Nhịp sống

“Đội tuyên truyền tri ân” - hành trình thầm lặng đi tìm đồng đội trên đất bạn

Thứ sáu, 22/07/2022, 08:15 AM

(NSMT) - Hơn 20 năm âm thầm lần theo dấu chân xưa để tìm đồng đội trên đất bạn Campuchia cũng chính là chừng ấy năm, bao thế hệ của Đội chuyên trách K92 - Kiên Giang phải trải qua những khó khăn, vất vả để đưa các chú, các anh về ngủ yên trong lòng đất mẹ. Với việc phát huy hiệu quả của mô hình “Đội tuyên truyền tri ân” việc xác minh thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ đã đạt được nhiều kết quả quan trọng góp phần giảm bớt khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ trên đất bạn.

Gian nan hành trình tìm đồng đội trên đất bạn

Những ngày đầu năm 2022, chúng tôi có dịp theo chân các anh, những cán bộ, chiến sĩ Đội chuyên trách K92 lên đường bắt đầu một ngày thực hiện nhiệm vụ trên đất bạn Campuchia. Đường hành quân xa, gập ghềnh, ngoằn ngoèo, rẽ qua nhiều phum, sók. Khi thì di chuyển bằng xe, khi vừa hành quân bộ vừa phải lội qua những khu vực nước ngập tới thắt lưng, mồ hôi ướt đẫm đôi vai nhưng đôi chân các anh vẫn đều bước. Sâu trong cánh rừng, những người làm nhiệm vụ đặc biệt này đang đặt từng nhát len vào đất cũng là đặt 1 niềm hy vọng tìm gặp các chú, các anh đã nằm lại rất lâu trên đất bạn. Từng người một thay nhau miệt mài đào, có khi phải đào sâu hơn cả mét, cho đến lớp đất đen mới chịu chuyển vị trí.

IMG_20220331_080133

Trung úy QNCN Nguyễn An Khang, Nhân viên cất bốc hài cốt liệt sĩ Đội K92, Bộ CHQS tỉnh Kiên Giang chia sẽ: “Qua quá trình công tác tìm kiếm hài cốt liệt sĩ trên đất bạn Campuchia, gặp rất nhiều khó khăn như thời tiết, địa hình địa vật rất hiểm trở, nhưng mà khó khăn nhất nổi trội gần đây là do đơn vị phải hoạt động ở địa hình rừng núi, điều kiện là để tiếp cận được vị trí để tìm được mộ liệt sĩ rất là khó khăn. Vô đó trú quân thì tiếp phẩm không được, thì khi di chuyển đến các địa điểm khảo sát để tìm kiếm thông tin thì củng không có phương tiện để đi thường là đi bộ, đi bằng thuyền dưới sông suối rất là nguy hiểm. Bên cạnh đó thì đơn vị hoạt động trên địa bàn phải di chuyển rất là nhiều vì thông tin không còn nhiều nữa, ở đâu có thông tin thì đơn vị tiếp cận và tiến hành đào tìm nên củng rất là khó khăn”.

Có dịp cùng theo chân các anh chúng tôi mới cảm nhận sâu sắc hơn về những vất vả và khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ trên đất bạn. Để tìm được hài cốt của các liệt sỹ mang về quê hương truy điệu và an táng, Đội K92 phải trải qua nhiều giai đoạn như: thu thập tin tức, khảo sát địa điểm, điều tra, kết luận và tiến hành tìm kiếm nên mất rất nhiều thời gian. Mỗi ngày qua đi, thông tin ít dần, sơ đồ mộ chí có nhiều thay đổi nên các anh mỗi ngày phải đi xa hơn, sâu hơn vào những nơi hẻo lánh, có nơi phải hành quân bộ đến 2, 3 ngày đường với chiếc ba lô gần 30kg trên vai, các anh lần theo những con đường mà các chú, các anh từng hành quân chiến đấu. Hơn nữa, việc tìm kiếm cũng gặp nhiều khó khăn do không phải cứ xác định vị trí là gặp ngay, có những khi trong một ngày, mỗi tổ phải đào trên mười vị trí mà vẫn chưa gặp. Đó cũng chính là nổi trăn trở rất lớn của Ban Chỉ huy Đội K92 trong quá trình thực hiện nhiệm vụ trên đất bạn.

