Nhịp sống

Ngày Xuân, lang thang nơi dòng sông ra gặp bể...

Chủ nhật, 11/02/2024, 21:06 PM

(NSMT) - Sông Cửu Long (hay còn gọi là Cửu Long Giang) là tên gọi chung cho các phân lưu của sông Mê Kông chảy trên lãnh thổ Việt Nam. Bắt đầu từ Phnôm Pênh, sông Mê Kông chia thành hai nhánh theo dòng chảy từ Bắc xuống Nam. Đến Việt Nam, sông chia thành hai sông là sông Tiền và sông Hậu rồi đổ ra biển qua 9 cửa, gồm: Cửa Tiểu, cửa Đại, cửa Ba Lai, cửa Hàm Luông, cửa Cổ Chiên, cửa Cung Hầu, cửa Định An, cửa Ba Thắc (Bassac) và cửa Trần Đề. Chín sông của dòng sông như 9 con rồng uốn lượn nên được gọi tên khác là sông Cửu Long.

Lưu lượng hai sông này rất lớn, khoảng 6.000 m³/s về mùa khô, lên đến 120.000 m³/s vào mùa mưa, và nó đưa rất nhiều phù sa bồi đắp cho đồng bằng sông Cửu Long. Bất chợt nhớ đến câu thơ của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm “Những con rồng nằm im góp dòng sông xanh thẳm”...Trong 9 cửa đó, Sóc Trăng mình có hai cửa là Ba Thắc và Trần Đề.... Một ngày rảnh rỗi, tôi lang thang tìm đến hai cửa nói trên. Trước tiên, tôi sang An Thạnh Nam để tìm “miệng Rồng thứ 8”, đó là cửa Ba Thắc bởi cửa sông này từng tồn tại ở địa phương này....

Khi tôi hỏi về cửa Ba Thắc, ông Phạm Văn Mười (10 Đài, năm nay 83 tuổi), hiện ở ấp Vàm Hồ, xã An Thạnh Nam (huyện Cù Lao Dung) cho biết: "Tôi sinh ra và lớn lên ở Cù Lao Dung. Từ năm 1959 - 1960, tôi tham gia kháng chiến và có mặt tại xã An Thạnh Nam bây giờ nên biết khá rõ về cửa Ba Thắc. Khi đó, cửa sông này rộng lắm, một bên giáp với khu vực xóm Đáy của xã Đại Ân 1 hiện nay, một bên giáp với rạch Năm Tiền của xã An Thạnh Nam bây giờ. Cửa sông rộng lắm, dễ đến mấy ngàn mét. Đây là một vùng đất hoang vu, hầu như rất ít người, toàn cây cối rậm rạp với các loại thủ như heo rừng, khỉ, cọp,..Sau giải phóng miền Nam, từ năm 1980 - 1985, tôi làm Giám đốc Nông trường 30/4 đóng trên địa bàn xã An Thạnh Nam. Có người quen bên xóm Đáy (xã Đại Ân 1) nên tôi cũng hay qua thăm và chỉ có cách là đi bằng phương tiện xuống ghe qua cửa Ba Thắc nhưng bữa nào đẹp trời, lặng sóng mới dám đi, còn không là ở nhà vì qua cửa sông sóng to nước lớn xuồng dễ bị chìm lắm. Đến khoảng năm 1983, mỗi khi nước ròng (nước nhỏ), giữa cửa sông Ba Thắc xuất hiện một cái cồn nhỏ, khi nước rong (nước lớn) thì doi đất nhỏ đó chìm sâu dưới biển nước. Nhưng đến mấy năm sau, doi đất đó nổi lên cao, xuất hiện một số cây bần và đến khoảng năm 1985 thì nổi cao lên, to dần ra thành cồn Khỉ, chia cửa sông thành hai nhánh là Vàm Hồ lớn và Vàm Hồ nhỏ...".

Cửa Trần Đề hiện nay.

Cửa Trần Đề hiện nay.

