Mẹ là linh hồn của Tết!
Tháng chạp, thời tiết miền Bắc lạnh như đóng băng nhưng không khí tết thì cứ sôi động ồn ào khắp nơi. Mùa xuân đang len vào từng con phố, ngõ xóm mang theo ấm áp và sự chờ đợi.
Cô hối hả đi, về tất bật chuẩn bị cho ngôi nhà của mình, cho chồng, cho con đón một năm mới sắp đến như bất cứ người phụ nữ nào trên thế giới này. Thiên chức ấy dường như không người đàn bà nào chối bỏ, họ làm mọi việc miệt mài… Cô cũng thế, và những lúc tưởng như không thể vượt qua được những khó khăn vất vả, cô lại nhớ mẹ… Nhớ cách mẹ gom góp chắt chiu hạnh phúc. Nhớ những tháng năm được quây quần đầm ấm bên gia đình. Nhớ những cái tết đầy yêu thương mà chỉ có về bên mẹ, ở trong lòng mẹ cô mới cảm nhận được đầy đủ hương vị linh thiêng của nó…
Thời xa xưa, ngôi nhà vách đất, mái lá của mẹ, mùa hè vút cao bóng cây đào cổ thụ gió lùa mát rượi, mùa đông bếp lửa ấm sực khói lá bạch đàn khô thơm ngát. Chị em cô lớn lên trong sự nhẫn nại chịu đựng của cha, trong sự tần tảo hy sinh của mẹ. Chị em cô cùng bố mẹ làm tất cả những việc mà một gia đình công nhân đông con cần phải làm để trang trải cuộc sống. Vất vả nhưng cũng đầy thi vị…
Sướng nhất là dịp sắp tết, nhà nào nhà ấy chuẩn bị nhộn nhịp, bọn trẻ con sống trong trạng thái lâng lâng suốt cả tháng trời. Tết là dịp chúng được ăn thịt, ăn bánh, ăn chè, là được mặc những bộ quần áo mới và tung tăng khắp nơi… Chúng chẳng biết để chuẩn bị tết thì bố mẹ chúng vất vả thế nào. Nhất là mẹ, có lẽ ăn cái tết này xong mẹ đã lại chuẩn bị cho cái tết sau. Rồi ngoài giờ làm ở nhà máy mẹ còn làm thêm đủ thứ việc để dành tiền trang trải cho cái tết. Mẹ bảo cả năm vất vả rồi đến Tết phải đàng hoàng, và cứ thế mẹ đầu tắt mặt tối…

Ảnh minh họa
Ngày ấy cô và lũ em trai như bất cứ đứa trẻ con nào đều ham chơi và chưa biết thương mẹ. Việc ở nhà máy bận rộn nhưng hai mươi tháng chạp là mẹ đã bắt đầu chuẩn bị rục rịch cho Tết. Nào phơi gạo ủ lúa làm kẹo mạch nha, nào ủ lá làm bánh mật, ủ cơm rượu nếp. Nào lá dong, đồ đỗ, trộn vừng, muối hành, muối kiệu… bao nhiêu là việc, vậy mà sai đứa con nào cũng có lý do để không phải làm. Ngày hai mươi ba tết, mẹ đi làm về là xắn tay làm mâm cơm thắp hương ông táo, bố thì đi làm ca, chị em cô thì chỉ chạy lăng xăng lo thả cá chép. Ba mươi tết là ngày mẹ nhiều việc nhất, nào gói bánh chưng, đồ xôi, thịt gà, nấu chè… việc gì mẹ cũng phải nhúng tay vào mới xong.
Ngày hôm nay bố chỉ ngồi uống trà đàm đạo chuyện trời đất với mấy bác hàng xóm, chị em cô thì mải mê quấn pháo giấy, chẳng ai để ý đến mẹ… Cho đến khi nồi bánh chưng lịch xịch sôi trên bếp, mâm cơm cúng tất niên dọn trên bàn thờ, và những đĩa chè nóng hổi tỏa hương ngọt ngào khắp nhà thì mẹ lại lúi húi cắm bình hoa, bầy đĩa mứt… Đến qua giao thừa mẹ vẫn còn dọn dẹp để ngày mai mồng một tết - một ngày đầu năm mới toàn vẹn cho may mắn đầy nhà…Những cái tết của mẹ đầm ấm linh thiêng cứ thế trôi qua tuổi thơ cô êm đềm hạnh phúc...
