Nhịp sống

ĐBSCL giàu tiềm năng nhưng lại đang tụt hậu so với đà tăng trưởng kinh tế của cả nước

Thứ ba, 12/12/2023, 19:10 PM

(NSMT) - Đó là một trong các vấn đề được đưa ra tại Báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2023 do VCCI công bố vào ngày 12/12 tại Cần Thơ.

Theo đó, Liên Đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Lễ Công bố Báo cáo Kinh tế Thường niên ĐBSCL năm 2023. Báo cáo được thực hiện bởi VCCI và Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright (FSPPM) sau hơn 1 năm thực hiện. Báo cáo được hoàn thành dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công; chủ trì biên soạn là ông Nguyễn Phương Lam, giám đốc VCCI khu vực ĐBSCL và Tiến sỹ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc FSPPM, thành viên tổ Tư vấn Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2016 - 2020. Trưởng nhóm nghiên cứu là Tiến sỹ Vũ Thành Tự Anh và 30 chuyên gia trong nhiều lĩnh vực cùng tham gia thực hiện. Các dữ liệu kinh tế được thu thập, tổng hợp bởi VCCI chi nhánh ĐBSCL từ nhiều nguồn khác nhau và do các tác giả dày công biên soạn.

Tại buổi lễ, Ông Nguyễn Phương Lam - Giám đốc VCCI ĐBSCL cho biết: Kinh tế vùng ĐBSCL phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022 nhưng chậm hẳn lại trong năm 2023. Trong những năm trở lại đây, cơ cấu GRDP của vùng ĐBSCL gần như không có sự thay đổi. Sự chuyển dịch từ khu vực I sang khu vực II và III chỉ dao động trong khoảng 1-2 điểm phần trăm. Một nguyên nhân quan trọng của tình trạng này là do ĐBSCL phải tiếp tục giữ trọng trách an ninh lương thực nên việc tái phân bổ nguồn lực, đặc biệt là đất lúa, chịu nhiều ràng buộc trong quá trình chuyển đổi.  

Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI khu vực ĐBSCL trình bày báo cáo tại buổi lễ.

Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI khu vực ĐBSCL trình bày báo cáo tại buổi lễ.

Đồng thời, vòng xoáy đi xuống về nguồn nhân lực vẫn đang tiếp diễn ở ĐBSCL. Sau hai năm đại dịch với dân số tăng mạnh do lao động hồi hương, đến năm 2022, tình hình dân số vùng ĐBSCL quay về xu hướng trước đó khi người lao động bắt đầu quay trở lại vùng Đông Nam Bộ. Kết hợp với mức độ già hóa dân số cao nhất nước, ĐBSCL sẽ nhanh chóng mất đi trạng thái dân số vàng chỉ trong vài năm tới. 

Chất lượng lao động, thể hiện qua tỷ lệ lao động qua đào tạo của ĐBSCL tuy có cải thiện song vẫn luôn là một quan ngại lớn. Trong năm 2022, tỷ lệ này tại ĐBSCL chỉ đạt 15%, thấp hơn cả Tây Nguyên (17%) và thấp hơn nhiều so với cả nước (26%). Số lượng và chất lượng lao động thấp đã làm suy giảm đáng kể tính cạnh tranh của vùng.

ĐBSCL đang dần mất đi lợi thế về môi trường kinh doanh (PCI). Sau một thời gian khá dài có mức PCI cao hơn mặt bằng chung thì đến năm 2021, PCI trung bình của ĐBSCL đã giảm xuống bằng mức trung bình cả nước. Đến năm 2022, PCI trung bình ĐBSCL đã thấp hơn so với cả nước. Nếu không có những nỗ lực cải thiện đúng mức, ĐBSCL vốn đã bất lợi sẽ càng trở nên thất thế trong nỗ lực thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp.

Tăng trưởng đầu tư của ĐBSCL tuy duy trì được sự ổn định, song vẫn thấp hơn so với cả nước, khiến tỷ trọng đầu tư của vùng so với cả nước giảm từ 18,7% năm 2017 xuống còn 14,9% năm 2022. 

Tuy nông nghiệp giữ vai trò quan trọng nhất trong GRDP của vùng nhưng lại không phải là động lực chính thúc đẩy kinh tế vùng. Ngành này hiện tạo ra 34% GRDP của vùng, được đầu tư lớn thứ hai (khoảng 32 nghìn tỷ đồng mỗi năm) nhưng chỉ đạt tốc độ tăng trưởng dưới mức trung vị (3%). Điều này một lần nữa ngụ ý rằng thể chế và mô hình nông nghiệp hiện tại không còn nhiều không gian tăng trưởng và cần phải được thay đổi một cách cơ bản.

ĐBSCL giàu tiềm năng nhưng lại đang tụt hậu so với đà tăng trưởng kinh tế của cả nước. Hai thập niên trước, ĐBSCL còn đóng góp khoảng 16% GDP của cả nước thì đến nay, tỷ trọng này chỉ còn 12%. Mức độ tụt hậu của ĐBSCL so với TP. HCM còn nghiêm trọng hơn. Nếu như vào năm 2000, GRDP của TP.HCM chỉ nhỉnh hơn vùng ĐBSCL một chút, thì đến nay, GRDP của ĐBSCL chỉ xấp xỉ ¾ so với TP. HCM.

