Đón năm mới an lành, tiết kiệm
(NSMT) - Chỉ còn khoảng 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần, nhiều chị em phụ nữ đã bắt đầu tranh thủ sắm sửa cho gia đình, sắp xếp dọn dẹp nhà cửa… Do ảnh hưởng dịch bệnh nên năm nay, đa số chị em chi tiêu trên tinh thần tiết kiệm, chất lượng, vui nhưng phải đảm bảo sức khỏe, an toàn.
Mấy tuần nay, chị Ngọc Trân ở quận Ninh Kiều tranh thủ may xong các đơn hàng quần áo để chuyển ra nước ngoài cho người quen. Chị Trân may đẹp, giá cả phải chăng nên có lượng khách hàng ổn định. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, thu nhập của chị bị ảnh hưởng do dịch bệnh, lượng khách giảm đến may trực tiếp. Tận dụng mạng xã hội Zalo, Facebook, chị Trân đăng giới thiệu vải và các kiểu quần áo cho bạn bè. Sau khi khách chọn kiểu, chị Trân hướng dẫn cách đo, chọn vải rồi may đồ chuyển đi. Nhờ phương thức này, bà con và người quen của chị Trân ở nước ngoài đặt may rất nhiều. Chuyến hàng cuối năm này trị giá trên 30 triệu đồng, giúp chị Trân có khoản thu nhập khá để đón Tết.
Chị Trân kể: “Sau khi may xong hàng cho khách, tôi may quần áo cho các con, rèm cửa, đợi chồng đi công tác về rồi cả nhà cùng dọn dẹp nhà cửa. Tôi có tủ đông nên không lo phần thực phẩm, thịt heo, bò, các loại chả… đã mua trước rồi. Nhà còn vườn rau rộng phía sau, có nuôi thêm bầy gà nên cũng khá đầy đủ. Tôi chỉ đặt mua một số loại bánh mứt, bia, nước ngọt, gần Tết mua thêm hoa trang trí nữa là xong. Năm nay gia đình tôi không đi xa, chủ yếu vui chơi ở nhà cho an toàn”.

Phụ huynh dẫn con đi mua đồ trang trí Tết tại siêu thị ở quận Cái Răng.
Chị Kim Cúc ở quận Cái Răng cũng đang tất bật hoàn thành sớm kế hoạch từ đây đến cuối năm để đưa các con về quê ngoại ở Long An ăn Tết. Do không có nhiều thời gian nên chị Cúc tranh thủ vệ sinh nhà cửa từng công đoạn. Học trực tuyến ở nhà nên các con chị có điều kiện phụ mẹ dọn các tủ quần áo, sách vở, lau chùi vật dụng, trang trí, riêng phần màn cửa, bàn ghế thì chị nhờ tiệm làm sạch. Những ngày cuối tuần, chị Cúc đi siêu thị mua những mặt hàng để lâu được như bánh kẹo, rượu bia, trà... Quần áo mới của cả nhà còn nhiều nên chị Cúc không mua sắm khoản này để tiết kiệm.
Ðể đảm bảo an toàn trong thời điểm dịch bệnh còn phức tạp, chị Ngọc Yến ở quận Bình Thủy dự tính năm nay cả gia đình chỉ vui chơi ở Cần Thơ, không về quê chị ở tỉnh Hải Dương và quê chồng ở Hưng Yên như trước đây. Làm trong ngành truyền thông, công việc bận rộn, có con nhỏ (con trai học lớp 4, con gái 5 tuổi), chồng công tác xa nên chị Yến khá vất vả trong việc chăm lo gia đình, nhất là vào các dịp lễ, Tết. Vì không về quê nên chị Yến chuẩn bị quà gồm các đặc sản như kẹo dừa, bánh pía, hạt điều… gởi biếu họ hàng.
Chị Yến cho biết: “Năm nay, chồng tôi xin nghỉ phép năm về ăn Tết sớm nên cả nhà sẽ chuẩn bị để gói bánh chưng, làm giò thủ, khô bò, một số loại mứt… chủ yếu cho các con có không khí Tết. Tôi mới mua lò nướng nên cũng sẽ tập cho con làm thử một số loại bánh. Tết này có thời gian nhiều nên vợ chồng tôi dự tính sẽ cải tạo, làm lại vườn lan nhỏ trước sân, trồng thêm hoa cho đẹp”.
