Nếp nhà

Mùi Tết cũ

Thứ tư, 07/02/2024, 18:10 PM

Ngoảnh đi ngoảnh lại một mùa xuân nữa lại về. Bọn trẻ con chúng tôi lại thêm một tuổi. Những năm tôi còn bé như chúng nó bây giờ, cứ những ngày tháng chạp, tôi lại hỏi mẹ “Bao giờ thì đến Tết? Tết này con được đi những đâu? Nhà mình có những gì? Mẹ nhớ đợi con đi học về rồi hãy đi chợ nhé!”. Hồi đó, tôi háo hức lắm.

Háo hức và chờ đợi “mùi Tết”. Mùi của những ngày trời bàng bạc, âm u, rét thậm chí như cắt da cắt thịt. Nhưng vẫn thích được bà gọi: Quang Minh ơi dậy đi chợ với bà nào! Thích cảm giác nấn ná trong chiếc chăn bông con công ấm ơi là ấm nhưng rồi cuối cùng vẫn dũng cảm tung chăn nhỏm dậy, lũn cũn chạy theo bà.

Tôi nhớ cái rộn ràng, tấp nập của đường quê trong những ngày giáp Tết. Bà tôi cùng mấy bà trong xóm cắp chiếc thúng bên sườn, vừa đi vừa bỏm bẻm nhai trầu và nói với nhau về việc sắm tết. Đến cổng chợ, thế nào bà cũng dặn tôi: bám vào áo bà nhé không lạc đấy. Tôi sẽ bấu lấy gấu chiếc áo bông đen của bà nội nhưng mắt hấp háy nhìn những hàng tò he với những con gà, con lợn hay bông hoa hồng xanh xanh đỏ đỏ ở cổng chợ. Những con tò he đó chơi xong còn ăn được nữa.

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Nhớ làm sao đêm giao thừa, tôi cứ ôm khư khư con lợn nhựa. Hồi ấy, tôi chẳng biết đồng xanh, đồng đỏ đồng nào có giá trị hơn. Chỉ biết, khi bố mẹ mừng tuổi những tờ tiền mới cứng cựa, tôi đã vô cùng tiếc rẻ, ngập ngừng mãi mới gấp nó lại và thả vào qua cái lỗ khoảng ba cm rồi cứ ghé mắt qua cái lỗ nhỏ ấy nhìn mãi.

Những năm ấy hình như là mới có tiền xu. Tôi còn nhớ, bố mừng tuổi cho anh em tôi mấy đồng tiền vàng, mỗi khi nhét vào, tôi cứ đưa con lợn lên gần tai, lắc lấy lắc để nghe lộc cộc rất vui tai. Nhưng, nhà quê mà, sau Tết chẳng mấy ai dành dụm được số tiền mừng tuổi ít ỏi ấy. Mùng bốn lại mổ lợn, tôi cứ ngần ngừ mãi không đưa tiền cho mẹ. Không phải tôi tiếc tiền mà rất sợ cái cảm giác tết bay đi mất.

Cũng hồi bé, cái cảm giác chờ đợi sáng mồng Một được mặc những bộ quần áo mới rồi theo bố mẹ đi bộ trên con đường làng tới chúc Tết những người thân mới ấm cúng làm sao. Tôi được bố cho đi trước nhất, để xông nhà. Tôi thích cảm giác bước lên bậc cửa, mở chiếc mành nhà cô dì, chú bác rồi vòng tay: Năm mới cháu chúc cô chú mạnh khỏe.... Bao lần tôi hỏi bố: sao mới hôm qua gặp nhau ngoài đường còn nói cười ha hả mà hôm nay lại trịnh trọng như thế? Bố cười bảo tôi đó là phong tục, một nét văn hóa không phải dân tộc nào cũng có.

Những ngày mồng hai, mồng ba, nếu không quá rét, bố sẽ dắt tôi ra đầu làng, nơi có sân kho Hợp tác xã xem bọn trẻ con đu quay. Cũng có khi xem người ta đánh đáo. Cả năm mới có một lần nên người lớn và trẻ con đều ham, góc sân nào người ta cũng xúm đen xúm đỏ. Ngày ấy, tết có vẻ thư nhàn và bình yên.

