Nếp nhà

Hôn nhân đổ vỡ, con lại về trong vòng tay cha

Thứ bảy, 08/06/2024, 17:39 PM

Sau mỗi cuộc hôn nhân đổ vỡ, điều hạnh phúc nhất có lẽ là những đứa con vẫn có thể tìm về với gia đình, với vòng tay cha mẹ, nơi họ được chở che và bảo vệ khỏi những sóng gió cuộc đời.

Hôn nhân vốn dĩ chưa bao giờ dễ dàng với bất kỳ ai. Khi hai người xa lạ yêu thương nhau, về chung một nhà, ai cũng khao khát vun vén một tổ ấm, cùng sinh con đẻ cái, sống với nhau tới trọn đời. Nhưng giữa ước mơ và thực tế luôn là một khoảng cách trời - vực.

Cuộc sống chung với muôn vàn khó khăn, những khác biệt trong suy nghĩ, lối sống đến những bất đồng trong nuôi dạy con cái,... khiến nhiều cặp vợ chồng phải “bỏ cuộc”. Đó là khi họ không còn chấp nhận được nhau, không còn chịu đựng nổi nhau và chẳng còn muốn cố gắng vì nhau nữa.

Lâu nay, khi nhắc đến vấn đề ly hôn, chúng ta luôn nghĩ rằng con cái của một gia đình đổ vỡ là người chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Thực chất, còn một đối tượng dễ sốc mà chúng ta đã bỏ qua, đó chính là cha mẹ hai bên.

Việc hạnh phúc của con cái đổ vỡ ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần của những người làm cha làm mẹ rất lớn, bởi vì dù có khôn lớn trưởng thành thì con cái vẫn là đứa con bé nhỏ của cha mẹ. Nhìn thấy đứa con của mình không hạnh phúc, chẳng cha mẹ nào có thể cảm thấy yên lòng.

Đứng trước việc con cái tan vỡ trong hôn nhân, mỗi bậc phụ huynh lại có cách đối mặt và xử lý khác nhau, có những giọt nước mắt lặng lẽ rơi, có những lời trách móc buông lơi,.. Nhưng có lẽ, sau tất cả cha mẹ nào cũng thương cho nỗi đau của con.

Trong số các tác phẩm gửi đến cuộc thi viết “Cha và con gái” lần thứ 2 do Tạp chí Gia đình Việt Nam tổ chức, tác phẩm “Bố ơi!” của tác giả Nguyễn Ánh Nguyệt (Hải Phòng) khắc họa hình ảnh người cha khi chứng kiến con gái 2 lần “lỡ đò” khiến ban tổ chức không khỏi xúc động.

n0-2-0936

Nhớ về 2 cuộc hôn nhân đã qua, tác giả chia sẻ mình kết hôn lần đầu khi đang học năm cuối đại học - cuộc hôn nhân mà miệng đời hay gọi là “cưới chạy bầu”. Biết mình mang thai, cô gái ngoài 20 lúc ấy không khỏi lo sợ, hốt hoảng, không dám nói với ai. Thế nhưng, cha cô lại phát hiện ra và nhẹ nhàng an ủi, bảo vệ con gái trước cơn tức giận của người mẹ.

“Chẳng hiểu sao bố biết, bố nhẹ nhàng gọi tôi vào phòng, động viên tôi chia sẻ với bố những điều tôi đang lo lắng… Bố im lặng lắng nghe, thỉnh thoảng lại vuốt tóc tôi, vỗ về tôi như đứa trẻ. Rồi bố lựa lời nói với mẹ, kiên nhẫn xoa dịu cơn giận khủng khiếp của mẹ về tội lỗi tày trời mà tôi đã gây ra. Với họ hàng và bà con lối xóm, tôi được ngợi khen là thông minh, xinh đẹp. Giờ hào quang ấy tắt ngấm, niềm tự hào của mẹ đang đi học phải cưới chạy thai, ô nhục biết nhường nào”, tác giả viết.

Có lẽ việc kết hôn khi còn quá trẻ khiến hai vợ chồng chưa ý thức được hết trách nhiệm làm cha mẹ, làm vợ chồng. Hôn nhân tan vỡ, tác giả đưa con về nhà ngoại. Khi ấy, chính cha cô một tay chăm sóc, dạy bảo cháu nhỏ.

