Gửi cô gái đến từ tương lai
"Vì ba là đàn ông mà, không biết nên định hướng cho cô gái nhỏ của ba như thế nào nhỉ? Sau một hồi suy tư cùng với mẹ con thì cả hai chúng ta đều thống nhất rằng con gái của ba phải là một cô gái độc lập trong tương lai"
Gửi con gái yêu quý của ba!
Hôm nay, gác lại những bộn bề của thế giới người lớn, ba quyết định viết lá thư này cho 2 năm nữa. Ba mẹ dự tính, khi anh Đô tròn 5 tuổi, gia đình chúng ta sẽ đón thêm một thành viên. Với ba mẹ, các con đều là những thiên thần đáng yêu mà Thượng đế đã ban cho chúng ta. Và nếu con - thiên thần thứ hai ấy đến với ba mẹ trong hình hài của một cô công chúa nhỏ, thì lá thư này chính là dành cho con.
Đầu thư, có một tin không được vui cho lắm, nhưng thôi, ba cũng trải lòng cho con biết. Đó là tiến độ “làm giàu” của ba hiện tại không được suôn sẻ cho lắm. À, giải thích cho con hiểu thế nào là “làm giàu” nhỉ.
Đại loại, nó là tập hợp nhiều công việc mà ba phải làm để người ta đưa lại cho ba mấy tờ giấy xanh xanh, đỏ đỏ mà người lớn chúng ta gọi là “tiền”. Và ba sẽ dùng “tiền” để đi mua cho công chúa nhỏ của ba áo quần này, đồ chơi này, rồi đưa cho mẹ để mẹ mua thức ăn và nấu cho cả nhà mình những bữa ăn thật ngon này.
Ở thế giới của ba đang sống, càng nhiều “tiền” thì người ta sẽ bớt lo lắng, nghĩ ngợi nên ai cũng quần quật lao vào để “kiếm tiền”, để “làm giàu”. Ba cũng như mọi người, nhưng có vẻ ba kém hơn. Ba cảm thấy mình đang hụt hơi con ạ. Thời điểm viết lá thư này, ba của con đã ở tuổi 30. Cái ngưỡng mà một người đàn ông trụ cột của gia đình thấy chênh vênh nhất. Nhưng công chúa nhỏ của ba đừng lo. Ba sẽ cố gắng làm tất để con và anh Đô có thể tự hào nói với bạn bè rằng: “Ba mình tuyệt vời lắm”.
Anh Đô của con năm nay đã 3 tuổi, nghịch ngợm nhất nhà. Khi ba đang viết những dòng này, ba vẫn nghe được tiếng rầm rầm từ những cuốn sách của ba trên kệ bị anh con vứt xuống giường. Nhưng anh Đô của con cũng tình cảm lắm. Ba đi công tác xa nhà, cùng các chú Kiểm lâm bảo vệ những cánh rừng cho con và mọi người được hít thở không khí trong lành nên phải cuối tuần mới được về nhà. Mỗi lần ba về, anh Đô đều chạy đến ôm lấy ba, đòi ba bồng đi khắp xóm. Trước kia, anh Đô còn hay “thơm” vào má của ba nữa, nhưng giờ lớn rồi, biết thẹn rồi, chỉ “thơm” mẹ thôi (hic…bất công quá!).
Anh Đô của con có tên đi học rất là “oai” do chính ba đặt: Nguyễn Chính Phong! “Chính” trong từ “công chính”, ghép của 2 từ “công bằng” và “chính trực”, còn “Phong” là “ngọn gió”. “Chính Phong” là “ngọn gió lan tỏa sự công bằng và chính trực”. Đó là lý tưởng và hình mẫu mà ba muốn anh trai con sẽ trở thành. Dẫu biết rằng, lý tưởng và hình mẫu đó sẽ mang đến cho anh con một cuộc đời sóng gió như ba hiện tại. Còn với công chúa nhỏ của ba, ba đang có chút bối rối. Vì ba là đàn ông mà, không biết nên định hướng cho cô gái nhỏ của ba như thế nào nhỉ? Sau một hồi suy tư cùng với mẹ con thì cả hai chúng ta đều thống nhất rằng con gái của ba phải là một cô gái độc lập trong tương lai.
Vì sao lại là một cô gái độc lập?
Trong thế giới người lớn mà ba mẹ đang sống, phái nữ của con phải chịu đựng quá nhiều thiệt thòi xuất phát từ những quan niệm, những giáo điều xưa cũ. Chúng trói buộc người con gái khiến cho họ chẳng thể sống đúng với chính mình. Và khi con không thể là con, hạnh phúc sẽ không bao giờ gõ cửa trái tim con.