Đến nhà ông Trần Hữu Phương (58 tuổi), Phó Bí thư Đảng ủy xã An Thạnh Nam, tôi được ông Phương giới thiệu: “Ngôi nhà của tôi và của bà con trong khu vực này hiện nay chính là cửa Ba Thắc ngày xưa, bây giờ nằm cạnh Vàm Hồ lớn. Ông bà kể lại ngày xưa cửa Ba Thắc nằm ở sâu trong kia, rộng hơn cửa Định An và Trần Đề, nhưng nay bồi lấp hết rất nhiều. Riêng khu vực ấp Vàm Hồ hiện nay xưa kia là cửa Ba Thắc, bị bồi lấp dễ đến khoảng 1.000ha có trên 500 hộ sinh sống. Còn phía bên xã Đại Ân 1, cửa Ba Thắc cũng bị bồi lấp khoảng 340ha ở khu vực Cồn Tròn với khoảng 150 hộ sinh sống, chưa kể còn đảo Khỉ cũng gần 10ha nữa”.

Một góc khu vực Cảng Trần Đề hôm nay.

Một góc khu vực Cảng Trần Đề hôm nay.

Ông Trần Văn Nhâm (71 tuổi), ấp Võ Thành Văn (xã An Thạnh Nam) nói: “Tôi sống ở đây từ nhỏ đến lớn. Vị trí cửa Ba Thắc ngày trước nằm giữa xã An Thạnh Nam và Đại Ân 1. Ông bà kể lại thời đó chưa có cồn, chỉ có một bãi đất nhỏ, bữa nào nước thật cạn mới thấy, không có cây cối gì. Đến năm 1983 cũng vậy. Từ năm 1985 mới bắt đầu thấy cồn, có một số cây bần mọc nhưng khi nước lớn thì bị ngập hết và sau đó ít năm thì lớn như bây giờ, bà con gọi là đảo Khỉ, rộng gần 10ha. Cho đến bây giờ, đảo Khỉ không có người sinh sống, toàn là rừng bần. Chính đảo Khỉ nổi lên đã chia dòng Ba Thắc ra thành hai nhánh là Vàm Hồ lớn và Vàm Hồ nhỏ. Cũng từ đó là cửa Ba Thắc xưa đã không còn như xưa nữa”.

Chở tôi cùng anh Đặng Hữu Khánh, công chức Địa chính – xây dựng – Nông thôn – Môi trường xã An Thạnh Nam, ngược dòng sông Hậu dập duềnh sóng nước, phía bên kia là cảng cá Trần Đề tấp nập, nhìn ra hướng biển là cửa Trần Đề mênh mông, đi qua một rừng bần xanh ngát.

Ông Nguyễn Văn Trí (52 tuổi) giới thiệu đó là đảo Khỉ, hòn đảo đã “vô tình” mọc ngang, chia dòng Ba Thắc ra làm hai nhánh Vàm Hồ lớn và Vàm Hồ nhỏ, đồng thời cũng vô tình làm biến mất cửa Ba Thắc. Vỏ lãi rẽ vào một nhánh sông và dừng lại, ông Trí nói với tôi đây là Vàm Hồ lớn “Nơi vỏ lãi của chúng ta đang đậu chính là cửa Ba Thắc xưa đó anh. Tôi nghe kể lại, hồi trước, chưa có xuồng máy, muốn từ An Thạnh Nam qua Đại Ân 1 qua cửa Ba Thắc phải chèo xuồng mất hơn nửa tiếng đồng hồ trong sự sợ hãi vì cửa sông rộng mấy ngàn mét, sóng to gió lớn”. Nghe ông nói tôi giật mình “Cửa Ba Thắc rộng mấy ngàn mét ngày xưa bây giờ nhỏ đến thế sao”. Tự nhiên tôi thấy lòng nao nao, bâng khuâng...Vỏ lãi nổ máy chạy tiếp vòng vèo qua mấy nhánh sông để giúp tôi cảm nhận sự bồi lấp phù sa dữ dội của dòng sông Hậu – sông Ba Thắc – đã khiến cho cửa Ba Thắc xưa giờ chỉ còn trong hoài niệm....