Con vào đại học, tác giả quyết định bước thêm bước nữa nhưng số phận thật trớ trêu. Cô ly hôn và lại trở về với cha mẹ mặc bao lời đàm tiếu ngoài xã hội. Ở cái tuổi 40 với những vết thương trong quá khứ, đôi lần tác giả cảm thấy “sợ đàn ông”, quyết định ở vậy đợi con trai kết hôn, giúp con trông cháu. Thế nhưng, cha cô lại phản đối.

“Ai ngờ bố lại phản đối quan điểm “ở vậy” của tôi kịch liệt. Bố bảo tôi đừng sợ yêu, thậm chí rất nên yêu nếu gặp người đàn ông nào khiến tôi rung động. Tình yêu làm cho con người trẻ ra và thăng hoa. Bố mẹ dù có thương tôi đến mấy cũng không thể cho tôi cảm giác lứa đôi hạnh phúc. Tôi nghe bố nói mà ngạc nhiên đến ngỡ ngàng”, tác giả Nguyễn Ánh Nguyệt tâm sự.

Vậy mới thấy, dù con cái có lớn khôn trưởng thành hay dại dột non nớt, cha mẹ cũng đều mong muốn con có hạnh phúc của riêng mình. Cũng như người cha trong tác phẩm “Ba là ánh nắng trong đời của con” của tác giả Ngọc Nữ (TP Hồ Chí Minh), ông nghe cuộc điện thoại báo tin hủy hôn từ con gái trong tâm thế bình tĩnh mà chẳng hề trách móc, thở than.

Tác giả tâm sự: “Chúng tôi quen gần bốn năm, đã đi chụp hình và hẹn cuối năm đám cưới. Thậm chí tôi đã có thai trước. Nhưng… đôi khi cuộc đời sẽ gửi đến bạn những bài học bất ngờ”.

n0-1-2325

Mặc kệ những lời bàn tán của thiên hạ, người cha vẫn sẵn sàng đứng về phía con gái. Với ông, con gái 30 tuổi chưa lấy chồng cũng không sao, quan trọng là con phải tìm được người thật sự yêu thương mình, đừng vì vội mà chọn nhầm. Thế nhưng, ngay khi vừa cúp điện thoại, người cha lại chẳng thể kìm được nước mắt. Giọt nước mắt thương xót cho những tổn thương mà con gái phải trải qua: "Mãi rất lâu sau này em gái tôi mới kể lại là khi nói chyện điện thoại với tôi, ba tỏ ra mạnh mẽ bao nhiêu thì gác máy rồi ba ngồi thụp xuống khốn khổ bấy nhiêu. Ba ôm mặt khóc như một đứa trẻ. Khóc vì quá thương xót con mình, khóc vì sao ba luôn làm việc thiện tích đức cho con gái vậy mà giờ tôi lại rơi vào hoàn cảnh đớn đau này".

Chung một câu chuyện nhưng người cha trong tác phẩm “Ba - Người hùng suốt đời của con” của tác giả Nguyễn Thị Bích Nhàn (Phú Yên) lại có cách đối mặt hoàn toàn khác.

Tác giả chia sẻ, trong suốt thời gian chung sống, không ít lần cô chịu cảnh bạo hành từ người chồng “trăng hoa”. Nhiều lần cô bế con về nhà ngoại nhưng cha cô dù thương con cũng không bao giờ bênh con mù quáng: “Ba nói, con gái đã lấy chồng rồi, đâu đơn giản cứ thích thì một mình ẵm con về. Mẹ bênh con, nói ngang: nó bị chồng đánh đó. Nhưng ba vẫn kiên quyết phải nghe đầu đuôi từ hai phía rồi bảo con về”.

Sau khi kết hôn được năm năm, cả hai quyết định ly hôn. Cha của tác giả sau nghe tin đã lặn lội hàng trăm cây số tìm con rể mong cứu vớt cuộc hôn nhân nhưng chỉ chờ đợi trong vô vọng. Dẫu không mong con ly hôn nhưng khi chuyện đã lỡ, người cha ấy vẫn danh rộng vòng tay đón con gái trở về.