Chúng tôi gặp chị Phạm Tâm ở quận Cái Răng khi chị dẫn con gái 8 tuổi và 6 tuổi đi mua sắm tại một siêu thị vào cuối tháng 12. Chị mua cho mỗi con gái 1 bộ áo dài và 1 bộ đồ bộ. Kinh tế bị ảnh hưởng do quán ăn của gia đình tạm đóng cửa phòng dịch, chị Tâm gói ghém chi xài trong phần tiền dành dụm. Chị chỉ mua sắm những khoản thật cần thiết, chủ yếu là quà biếu cha mẹ, còn các loại bánh bông lan, bánh mì, các loại mứt… chị sẽ tự chế biến. Bên cạnh đó, chị Tâm còn nhận gói bánh tét, kho thịt, làm một số thực phẩm cho lối xóm để có thu nhập.
Năm nay, nhiều chị em mua sắm Tết online để vừa đỡ tốn thời gian đi lại, vừa không đến nơi đông người. Ngoài ra, một số nhóm bạn bè còn rủ hùn tiền làm chung nhiều món để chia nhau như gói bánh tét, kho thịt, giò chả, bánh bông lan… giảm chi phí. Có chị còn làm trung gian giới thiệu các món nhà làm hoặc của người quen chế biến vừa ngon vừa đảm bảo vệ sinh thực phẩm, giao hàng tận nơi nên rất thuận lợi trong việc mua sắm.
Thời điểm gần cuối năm, dẫu đối mặt với không ít áp lực nhưng nhiều chị em rất chu đáo, sắp xếp việc chung, việc riêng ổn thỏa. Các chị quan niệm Tết là để nghỉ ngơi, thư giãn nên không quá ôm đồm, bày vẽ mà chọn xu hướng gọn gàng, đơn giản, ít tốn thời gian, công sức nhưng vẫn đảm bảo chất lượng. Vui Tết sao cho gia đình đầm ấm bên nhau để đón chào năm mới an yên, thuận hòa mới là điều quan trọng nhất.
Quà 8/3 tặng mẹ cảm động giúp ngày lễ trở nên ý nghĩa
Việc chọn quà 8/3 tặng mẹ cảm động không chỉ thể hiện lòng biết ơn mà còn làm ấm lòng và mang lại niềm vui cho đấng sinh thành.
Các gia đình "vượt khó" khi kinh tế eo hẹp
Công việc gặp khó khăn, giảm thu nhập, một số mặt hàng thiết yếu tăng giá… ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt của các gia đình hiện nay. Với sự chu đáo, đảm đang, nhiều chị em khéo léo tính toán, vận động người thân cùng thực hành tiết kiệm, nỗ lực duy trì chất lượng cuộc sống.
Vì sao mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu tồn tại bất chấp thời đại?
Tiến sĩ Madeleine A. Fugère - GS Tâm lý học xã hội tại Đại học Bang Eastern Connecticut (Mỹ) đã chia sẻ những lý do bất ngờ đằng sau mâu thuẫn trong mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu.
Giảm 37% nguy cơ tử vong nhờ... trông cháu
Dành thời gian cho trẻ nhỏ có thể giúp ông bà minh mẫn, vui vẻ và thậm chí khỏe mạnh hơn về lâu dài.
Đàn ông cũng cần được khóc
Nhiều nam giới trao đổi rằng họ không được ai dạy về cách thế hiện tình cảm yêu thương thế nào và giải tỏa cảm xúc nóng giận một cách hiệu quả ra sao.
Bắt nhịp sau Tết
Sau những ngày Tết vui chơi, nghỉ ngơi thoải mái, người lớn trở lại với công việc, trẻ em đến trường. Nhanh chóng lấy lại sức khỏe, cũng như rèn luyện con cái vào nền nếp, thích nghi với môi trường đi học là điều phụ huynh quan tâm. Để đầu năm được thuận lợi, suôn sẻ, các gia đình có sự chuẩn bị chu đáo, giữ tâm trạng vui vẻ, lan tỏa năng lượng tích cực, cùng nhau nỗ lực học tập, làm việc tốt hơn.
Cúng ông Công ông Táo sau 12 giờ ngày 23 tháng Chạp được không?
Nhiều người cho rằng việc cúng ông Công ông Táo phải thực hiện trước 12 giờ ngày 23 tháng Chạp. Tuy nhiên chuyên gia lại phân tích điều ngược lại.