Nuôi con

Kỳ nghỉ hè đáng nhớ: Anh rửa xe, em làm phụ bếp

Thứ ba, 11/06/2024, 10:55 AM

11 tuổi, nghỉ hè, Sơn đến làm việc cả ngày tại tiệm rửa xe. Loan, cô em gái kém Sơn 2 tuổi được nhận làm phụ bếp cho một nhà hàng. Buổi sáng, bố chở hai anh em đến chỗ làm bằng xe ô tô; buổi chiều mẹ đón bằng xe… bốn bánh. Nhiều người tự hỏi: đang diễn ra chuyện gì ở gia đình nọ?

Thái Sơn, 11 tuổi trải nghiệm tại một tiệm rửa xe cách nhà 5km. Ảnh: gia đình cung cấp

Thái Sơn, 11 tuổi trải nghiệm tại một tiệm rửa xe cách nhà 5km. Ảnh: gia đình cung cấp

Nghỉ hè được một tuần, bố mẹ đưa ra 2 lựa chọn chọn dành cho anh em Sơn: hoặc tiếp tục theo chương trình “học kỳ quân đội” như năm ngoái, hoặc lựa chọn một trải nghiệm mới, khắc nghiệt không kém nhưng có… thu nhập thêm. Không chút đắn đo, cả hai anh em đều đồng ý với thử thách mới để kiếm thêm thu nhập.

6h sáng hôm sau, thay vì được ngủ nướng như những đứa trẻ khác mới bước vào kỳ nghỉ hè, anh em Sơn đã phải dậy sớm vệ sinh cá nhân, ăn sáng chuẩn bị đến… nhận việc.

Sơn 11 tuổi, chuẩn bị lên lớp 6 sẽ làm việc tại tiệm rửa xe. Loan 9 tuổi, sắp lên lớp 4 sẽ làm phụ bếp cho một nhà hàng đồ ăn nhanh. Vị trí làm việc của hai anh em chỉ cách nhau hơn 1 cây số để bố mẹ tiện đưa đón. Buổi sáng, bố chở hai anh em đến chỗ làm bằng xe ô tô; buổi chiều mẹ đón bằng xe… bốn bánh. Thù lao của Sơn và Loan là 50k/ ngày công và được trả đều đặn hằng tuần qua tài khoản của mẹ.

Loan, 9 tuổi nhận 'phục vụ' tại một nhà hàng với thù lao 50k/ngày. Ảnh: Gia đình cung cấp

Loan, 9 tuổi nhận "phục vụ" tại một nhà hàng với thù lao 50k/ngày. Ảnh: Gia đình cung cấp

Ngày làm việc đầu tiên của Sơn diễn ra khá suôn sẻ. Chàng trai 11 tuổi vốn đã quen với việc giúp bố rửa xe, giúp mẹ lau nhà, rửa bát, trông em nên bắt nhịp khá nhanh. Nói là rửa xe nhưng thực ra Sơn chỉ xịt nước, lau khô, các công việc nặng nhọc khác đều do người lớn làm.

Cũng như anh trai, Loan bắt đầu công việc phụ bếp một cách khá tự nhiên. Cô bé 9 tuổi nhưng tự lập sớm, biết rửa bát từ năm lớp 1 nên những công việc ở nhà hàng như nhặt rau, bóc hành, sắp bát đũa, Loan làm thoăn thoắt. Nhìn một phụ bếp nhỏ tuổi khoác trang phục nhà hàng nhí nhảnh nói cười ai cũng cảm thấy đáng yêu.

Bố Loan, anh Thọ, 42 tuổi nói đã nghiên cứu rất kỹ trước khi quyết định cho hai con đi rửa xe và phụ bếp. “Nghe phụ bếp và rửa xe có vẻ khá nặng nhọc nhưng thực ra cả 2 tiệm trên đều là chỗ quen biết. Sơn và Loan đến đó làm những việc phụ giúp nhẹ nhàng để các con có thêm trải nghiệm, biết yêu lao động. Việc được trả công 50k như là bài học vỡ lòng dạy các con về việc kiếm tiền thì phải đổ mồ hôi, công sức, không có bữa tiệc nào miễn phí cả”, anh Thọ lý giải.