“Thật tệ, anh chỉ nhờ ba mẹ anh nói lại chứ không phải đích thân gọi điện nói với nhạc phụ một tiếng. Tôi buồn không kể xiết khi nhìn “người hùng” của đời tôi ra về bằng đôi mắt thăm thẳm buồn. Sau ly hôn, ba nói: mẹ con đừng lay lắt xứ người nữa, coi thu xếp về nhà, có ba có mẹ”, tác giả Nguyễn Thị Bích Nhàn giãi bày.

n0-2250

Đã một thời, người ta xem việc ly hôn là điều khủng khiếp nên dù đau khổ vẫn cắn răng chịu đựng với lý do để con cái có bố mẹ, để bố mẹ họ được ngẩng mặt nhìn họ hàng làng xóm, để chính mình không phải cúi mặt với đời.

Giờ đây, xã hội cởi mở hơn, giải phóng xiềng xích định kiến cổ hủ, người ta không còn cắn răng nín nhịn, dẹp bỏ cái tôi để cố gắng hàn gắn những rạn nứt của hôn nhân. Như cái điện thoại bị hỏng, thay vì đem đi sửa, họ mua điện thoại mới.

Nhưng mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh, không ai sống thay được cuộc hôn nhân của người khác để phán xét họ nên làm gì. Ai cũng có lý do riêng của họ, lý do mà với họ là chính đáng.

Điều quan trọng là sau mỗi cuộc hôn nhân đổ vỡ, đứa con vẫn có thể tìm về với gia đình, với vòng tay cha mẹ, nơi họ được chở che và bảo vệ khỏi những sóng gió cuộc đời.

Thể lệ cuộc thi viết chủ đề "Cha và con gái" lần thứ 2 năm 2024

Yêu cầu đối với bài dự thi

- Bài dự thi phải là những bài viết chưa đăng phát trên bất kỳ phương tiện truyền thông báo, đài hay mạng xã hội và chưa tham gia dự thi ở các cuộc thi khác. Viết về những câu chuyện có thật do tác giả là nhân vật hoặc người chứng kiến, những kỷ niệm, lời tâm tình, tự sự của cha dành cho con gái và ngược lại được thể hiện dưới dạng bài ghi chép, phóng sự, phỏng vấn, tản văn, nhật ký… Ban tổ chức khuyến khích các tác giả sử dụng hình ảnh thật của các nhân vật trong bài dự thi.

- Bài viết thể hiện bằng tiếng Việt, dung lượng 1.000 - 1.500 từ được in trên giấy hoặc gửi qua email do Ban tổ chức cung cấp.

- Mỗi tác giả được gửi tối đa ba (03) bài dự thi và phải chịu trách nhiệm về độ chân thực, tính chính xác về nội dung. Cấm sao chép, đạo văn của người khác dưới mọi hình thức.

- Bài dự thi được chọn đăng trên Tạp chí Gia đình Việt Nam sẽ được trả nhuận bút theo quy định và thuộc sở hữu của tòa soạn; tác giả không có quyền khiếu nại về bản quyền.

Đối tượng dự thi: Tất cả công dân Việt Nam trong và ngoài nước trừ những người là nhân sự của Ban Tổ chức, Ban giám khảo, các đơn vị tài trợ, đồng hành cùng cuộc thi.

Thời gian và địa chỉ nhận bài dự thi

- Thời gian nhận bài dự thi: Từ ngày 27/03/2024 đến ngày 10/06/2024 tính theo dấu bưu điện và thời gian nhận mail. Lễ tổng kết và Gala Trao giải diễn ra vào Ngày Gia đình Việt Nam 28/06/2024.

- Bài dự thi viết tay hoặc đánh máy gửi về Tòa soạn Gia đình Việt Nam. Địa chỉ: Số 2 đường Lê Đức Thọ, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội.

Ngoài bì thư ghi rõ: Bài dự thi "Cha và con gái" kèm thông tin tác giả, địa chỉ, số điện thoại. Ban tổ chức không chịu trách nhiệm nếu hồ sơ tham dự cuộc thi bị thất lạc hoặc hư hỏng do lỗi của bưu điện.

- Bài dự thi online gửi qua email: [email protected]

Giải thưởng

Cuộc thi viết “Cha và con gái” lần thứ 2 năm 2024 có cơ cấu giải thưởng gồm: 01 giải nhất, 02 giải nhì, 03 giải ba, 05 giải khuyến khích và 05 giải phụ.