Rồi cô lấy chồng, có con và bắt đầu trải qua cái tết đầu tiên của chính mình. Vắt chân lên cổ với công việc ở cơ quan, chiều hai mươi ba tết chạy vào siêu thị mua gà, mua giò, mua nem, mua xôi, mua cá chép… xếp cả vào mâm cúng ông công ông táo. Chủ nhật nghỉ thuê người dọn dẹp, lau chùi nhà cửa, rửa dáy bát đĩa, đồ cúng lễ. Sáng ba mươi tết, gà đã có chị bán gà thịt hộ, xôi đã có bà bán xôi nấu hộ, bánh chưng, chè, mua sẵn dăm cái, ba đĩa… Rồi xúc xích, thịt nguội, dăm bông, cá hồi, bò úc… chất hết vào tủ lạnh. Chiều ba mươi tết, chồng đi tất niên với bạn bè, con thì cứ quấn lấy chân không cho mẹ làm, cô một mình đầu tóc rối bù, chạy qua chạy lại… Tất cả đã đặt làm sẵn rồi mà sao vẫn vất vả thế… Gần giao thừa chồng mới loạng choạng về trong hơi men.
Mâm cơm giao thừa cũng đã sẵn sàng, nhà cửa cũng đã gọn ghẽ, nhưng cô thì bơ phờ cầm điện thoại gọi cho mẹ và nức nở khóc… “Tết là của phụ nữ mà con! Cả nhà ăn tết thế nào, không khí đón năm mới ra sao đều do tự tay con sắp đặt cả đấy, cứ xác định như thế con sẽ thấy mọi việc nhẹ nhàng… Cứ từ từ mà làm kẻo mệt con nhé… Mẹ ở xa quá chẳng giúp được gì…” Giọng mẹ ấm áp và nghèn nghẹn… Cô thấy lòng vơi bớt…

Ảnh minh họa
Từ đó tết năm nào cô cũng tự tay chuẩn bị. Hai đứa con đã lớn, ở thành phố không có điều kiện gói bánh luộc bánh chưng thì cô cho con đến trải nghiệm ở trung tâm kỹ năng. Cô luôn nhớ cảm giác hồi hộp khi chị em cô được ngồi quanh nồi bánh chưng để chờ vớt cái bánh “mụn”. Lũ trẻ nhà cô cũng thế, chúng hào hứng, phấn khởi chờ đợi giây phút vớt những chiếc bánh chưng nóng hổi… Cỗ bàn cô làm theo hiểu biết của mình, có món cổ truyền cô học từ mẹ, có món hiện đại cô tiếp thu trong thực tế, trong nhu cầu sở thích hàng ngày của chồng con.
Vậy là mâm cỗ nhà cô có cả thịt đông, nem rán, có cả dăm bông, thịt nguội… Nhà cửa cô cũng trang hoàng theo cách của mình. Chỗ này bầy bình hoa Tuylips, lẫn hồng Pháp, chỗ kia bầy lọ hoa thược dược lẫn violet, lay dơn… Bọn trẻ bảo: “Mẹ đa phong cách quá!”, ông xã thì xuýt xoa: “Anh chẳng thấy ai làm nem ngon bằng em!”.
Cô biết chồng con thích cách “làm tết” của mình. Bằng chứng là ông xã đề nghị được tổ chức tất niên tại nhà, và cũng xắn tay áo giúp vợ nấu nướng. Đơn giản là muốn khoe với bạn bè tài nấu nướng bầy biện của vợ. Bọn trẻ thì luôn hào hứng ăn những món mẹ nấu và luôn sẵn sàng về nhà ăn cơm. Bạn bè thì bảo Tết nhà cô ấm cúng và tinh tế lắm…
Công việc cơ quan vẫn bận rộn thế, vẫn vội vàng thế, nhưng cô tìm cách sắp xếp để không quá áp lực mỗi khi Tết đến nữa. Và chính những thứ cô tự làm, tự lo liệu, tự sắp đặt ấy chẳng biết tự bao giờ đã mặc định trong cô một cách say sưa tâm huyết chẳng ai làm thay khiến cô thấy vừa ý…
Giờ thì cô nghĩ về mẹ, đã biết bao nhiêu cái tết mẹ cặm cụi nấu nướng, bày vẽ một mình không hề than vãn. Bây giờ khi đã làm mẹ, cô nhận ra rằng sở dĩ mẹ chẳng kêu ca phàn nàn gì, chẳng cho đó là hy sinh, là chịu đựng, là thiệt thòi, là bởi vì dường như choán hết trong tâm trí người làm mẹ, làm vợ luôn là chăm sóc vun vén cho chồng con. Và cứ mỗi năm Tết đến trong mỗi ngôi nhà dù giản dị hay sang trọng thì có lẽ tết chỉ thực sự đến khi ở đó tràn ngập hơi ấm của người mẹ.