Bố của Sơn cho rằng: trải nghiệm này là cần thiết, như bài học vỡ lòng về giá trị của lao động. Ảnh: Gia đình cung cấp

Bố của Sơn cho rằng: trải nghiệm này là cần thiết, như bài học vỡ lòng về giá trị của lao động. Ảnh: Gia đình cung cấp

Chị Huế, vợ anh Thọ, phó giám đốc một công ty kinh doanh lĩnh vực thực phẩm cho hay, hè năm ngoái, sau khóa “học kỳ quân đội”, hai anh em Sơn và Loan đã từng được trải nghiệm giúp việc làm nem tại cơ sở của gia đình. Tuy nhiên, do môi trường làm việc toàn người quen, anh em họ hàng nên cả hai chưa có ý thức làm việc tập thể, thích thì làm, không thích thì chơi.

 “Năm nay, sau tuần đầu với trải nghiệm mới, cả hai anh em đều có tiến bộ rõ rệt. Riêng khoản giờ giấc, tác phong có sự chuyển biến trông thấy. Có hôm hai con còn dậy sớm gọi bố mẹ đưa đi làm”, bà mẹ 35 tuổi hào hứng kể.

Theo lịch làm việc, Sơn và Loan sẽ tuân thủ 8 giờ/ngày, một tuần 5 buổi, thứ 7, Chủ Nhật nghỉ. Tranh thủ ngày nghỉ, cuối tuần qua, hai anh em được bố mẹ cho về quê tắm mưa, đá bóng, đánh cầu lông với bạn bè cùng xóm.

Nói là phụ bếp nhưng công việc của Loan khá nhẹ nhàng chỉ là nhặt rau, bóc hành, trải khăn... Ảnh: Gia đình cung cấp

Nói là phụ bếp nhưng công việc của Loan khá nhẹ nhàng chỉ là nhặt rau, bóc hành, trải khăn... Ảnh: Gia đình cung cấp

Gia đình có công ty riêng, kinh tế khá ổn, mặc dù bận rộn nhưng từ lâu, anh chị Thọ Huế đã không sử dụng người giúp việc. Từ nhỏ, Sơn và Loan đã trở thành những trợ thủ đắc lực cho mẹ trong công việc nhà như cắm cơm, rửa bát, quét nhà, trông em... Tính tự lập của hai anh em đã hình thành từ bé nhưng theo anh Thọ, nếu không duy trì các trải nghiệm cần thiết, phù hợp, mấy tháng nghỉ hè, tivi, smartphone trong bốn bức tường có thể khiến các cháu quên việc, chểnh mảng, ỷ lại.

Gia đình dự định cho các con trải nghiệm rửa xe, phụ bếp khoảng 1 tháng. Toàn bộ số tiền thù lao sẽ được gom vào quỹ tiết kiệm của hai anh em, được bố mẹ công khai và hướng dẫn sử dụng vào những việc có ích như mua sách, mua đồ chơi, ủng hộ từ thiện…

Là người làm kinh doanh, chị Huế nói việc cho các cháu trải nghiệm ban đầu cũng có chút băn khoăn. Bà mẹ của 3 con lo ngại mọi người nghĩ gia đình ép các cháu làm việc quá sớm, quá sức. Mặt khác, theo chị Huế, về nguyên tắc không cơ sở nào được phép sử dụng lao động trẻ em.

Chị Phạm Huế, mẹ của Sơn và Loan nói sẽ cho con trải nghiệm khoảng 1 tháng. Ảnh: Gia đình cung cấp

Chị Phạm Huế, mẹ của Sơn và Loan nói sẽ cho con trải nghiệm khoảng 1 tháng. Ảnh: Gia đình cung cấp

“Mình cũng tham gia điều hành doanh nghiệp nên mình hiểu quy định về sử dụng lao động. Tuy nhiên, thực tế đó là trải nghiệm chứ không phải lao động theo đúng nghĩa. Các con được làm những việc vừa sức, bản thân cảm thấy yêu thích cũng làm niềm vui, hạnh phúc của chính các con. Vấn đề là quan điểm của các bậc cha mẹ, một mặt không nên nuông chiều nhưng mặt khác cũng không được ép các con quá. Làm sao để tuổi thơ của các con có được những trải nghiệm thú vị nhất, qua đó giúp các con trưởng thành”, chị Huế chia sẻ.