Cửa Ba Thắc xưa nay không còn nhưng cuộc sống của người dân nơi cửa sông này đã đổi thay đến không thể tin được. Dẫn tôi ra thăm vườn, ông Trần Văn Nhâm nói: “Những năm 1960, cả khu vực ấp Võ Thành Văn này chỉ có khoảng 10 hộ dân, sống bằng làm thuê làm mướn, bắt cua, cá sinh sống. Đời sống người dân khổ lắm, thiếu thốn đủ thứ. Sau giải phóng miền Nam bắt đầu đông dần lên. Đến nay, khu vực này có 1.758 hộ với trên 6.500 nhân khẩu. Ngày xưa, từ đây ra khu vực UBND xã chỉ khoảng 6 - 7km nhưng đi mất cả nửa buổi vì phải lội sình lầy chứ chưa có đường bê tông. Còn ngày nay, đường từ huyện về trung tâm xã ô tô đi thoải mái, còn về các ấp xa xôi cũng đường bê tông rộng rãi, đi lại thuận tiện vô cùng. Bà con chúng tôi sinh sống bằng trồng mía, làm rẫy, trồng cây ăn trái, trồng các loại hoa màu, nuôi tôm,...Đời sống đã khá lên rất nhiều. Gia đình tôi có nuôi một ao tôm, một năm nuôi ba vụ cho thu nhập một vụ cũng được 2-3 tấn tôm, thu về mỗi vụ từ 100-200 triệu đồng”.

Nơi đây trước kia là cửa Ba Thắc rộng mênh mông.

Nơi đây trước kia là cửa Ba Thắc rộng mênh mông.

Ông Phạm Văn Mười cười hể hả: “Trước những năm 1990, cuộc sống của người dân ở địa phương vất vả lắm. Nhưng bây giờ đã thay đổi nhiều rồi. So với ngày xưa, bây giờ sướng gấp mấy chục lần chú ạ. Nhà cửa đa số được xây mới khang trang, kiên cố. Cơ sở hạ tầng, điện, đường, trường, trạm đầy đủ. Những cánh đồng hoang vu xưa nay đã thành rẫy mía, ao tôm, vườn nhãn, đu đủ, các loại hoa màu như bắp, đậu xanh, khoai môn, ớt,....cho người ông dân thu nhập cao, ổn định”.

Ông Lê Trọng Nguyên, Bí thư huyện ủy Cù Lao Dung cho biết: “Diện mạo Cù Lao Dung hôm nay đã thay đổi rất nhiều. Không chỉ xã An Thạnh Nam, mà còn các xã khác đều vậy. Anh về An Thạnh Nam tìm cửa Ba Thắc thì không còn bởi bây giờ cửa sông xưa đã thành những cánh đồng mía mênh mông, thành những vuông tôm,...giúp nhà nông đổi đời rồi. Cù Lao Dung có nhiều địa chỉ đỏ như Đền thờ Bác Hồ, bia chiến thắng Rạch Già, bia chiến thắng An Hưng....; có những địa danh liên quan đến cuộc bôn tẩu của Nguyễn Ánh xưa như rạch Long Ẩn, rạch Tường Tiền,...; còn xã An Thạnh Nam có bãi bồi (bãi nghêu) khoảng 800ha, có rừng bần nguyên sinh ngập nước rộng trên 1.500ha với hàng trăm loại chim, thú quý hiếm, có sân Tiên, có Vàm Hồ,...là những điểm du lịch rất lý tưởng. Trong tương lai không xa, Cù Lao Dung sẽ phát triển về du lịch thu hút khách từ khắp nơi về đây nghỉ dưỡng, thưởng lãm, nhất là khi cầu Đại Ngãi được hoàn thành và trong tương lai, tỉnh Sóc Trăng cũng định hướng phát triển du lịch đột phá khi dự kiến sẽ mở một tuyến cáp treo từ huyện Trần Đề qua huyện đảo Cù Lao Dung”.

