Khoe con trên mạng xã hội: Vui một chút, hại đeo đẳng lâu dài
Vô tư khoe các hình ảnh, thành tích học tập của con trên mạng xã hội là điều rất nhiều phụ huynh hiện nay đang làm. Tuy nhiên hành động này có thể mang đến những hệ lụy không lường trước được.
Lướt mạng xã hội, không khó để bắt gặp những dòng trạng thái, những bức ảnh trên trang cá nhân của các bậc phụ huynh chia sẻ về con cái, từ ngày sinh nhật, những hoạt động thú vị của con trong ngày đến thành tích học tập, bảng điểm, giấy khen của con.
Thói quen đăng tải hình ảnh của con lên mạng xã hội xuất phát từ mong muốn được chia sẻ với mọi người niềm vui và tình yêu với con, hoặc muốn khoe kết quả học tập của con. Đương nhiên, đã làm cha làm mẹ thì ai cũng muốn con mình ngoan ngoãn, học giỏi và việc khoe thành tích hay những khoảnh khắc trưởng thành của con để bạn bè, người thân chia sẻ niềm vui là không sai nhưng cũng để lại hệ lụy.
Khoe thành tích của con - Áp lực vô hình lên vai trẻ
Khoe con trên mạng xã hội, đặc biệt là thành tích học tập của con đã không còn là câu chuyện mới. Nhiều người cho rằng việc đưa kết quả học tập của học sinh lên mạng xã hội giúp trẻ cảm thấy tự hào vì được người lớn khen. Việc chia sẻ thành công của con giúp tạo động lực cho con, đồng thời cũng là niềm hãnh diện chính đáng của bố mẹ.
Phải khẳng định rằng, thích khen và thích động viên cũng là tâm lý chung của mọi người. Tuy nhiên, thực tế lại không phải như vậy. Việc “khoe điểm” của con trên mạng xã hội có thể sẽ giúp cha mẹ giải tỏa tâm lý bản thân tại thời điểm đó, song vô tình lại đem đến áp lực tâm lý cho rất nhiều người khác, thậm chí ngay cả với chính đứa con của mình. Bởi điều đứa trẻ cần là sự ghi nhận của bố mẹ trước những cố gắng của con chứ không phải là những lời khen xáo rỗng trên mạng xã hội.
Cha mẹ nào cũng kỳ vọng vào con. Do đó, khi con có thành tích tốt thì cha mẹ nào cũng vui. Thế nhưng, khi kết quả của con không cao hay khi nhìn bảng điểm “khủng” của các học sinh khác, nhiều bậc phụ huynh lập tức quay sang trách mắng, chì chiết rồi so sánh con mình với ”con nhà người ta”.
Trước sự kỳ vọng của cha mẹ, trẻ sẽ phải không ngừng nỗ lực để học giỏi, ngày càng đạt được những thành tích cao hơn nữa. Trẻ luôn phải để tâm đến việc thỏa mãn lòng tự hào của cha mẹ, luôn lo sợ nếu không làm cha mẹ hài lòng mà quên đi cảm nhận của bản thân, quên đi mình thực sự cần gì. Điều này làm trẻ xuất hiện tư duy học không phải cho chính mình mà là học vì cha mẹ. Con không được sống là chính con nữa.
Áp lực tâm lý này có thể ảnh hưởng đến con ngay cả khi con đã trường thành. Con sẽ luôn để ý cái nhìn của người khác, nỗ lực làm hài lòng người khác vì mong được người khác công nhận mà tự gây áp lực lên chính mình.
Vì vậy, cha mẹ cần dạy cho con hiểu, thành tích con đạt được sẽ "nhân thêm niềm vui" cho cha mẹ chứ không phải vì không đạt thành tích sẽ làm cho cha mẹ buồn. Phụ huynh cũng nên giúp trẻ không rơi vào tâm lý tự mãn khi đạt thành tích cao mà cần rèn luyện cho trẻ trong suy nghĩ phải luôn có sự nỗ lực phấn đấu.
Thực tế hiện nay vẫn có không ít bậc cha mẹ bị ám ảnh với suy nghĩ con mình phải giỏi, phải thành công hơn “con nhà người ta”. Nhiều cha mẹ khao khát được người khác ngưỡng mộ mình thông qua thành tựu của con. Vì thế, cha mẹ đang vô hình biến con cái trở thành công cụ để đi khoe với người khác, để mọi người công nhận mình mà không thật sự quan tâm đến cảm xúc, suy nghĩ, ước mơ của con.
Tự hào về con nhưng cha mẹ cũng đừng quên, những đứa trẻ đạt điểm số cao khi đang đi học chưa chắc là những người thành công trong cuộc sống sau này. Điều quan trọng là phụ huynh phải biết cân bằng giữa việc học kiến thức với trau dồi các giá trị sống, kỹ năng sống cho con.
Cần nhớ rằng cái đích cuối cùng, đó là giúp các con nhận thức được giá trị thực sự của việc học, rằng giấy khen, điểm số chỉ là vỏ bọc bên ngoài, giá trị năng lực thực sự của bản thân mới là điều các con cần.
Khoe con hay hại con?
Ngoài tạo áp lực cho trẻ, việc khoe con trên mạng xã hội còn tiềm ẩn nguy cơ lộ thông tin gây mất an toàn cho trẻ.
