Hoạ sĩ Hoàng Giai - Một đời cho sân khấu
“Sau này ba mất rồi, con phải giữ lại bó cọ mòn vì đó là gia tài cả cuộc đời nghệ thuật của ba. Mấy chục năm theo sân khấu mà không thể giữ lại được một tác phẩm nào của riêng mình, thôi thì những cây cọ mòn này sẽ là niềm an ủi vì đã lưu biết bao nhiêu vở diễn cải lương trên sân khấu...”, Hoạ sĩ Hoàng Giai cười hiền. Ở tuổi 84, chuyện đến, đi đối với ông nhẹ tênh, bởi vậy trong câu dặn dò dành cho người con gái lớn cũng gói trọn sự giản dị, an nhiên.
Cánh chim phong trần
Câu chuyện cánh chim phong trần được chắp lại lùi xa hơn 60 năm trước. Vào lối năm 1957, khi Đoàn Cải lương Kim Thanh của các nghệ sĩ tài danh: Út Trà Ôn, Kim Chưởng, Thuý Nga... tan rã, danh ca Thanh Tao đứng ra thành lập đoàn hát mang tên mình. Trước đó không lâu, có chàng thanh niên Hoàng Giai từ quê nhà Mỹ Tho, Tiền Giang lên Sài Gòn học vẽ rồi tập tễnh bước đầu vẽ sân khấu cho đoàn hát này.
Giai đoạn ấy, chỉ hoạ sĩ sân khấu có tiếng mới được mời thường trực một đoàn. Điều này vừa là thử thách, vừa là cơ hội để bước chân trẻ thoả sức trải nghiệm rồi dần khẳng định tài năng qua các đoàn hát, như Hữu Chí, Hữu Tâm cùng nhiều đoàn hát nhỏ. Rồi không lâu sau đó đã nhanh chóng tạo được tên tuổi và trở thành hoạ sĩ thường trực cho những đại bang, như Thanh Tao, Thanh Hương - Hùng Minh.
Những năm đầu thập niên 70, tình cảnh đất nước còn loạn lạc, ông về Long Xuyên mở nhà vẽ chuyên vẽ bảng hiệu, quảng cáo bằng tay rất đẹp. Tuyệt nhiên không ai biết chủ nhân của nhà vẽ từng là hoạ sĩ sân khấu. Cứ tưởng rằng từ đây đành xa ánh hào quang, nhưng rồi, “Sau ngày tiếp thu, tự nhiên tôi nhận được lá thơ của 2 đứa em kết nghĩa, là kép Trọng Sỹ và Hoàng Á, từ Minh Hải gửi lên Long Xuyên. Lá thư có nội dung: “Anh Giai ơi, tụi em đang bệnh nặng, nhờ anh xuống hốt giùm vài thang thuốc”, rồi sai đệ tử rước mình xuống liền. Tới nơi mới bật ngửa, hoá ra 2 đứa lập gánh hát, muốn mời mình phụ vẽ cảnh trí sân khấu mà không dám nói. Thôi thì giúp các em vậy...”, Hoạ sĩ Hoàng Giai nở nụ cười hào sảng nhớ lại.
Đoàn hát dần phất lên, Nghệ sĩ Ngọc Bê, phụ trách Đoàn Hương Dạ Thảo - Phương Bình ngỏ ý mời về đoàn cùng lời hứa giao sân khấu này để nét cọ thăng hoa. Ông chỉ lắc đầu hiền khô với lý do thích đời nghệ sĩ rày đó mai đây. Ai có dè, vì quá thương anh mà Nghệ sĩ Trọng Sỹ đã lén bỏ ngỏ với Phòng Văn nghệ tỉnh Minh Hải: “Có hoạ sĩ chuyên vẽ cảnh trí sân khấu giỏi lắm”.