Ngoài giải thưởng tiền mặt, các tác giả đạt giải còn được nhận giấy chứng nhận của Ban Tổ chức, được tặng 01 quyển sách có đăng các bài dự thi cùng quà (nếu có) của nhà tài trợ.

Ban Giám khảo cuộc thi

- Nhà thơ Hồng Thanh Quang - Trưởng ban giám khảo

- Nhà thơ Trần Hữu Việt - Vụ trưởng, Trưởng ban Văn hóa Văn nghệ Báo Nhân Dân

- Nhà văn Nguyễn Một

- Nhà văn, nhà báo Võ Hồng Thu - Báo Tiền phong

Thông tin chi tiết về cuộc thi xin liên hệ

- Tòa soạn Tạp chí Gia đình Việt Nam: Số 2 đường Lê Đức Thọ, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội.

+ Nhà báo Phan Khánh An - Tổng TKTS, Thành viên Ban tổ chức. Số điện thoại: 0975.470.476

+ Ms Bùi Thị Hải Én - Cán bộ toà soạn. Số điện thoại: 0973.957.126

- Email: [email protected].

Phương Anh  
Hơn nửa thế kỷ đắp xây hạnh phúc

Hơn nửa thế kỷ đắp xây hạnh phúc

Cưới nhau từ năm 1973, ông Võ Văn Hai và bà Nguyễn Thị Điệp (ngụ khu vực Bình Thường A, phường Long Tuyền, quận Bình Thủy) là tấm gương về xây dựng gia đình văn hóa, con cháu thành tài. Hơn nửa thế kỷ qua, họ đã nắm tay nhau vượt qua gian khó để cùng đi đến bến bờ hạnh phúc.

Tài sản lớn nhất cuộc đời là người vợ xấu, đất cằn và chiếc áo bông rách

Tài sản lớn nhất cuộc đời là người vợ xấu, đất cằn và chiếc áo bông rách

Tục ngữ có câu: “Ba tài sản lớn nhất của cuộc đời là người vợ xấu, đất cằn và chiếc áo bông rách”, nó chiếm bao nhiêu trong cuộc đời còn lại của bạn?

Vì sao ngày càng nhiều gia đình từ bỏ sàn gỗ?

Vì sao ngày càng nhiều gia đình từ bỏ sàn gỗ?

Xu hướng trang trí lát sàn gỗ từng rất phổ biến nhưng hiện nay nhiều gia đình không còn lựa chọn. Sàn gỗ có chăng chỉ được lắp trong phòng ngủ, các phòng khác đều được lát gạch men.

Về nhà - về với yêu thương

Về nhà - về với yêu thương

Ðối với nhiều người, ngôi nhà không chỉ để ở mà còn mang giá trị tinh thần đặc biệt. Ðó còn là gia đình với sự bao dung, chở che, nâng đỡ và trách nhiệm dành cho nhau. Cuộc sống đôi khi phải đối mặt với khó khăn, thử thách... những lúc ấy, điểm tựa lớn nhất không đâu khác mà chính là mái nhà và những người thân yêu của mình.

Có nên thiết kế phòng tắm trong phòng ngủ?

Có nên thiết kế phòng tắm trong phòng ngủ?

Với sự thay đổi trong lối sống và sự đa dạng hóa nhu cầu sinh hoạt, phòng ngủ chính có phòng tắm có còn đáp ứng được nhu cầu của các gia đình hiện đại hay không và nên giữ lại hay loại bỏ đã trở thành đề tài bàn luận sôi nổi.

Có nên tiết lộ cho con cái biết về tiền lương hưu, sổ tiết kiệm?

Có nên tiết lộ cho con cái biết về tiền lương hưu, sổ tiết kiệm?

Một người đàn ông 69 tuổi trăn trở: “Ở tuổi già, số tiền ký gửi này giống như một chiếc chìa khóa bí ẩn trong tay. Tôi không biết có nên trao lại cho con cháu hay không”.

Tâm thư gửi vợ ngày 20/10

Tâm thư gửi vợ ngày 20/10

Hạnh phúc là 365 ngày biết hài lòng chứ không phải chỉ một hai ngày hoan hỷ. Nếu không phải đánh đông dẹp bắc, anh cũng sẽ sẵn sàng ẵm con, nhặt rau để em lắp bóng đèn, sửa đường ống nước.