Nhìn những cánh đồng bạt ngàn nơi ngày xưa là cửa Ba Thắc, bất chợt nhớ câu thơ “Sông kia rày đã nên đồng; Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngôi khoai” trong bài thơ “Sông Lấp” của nhà thơ Trần Tế Xương nói về đoạn sông Vị Hoàng chảy qua thành phố Nam Định, quê hương của nhà thơ, bị phù sa bồi lấp, nhân dân trồng trọt và làm nhà cửa ở đó...Rời An Thạnh Nam, tôi ra bến phà Nông trường đến với “miệng rồng thứ 9” là cửa Trần Đề, nơi cuối dòng sông Hậu, hiện đang được xác định là có vai trò, có sứ mệnh rất quan trọng không chỉ đối với Sóc Trăng mà còn cả khu vực ĐBSCL khi được đánh giá hội tụ đủ những yếu tố cần thiết, là cửa ngõ để miền Tây vươn ra biển lớn, kỳ vọng tạo nên đột phá cho Sóc Trăng cũng như cho đất Chín Rồng trong tương lai.Theo giới thiệu của ông Lưu Hữu Danh, Bí thư huyện ủy Trần Đề, cửa Trần Đề là 1 trong 3 cửa đổ ra biển của sông Hậu (cùng với cửa Định An, Ba Thắc) và là nhánh thứ 9, nhánh cuối cùng của sông Cửu Long. Tên huyện, tên thị trấn bây giờ cũng lấy từ tên của cửa biển ngày xưa...

Cửa Ba Thắc xưa nay đã...nên đồng.

Cửa Ba Thắc xưa nay đã...nên đồng.

Theo các cụ cao niên, Trần Đề ngày xưa được gọi là xóm Lưới và xóm Đáy. Xóm Lưới là xóm chuyên đánh lưới, bẫy cá… Còn xóm Đáy lại chuyên việc đóng đáy với các loại đáy như đáy sông, đáy neo, đáy bè, đáy hàng cạn, đáy hàng khơi…Ông Nguyễn Văn Đức (ấp Cảng) cho biết: Cửa biển Trần Đề được thiên nhiên ưu đãi với nguồn thủy, hải sản dồi dào, phong phú, có giá trị kinh tế cao. Khai thác hải sản cũng là nghề chính của cư dân từ bao đời nay. chiếc đánh bắt xa bờ, còn lại là tàu hậu cần chuyên vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm cho các tàu đánh bắt.

Lang thang tại cảng cá Trần Đề khi có tàu cá vào, tôi được một chủ tàu cá ở ấp Cảng cho biết: “Đa số người dân cửa biển này làm ngư phủ. Chồng đi đánh bắt thì vợ ở nhà lựa cá, cũng từ đó mà hình thành nghề làm khô. Ngày trước chưa có đánh bắt xa bờ nên cá đánh được chỉ bảo quản bằng nước đá, hết chuyến đi mới về nên dẽ bị mất giá. Còn bây giờ, có tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ, mỗi chuyến đi kéo dài tới 3 tháng mà không còn lo vì hậu cần nghề cá đã phát triển. Cá đánh được có tàu thu mua đưa vào bờ liền, nhiên liệu và các nhu yếu phẩm khác cũng có tàu đưa ra cung cấp nên không lo thiếu hụt như trước nữa. Cứ thế mà yên tâm đánh bắt thôi”.

Ông Phạm Văn Nhâm bên ao nuôi thủy sản của gia đình.

Ông Phạm Văn Nhâm bên ao nuôi thủy sản của gia đình.