Ánh mặt trời của năm mới tràn ngập hiên nhà, cành đào cổ thụ trĩu hoa xà xuống sân như tà áo lụa hồng thướt tha. Cha ngồi thư thái mãn nguyện bên tách trà, mẹ đứng tựa cửa đón cô trong khói hương trầm cay cay khóe mắt… Ào vào lòng mẹ, hít hà, ôm ấp, giống như thời còn thơ bé, cô thổn thức xúc cảm bình yên hạnh phúc, lòng cô thốt lên “Mẹ ơi! mẹ là Tết của đời con! Mẹ chính là linh hồn của Tết!”
Tuổi trẻ Công an Sóc Trăng tổ chức Chương trình “Hành trình tình nguyện - Trao nhận yêu thương”
Ngày 25/3, Ban Thanh niên Công an tỉnh Sóc Trăng tổ chức các hoạt động chào mừng kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2025) trên địa bàn huyện Thạnh Trị, huyện Mỹ Xuyên và thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng.
Học sinh Sóc Trăng đạt giải cao tại Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia
Ngày 21.3, tại Trường Đại Học Tôn Đức Thắng (TP.Hồ Chí Minh) đã diễn ra bế mạc Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật (KHKT) cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2024-2025. Cuộc thi do Bộ GD&ĐT, UBND TP.Hồ Chí Minh, Sở GD&ĐT TP.Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức. Tại cuộc thi này, học sinh Sóc Trăng đã xuất sắc đạt giải cao.
Cần Thơ: Trường THPT An Khánh tổ chức Hội thi Nét đẹp học đường lần thứ V năm 2025
(NSMT) - Ngày 25/3, anh Thạch Quốc Phong - Bí thư Đoàn Trường THPT An Khánh, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ cho biết, vừa tổ chức thành công Chung kết Hội thi Nét đẹp học đường Trường THPT An Khách lần thứ V năm 2025.
Cần Thơ: Trường THPT Châu Văn Liêm tổ chức hội trại Chào mừng 94 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh
(NSMT) - Nhân dịp kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2025), Trường THPT Châu Văn Liêm (quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ) đã tổ chức nhiều hoạt động trong ngày Hội trại truyền thống 26/3 nhằm tạo sân chơi vui tươi, năng động cho các em học sinh.
Cần Thơ: Nâng cao giá trị hạnh phúc gia đình thông qua hội thi nấu ăn
Một cuộc thi “mini” về nấu ăn cho các gia đình để nâng cao nhận thức cán bộ, công chức, người lao động về tầm quan trọng của hạnh phúc gia đình đã được tổ chức tại một xã vùng sâu của Cần Thơ.
Cần Thơ: Phường Thới Bình tổ chức Họp mặt kỷ niệm 12 năm Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3
(NSMT) - Uỷ ban nhân dân phường Thới Bình, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ vừa tổ chức Họp mặt kỷ niệm 12 năm Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3; Tọa đàm “Chìa khóa gìn giữ hạnh phúc gia đình” và Tuyên dương các Gia đình văn hóa tiêu biểu.
Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam là một viên ngọc quý trong kho tàng di sản
(NSMT) - Tối 19/3 (nhằm 20/2 âm lịch), tại Khu du lịch quốc gia Núi Sam (phường Núi Sam, TP. Châu Đốc) Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp UBND tỉnh An Giang, Ủy ban quốc gia UNESCO tại Việt Nam đồng chủ trì tổ chức Lễ đón bằng UNESCO ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Khai hội Vía Bà năm 2025.