Thượng tá Nguyễn Hoàng Tuấn, Đội trưởng Đội K92, Bộ CHQS tỉnh Kiên Giang cho biết: “Khó khăn chung của đội K92 cũng như các đội tìm kiếm hài cốt trong Quân khu, thì càng về sau các thông tin của mình, những người biết thông tin của mình thì già yếu, chết dần rồi trí nhớ người ta giảm, Thông tin có độ chính xác 100% thì không còn nhiều hầu như là con cháu, những người thế hệ sau nghe lại, nói lại, chỉ lại rồi cung cấp cho mình. Rồi việc thực hiện sơ đồ mộ trí của mình thì thất lạc, có cung cấp nhưng không đầy đủ. Ngoài ra, việc cung cấp này, quá trình thành lập đội từ năm 2000-2001 thì trước đó rất nhiều đơn vị đã đào tìm mà việc đánh dấu ghi lại thì không có đến khi mình đào có khi nó trùng lấp, có những chỗ đào rồi mình không biết, dân người ta cung cấp củng không chính xác.

“Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà soát từng thông tin”

Xác định việc xác minh cụ thể, chính xác thông tin về vị trí chôn cất là yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định đến kết quả tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, đồng thời giảm bớt phần nào những khó khăn, vất vả của cán bộ, chiến sĩ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Ban Chỉ huy Đội K92 đã tuyển chọn những cán bộ có kỹ năng giao tiếp tốt, am hiểu phong tục tập quán và thông thạo tiếng Campuchia để thành lập mô hình “Đội tuyên truyền tri ân”.

PIC_20220420_083048

Với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà soát từng thông tin”, trước khi Đội K92 triển khai các hoạt động đào tìm, “Đội tuyên truyền tri ân” được giao nhiệm vụ phối hợp với chính quyền địa phương và các đơn vị LLVT của Vương quốc Campuchia nơi đơn vị đến thực hiện nhiệm vụ đến từng nhà người dân trong khu vực dự kiến đào tìm để tuyên truyền giúp bà con hiểu nhiệm vụ, công việc của Đội; nắm được các chế độ, chính sách đối với người cung cấp thông tin; đồng thời xác minh độ chính xác của các thông tin đã nắm được, cũng như thu thập thêm thông tin mới từ người dân. Với kinh nghiệm nhiều năm thực hiện nhiệm vụ trên đất bạn, các thành viên trong đội đã tìm kiếm, gặp gỡ những người cao tuổi để thu thập, phân tích các nguồn thông tin, từ đó tham mưu cho Ban Chỉ huy Đội vẽ nên sơ đồ mộ chí.

Thượng úy QNCN Danh Ny, Thành viên Đội Tuyên truyền Tri ân, Đội K92, Bộ CHQS tỉnh Kiên Giang cho biết: “Mỗi địa phương mỗi phong tục, tập quán khác nhau, việc truyền tải thông tin cũng gặp không ít khó khăn, đặc biệt là trên đất bạn nên khi đến từng gia đình, thành viên trong đội đều sẵn sàng giúp đỡ bà con làm những công việc nhà, có khi lại hỗ trợ một phần gạo, nhu yếu phẩm cần thiết, có khi lại trực tiếp khám bệnh và cấp những suất thuốc chữa bệnh thông thường. Mặc dù những việc làm tuy không lớn nhưng đã tạo sự gần gũi, lòng tin cho bà con nhân dân địa phương trên đất bạn, nhờ đó việc nắm bắt, xác minh thông tin về mộ liệt sĩ được chính xác hơn, giúp việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ trên đất bạn được thuận lợi và nhanh chóng. Song song đó, từ những lần gặp gỡ, trao đổi với bà con địa phương, “Đội tuyên truyền tri ân” cũng nắm được nhiều nguồn tin mới, có giá trị về mộ liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trên đất bạn, giúp công tác tìm kiếm, quy tập đạt kết quả cao hơn”.

Tình cảm gắn bó giữa bộ đội Việt Nam và người dân trên đất bạn

Những thông tin quý giá, những lời cảm ơn, những cái bắt tay, nụ cười của người dân trên đất bạn có lẽ là những phần quà lớn nhất để làm vơi đi phần nào khó khăn, vất vả mỗi ngày rong ruỗi trên xe máy hàng trăm cây số, vượt qua nhiều địa hình và thời tiết khác nhau của từng thành viên trong “Đội tuyên truyền tri ân” nói riêng và cán bộ, chiến sĩ đội chuyên trách K92 nói chung.