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Bây giờ, cuộc sống cũng khác với ngày bé của tôi nhiều. Bọn trẻ bây giờ chắc chắn sẽ không có được những niềm vui như tôi vào những ngày tết hồi đó. Dù rõ ràng chúng được bố mẹ may cho những bộ quần áo đắt tiền và nhiều thứ quý giá khác, tiền mùng tuổi cũng nhiều.  

Những buổi tối mồng một, mồng hai khi cả nhà cùng chui vào chiếc chăn bông ấm áp, tôi thường các con vào lòng và rất muốn kể cho chúng nghe về tết của tuổi thơ mình. Tôi muốn nói với các con về bếp lửa đêm ba mươi của tết tuổi thơ tôi, nhưng chúng không hiểu. Sau vài cái ngáp ngủ, nó rúc sâu vào chăn và thở đều đều.

Chỉ còn hơn chục ngày nữa là bước sang năm mới. Tôi chuẩn bị gạo thịt để gói bánh chưng. Bao năm qua, dù cuộc sống có đổi thay thế nào, vào đêm giao thừa, bếp nhà tôi vẫn luôn đỏ lửa quanh nồi bánh và hồi tưởng tết xưa.

Minh Thanh  
Hơn nửa thế kỷ đắp xây hạnh phúc

Hơn nửa thế kỷ đắp xây hạnh phúc

Cưới nhau từ năm 1973, ông Võ Văn Hai và bà Nguyễn Thị Điệp (ngụ khu vực Bình Thường A, phường Long Tuyền, quận Bình Thủy) là tấm gương về xây dựng gia đình văn hóa, con cháu thành tài. Hơn nửa thế kỷ qua, họ đã nắm tay nhau vượt qua gian khó để cùng đi đến bến bờ hạnh phúc.

Tài sản lớn nhất cuộc đời là người vợ xấu, đất cằn và chiếc áo bông rách

Tài sản lớn nhất cuộc đời là người vợ xấu, đất cằn và chiếc áo bông rách

Tục ngữ có câu: “Ba tài sản lớn nhất của cuộc đời là người vợ xấu, đất cằn và chiếc áo bông rách”, nó chiếm bao nhiêu trong cuộc đời còn lại của bạn?

Vì sao ngày càng nhiều gia đình từ bỏ sàn gỗ?

Vì sao ngày càng nhiều gia đình từ bỏ sàn gỗ?

Xu hướng trang trí lát sàn gỗ từng rất phổ biến nhưng hiện nay nhiều gia đình không còn lựa chọn. Sàn gỗ có chăng chỉ được lắp trong phòng ngủ, các phòng khác đều được lát gạch men.

Về nhà - về với yêu thương

Về nhà - về với yêu thương

Ðối với nhiều người, ngôi nhà không chỉ để ở mà còn mang giá trị tinh thần đặc biệt. Ðó còn là gia đình với sự bao dung, chở che, nâng đỡ và trách nhiệm dành cho nhau. Cuộc sống đôi khi phải đối mặt với khó khăn, thử thách... những lúc ấy, điểm tựa lớn nhất không đâu khác mà chính là mái nhà và những người thân yêu của mình.

Có nên thiết kế phòng tắm trong phòng ngủ?

Có nên thiết kế phòng tắm trong phòng ngủ?

Với sự thay đổi trong lối sống và sự đa dạng hóa nhu cầu sinh hoạt, phòng ngủ chính có phòng tắm có còn đáp ứng được nhu cầu của các gia đình hiện đại hay không và nên giữ lại hay loại bỏ đã trở thành đề tài bàn luận sôi nổi.

Có nên tiết lộ cho con cái biết về tiền lương hưu, sổ tiết kiệm?

Có nên tiết lộ cho con cái biết về tiền lương hưu, sổ tiết kiệm?

Một người đàn ông 69 tuổi trăn trở: “Ở tuổi già, số tiền ký gửi này giống như một chiếc chìa khóa bí ẩn trong tay. Tôi không biết có nên trao lại cho con cháu hay không”.

Tâm thư gửi vợ ngày 20/10

Tâm thư gửi vợ ngày 20/10

Hạnh phúc là 365 ngày biết hài lòng chứ không phải chỉ một hai ngày hoan hỷ. Nếu không phải đánh đông dẹp bắc, anh cũng sẽ sẵn sàng ẵm con, nhặt rau để em lắp bóng đèn, sửa đường ống nước.