Nếp nhà

Cuộc thi "Cha và con gái": Khi tâm tư được viết ra mà không sợ phán xét

Thứ hai, 15/07/2024, 14:06 PM

Chị Đỗ Thị Vân, tác giả đoạt giải Nhì cuộc thi viết "Cha và con gái" chia sẻ rằng, nhờ có cuộc thi mà chị được cởi tấm lòng mình, viết ra những tâm tư mà không sợ bị ai phán xét.

Sáng ngày 12/7, tại Hội trường Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam (Hà Nội), Tạp chí Gia đình Việt Nam đã tổ chức Lễ tổng kết, trao giải cuộc thi viết "Cha và con gái" lần thứ 2 và ra mắt cuốn sách “Cha và con gái”.

Gần 1.000 bài dự thi nhưng không có câu chuyện, tình huống nào lặp lại. Mỗi số phận, mỗi con người đều có một phần lịch sử được kể lên, tạo ra một bức tranh sinh động về tình cảm cha - con, về những giá trị cốt lõi bao đời nay của gia đình Việt.

Đối với người đàn ông, được làm cha là niềm hạnh phúc lớn nhất trong đời. Ai cũng mong muốn cho con mình có cuộc sống tốt đẹp, đầy đủ, lớn lên trong tình thương yêu. Thế nhưng, không phải người cha nào cũng có thể đồng hành cùng con trên bước đường trưởng thành một cách trọn vẹn nhất. Có những người cha vì cơ thể không lành lặn hay vì những biến cố cuộc đời mà hành trình làm cha của họ cũng vì thế thật nhiều chông gai.

Hình ảnh người cha ấy đã được chị Đỗ Thị Vân, tác giả đoạt giải Nhì cuộc thi khắc họa một cách chân thực và xúc động trong tác phẩm “Ký ức”.

Đi từ Thanh Hóa về Hà Nội và có mặt tại lễ trao giải từ rất sớm, chị Vân bày tỏ niềm vui, hào hứng chờ đợi giây phút được nhận giải.

Chị chia sẻ: “Nhận được cuộc gọi thông báo được giải từ ban tổ chức, tôi cảm thấy rất bất ngờ. Tôi vui không hẳn vì giải thưởng mà vì câu chuyện của mình đã được thấu hiểu và chạm đến trái tim của ban giám khảo”.

Chị Đỗ Thị Vân (thứ 3 từ trái sang) nhận giải Nhì cuộc thi viết Cha và con gái

Chị Đỗ Thị Vân (thứ 3 từ trái sang) nhận giải Nhì cuộc thi viết Cha và con gái

Chị Vân tâm sự, người ta có thể thoải mái kể về tuổi thơ của mình với những gì đẹp đẽ và trong sáng nhất nhưng với chị mỗi lần nhắc lại quá khứ thì toàn là kỷ niệm buồn, rất đau lòng, dễ rơi nước mắt.

Trong bài dự thi của mình, chị kể về nỗi chán chường, sợ hãi, xấu hổ và thậm chí trong một phút giây nào đó chị trách móc rằng: “Vì sao ông trời lại để bố là bố của con”.

Chị Vân kể lại, năm chị 8 tuổi, cơ thể cha bất ngờ phát triển một khối u ở lưng rồi to dần như chiếc mũ cối, chèn vào dây thần kinh, biến cha thành một người hoàn toàn khác. Sổ khám bệnh của ông có thêm những từ “tàn tật, tâm thần”.

 Những hạnh phúc bên cha trước đó bỗng chốc tan biến khiến tâm trạng của chị như rơi xuống vực sâu thăm thẳm. Trong mắt cô bé 8 tuổi lúc đấy, người cha thật đáng sợ khi ông dần trở nên điên loạn, đập phá, đánh người.

Những gì mà chị - một đứa trẻ non dại làm khi ấy chỉ là né tránh, không còn muốn ngồi cạnh cha, cúi gằm mặt khi bị bạn bè trêu chọc, ghét cha vì đốt tất cả sách vở của chị trong một đêm không tỉnh táo, thậm chí là không dám nhận cha.

Những cảm xúc lạc lối như thế cứ đi theo chị trong suốt những tháng ngày lớn khôn. Cho đến tận khi trưởng thành, trải qua bao bầm dập, đắng cay trong đời, chị mới dần mở lòng mình ra và bắt đầu cảm nhận chút tình cảm yêu thương, sự chăm sóc của cha, dù chỉ là chút vụng về.

“Không ít lần bố đánh con vì không thể kiểm soát hành vi của chính mình. Những vết sẹo đó còn mãi trên da thịt con. Thế nhưng sau mỗi lần bố trót đánh con, bố lại nhìn chỗ vết thương thật lâu, hỏi con có đau không. Có lẽ sự tỉnh táo hiếm hoi đó khiến bố dằn vặt và khổ tâm nhiều lắm vì đã làm tổn thương đứa con của mình” - Chị viết.