IMG_20220331_080639

Những ngày thực hiện nhiệm vụ trên đất bạn, Đội K92 cũng đã làm rất nhiều việc giúp cho người dân Campuchia. Chỉ tính riêng trong 5 năm gần đây, Đội K92 đã tham mưu cho Bộ CHQS tỉnh tổ chức khám, chữa bệnh và cấp hơn 4.300 suất thuốc miễn phí cho bà con nhân dân Campuchia tại các địa bàn đơn vị đóng quân, giúp nhân dân đắp đê ngăn nước, đắp nền nhà, cắt lúa với hơn 2.000 ngày công lao động. Đơn vị cũng thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương trên đất bạn tuyên truyền, vận động giúp bà con nhân dân hiểu rõ hơn về nhiệm vụ mà Đội K92 đang thực hiện, chống lại những luận điệu xuyên tạc gây chia rẽ tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Campuchia.

Ngài đại tá Tếp Âm, Phó Chỉ huy trưởng tiểu khu Quân sự tỉnh Kampot, vương quốc Campuchia cho biết: “Được sự phân công của Chỉ huy trưởng Tiểu khu Quân sự tỉnh Kampot, bản thân tôi phối hợp với đội K92, Bộ CHQS tỉnh Kiên Giang tham gia tìm kiếm cất bốc hài cốt liệt sĩ trên địa bàn tỉnh Kampot. Công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ giữa đội với chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân của tỉnh KamPot được thực hiện rất tốt. Riêng với đội tuyên truyền tri ân thì thực hiện rất hiệu quả công tác tuyên truyền trong nhân dân từ đó đã nắm được nhiều thông tin và tìm kiếm được nhiều hài cốt. mặc dù gặp rất nhiều khó khăn thiếu thốn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nhưng trong thời gian tới chúng tôi sẽ phối hợp tốt hơn nửa để hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

Hơn 20 năm qua, dấu chân Đội K92 đã in khắp những cánh rừng, ngọn đồi, dòng sông, con suối của 24 huyện, thành phố thuộc 4 tỉnh Kam-Pốt, Kép, Xi-ha-nut-vin, Kôk-kông của Vương quốc Campuchia. Mỗi chuyến đi là mỗi điểm dừng chân khác nhau, việc thực hiện nhiệm vụ còn gặp vô vàng những khó khăn, nhưng các anh đã khắc phục để tìm kiếm, quy tập và đưa về nước an táng 2.079 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trên đất bạn Campuchia. Tính từ năm 2019 đến nay, đây cũng là giai đoạn đơn vị triển khai thực hiện mô hình “Đội tuyên truyền tri ân”, mặc dù gặp còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của Đại dịch Covid-19, song Đội K92 đã tìm kiếm, quy tập và đưa về nước an táng 81 hài cốt liệt sĩ.

IMG_20220625_081129

Trao đổi với chúng tôi đại tá Cao Minh Tâm, Phó Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Kiên Giang cho biết: “Để khắc phục khó khăn trong công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, nhất là việc thu thập thông tin chính xác về liệt sĩ và mộ liệt sĩ. Trong thời gian qua, Đảng ủy – Bộ CHQS tỉnh đã chỉ đạo Đội K92 triển khai quyết liệt nhiều biện pháp, trong đó có việc triển khai thực hiện mô hình “Đội tuyên truyền tri ân”. Qua thời gian thực hiện, chúng tôi thấy rằng mô hình đã phát huy được hiệu quả thiết thực, thể hiện qua việc thu thập được rất nhiều thông tin quý về liệt sĩ và mộ liệt sĩ, góp phần giúp đơn vị luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong điều kiện thông tin về mộ liệt sĩ ngày càng ít dần và độ chính xác không cao”.

