Độc, lạ bộ sưu tập táng đá kê chân cột ở Bảo tàng Vĩnh Long
Bảo tàng Vĩnh Long thuộc phường 1, thành phố Vĩnh Long, nằm giữa 2 con đường lớn, nơi đắc địa của trung tâm thành phố Vĩnh Long. Một mặt hướng về đường Hưng Đạo Vương, mặt chính của Bảo tàng quay về đường Phan Bội Châu, phía trước là dòng sông Cổ Chiên hiền hòa, thơ mộng.
Hiện Bảo tàng Vĩnh Long đang lưu giữ, trưng bày gần 30.000 hiện vật, hình ảnh, tư liệu ghi dấu quá trình khẩn hoang, lập làng, lịch sử, văn hóa truyền thống của vùng đất và con người Vĩnh Long trong tiến trình lao động, sản xuất, đấu tranh chống giặc ngoại xâm góp phần bảo vệ cương thổ quốc gia nói chung và quê hương Vĩnh Long nói riêng. Bên cạnh đó là nhiều hiện vật quý, độc đáo, lạ mắt mà chỉ ở Vĩnh Long mới có. Thật thiếu sót nếu chúng ta không kể đến bộ sưu tập hiện vật táng đá kê chân cột nhà được trưng bày trong khuôn viên Bảo tàng Vĩnh Long cạnh nhà trưng bày các văn hóa dân tộc Kinh- Hoa-Khmer của tỉnh.
Bộ sưu tập có 37 táng đá, niên đại từ thế kỷ XIX, do các di tích lịch sử văn hóa, các đình, chùa như: đình Thiện Mỹ, đình Hậu Thạnh, chùa Gò Xoài (huyện Trà Ôn), đình Phú Hội (huyện Mang Thít), đình Chánh Hòa (huyện Tam Bình) và các cá nhân trong tỉnh Vĩnh Long hiến tặng cho Bảo tàng lưu giữ, nhằm bảo tồn và giới thiệu đến du khách về một phần văn hóa truyền thống của người dân Vĩnh Long trong nghệ thuật kiến trúc dựng nhà thời xưa.
Trước đây, đồng bằng sông Cửu Long nói chung, tỉnh Vĩnh Long nói riêng trong những công trình xây đình, dựng nhà người dân sử dụng nguyên vật liệu chủ yếu là cây lá, với các loại gỗ như: thau lau, gỗ lim, căm xe…Để cột gỗ được bền chắc, tồn tại lâu với thời gian, nhân dân ta đã biết lấy táng đá kê các chân cột nhằm chống mối mọt, chống mục cho các cột gỗ. Trong số 37 táng đá được trưng bày tại Bảo tàng Vĩnh Long, có 02 nhóm chính gồm: Nhóm táng đá cổ bồng với 22 táng và nhóm táng đá vuông có 15 táng.
Tìm hiểu về táng đá cổ bồng, chúng ta thấy có 03 loại. Thứ nhất là táng đá cổ bồng hình tròn trơn được nghệ nhân tạo tác với kỹ thuật đơn giản, không có hoa văn, có chiều cao 50cm và đường kính mặt 35cm. Đối với các táng đá cổ bồng có hoa văn, được tạo tác mang dáng dấp nghệ thuật thẩm mỹ cao hơn. Trong nhóm này, có 2 táng đá có kích thước khá lớn, với chiều cao lên đến 52cm, đường kính mặt rộng 40cm, được điêu khắc thành 2 tầng rõ rệt, xung quanh táng đá nghệ nhân chạm khắc nhiều hoa văn tinh xảo, ấn tượng.
Những táng đá cổ bồng có kích thước nhỏ hơn, lại có hình dáng trông rất bắt mắt, các táng đá này được tạo tác thành 3 lớp khối. Lớp dưới cùng là khối đá hình vuông. Lớp giữa có 8 cạnh hình bát giác, trên cùng là vòng tròn có hình hoa sen gồm 16 cánh đang nở để lộ ra gương sen tròn chính giữa, cũng là phần để kê chân cột. Bên cạnh đó, tuy được tạo tác khá giống với đá cổ bồng có hoa văn cánh sen, nhưng về hình dáng có khác hơn. Loại táng đá này không sử dụng hoa văn cánh sen mà thay vào đó là 2 vòng tròn phía dưới và phía trên táng đá, trông giống như miệng chậu đang úp xuống đất và ngược lại.
Mặc dù có các kích thước lớn nhỏ, cao thấp khác nhau, có hoa văn, hoặc không có hoa văn, nhưng điểm chung nhất của nhóm táng đá cổ bồng trưng bày tại Bảo tàng đều có mặt hình tròn, được sử dụng để kê chân cột gỗ tròn, với mục đích đôn cao cột gỗ, tránh ẩm ướt, mối mọt, giúp cho ngôi nhà trở nên cao ráo, thoáng mát hơn.