Nghề khai thác biển đã tạo cho ngư dân nơi của biển này một nghề nổi tiếng đó là nghề làm khô, không chỉ được nhiều người trong tỉnh Sóc Trăng biết đến mà còn nức tiếng với du khách gần xa. Đặc biệt, từ ngày bến tàu Cao tốc Trần Đề - Côn Đảo đưa vào hoạt động, nhiều mặt hàng khô Trần Đề tiếp tục vươn xa ra thị trường trong nước và là sự lựa chọn cho nhiều du khách nước ngoài mỗi khi có dịp đến Trần Đề. Khô Trần Đề rất nhiều loại như cá, mực, tôm khô, tép xẻ, cá chỉ vàng, cá lù đù, ca rún, khô cá đuối,....Trong đó có nhiều loại khô có giá trị cao như Hắc cấy có khi từ trên 5-6 triệu đồng/kg, Ó bông cũng từ 1,5 triệu/kg, Ó xanh từ 1,7 triệu đồng/kg, cá đuối Ha Dao cũng ngót nghét triệu đồng/kg. Thậm chí, có loại khô như Hắc cấy không phải dễ mua, có khi phải là mối quen biết lâu, phải đặt hàng, đặt tiền trước cả mấy tháng trời mới hi vọng mua được...

Với tiềm năng, lợi thế của vùng cửa biển, từ một làng chài, Trần Đề đã phát triển thành một cảng cá lớn nhất ở miền Tây. Không chỉ tàu cảu ngư dân Sóc Trăng mà còn có tàu của ngư dân các tỉnh trong khu vực cũng chọn cảng Trần Đề để neo đậu sau mỗi chuyến đi biển. Ông Phạm Văn Hứa - Giám đốc Ban Quản lý Cảng cá Trần Đề cho biết: "tỉnh Sóc Trăng hiện có 989 tàu đánh cá, trong đó có 380 tàu đánh bắt xa bờ. Năm 2022, số tàu thuyền cập cảng đạt gần 19.900 lượt, số phương tiện vận tải qua cảng hơn 32.100 lượt, lượng hàng hóa qua cảng hơn 130.400 tấn, trong đó hàng thủy sản là 70.554 tấn, hơn nhiều lần so với cảng cá Định An hay một số cảng cá trong khu vực. Còn từ đầu năm đến ngày 22/10/2023, cảng Trần Đề đón 15.871 lượt tàu cập cảng và lưu; 30.154 lượt xe ra vào cảng; lượng hàng hóa qua cảng đạt 121.005 tấn, trong đó hàng thủy sản 55.875 tấn. Cùng với nghề biển, cảng cá, cửa Trần Đề đã trở thành một điểm đến của du khách khi bến tàu cao tốc Trần Đề - Côn Đảo đi vào hoạt động đã mở thêm một ngành nghề mới cho địa phương là du lịch và các dịch vụ kéo theo".

Quả ngọt nơi cửa Ba Thắc xưa.

Quả ngọt nơi cửa Ba Thắc xưa.

Từ gọi đầu tư bến tàu cao tốc, phát triển du lịch đã giúp mọi người biết đến Trần Đề nhiều hơn. Du khách đến đây được biết về lịch sử, địa danh, nghề đánh bắt cá, nghề làm khô, từ đó, việc mua bán kinh doanh của bà con cũng khấm khá hơn, thương hiệu địa phương cũng được quảng bá. Rồi những dịch vụ như khách sạn, quán ăn, nhà hàng… cũng phát triển theo, địa phương ngày càng thay da đổi thịt. Có thể nói mà không sợ quá lời: Trần Đề giờ đây như một “thanh nam châm” hút các dự án trọng điểm của khu vực miền Tây.

Dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài gần 200km, nối Châu Đốc (An Giang) đến Trần Đề (Sóc Trăng) đã khởi công giữa tháng 6/2023. Đây là dự án cao tốc trục ngang lớn nhất miền Tây hiện nay. Cùng với dự án cầu Đại Ngãi nối Cù Lao Dung với huyện Long Phú, cách Trần Đề chưa đầy 20km, đã khởi công ngày 15/10/2023 sẽ kết nối trục dọc ven biển các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đi TPHCM, rút ngắn quãng đường đến TP.HCM khoảng 80km.