Sau cùng, chị nhận ra rằng cha đã yêu thương chị theo cách riêng của mình, không hoàn hảo, trọn vẹn như những người cha khác nhưng nào ai định giá được tình yêu nhất lại là tình yêu của một người điên suốt hơn hai mươi năm.

Có lẽ, nếu không phải là một cuộc thi viết về cha và con gái, chị Vân sẽ không dễ dàng tâm sự những điều đau lòng này.

Chia sẻ với ban tổ chức, chị Vân cho biết cuộc thi do tạp chí Gia đình Việt Nam phát động viết về gia đình nên có sự gắn kết rất cao, chị được cởi tấm lòng của mình, viết ra những tâm tư mà không sợ bị ai phán xét.  

Là người thiếu thốn tình cảm của bố từ khi còn rất nhỏ, chị Vân càng trân trọng những gì thuộc về gia đình. Hạnh phúc dẫu ít suốt bao năm qua nhưng từng chút ký ức những thời khắc tỉnh táo của cha dành cho gia đình chị đã trở thành nguồn sức mạnh giúp chị Vân tự tin bước vào đời. Cũng vì có một người bố tâm thần, chị Vân đã rèn luyện cho chính mình bản lĩnh và sự kiên nhẫn trong mọi hoàn cảnh.

Có thể nói, cuộc thi viết "Cha và con gái" đã cất cánh cho những yêu thương thầm kín, nhưng tâm tư từ sâu thẳm tâm hồn mỗi người. Đúng như nhà thơ Hồng Thanh Quang - Trưởng ban giám khảo cuộc thi đã nói, với tất cả những ai tham gia cuộc thi, họ đều nhận được những giá trị rất lớn đó là bày tỏ được tình cảm, thổ lộ tình yêu thương chân thành đối với cha và con gái. Đó là điều lớn hơn bao giờ hết, lớn hơn cả về giá trị vật chất.

----> PGS.TS Lưu Khánh Thơ: “Cha và con gái” là cơ hội để tôi trải lòng những hồi ức về cha" 

Thuỳ Linh  
Quà 8/3 tặng mẹ cảm động giúp ngày lễ trở nên ý nghĩa

Quà 8/3 tặng mẹ cảm động giúp ngày lễ trở nên ý nghĩa

Việc chọn quà 8/3 tặng mẹ cảm động không chỉ thể hiện lòng biết ơn mà còn làm ấm lòng và mang lại niềm vui cho đấng sinh thành.

Các gia đình

Các gia đình "vượt khó" khi kinh tế eo hẹp

Công việc gặp khó khăn, giảm thu nhập, một số mặt hàng thiết yếu tăng giá… ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt của các gia đình hiện nay. Với sự chu đáo, đảm đang, nhiều chị em khéo léo tính toán, vận động người thân cùng thực hành tiết kiệm, nỗ lực duy trì chất lượng cuộc sống.

Vì sao mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu tồn tại bất chấp thời đại?

Vì sao mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu tồn tại bất chấp thời đại?

Tiến sĩ Madeleine A. Fugère - GS Tâm lý học xã hội tại Đại học Bang Eastern Connecticut (Mỹ) đã chia sẻ những lý do bất ngờ đằng sau mâu thuẫn trong mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu.

Giảm 37% nguy cơ tử vong nhờ... trông cháu

Giảm 37% nguy cơ tử vong nhờ... trông cháu

Dành thời gian cho trẻ nhỏ có thể giúp ông bà minh mẫn, vui vẻ và thậm chí khỏe mạnh hơn về lâu dài.

Đàn ông cũng cần được khóc

Đàn ông cũng cần được khóc

Nhiều nam giới trao đổi rằng họ không được ai dạy về cách thế hiện tình cảm yêu thương thế nào và giải tỏa cảm xúc nóng giận một cách hiệu quả ra sao.

Bắt nhịp sau Tết

Bắt nhịp sau Tết

Sau những ngày Tết vui chơi, nghỉ ngơi thoải mái, người lớn trở lại với công việc, trẻ em đến trường. Nhanh chóng lấy lại sức khỏe, cũng như rèn luyện con cái vào nền nếp, thích nghi với môi trường đi học là điều phụ huynh quan tâm. Để đầu năm được thuận lợi, suôn sẻ, các gia đình có sự chuẩn bị chu đáo, giữ tâm trạng vui vẻ, lan tỏa năng lượng tích cực, cùng nhau nỗ lực học tập, làm việc tốt hơn.

Cúng ông Công ông Táo sau 12 giờ ngày 23 tháng Chạp được không?

Cúng ông Công ông Táo sau 12 giờ ngày 23 tháng Chạp được không?

Nhiều người cho rằng việc cúng ông Công ông Táo phải thực hiện trước 12 giờ ngày 23 tháng Chạp. Tuy nhiên chuyên gia lại phân tích điều ngược lại.