Từ những nghiên cứu trước, Báo cáo năm 2023 xác định thể chế, quản trị, và liên kết vùng là nội dung then chốt, có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của ĐBSCL trong hiện tại và dài hạn. Liên kết vùng không chỉ là sự hợp tác để tạo lợi thế, khai thác tối đa tiềm lực kinh tế giữa các địa phương trong vùng, giữa ĐBSCL với TPHCM, mà đó còn là cơ sở để tiến tới thực hiện nhất quán các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước. Bên cạnh đó, một thể chế tốt và cơ chế quản trị hiệu quả, sẽ tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi, giúp doanh nghiệp, nhà đầu tư nhận diện các cơ hội để phát triển kinh doanh, đầu tư.  

Các đại biểu tại buổi Lễ Công bố Báo cáo Kinh tế Thường niên ĐBSCL năm 2023.

Các đại biểu tại buổi Lễ Công bố Báo cáo Kinh tế Thường niên ĐBSCL năm 2023.

Đặc biệt, báo cáo năm nay ra mắt trong bối cảnh các tỉnh ĐBSCL vừa hoàn thành quy hoạch cấp tỉnh, cần một cơ chế thực thi, giải quyết các trở ngại trong quá trình triển khai quy hoạch của từng địa phương, đồng thời vùng cần cơ chế hợp tác giữa các tỉnh để khai thác các nguồn lực một cách hiệu quả, phát triển kinh tế xã hội theo đúng hướng quy hoạch tích hợp đã được Thủ tướng phê duyệt. Có như thế, ĐBSCL mới có thể thành “điểm sáng” trong tăng trưởng và phát triển kinh tế, xã hội theo mục tiêu đề ra của Nghị quyết 13-NQ-TW đề ra.

Cùng ngày, Diễn đàn Chính sách “Phát triển Kinh tế ĐBSCL nhìn từ liên kết vùng và hợp tác giữa các địa phương” cũng được tổ chức, nhằm đánh giá về cơ chế triển khai quy hoạch vùng ĐBSCL và quản trị tài nguyên trước biến đổi khí hậu, đồng thời đánh giá liên kết vùng và chuyển đổi cơ cấu kinh tế để các địa phương nhận diện chính sách phát triển và doanh nghiệp cần có sự chuyển đổi mô hình kinh doanh mới cho phù hợp với bối cảnh thay đổi tại ĐBSCL.

Thảo Nguyên  
Bộ Công an tặng 700 căn nhà cho hộ nghèo, cận nghèo ở Bạc Liêu

Bộ Công an tặng 700 căn nhà cho hộ nghèo, cận nghèo ở Bạc Liêu

(NSMT) - Ngày 3/4, Bộ Công an phối hợp với Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bạc Liêu tổ chức Lễ trao tặng nhà, bàn giao kinh phí xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ dân khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.

Cháy lớn ở Kiên Giang, thiêu rụi 6 căn nhà tạm

Cháy lớn ở Kiên Giang, thiêu rụi 6 căn nhà tạm

Một dãy nhà tạm ven sông ở phường Vĩnh Hiệp, TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang bất ngờ xảy cháy lớn. Lực lượng chức năng địa phương hiện đã khống chế được lửa và phun nước dập tắt hoàn toàn.

Cà Mau: Xây dựng 2.900 căn nhà xã hội đến năm 2030

Cà Mau: Xây dựng 2.900 căn nhà xã hội đến năm 2030

(NSMT) - Ông Lâm Văn Bi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau vừa ký Kế hoạch về việc xây dựng và phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2030.

Về Sóc Trăng thưởng thức mận MST...

Về Sóc Trăng thưởng thức mận MST...

Nhiều năm qua, nhà vườn ở Sóc Trăng đã có nhiều tìm tòi, mạnh dạn đầu tư chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi và đã cho hiệu quả cao. Trong đó có mô hình trồng giống mận hồng MST...

Sóc Trăng: Thả hơn 1,5 triệu con tôm sú về tự nhiên

Sóc Trăng: Thả hơn 1,5 triệu con tôm sú về tự nhiên

Ngày 1/4, tại Cảng cá Trần Đề, huyện Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng), Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Sóc Trăng phối hợp UBND huyện Trần Đề tổ chức Lễ Mít tinh và thả hơn 1,5 triệu con tôm sú giống tái tạo nguồn lợi thủy sản kỷ niệm 66 năm ngày truyền thống ngành Thủy sản (1.4.1959 - 1.4.2025).

Cà Mau: Trao quyết định nghỉ hưu trước tuổi cho công chức, viên chức ở huyện Thới Bình

Cà Mau: Trao quyết định nghỉ hưu trước tuổi cho công chức, viên chức ở huyện Thới Bình

(NSMT) - Chủ tịch UBND huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau đã phê duyệt danh sách 6 người nghỉ hưu trước tuổi, được thực hiện chính sách, chế độ theo nghị định số 178/2024 của Chính phủ, đợt 1 cho công chức, viên chức trên địa bàn huyện.

Tuyên truyền về an ninh mạng tại Trường Bổ túc Văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ

Tuyên truyền về an ninh mạng tại Trường Bổ túc Văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ

Ngày 31/3, phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Sóc Trăng phối hợp với Trường Bổ túc Văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ tổ chức tuyên truyền Luật An ninh mạng cho hơn 200 cán bộ, viên chức, người lao động và học viên nhà trường.