Vậy là không lâu sau đó, có một lời chân tình gửi đến Hoạ sĩ Hoàng Giai, hy vọng ông về góp sức cho sân khấu cải lương Hương Tràm. Thấy tổ chức đoàn hát Nhà nước nền nếp, ông suy nghĩ đắn đo rồi quyết định đưa cả gia đình nhỏ về đây để yên tâm cống hiến. Chồng làm hoạ sĩ, vợ phụ trách hành chính, con gái lớn có năng khiếu cũng tập tành vẽ sân khấu với cha. Mảnh đất hiền hoà nghiễm nhiên trở thành bến hẹn...
Bến hẹn Hương Tràm
Nghệ sĩ Việt Tiên cứ ngồi đó kể những kỷ niệm của ngày xa. Gần 30 năm, bà mới có dịp hội ngộ người hoạ sĩ mà mình kính trọng. Bởi không chỉ tài danh trong nghệ thuật mà ngay từ buổi đầu ông còn là người chú, người anh chuẩn mực, đạo đức, luôn quan tâm, dạy dỗ những bài học quý cho anh em đồng nghiệp khi về lại cuộc sống đời thường.
Chính Hoạ sĩ Hoàng Giai đã đem cái hay, cái đẹp trong nghệ thuật từ Sài Gòn về như tiếp thêm làn gió mới cho sân khấu Hương Tràm còn mộc mạc buổi ban đầu. Những nét vẽ rất sống động, rất thật đã tôn thêm nét uyển chuyển cho một tác phẩm nghệ thuật dưới ánh đèn màu.
“Mỗi vở sắp sửa ra đời sẽ thấy sự lao động cần mẫn, tâm huyết của chú Năm. Cảnh trí, tranh sơn thuỷ được vẽ bằng bột màu, a-dao lên vải, rồi từng cảnh được đóng khung kỹ lưỡng, mất khoảng 20 ngày. Có những vở đang vẽ, bạn bè đồng nghiệp rủ nhậu chú không chịu, vậy là họ mua rượu, mua mồi tới tận chỗ. Chú vẽ một cái, bắt uống một cái mới được. Để rồi tới khi ra diễn, mở màn lên thấy tranh sơn thuỷ, cảnh trí là khán giả lại ồ lên thích thú. Chuyện kể rằng, có lần khi diễn vở cải lương “Giọt máu oan cừu” (Soạn giả Trọng Nguyễn), một khán giả lớn tuổi ngồi ở dưới rồi xem chăm chú, sau đó đi lên sân khấu đưa tay vào tấm tranh rồi giật mình: “Uả vẽ hả, sao nhìn giống hồ sen thật quá!”. Nói vậy để hình dung cái tài của Hoàng Giai đến cỡ nào...”, Nghệ sĩ Việt Tiên khẽ tìm về dòng nhớ.
Thoáng quay sang người đối diện, ông nhắc về người bạn thân thiết là Đạo diễn, NSƯT Huỳnh Hảnh với tất cả sự trân trọng. Bởi trong suốt thời gian bạn mình đảm nhiệm vai trò trưởng đoàn, hầu hết những ý kiến, đề xuất nào do ông đưa ra đều được tin tưởng, tạo điều kiện tối đa. Đôi bạn tương hợp, một người vừa lãnh đạo, vừa chăm chút dàn dựng, một người thăng hoa hết sức trong việc vẽ sơn thuỷ, cảnh trí đã đưa Hương Tràm khởi sắc qua từng ngày.
Rồi cuối năm 1977, Đoàn Cải lương Hương Tràm có chuyến lưu diễn với đơn vị kết nghĩa Hà Nam Ninh. Đây là chuyến lưu diễn Bắc tiến đầu tiên sau ngày giải phóng, ai cũng hào hứng. Ông chợt nghĩ, tại sao mình không làm một cái gì đó nổi bật dành cho đoàn nghệ thuật cuối trời. Vậy là lô gô đầu tiên của Đoàn Cải lương Hương Tràm ra đời, lực lượng hùng hậu mỗi người đeo 1 cái lên áo, góp thêm sự tự hào, tự tôn rồi chiếm trọn sự ái mộ của khán giả.