Đối với nhóm táng đá hình vuông, điểm chung của nhóm táng đá này là có chiều cao thấp hơn táng đá cổ bồng, chỉ cao từ khoảng 14 đến 23cm, ngang từ 30 đến 50cm, bề mặt có đường kính từ 29 đến 46cm, có 4 cạnh bằng nhau và đặc biệt là không có khắc hoa văn trên đá. Táng đá hình vuông có 2 loại vòng mặt là mặt tròn và mặt vuông, đây là điểm khác biệt với nhóm táng đá cổ bồng và thường được dùng để kê chân cột của các đình như đình Hậu Thạnh, đình Phú Hội, chùa Gò Xoài…
Ngoài ra, còn có 2 táng đá do Ban quản trị chùa Gò Xoài tặng cũng có hình dáng độc đáo. Tuy kích thước khiêm tốn hơn những táng đá hình vuông khác, nhưng 2 táng đá này có hình dáng đặc biệt hơn ở chỗ, 1 táng có 4 gốc được mài nhẵn vừa giống hình tròn, nhưng cũng có dáng dấp của hình lục giác. Còn 1 táng có 1 cạnh ngang, 3 cạnh còn lại được nghệ nhân mài tròn gần giống với hình chữ U. Đây là 2 táng đá thuộc nhóm đá vuông nhưng có hình dáng khá đặc biệt, được đặt ngay hàng đầu trong bộ sưu tập táng đa kê chân cột nhà trưng bày tại Bảo tàng Vĩnh Long.
Vào những ngày nghỉ, ngày cuối tuần, các bạn hãy sắp xếp dành thời gian đến với Bảo tàng Vĩnh Long. Đến đây, chúng ta vừa tham quan, tìm hiểu văn hóa lịch sử, vừa hòa mình vào không gian thiên nhiên thoáng mát, với nhiều cảnh đẹp sẽ giúp cho tâm trạng chúng ta thư thả hơn sau những ngày lao động, học tập mệt nhọc.
Tài không vào cửa gấp, phú không vào cửa lệch
Phát tài cũng có rất nhiều điểm khác biệt, trong đó có cả tiền của bất chính, loại tài sản này không ổn định, hơn nữa còn dễ dẫn đến rắc rối.
Lung linh đêm hội sông Trăng
(NSMT) - Trong khuôn khổ Lễ hội Óoc Om Bóc – Đua ghe Ngo Sóc Trăng khu vực ĐBSCL lần thứ 6 và Tuần lễ VHTT-DL Sóc Trăng lần thứ nhất năm 2024, tối ngày 12/11, trên đoạn sông Maspero (tên khác là Nguyệt Giang, Sông Trăng), Sở Văn hoá – Thể thao – Du lịch tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội thi Lôiprotip (thả Đèn nước), trình diễn Đèn nước và ghe Cà Hâu. Đêm hội có sự góp mặt của 20 đèn nước và 5 ghe Cà Hâu đến từ các chùa trong tỉnh.
Còn đâu mái ấm gia đình!
Chỉ vì níu kéo tình cảm không thành, trong cơn ghen tuông mù quáng, Phan Việt Cường (41 tuổi, ngụ quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) dùng hung khí nguy hiểm ra tay tàn nhẫn với vợ. Nhưng nhát dao oan nghiệt lại đâm trúng vào đứa con bé bỏng đang nằm ngủ bên cạnh, khiến cháu phải rời bỏ cõi đời khi chưa tròn 2 tuổi. Trả giá cho hành động nông nổi, tàn ác, Cường phải lãnh mức án 17 năm tù về tội giết người.
Cà Mau: Công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh đối với Bia kỷ niệm Bác Hồ với cây vú sữa miền Nam
(NSMT) - Ngày 12/11, tỉnh Cà Mau tổ chức lễ công bố quyết định xếp hạng di tích cấp tỉnh và khánh thành “Bia kỷ niệm Bác Hồ với cây vú sữa Miền Nam”. Buổi lễ được tổ chức vào Tuần lễ cao điểm với các hoạt động tái hiện 200 ngày Sự kiện Tập kết ra Bắc.
Hơn nửa thế kỷ đắp xây hạnh phúc
Cưới nhau từ năm 1973, ông Võ Văn Hai và bà Nguyễn Thị Điệp (ngụ khu vực Bình Thường A, phường Long Tuyền, quận Bình Thủy) là tấm gương về xây dựng gia đình văn hóa, con cháu thành tài. Hơn nửa thế kỷ qua, họ đã nắm tay nhau vượt qua gian khó để cùng đi đến bến bờ hạnh phúc.
Trà Vinh khai mạc Tuần lễ Văn hóa, Du lịch gắn với Lễ hội Ok Om Bok năm 2024
(NSMT) - Tối 9/11, tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Trà Vinh, Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh đã tổ chức lễ khai mạc Tuần lễ Văn hóa, Du lịch gắn với Lễ hội Ok Om Bok tỉnh Trà Vinh năm 2024. Hoạt động được diễn ra từ ngày 9/11 đến 15/11.
Trà Vinh khai mạc Triển lãm trưng bày các sản phẩm đặc trưng của đồng bào dân tộc Khmer
(NSMT) - Chiều 9/11, tại Khu Văn hóa - Du lịch Ao Bà Om, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh đã tổ chức lễ khai mạc Triển lãm gian hàng trưng bày các sản phẩm đặc trưng của đồng bào dân tộc Khmer Lễ hội Ok Om Bok tỉnh Trà Vinh năm 2024.