Hành trình tìm đồng đội trở về vẫn còn nhiều gian nan

Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ trong thời gian qua của lực lượng vũ trang tỉnh Kiên Giang nói chung, Đội chuyên trách K92 nói riêng tuy đã được nhiều kết quả, song vẫn còn đó rất nhiều hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đang nằm lại trên đất bạn. Nỗi trăn trở, day dứt ấy sẽ luôn thôi thúc từng thành viên “Đội tuyên truyền tri ân” và cán bộ, chiến sĩ Đội chuyên trách K92 tiếp tục lên đường thực hiện nhiệm vụ, vượt qua khó khăn đóng góp sức mình để xoa dịu những đau thương mất mát của người mẹ, người chị, người anh, người con và hàng triệu trái tim người Việt đang từng ngày trông ngóng những người con bất tử của dân tộc về ngủ yên trong lòng đất mẹ.

Phương Vũ  
Nước ngọt nghĩa tình

Nước ngọt nghĩa tình

(NSMT) - Thời gian qua, hạn hán và xâm nhập mặn đã ảnh hưởng rất lớn đến việc canh tác nông nghiệp và cuộc sống của người dân ở Đồng bằng Sông Cửu Long, đặc biệt là các tỉnh duyên hải của đồng bằng.

Sóc Trăng: Nỗ lực nâng cao năng suất cung ứng dịch vụ hành chính công

Sóc Trăng: Nỗ lực nâng cao năng suất cung ứng dịch vụ hành chính công

(NSMT) - Ngày 17/5, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sóc Trăng phối hợp với Viện Nghiên cứu Khoa học hành chính (thuộc Học viện Hành chính Quốc gia) tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Năng suất lao động trong cung ứng dịch vụ hành chính công trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng - Thực trạng và giải pháp”.

Ngày hội thiếu nhi tham gia bảo vệ môi trường năm 2024: Sân chơi lành mạnh, bổ ích cho trẻ em dịp hè

Ngày hội thiếu nhi tham gia bảo vệ môi trường năm 2024: Sân chơi lành mạnh, bổ ích cho trẻ em dịp hè

(NSMT) - Để mùa hè trở nên ý nghĩa hơn với các em thiếu nhi, Gia đình Việt Nam tổ chức chương trình "Đổi rác lấy quà" nhằm giáo dục cho các em ý thức bảo vệ môi trường.

Ra mắt câu lạc bộ doanh nhân họ Bùi khu vực Tây Nam Bộ

Ra mắt câu lạc bộ doanh nhân họ Bùi khu vực Tây Nam Bộ

(NSMT) - Chiều ngày 16/5, tại TP Cần Thơ tổ chức lễ ra mắt, kiện toàn, phân công nhiệm vụ Ban điều hành, Ban cố vấn, kết nạp hội viên và kế hoạch hoạt động năm 2024 của CLB doanh nhân họ Bùi khu vực Tây Nam Bộ; do ông Bùi Vũ Phương làm Chủ tịch; ông Bùi Văn Đạo làm Trưởng ban Cố vấn, kết nạp 36 hội viên vào CLB.

Cần Thơ: Ra mắt mô hình đảm bảo an ninh trật tự trong trường học

Cần Thơ: Ra mắt mô hình đảm bảo an ninh trật tự trong trường học

(NSMT) - Chiều 16/5, tại Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa (quận Bình Thuỷ), Công an TP Cần Thơ và Sở Giáo dục - Đào tạo TP Cần Thơ tổ chức triển khai thực hiện mô hình “Trường học thân thiện, học sinh thanh lịch, không ma túy, không tệ nạn và không bạo lực học đường”. Mô hình được triển khai đến tất cả các trường cấp 2, cấp 3 trên địa bàn thành phố.

Sóc Trăng thông báo đăng ký nhu cầu sử dụng cát biển của tỉnh cho dự án

Sóc Trăng thông báo đăng ký nhu cầu sử dụng cát biển của tỉnh cho dự án

Tỉnh Sóc Trăng vừa thông báo và đề nghị một số tỉnh, thành phố nếu có nhu cầu sử dụng cát biển để làm đường cao tốc thì đăng ký với tỉnh.

Sóc Trăng có trên 10.700 thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT

Sóc Trăng có trên 10.700 thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT

Theo thông tin từ Sở GD - ĐT Sóc Trăng, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, tỉnh Sóc Trăng có 10.738 thí sinh đăng ký dự thi. Trong đó, giáo dục phổ thông có 9.825 thí sinh, giáo dục thường xuyên 470 thí sinh, thí sinh tự do là 443; toàn tỉnh có 34 điểm thi (tăng 7 điểm thi so với năm 2023).