Chuyến đi đầy kỷ niệm kéo dài gần 4 tháng, thành công rực rỡ. Ngoài tài ca hay, diễn giỏi, khán giả còn mê say sau mỗi cảnh trí phô diễn sau bức màn nhung.
Từ tay vẽ của Hoạ sĩ Hoàng Giai, vở nào cũng đạt giá trị nghệ thuật cao, từ “Giọt máu oan cừu”, “Nhớ mùa trăng xưa”, “Thái hậu Dương Vân Nga”, “Hoàng hậu Ba Tư”, “Trước bình minh”... Dù là tuồng xã hội hay hương xa, kiếm hiệp, thể loại nào cũng tạo cho những nét cọ thăng hoa rất lạ. Trước khi vẽ, ông dành thời gian nghiền ngẫm kịch bản, nghiên cứu văn hoá, bối cảnh lịch sử... từ đó hình dung đường nét, sắp xếp cảnh trí, phối hợp với đèn sao cho “quyện” nhất. Một điều lợi thế nữa khi bên ông có Nghệ nhân Chín Xiển (phụ trách ánh sáng) là bạn đồng hành với nhau từ nhỏ, nên khi về chung sân khấu này lại tiếp tục hoà hợp, nâng cao giá trị vở diễn.
Câu chuyện ngày tạn mặt cứ lưu luyến hoài khung trời đẹp - thuở Hương Tràm vàng son. Trên sân khấu đó có sự "quăng bắt ăn rơ" giữa nhiều yếu tố: dàn diễn viên ca diễn xuất sắc; đạo diễn tâm huyết; cảnh trí, ánh sáng rực rỡ; dàn nhạc cổ, nhạc tân hùng hậu; khán giả cổ vũ nồng nhiệt...
“Nghề sân khấu đẹp lắm và Tổ nghiệp cũng thiêng liêng lắm. Khi đã bước vào nghề thì phải có đạo đức, ai có tâm huyết làm nghề, tin tưởng Tổ nghiệp, đối xử tốt đẹp với đồng nghiệp và công chúng đều sẽ được đáp đền. Ngược lại, chứng tỏ ta đây giỏi, đứng trên mọi người sẽ không bao giờ bền...”, Hoạ sĩ Hoàng Giai từ tốn bên ly trà bốc khói.
Nhiều năm về lại TP Hồ Chí Minh sinh sống cùng gia đình, ngày trở lại Cà Mau, nỗi nhớ niềm thương đối với sân khấu Hương Tràm và các đồng nghiệp một thời cứ chảy tràn. Ở tuổi 84, nét cọ đời - nghề được vẽ lại chậm rãi đầy nâng niu. Những năm tháng về chiều, Hoạ sĩ Hoàng Giai cùng vợ tìm sự bình yên bên gia đình, con cháu và Phật pháp. Sau khi về hưu, nét cọ tài hoa vẫn cần mẫn góp bố cục, gam màu ở những ngôi chùa nghèo, với ông đó là cách để trả ơn đời, ơn nghề thiêng liêng.
Nắng đổ bên song cửa. Lời chia tay cứ nghèn nghẹn. Ai biết đời còn bao nhiêu cuộc hội ngộ đẹp như vầy. Tấm ảnh kỷ niệm chụp vội cứ cười hiền như nét cọ một đời chắt chiu...
Hoạ sĩ Hoàng Giai tên thật là Nguyễn Thanh Tòng, sinh năm 1939, tại Tiền Giang. Hơn 60 năm gắn bó với nghệ thuật, nét cọ tài hoa của Hoạ sĩ Hoàng Giai đã trải qua nhiều sân khấu cải lương lớn tại Sài Gòn như Hoa Sen, Kim Chưởng, Thanh Hương - Hùng Minh... Đặc biệt, ông đã có rất nhiều đóng góp cho sân khấu Đoàn Cải lương Hương Tràm (Cà Mau) sau năm 1975.