Mạng xã hội như chúng ta đều biết, là nơi thông tin đến được với tất cả mọi người. Không ít bậc cha mẹ đang chia sẻ hình ảnh về con một cách quá đà, từ những khoảnh khắc rất riêng tư của con đến kết quả học tập chi tiết, thậm chí đăng tải gần như tất cả mọi thông tin, hình ảnh của con trẻ mà không lường trước những hệ lụy có thể xảy ra.
Từ thông tin cá nhân của trẻ như tên tuổi, địa chỉ, trường lớp, điểm số, bạn bè thân, những địa điểm vui chơi trẻ từng đến hoặc thường xuyên tham gia… kẻ xấu có thể lợi dụng tiếp cận trẻ qua các mạng xã hội để dọa nạt, khống chế, thực hiện hành vi lừa đảo, thậm chí xâm hại trẻ em.
Một báo cáo được công bố mới đây cho biết, hiện có đến 46 triệu hình ảnh, video khác thường có liên quan đến chủ đề bóc lột, lạm dụng tình dục trẻ em trong kho lưu trữ của Europol (Cục Cảnh sát châu Âu). Ngân hàng Barclays đã cảnh báo rằng, vào những năm 2030, sẽ có khoảng 7,4 triệu vụ trộm danh tính có thể xảy ra mỗi năm. Đó là hệ quả để lại sau khi thế hệ cha mẹ hiện nay "vô tình" công khai mọi thông tin của con cái lên mạng xã hội.
Cách đây không lâu, nhiều phụ huynh đã bị lừa đảo số tiền lớn với chiêu thức con bị cấp cứu. Ngoài ra, khi cha mẹ đăng tải những bức ảnh hay clip ghi lại những hình ảnh không đẹp, những câu chuyện về lỗi lầm của con hay kết quả học tập chưa tốt khiến sự riêng tư của con bỗng nhiên được công khai cho hàng trăm hàng ngàn người soi mói, bàn tán.
Điều này khiến trẻ có thể phải hứng chịu những tổn thương về tinh thần khi bị chỉ trích, chê bai, phán xét. Trẻ phải đối mặt với chính những hình ảnh không đẹp của mình khi chúng đã lớn lên.
Khoe con trên mạng xã hội, điều này không sai nhưng nó chỉ thật sự đúng đắn khi các bậc phụ huynh lắng nghe ý kiến của con, thấu hiểu được những mong muốn của con mình. Điều quan trọng nhất với mỗi cha mẹ là hành trình cùng con trưởng thành chứ không phải những bài đăng khoe khoang việc nuôi dạy con thành công trên mạng. Chỉ khi hiểu được điều này, các bậc phụ huynh sẽ biết mình nên đăng gì về con trên mạng xã hội.
Uốn nắn con từ lời ăn, tiếng nói
Hiện nay, tình trạng trẻ vị thành niên nói tục, chửi thề, sử dụng tiếng lóng thiếu lành mạnh trong giao tiếp diễn ra khá phổ biến, gây không ít hệ lụy. Phụ huynh cần quan tâm uốn nắn, giáo dục con sửa đổi kịp thời những hành vi xấu…
Cùng con vui đọc sách
Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, nhất là mạng internet, khiến cho mạng xã hội, trò chơi điện tử, phim ảnh... ngày càng phổ biến, trở thành những thú vui giải trí đầy hấp dẫn, lấn dần văn hóa đọc ở người trẻ. Ðiều này khiến không ít bậc phụ huyh lo ngại nhưng cũng có nhiều phụ huynh làm gương, kiên trì định hướng để xây dựng thói quen đọc sách cho con.
Bí quyết "5 chữ" dạy 3 con gái thành CEO và giáo sư đại học nổi tiếng thế giới
Gia đình giáo sư Stanley Wojcicki nổi tiếng khi có 3 cô con gái là CEO, giáo sư tài năng, nổi tiếng. Điều này xuất phát từ phương pháp dạy con đặc biệt gồm 5 chữ của ông và vợ.
4 điều về già tuyệt đối không nói với con nhất là chuyện tài sản
Cha mẹ có nhiều điều để nói nhưng có 4 điều về già tuyệt đối không nói với con trong đó quan trọng nhất là chuyện phân chia tài sản khi nói ra dễ sinh vấn đề.
Trẻ thích làm việc nhà ít thất nghiệp, hạnh phúc hơn trong tương lai
Một trong những cách hiệu quả để phát triển kỹ năng sống và tạo dựng nhân cách cho trẻ chính là khuyến khích các bé làm những việc nhỏ, ví dụ như một số việc nhà đơn giản.
Nêu gương sáng cho con
Những năm đầu đời, trẻ có khả năng học hỏi rất nhanh. Trẻ thường xuyên tiếp xúc với ba mẹ và có khả năng bắt chước những biểu hiện, lời nói, cử chỉ, thậm chí là cảm xúc tích cực và tiêu cực từ ba mẹ. Do vậy, tính cách của con trẻ phần lớn phụ thuộc vào sự dạy bảo, rèn giũa của cha mẹ. Có rất nhiều phương pháp giáo dục trẻ nhỏ và một trong những phương pháp tốt là sự gương mẫu của đấng sinh thành.
5 thói quen phải uốn nắn cho con trước 6 tuổi, sau tuổi này muốn dạy cũng khó
Những thói quen xấu của trẻ nếu không được chỉnh sửa, uốn nắn ngay từ khi còn nhỏ có thể hủy hoại tương lai của trẻ, cản trở khả năng giao tiếp và các mối quan hệ xã hội.