Nếp nhà

Gia đình: Nơi hạnh phúc lớn dần theo năm tháng

Thứ tư, 26/06/2024, 11:37 AM

(NSMT) - “Yêu thương như những sợi tơ, dù mảnh mai nhưng khéo dệt sẽ kết thành dải lụa hạnh phúc gia đình bền chắc”- Xuất thân từ một nhà giáo, ông Dư Văn Tới ngụ ở khu vực 12 phường Châu Văn Liêm quận Ô Môn (Cần Thơ) ví von với phóng viên tạp chí Gia đình Việt Nam như vậy.

Người đàn ông này có nét mặt trẻ hơn tuổi thật của mình (sinh năm 1957). Nhìn ông, ít ai hình dung nổi một chặng đường gian khó, trĩu nặng nỗi lo cơm, áo gạo, tiền… mà ông đã cùng người bạn đời đã trải qua.

Bà Nguyễn Thị Ngân (1961) - vợ ông, khi nhắc đến chồng mình đã không giấu được ánh mắt rạng ngời hạnh phúc: “Anh ấy yêu thương vợ con lắm, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng dành những gì tốt đẹp nhất cho vợ, cho con mình. Thời bao cấp, anh ăn chén cơm gạo phân phối ẩm mốc, nhường phần cơm trắng cho con. Thương đứt ruột!”

Bài hợp ca hạnh phúc

Bài hợp ca hạnh phúc

 Vượt qua gian nan

Năm 1978, tốt nghiệp loại giỏi Trường Công nhân kỹ thuật tỉnh Hậu Giang (cũ), nay là Trường Cao đẳng Nghề Cần Thơ, ông Dư Văn Tới được trường giữ lại làm giảng viên. Công tác được một thời gian, vì hoàn cảnh neo đơn cha mẹ già ở quê thiếu người phụng dưỡng nên ông Tới xin chuyển công tác về Phòng Tài chính huyện Ô Môn.

Khi lập gia đình cùng cô giáo trường làng Nguyễn Thị Ngân, chỗ ở của ông Tới và cha mẹ vẫn là một căn nhà tạm cất nhờ trên đất của người khác. Thời ấy lương bổng cán bộ, công chức rất thấp, cha mẹ già lại đau ốm liên miên. Ông Tới bàn với vợ xin nghỉ việc nhà nước, ra ngoài bươn chải kiếm sống. Ông nói với vợ: “Thà nghỉ việc ra ngoài kiếm sống còn hơn chịu cảnh “chân trong, chân ngoài”, công tư lẫn lộn thì khó chu toàn lắm!”.

Khi hai cậu con trai, Dư Pha Lê (1988) và Dư Phúc Duy (1992) chào đời thì áp lực kinh tế càng đè nặng lên gia đình ông Tới - bà Ngân. Ông không nề hà bất cứ công việc gì, miễn lương thiện và có tiền lo cho gia đình. Vợ chồng ông bàn với nhau rằng: “Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải lo cho con ăn học đến nơi, đến chốn. Chỉ cần vợ chồng mình biết yêu thương, san sẻ gánh nặng cùng nhau thì khó khăn nào rồi cũng sẽ qua đi”.

Ai kêu gì làm nấy, bàn tay thư sinh của ông Tới cầm len, cầm cuốc đến bật máu, chai sần. Bà Ngân cũng xin nghỉ dạy ở nhà tích cóp vốn liếng bán tạp hóa, nuôi heo, nấu rượu…cùng chồng lo cho gia đình. Đến năm 1999, họ mua được miếng đất, cất căn nhà khang trang và cuộc sống cứ thế “nở nồi”.

Thành quả lớn nhất của đôi vợ chồng gian nan vượt khó này là hai cậu con trai học hành đến nơi đến chốn, có việc làm ổn định, thu nhập khá và thườngửi tiền cho cha mẹ làm công việc thiện nguyện. Ông Tới thường bảo với các con mình rằng: “Gia đình mình được như bây giờ là nhờ mẹ các con chăm chỉ, khéo thu vén”. Nghe vậy, bà Ngân nhìn chồng bằng ánh mắt đăm đắm yêu thương, cười bảo: “Anh là trụ cột của gia đình này, mẹ con em biết ơn anh”.

 Trong gia đình nhỏ ấy luôn rộn rã tiếng cười và đầy ắp hạnh phúc.

Đại gia đình nhà ông Tới- bà Ngân sum họp ngày Tết.

Đại gia đình nhà ông Tới- bà Ngân sum họp ngày Tết.

 Để ngọn lửa hạnh phúc gia đình mãi ấm

Khi được hỏi về bí quyết giữ gìn hạnh phúc gia đình, ông Dư Văn Tới cho rằng: “Mỗi gia đình có mỗi hoàn cảnh cũng như mỗi con người có mỗi tính cách khác nhau. Tuy nhiên, theo tôi thì nếu không tôn trọng, không quan tâm và yêu thương lẫn nhau thì hạnh phúc là điều mãi xa vời”.