Đầu tiên, cô gái của ba phải độc lập về suy nghĩ. Nếu một bạn nam nào đó nghịch tóc làm con khó chịu nhưng cô giáo lại bảo rằng: “Bạn ấy thích con đó mà”. Thì con đừng vội tin nhé cô gái! Con không phải là đứa duy nhất bị thằng nhóc đó nghịch tóc trong lớp đâu. Việc của con là cho nó một cái lườm thật dữ và nếu nó không dừng lại, hãy lao đến túm lấy tóc của nó mà kéo thật mạnh, thật đau cho đến khi nó mếu máo mách cô. Và để có được sự độc lập về suy nghĩ, con cần một thứ rất quan trọng, đó chính là tri thức. Tri thức sẽ chắp cánh cho con biết được đúng sai, phải trái, biết được lúc nào “đồng ý” và lúc nào nói “không”!
Thứ hai, cô gái của ba phải độc lập về tài chính. Tức là con phải có một công việc để kiếm ra “tiền” dù ít hay nhiều, để con có thể sống mà không phụ thuộc vào ai. Khi con sống dựa dẫm vào thành quả lao động của người khác (trừ cha mẹ khi con còn nhỏ), con sẽ phải cố gắng làm hài lòng người ta, không dám làm phật ý người ta, sống theo ý chí, quan điểm, mong muốn và thậm chí là sự áp đặt của người ta. Trong khi, cuộc đời là của con.
Một ngày nào đẹp trời, nếu một thằng ất ơ nào đó nói rằng: “Nghỉ việc đi về nhà anh nuôi” thì hãy nở một nụ cười thân thiện và mời hắn lượn đi cho nước nó trong. Một người đàn ông trưởng thành đủ chín chẳn để hiểu rằng: Hạnh phúc vốn dĩ đến từ sự sẻ chia và chung tay gánh vác của cả hai, chứ không đến từ một bên “cho” và một bên “nhận”, một bên “cố gắng” và một bên “hưởng thụ”.
Cuối cùng, con gái của ba phải độc lập về cảm xúc. Đến một ngày, con sẽ yêu một chàng trai làm con rung động, rồi cùng với anh ta lập gia đình, có với nhau những đứa trẻ xinh xắn. Nhưng cô gái ạ, cuộc sống hôn nhân vốn không chỉ có màu hồng. Nó luôn ẩn chứa những cơn sóng ngầm trong mỗi gia đình. Hãy yêu thương chồng con và cố gắng làm tròn bổn phận của một người vợ, người con dâu và sau này là một người mẹ. Gia đình vốn là nơi những người máu mủ ruột thịt chung sống, nhưng cha mẹ sẽ không ở bên cạnh con được mãi, con cái cũng sẽ rời xa con để kiếm tìm hạnh phúc của chúng, chỉ còn lại hai kẻ chẳng máu mủ ruột thịt là con và chồng con ở bên nhau, nâng đỡ cho nhau khi khỏe mạnh hay những lúc ốm đau, khi son trẻ cho đến khi về già.
Nhưng nếu con đã làm tất cả để không lỗi đạo với chồng con mà vẫn phải chịu ấm ức, thiệt thòi, thậm chí bị ngược đãi, bị bạo hành, thì đừng cam chịu con nhé. Cảm xúc là của con, đừng để ai thao túng nó, cũng đừng vì lo nghĩ cho ai mà không dám thổ lộ nó ra. Và khi con lên tiếng, hãy nói với ba đầu tiên. Ba thề sẽ đấm thằng khốn dám làm trái tim con gái của ba tan vỡ. Đó chỉ là kịch bản xấu nhất ba tưởng tượng ra thôi, chứ ba tin, con gái ba làm gì đến mức đó.
Những lời cuối này được ba viết khi chiếc kim đồng hồ đã uể oải nhảy sang 11 giờ đêm. Mẹ con cũng đã gọi ba tắt đèn để anh Đô đi ngủ. Công chúa nhỏ của ba, nghe ba nói này:
Ba và mẹ yêu thương các con rất nhiều. Ba đang tập làm cha và mẹ con cũng đang tập để làm mẹ. Ba mẹ không hoàn hảo nhưng ba mẹ sẽ yêu thương các con bằng cách hoàn hảo nhất mà chúng ta có thể.
Hôn con ngàn cái! Hẹn gặp con ở tương lai.
Quảng Bình, ngày 22 tháng 4 năm 2023
Bài dự thi cuộc thi viết "Cha và con gái"
- Tác giả: Nguyễn Anh Tuấn
- Địa chỉ liên hệ: Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, thị trấn Phong Nha, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình
Thông tin Cuộc thi viết chủ đề "Cha và con gái"
Yêu cầu
- Bài viết bằng tiếng Việt, dung lượng 1.000 - 1.500 từ được in trên giấy hoặc gửi qua email do Ban tổ chức cung cấp.