Năm 1985, ông xuất sắc đoạt Huy chương Vàng lĩnh vực mỹ thuật tại Hội diễn sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc với vở cải lương “Trước bình minh”.
Năm 1993 ông chính thức về hưu. Với nhiều cống hiến bền bỉ, ông vinh dự nhận Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Văn học - Nghệ thuật Việt Nam.
Theo Minh Hoàng Phúc / Báo Cà Mau
Khi mẹ là cô giáo
Chiến tranh kết thúc, mẹ tôi rời quân ngũ về làng rồi trở thành cô giáo. Làm con của cô giáo khiến tuổi thơ của tôi nhà cũng là trường mà trường cũng là nhà. Áp lực phải học giỏi, phải ngoan vì là con của cô giáo khiến tôi nhiều phen không còn là một đứa trẻ.
Cà Mau: Khởi công Dự án di tích lịch sử chiến thắng Đầm Dơi - Cái Nước - Chà Là hơn 100 tỷ
(NSMT) - Ngày 19/11, tỉnh Cà Mau tổ chức lễ khởi công xây dựng Dự án di tích lịch sử chiến thắng Đầm Dơi - Cái Nước - Chà Là được xếp hạng Di tích quốc gia ở huyện Đầm Dơi. Tham dự chương trình có ông Nguyễn Tiến Hải, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau cùng lãnh đạo và nhân dân địa phương.
Vì sao 19/11 được chọn làm Ngày Quốc tế Nam giới?
(NSMT) - Ngày Quốc tế Nam giới (còn gọi là Ngày Quốc tế Đàn ông) diễn ra vào ngày 19/11 hàng năm, là dịp quan trọng để tôn vinh những đóng góp của phái mạnh đối với xã hội và gia đình, đồng thời nâng cao nhận thức về các vấn đề sức khỏe, tâm lý và xã hội mà nam giới đang phải đối mặt. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về ý nghĩa của ngày lễ, những lời chúc ý nghĩa dành tặng nam giới và những món quà đặc biệt dành cho bạn trai trong dịp này.
Cha mẹ hướng con học 4 ngành này ra trường không lo thất nghiệp
Những ngành học này không chỉ đáp ứng nhu cầu nhân lực hiện tại mà còn hứa hẹn cơ hội việc làm rộng mở trong tương lai.
Vĩnh Long: Khai mạc Liên hoan Gia đình tài tử và Liên hoan Tiếng hát thanh niên Kinh - Hoa – Khmer
(NSMT) - Tối 17/11, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long phối hợp UBND huyện Mang Thít tổ chức khai mạc Liên hoan Gia đình tài tử và Liên hoan Tiếng hát thanh niên Kinh - Hoa - Khmer tỉnh Vĩnh Long năm 2024.
Uốn nắn con từ lời ăn, tiếng nói
Hiện nay, tình trạng trẻ vị thành niên nói tục, chửi thề, sử dụng tiếng lóng thiếu lành mạnh trong giao tiếp diễn ra khá phổ biến, gây không ít hệ lụy. Phụ huynh cần quan tâm uốn nắn, giáo dục con sửa đổi kịp thời những hành vi xấu…
Festival Gạch Gốm Đỏ - Kinh tế Xanh Vĩnh Long bước đi tiên phong, thể hiện sự đổi mới sáng tạo của địa phương
(NSMT) - Tối 16/11, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức lễ khai mạc Festival Gạch Gốm đỏ - Kinh tế Xanh tỉnh Vĩnh Long lần I năm 2024 tại Làng nghề sản xuất gạch, gốm kênh Thầy Cai (xã Nhơn Phú-huyện Mang Thít). Ông Hồ Đức Phớc - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ tới dự và phát biểu chỉ đạo.