Theo ông Tới, vợ chồng ăn đời ở kiếp với nhau, khó tránh khỏi những lúc va chạm, quan trọng là cách xử lý tình huống sao cho phù hợp để tìm được tiếng nói chung.
“Những lúc vợ chồng bất đồng tôi thường im lặng, chừa khoảng trống thời gian cho cô ấy và cho cả chính mình suy ngẫm lại sự việc. Khi suy nghĩ đã đủ độ “chín”, tôi chủ động bắt chuyện với cô ấy, phân tích đúng sai và đi đến thống nhất. Tôn trọng người bạn đời, thu nhỏ bớt “cái tôi”, lấy thương yêu làm nền tảng chính là chìa khóa cho hạnh phúc gia đình", ông Tới nói.

Bà Nguyễn Thị Ngân, vợ ông Tới tâm sự: “Vợ chồng tôi đều xuất thân từ nghề giáo, thường nhắc nhở nhau sống sao cho trở thành tấm gương sáng con cháu noi theo. Nghèo tiền bạc thì vẫn có có thể giàu lên nếu biết chí thú làm ăn, cái đáng sợ nhất là nghèo nhân cách, nghèo lòng nhân ái”.

Ông Tới- bà Ngân trong một chuyến du lịch.

Ông Tới- bà Ngân trong một chuyến du lịch.

San sẻ yêu thương

Ông Trịnh Văn Nam, Trưởng phòng Văn hóa- Thông tin quận Ô Môn cho biết: “Gia đình ông Tới - bà Ngân rất tích cực tham gia các chương trình giảm nghèo, đóng góp hưởng ứng phong trào đền ơn đáp nghĩa… và các hoạt động nhân đạo khác ở cộng đồng. Hàng năm vận động quyên góp quà và tiền gửi đến các vùng bị thiên tai, lũ lụt gồm: gạo, mì, đường, dầu ăn… trị giá hàng trăm triệu đồng.
Ngoài ra, ông Tới bà Ngân còn cùng Ban nhân dân khu vực vận động trẻ em trong độ tuổi đi học đến trường; giúp đỡ, động viên các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; tham gia đóng góp tiền bạc, ngày công xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người nghèo và các tuyến lộ giao thông…”

Được biết, sắp tới gia đình ông Tới - bà Ngân là đại diện duy nhất của quận Ô Môn được mời dự Họp mặt Gia đình văn hóa tiêu biểu nhân kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 cấp thành phố và được Sở VHTTDL thành phố Cần Thơ khen thưởng.

Nghe tin này, đôi vợ chồng ông Tới tỏ ra bất ngờ: “Gia đình chúng tôi sống bình thường như bao gia đình khác, có gì đặc biệt đâu?”.
Thái độ của họ khiến chúng tôi hiểu rằng hạnh phúc gia đình thường đến từ những tấm chân tình, từ những điều bình dị nhất.

----> “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” tôn vinh những giá trị nhân văn sâu sắc của gia đình Việt Nam

Thụy Vũ  
Thư gửi Mẹ

Thư gửi Mẹ

Chỉ là, ngày con viết thêm một bức thư cho Mẹ rồi xếp chung vào chồng thư cũ đã nhàu nhĩ màu của năm tháng. Chồng thư ấy đề tên người nhận là Mẹ và địa chỉ vỏn vẹn ghi là Bầu trời. Mẹ à, xin Mẹ cho con địa chỉ rõ ràng hơn được không?

Lùi thời gian trao giải cuộc thi viết “Cha và con gái”

Lùi thời gian trao giải cuộc thi viết “Cha và con gái”

Lễ tổng kết và trao giải cuộc thi viết "Cha và con gái" lần thứ 2 năm 2024 sẽ được tổ chức vào tháng 7/2024 thay vì lịch dự kiến vào ngày 28/6.

Cuốn sổ ghi nợ của mẹ kế

Cuốn sổ ghi nợ của mẹ kế

“Mấy đời bánh đúc có xương/ Mấy đời mẹ kế lại thương con chồng”, quan niệm đó đã ăn sâu vào tâm trí và tình cảm của những ai vô tình vướng vào hoàn cảnh mẹ kế - con chồng.

Tâm sự cùng con về nghề báo

Tâm sự cùng con về nghề báo

Ngày 1/6 là ngày Tết của các con. Và trong tháng sáu này cũng có một ngày của mẹ đó là ngày 21/6 - ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Cũng thật tình cờ con ạ, tháng sáu còn có một ngày nữa, ngày của cả nhà mình, đó là Ngày gia đình Việt Nam - 28/6. Thật là một tháng đặc biệt...

Tan vỡ hôn nhân vì chênh lệch... học vấn

Tan vỡ hôn nhân vì chênh lệch... học vấn

(NSMT) - Khi "chìm" trong tình yêu, nhiều người sẽ không để tâm quá nhiều đến điều kiện, học thức của đối phương. Tuy nhiên, xét ở một khía cạnh nào đó thì những điều nêu trên ảnh hưởng không nhỏ đến hạnh phúc gia đình nếu tiến tới hôn nhân.

Khi tổ ấm... không còn hơi ấm

Khi tổ ấm... không còn hơi ấm

Tình cảm vợ chồng không tự nhiên có, mà cần phải được vun vén, chăm sóc, bồi đắp mỗi ngày. Tuy nhiên, vì chạy theo guồng quay cuộc sống, gánh nặng cơm áo gạo tiền, nhiều người xao nhãng việc vun đắp tổ ấm gia đình. Ðến khi nhìn lại,