Cũng theo chị Huế, mỗi năm đến hè, gia đình đều tìm một chủ đề phù hợp để các con trải nghiệm. Dù lao động trải nghiệm hay vui chơi, tất cả phải cảm thấy có ích và hạnh phúc. Nếu thiếu một trong hai tiêu chí ấy, gia đình sẽ không lựa chọn.

---> Mùa hè bổ ích, an toàn

Quang Duy  
Uốn nắn con từ lời ăn, tiếng nói

Uốn nắn con từ lời ăn, tiếng nói

Hiện nay, tình trạng trẻ vị thành niên nói tục, chửi thề, sử dụng tiếng lóng thiếu lành mạnh trong giao tiếp diễn ra khá phổ biến, gây không ít hệ lụy. Phụ huynh cần quan tâm uốn nắn, giáo dục con sửa đổi kịp thời những hành vi xấu…

Cùng con vui đọc sách

Cùng con vui đọc sách

Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, nhất là mạng internet, khiến cho mạng xã hội, trò chơi điện tử, phim ảnh... ngày càng phổ biến, trở thành những thú vui giải trí đầy hấp dẫn, lấn dần văn hóa đọc ở người trẻ. Ðiều này khiến không ít bậc phụ huyh lo ngại nhưng cũng có nhiều phụ huynh làm gương, kiên trì định hướng để xây dựng thói quen đọc sách cho con.

Bí quyết

Bí quyết "5 chữ" dạy 3 con gái thành CEO và giáo sư đại học nổi tiếng thế giới

Gia đình giáo sư Stanley Wojcicki nổi tiếng khi có 3 cô con gái là CEO, giáo sư tài năng, nổi tiếng. Điều này xuất phát từ phương pháp dạy con đặc biệt gồm 5 chữ của ông và vợ.

4 điều về già tuyệt đối không nói với con nhất là chuyện tài sản

4 điều về già tuyệt đối không nói với con nhất là chuyện tài sản

Cha mẹ có nhiều điều để nói nhưng có 4 điều về già tuyệt đối không nói với con trong đó quan trọng nhất là chuyện phân chia tài sản khi nói ra dễ sinh vấn đề.

Trẻ thích làm việc nhà ít thất nghiệp, hạnh phúc hơn trong tương lai

Trẻ thích làm việc nhà ít thất nghiệp, hạnh phúc hơn trong tương lai

Một trong những cách hiệu quả để phát triển kỹ năng sống và tạo dựng nhân cách cho trẻ chính là khuyến khích các bé làm những việc nhỏ, ví dụ như một số việc nhà đơn giản.

Nêu gương sáng cho con

Nêu gương sáng cho con

Những năm đầu đời, trẻ có khả năng học hỏi rất nhanh. Trẻ thường xuyên tiếp xúc với ba mẹ và có khả năng bắt chước những biểu hiện, lời nói, cử chỉ, thậm chí là cảm xúc tích cực và tiêu cực từ ba mẹ. Do vậy, tính cách của con trẻ phần lớn phụ thuộc vào sự dạy bảo, rèn giũa của cha mẹ. Có rất nhiều phương pháp giáo dục trẻ nhỏ và một trong những phương pháp tốt là sự gương mẫu của đấng sinh thành.

5 thói quen phải uốn nắn cho con trước 6 tuổi, sau tuổi này muốn dạy cũng khó

5 thói quen phải uốn nắn cho con trước 6 tuổi, sau tuổi này muốn dạy cũng khó

Những thói quen xấu của trẻ nếu không được chỉnh sửa, uốn nắn ngay từ khi còn nhỏ có thể hủy hoại tương lai của trẻ, cản trở khả năng giao tiếp và các mối quan hệ xã hội.