- Bài viết được thực hiện dưới dạng thư tâm tình cha dành cho con gái, con gái dành cho cha hoặc dưới dạng tản văn kể về kỷ niệm vui buồn giữa cha - con; nhật ký viết cho cha - con để lột tả về góc ký ức không quên…
- Ưu tiên những bài dự thi có ảnh nhân vật kèm theo
Đối tượng dự thi
- Tất cả công dân Việt Nam trong và ngoài nước đều có thể tham gia dự thi
- Mỗi tác giả được gửi tối đa ba (03) bài dự thi
- Tác phẩm được chọn đăng báo sẽ được trả nhuận bút theo quy định của tòa soạn Tạp chí Gia đình Việt Nam.
Thời gian nhận bài thi
- Thời gian nhận bài dự thi: Từ ngày 19/04/2023 đến ngày 19/06/2023 tính theo dấu bưu điện.
- Lễ tổng kết và Gala Trao giải diễn ra vào Ngày Gia đình Việt Nam 28/06/2023.
Địa chỉ nhận bài thi
- Bài dự thi online gửi qua email: [email protected].
- Bài dự thi viết tay hoặc đánh máy gửi về Tòa soạn Gia đình Việt Nam (Địa chỉ: Số 2 đường Lê Đức Thọ, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội).
Ngoài bì thư ghi rõ: Bài dự thi "Cha và con gái" kèm thông tin tác giả, địa chỉ, số điện thoại. Ban tổ chức không chịu trách nhiệm nếu hồ sơ tham dự cuộc thi bị thất lạc hoặc hư hỏng do lỗi của bưu điện.
Thông tin liên hệ
Tòa soạn Tạp chí Gia đình Việt Nam: Số 2 đường Lê Đức Thọ, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội.
Điện thoại: 0903.344571 (Nhà báo Đông Hường) hoặc 0973957126 (Đồng chí Bùi Hải Én).
Để biết thông tin chi tiết về cuộc thi mời quý độc giả xem tại đây!
Hơn nửa thế kỷ đắp xây hạnh phúc
Cưới nhau từ năm 1973, ông Võ Văn Hai và bà Nguyễn Thị Điệp (ngụ khu vực Bình Thường A, phường Long Tuyền, quận Bình Thủy) là tấm gương về xây dựng gia đình văn hóa, con cháu thành tài. Hơn nửa thế kỷ qua, họ đã nắm tay nhau vượt qua gian khó để cùng đi đến bến bờ hạnh phúc.
Tài sản lớn nhất cuộc đời là người vợ xấu, đất cằn và chiếc áo bông rách
Tục ngữ có câu: “Ba tài sản lớn nhất của cuộc đời là người vợ xấu, đất cằn và chiếc áo bông rách”, nó chiếm bao nhiêu trong cuộc đời còn lại của bạn?
Vì sao ngày càng nhiều gia đình từ bỏ sàn gỗ?
Xu hướng trang trí lát sàn gỗ từng rất phổ biến nhưng hiện nay nhiều gia đình không còn lựa chọn. Sàn gỗ có chăng chỉ được lắp trong phòng ngủ, các phòng khác đều được lát gạch men.
Về nhà - về với yêu thương
Ðối với nhiều người, ngôi nhà không chỉ để ở mà còn mang giá trị tinh thần đặc biệt. Ðó còn là gia đình với sự bao dung, chở che, nâng đỡ và trách nhiệm dành cho nhau. Cuộc sống đôi khi phải đối mặt với khó khăn, thử thách... những lúc ấy, điểm tựa lớn nhất không đâu khác mà chính là mái nhà và những người thân yêu của mình.
Có nên thiết kế phòng tắm trong phòng ngủ?
Với sự thay đổi trong lối sống và sự đa dạng hóa nhu cầu sinh hoạt, phòng ngủ chính có phòng tắm có còn đáp ứng được nhu cầu của các gia đình hiện đại hay không và nên giữ lại hay loại bỏ đã trở thành đề tài bàn luận sôi nổi.
Có nên tiết lộ cho con cái biết về tiền lương hưu, sổ tiết kiệm?
Một người đàn ông 69 tuổi trăn trở: “Ở tuổi già, số tiền ký gửi này giống như một chiếc chìa khóa bí ẩn trong tay. Tôi không biết có nên trao lại cho con cháu hay không”.
Tâm thư gửi vợ ngày 20/10
Hạnh phúc là 365 ngày biết hài lòng chứ không phải chỉ một hai ngày hoan hỷ. Nếu không phải đánh đông dẹp bắc, anh cũng sẽ sẵn sàng ẵm con, nhặt rau để em lắp bóng đèn, sửa đường ống nước.