mừng lắm".
Không chỉ khám, điều trị tại Trạm, Cán bộ y tế của Trạm Quân dân y kết hợp xã Lai Hoà còn đến thăm khám và cấp thuốc tận nhà cho các đối tượng bệnh nhân là người già có hoàn cảnh khó khăn, bệnh nặng không thể đến trạm để thăm khám. Cùng đoàn khám bệnh của Trạm đến nhà anh anh Lý Huỳnh Sang ở ấp Prey Chóp B, xã Lai Hoà, chúng tôi cảm nhận sự vui mừng, xúc động của gia đình bởi sự tận tâm của những người thầy thuốc Trạm Quân dân y kết hợp xã Lai Hoà.
Được biết, gia đình nghèo sống cùng mẹ già, anh bị đau chân khó khăn trong đi lại. Biết hoàn cảnh của anh, cán bộ y tế của trạm quân dân y kết hợp Lai Hoà đã đến thăm khám tận nơi. Mỗi lần đến thăm khám như vậy, trạm còn kết hợp với các đoàn thể tặng nhiều phần quà cho gia đình, như gạo, mì, nước tương, dầu ăn….
Anh Lý Huỳnh Sang xúc động: "Tôi rất cảm ơn Trạm Quân dân y kết hợp Lai Hoà đã thường xuyên đến khám bệnh cho tôi, rồi còn tặng quà cho tăng nữa. Nhà tôi nghèo, được cán bộ y tế của Trạm quan tâm, tôi biết ơn lắm".

Sự gần gũi của cán bộ y tế Trạm quân dân y giúp người bệnh như anh Sang cảm thấy ấm lòng.
Trung bình mỗi tháng, Trạm Quân dân y kết hợp xã Lai Hoà tổ chức khám, chữa bệnh và cấp thuốc cho khoảng hơn 1.000 lượt người bệnh. Những lúc cao điểm lên đến hơn 2.000 lượt bệnh nhân/ tháng. Cùng với đó, Trạm còn tuyên truyền cho bà con về cách phòng chống một số dịch bệnh như: sốt rét, tay – chân – miệng, sốt xuất huyết….
Hiện nay, Trạm Quân dân y kết hợp xã Lai Hòa có 5 cán bộ y tế để phục vụ cho công tác khám bệnh. Sau thời gian hoạt động, trạm đã tạo lòng tin cho người dân khi đến khám. Thấy bà con không ngại đường xá xa xôi đến trạm khám bệnh, các chiến sĩ, người thầy thuốc tại trạm luôn cố gắng tận tình chữa trị, bất kể ngày hay đêm. Theo trung tá Thái Minh Phong, niềm vui của người dân khi khỏi bệnh là động lực để các anh, các chị bám địa bàn, bám dân, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
“Với vai trò trạm trưởng quân dân y kết hợp vừa là khám điều trị cho cán bộ chiến sĩ, ngoài ra còn chăm sóc sức khỏe của nhân dân trên địa bàn thì bản thân tôi luôn quán triệt đến cán bộ y tế tại trạm sắp xếp công việc, trực đảm bảo 24/24 sẵn sàng cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân khi đến trạm cũng như bệnh nhân ốm đau bệnh tật không thể đến trạm được thì bản thân tôi cũng trực tiếp đến thăm khám hoặc cử cán bộ nhân viên thường xuyên đến thăm hỏi và khám bệnh cho bà con tốt hơn”, Trung tá Phong cho biết thêm.
Trong những năm qua, Trạm Quân dân y kết hợp xã Lai Hoà, Ðồn Biên phòng Lai Hòa, Bộ đội Biên phòng Sóc Trăng đã trở thành địa chỉ tin cậy, mang đến hy vọng, niềm vui cho bệnh nhân nghèo, nhất là đồng bào Khmer nơi biên giới biển của tỉnh Sóc Trăng.
Hoa hậu Ngọc Giàu: Hiến tạng – Hành trình cho đi một cuộc đời khỏe mạnh và giàu ý nghĩa
Chiều ngày 10/3/2025, ngay sau khi trở về Cần Thơ từ TP.HCM, Hoa hậu, Tiến sĩ Võ Thị Ngọc Giàu đã có buổi trao đổi cùng phóng viên Tạp chí Gia Đình Việt Nam về quyết định hiến mô – tạng của mình. Trước đó, cô đã chính thức hoàn tất thủ tục đăng ký hiến tạng tại Bệnh viện Chợ Rẫy vào ngày 4/3.
Tiệm mì 1.000 đồng lan tỏa yêu thương ở Cà Mau
Một tiệm mì gói giá 1.000 đồng vừa xuất hiện tại phường 5, TP Cà Mau, do anh Trương Minh Đương, người dân phường 6, cùng một số người bạn thành lập. Mọi thứ đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, từ những gói mì, quả trứng, xúc xích, rau sống, ớt, chanh đến nước sôi, tất cả đều không tốn kém, nhưng lại chứa đựng một tâm huyết lớn lao. Khi câu chuyện về việc làm thiện nguyện lan tỏa, nhiều nhà hảo tâm đã mang mì, trứng và các vật phẩm khác đến để ủng hộ quán mì 1.000 đồng này.
Xúc động bộ ảnh ngày Tết...
(NSMT) - Những ngày Tết Ất Tỵ đã qua nhưng những hình ảnh về một cái tết tròn đầy, đầm ấm vẫn còn đọng lại đâu đó nơi đáy mắt của các ông lão, bà cụ tại Trung tâm nuôi dưỡng người già TP. Cần Thơ, nơi mà Tết đã được ghi lại thông qua những nụ cười, những cái ôm...
Vì sao người tuổi Tỵ ít hơn những tuổi khác?
Còn nhớ 2 năm trước nhà nhà thi nhau săn mèo vàng, rồng vàng nhưng năm nay không có định nghĩa săn rắn vàng. Vậy tại sao có ít người tuổi Tỵ hơn những tuổi khác, có phải vì tuổi Rắn ít may mắn?
Bí quyết "đón cát, tránh hung" cho các gia đình năm Ất Tỵ 2025
Năm Ất Tỵ 2025 được dự báo là một năm có nhiều biến cố khi liên tục có sự thay đổi mạnh mẽ gây không ít khó khăn, thách thức đối với các gia đình trong việc phát triển kinh tế, ổn định định đời sống.
Tháng Giêng không ăn chơi
Câu ca “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” bao đời nay đã ăn sâu vào tiềm thức của người Việt. Nhưng đó là quan niệm chỉ phù hợp trong xã hội nông nghiệp ngày xưa với những hội hè đình đám… âm lịch.
Xuân yêu thương 2025: Sự trở lại của hành trình trao gửi niềm vui dịp Tết cho trẻ em mồ côi
(NSMT) - Mùa xuân luôn là thời điểm sum vầy, chia sẻ những khoảnh khắc hạnh phúc bên gia đình, người thân. Tuy nhiên, không phải đứa trẻ nào cũng có được niềm vui ấy. Nhiều trẻ em mồ côi, cơ nhỡ và khuyết tật sống trong hoàn cảnh khó khăn, không có một mùa Tết đầy đủ như bao trẻ em khác. Để xoa dịu nỗi đau này, chương trình “Xuân yêu thương” tổ chức hàng năm tại TP Cần Thơ đã và đang trở thành một hành trình trao gửi yêu thương ý nghĩa, nối dài truyền thống tốt đẹp của dân tộc "Lá lành đùm lá rách".