Đặc biệt hơn nữa, cảng Trần Đề đã được quy hoạch là cảng nước sâu loại 1A của quốc gia. Đây được xem là cửa ngõ chính của Đồng bằng sông Cửu Long với đường hàng hải quốc tế châu Á Thái Bình Dương. Vùng có 5 địa điểm nước sâu có thể xây dựng cảng là Phú Quốc (Kiên Giang), Hòn Khoai (Cà Mau), Gành Hào (Bạc Liêu), Duyên Hải (Trà Vinh) và Trần Đề. Qua nghiên cứu, đánh giá của các nhà khoa học, Trần Đề có vị trí thuận lợi nhất vì gần trung tâm vùng, có nhiều tuyến đường kết nối.Trong tương lai, một khu vực dự kiến rộng khoảng 30.000ha từ cửa Trần Đề đến cửa Mỹ Thanh sẽ có một “siêu cảng”. Trong đó, sẽ có cảng ngoài khơi, có khu dịch vụ hậu cần, cảng logistics, cảng trung chuyển hàng hóa phía bờ. Một cầu cảng nối cảng trung chuyển đến cảng ngoài khơi dài hàng chục cây số. Dự chừng, công suất thiết kế từ 80 - 100 triệu tấn/năm, trong đó giai đoạn đến năm 2030 có công suất khoảng 30 - 35 triệu tấn/năm. Cảng Trần Đề có thể tiếp nhận tàu tổng hợp, tàu chuyên container tải trọng 100.000 DWT hoặc lớn hơn, tàu hàng rời 160.000 DWT…

Nhà cửa của bà con ở nơi xưa là cửa Ba Thắc.

Nhà cửa của bà con ở nơi xưa là cửa Ba Thắc.

Còn đó, Dự án Khu Công nghiệp Trần Đề có tổng diện tích 160ha, tọa lạc tại ấp Ngan Rô 1, thị trấn Trần Đề, huyện Trần Đề đã được Thủ tướng Chính phủ đưa vào quy hoạch phát triển các khu công nghiệp Việt Nam. Khi hoàn thành đi vào hoạt động, Khu Công nghiệp Trần Đề sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 16.000 lao động, góp phần rất lớn cùng tỉnh trong giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Theo quy hoạch, Khu Công nghiệp Trần Đề là khu công nghiệp tập trung đa dạng các ngành công nghiệp và dịch vụ, chủ yếu là công nghiệp nhẹ, sạch, ít gây ô nhiễm hay không có ảnh hưởng xấu đến khu vực xung quanh.

Các ngành nghề, lĩnh vực thu hút đầu tư như: sản xuất; chế biến thực phẩm (trừ chế biến tinh bột sắn, bột ngọt, mía đường); sản xuất đồ uống (trừ sản xuất bia, rượu); đóng, sửa chữa tàu thuyền; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang lọc (trừ sản xuất linh kiện điện tử); sản xuất ôtô và xe có động cơ khác; công nghiệp chế biến, chế tạo; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc, thiết bị… trong đó, ưu tiên kêu gọi thu hút đầu tư các ngành nghề, lĩnh vực tận dụng được nguồn nguyên liệu của địa phương và phục vụ cho cảng biển nước sâu của tỉnh.Khu công nghiệp Trần Đề có vị trí rất thuận lợi.

Về đường bộ, giáp với đường Nam sông Hậu, đường bộ cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, đường 934B; về đường thủy, giáp sông Hậu, gần cảng Trần Đề hiện tại và Cảng nước sâu Trần Đề trong tương lai. Doanh nghiệp đầu tư vào Khu Công nghiệp Trần Đề sẽ có nguồn nguyên liệu giá rẻ tại địa phương, chi phí vận chuyển hàng hóa đi các tỉnh và nước ngoài (thông qua cảng biển nước sâu) sẽ thấp, giúp doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí, cho lợi cao hơn. Đồng thời, Sóc Trăng có nguồn lao động phổ thông dồi dào, được tỉnh hỗ trợ đào tạo, chắc chắn sẽ đáp ứng nhu cầu sử dụng của các doanh nghiệp nếu đầu tư sản xuất, kinh doanh tại khu công nghiệp.

Rời Trần Đề khi trời đã về chiều. Tôi theo con đường 934B từ thị trấn Trần Đề về TP.Sóc Trăng chỉ khoảng hơn 20 phút chạy xe gắn máy. Hai bên đường, những ruộng lúa mới sạ dược khoảng 10 ngày nhưng cây lúa đã lên xanh, phủ khắp các cánh đồng. Xa xa, hàng trăm chú cò trắng hoặc đang bay lượn trên không trung, hoặc đã sà xuống cánh đồng, nơi có nhiều người nông dân đang cúi cuốc cào cỏ, dặm lúa...trông thật bình yên....

Cao Xuân Lương  
Bảo tàng TP. Cần Thơ tổ chức họp mặt kỷ niệm Ngày Di sản Văn hoá Việt Nam

Bảo tàng TP. Cần Thơ tổ chức họp mặt kỷ niệm Ngày Di sản Văn hoá Việt Nam

(NSMT) - Nhân kỷ niệm 19 năm Ngày Di sản Văn hoá Việt Nam (23/11/2005 - 23/11/2024), ngày 19/11, Bảo tàng TP. Cần Thơ tổ chức chương trình họp mặt và tiếp nhận hiện vật do các cá nhân hiến tặng. Sự kiện diễn ra nhằm tôn vinh giá trị di sản văn hoá dân tộc, góp phần giữ gìn và lan tỏa tinh thần yêu nước trong các thế hệ.

Hai cô giáo Sóc Trăng nhận giải thưởng “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” năm 2024

Hai cô giáo Sóc Trăng nhận giải thưởng “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” năm 2024

(NSMT) - Trung ương Đoàn vừa công bố danh sách 100 giáo viên, giảng viên có thành tích xuất sắc trong công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học và công tác Đoàn nhận giải thưởng “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” cấp Trung ương năm 2024. Trong số này có cô Quách Thị Hồng Nhiệm, giáo viên trường Mầm non xã Trung Bình (huyện Trần Đề) và cô Thạch Thị Bảo Ngọc, Bí thư đoàn trường THPT Phú Tâm (huyện Châu Thành).

Cà Mau: Một số điểm trường bị ngập do triều cường dâng cao

Cà Mau: Một số điểm trường bị ngập do triều cường dâng cao

(NSMT) - Ngày 19/11, một số huyện trên địa bàn tỉnh Cà Mau triều cường dâng cao khiến các điểm trường bị ngập sâu, ảnh hưởng đến việc đi lại, dạy và học tập của giáo viên, học sinh.

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau gửi thư chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau gửi thư chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam

(NSMT) - Ngày 19/11, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phạm Thành Ngại gửi thư chúc mừng gửi đến quý thầy giáo, cô giáo, công chức, viên chức, người lao động ngành giáo dục trên địa bàn tỉnh, nhân kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam.

Cần Thơ: Phường Thới Bình mới vừa sáp nhập chính thức đi vào hoạt động

Cần Thơ: Phường Thới Bình mới vừa sáp nhập chính thức đi vào hoạt động

(NSMT) - Ngày 19/11, UBND quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ tổ chức lễ công bố Nghị quyết số 1192/NQ-UBTVQH15 ngày 28/9/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của TP. Cần Thơ giai đoạn 2023 - 2025.

Lãnh đạo TP Cần Thơ chúc mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Lãnh đạo TP Cần Thơ chúc mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Lãnh đạo TP Cần Thơ đã gửi thư chúc mừng đến các thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục, công chức, viên chức và nhân viên ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố Cần Thơ. Tạp chí Gia đình Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn thư trên:

Phát huy hiệu quả vai trò đoàn viên thanh niên trong giữ gìn trật tự an toàn giao thông

Phát huy hiệu quả vai trò đoàn viên thanh niên trong giữ gìn trật tự an toàn giao thông

(NSMT) - Từ đầu năm 2024 đến nay, Chi đoàn Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP Cần Thơ triển khai nhiều hoạt động thiết thực gắn với nhiệm vụ chuyên môn. Nổi bật là phối hợp tuyên truyền nâng cao nhận thức chấp hành pháp luật về giao thông trong học sinh, sinh viên, cộng đồng dân cư.