Văn hóa

Nghệ thuật giao tiếp trong hôn nhân

Thứ ba, 12/10/2021, 15:16 PM

(NSMT) - Có một sự thật là nhiều cặp vợ chồng bị mắc kẹt trong vấn đề giao tiếp với nhau. Chúng ta thường nói lời có cánh với người ngoài một cách dễ dàng nhưng lại rất khó khi làm điều đó với bạn đời của mình.

Trong đời sống hôn nhân, giao tiếp đóng vai trò rất quan trọng, bởi không chỉ gắn kết tình cảm mà còn giúp vợ chồng hiểu nhau hơn. Dù bận rộn, mỗi bên cần dành thời gian trò chuyện, lắng nghe, chia sẻ, cùng điều chỉnh bản thân cho thêm hòa hợp với bạn đời. Đừng để vì lý do nào đó mà vợ chồng rơi vào tình trạng mất kết nối, “nghẽn mạch” trong giao tiếp, sẽ dễ phát sinh hiểu lầm, rạn nứt tình cảm gia đình.

Vợ chồng cần tăng cường đối thoại để thấu hiểu, gắn kết với nhau hơn (ảnh mang tính chất minh họa).

Vợ chồng cần tăng cường đối thoại để thấu hiểu, gắn kết với nhau hơn (ảnh mang tính chất minh họa).

Anh Minh Hùng ở quận Cái Răng, kể: “Vợ tôi hay nói đùa, chọc cười nên không khí trong nhà lúc nào cũng vui vẻ, ấm áp. Đi làm cực khổ mà về nhà nghe vợ hỏi thăm, chăm sóc là bao mệt nhọc tan biến. Mấy tháng nay quán ăn đóng cửa, kinh tế khó khăn nhưng có vợ khuyên giải nên tôi cũng đỡ lo, đợi tình hình dịch bệnh ổn định vợ chồng tính toán làm ăn lại. Nhờ hay trò chuyện, vợ chồng tôi hiểu rõ tính ý, công việc của nhau, tin tưởng và sẵn sàng hỗ trợ khi cần thiết. Gia đình tôi cởi mở trong giao tiếp nên các con tôi cũng thường tâm sự với cha mẹ nhờ hướng dẫn việc học, tư vấn chuyện bạn bè”.

Gần 20 năm sống chung, giận hờn cũng có nhưng vợ chồng anh Hùng chưa bao giờ to tiếng hay bất đồng. Hễ thấy đối phương đột nhiên không nói gì, người kia liền tìm cách tìm hiểu, giảng hòa. Cũng nhờ bí quyết “đâu đó nói cho rõ ràng” mà anh Hùng hóa giải không ít lần hiểu lầm của vợ xung quanh chuyện chồng về trễ, điện thoại không liên lạc được, tài chính thâm hụt đột xuất… Mọi chuyện anh đều giải thích cặn kẽ, có nguyên nhân chính đáng và vợ chịu lắng nghe, thông cảm nên trong ngoài yên ấm.

Từ khi chồng nghỉ hưu, vợ chồng chị Trương Thị Thư ở quận Ninh Kiều, mới có thời gian trọn vẹn bên nhau. Trước đây, chồng chị Thư công tác ở tỉnh Sóc Trăng, cuối tháng mới về thăm nhà. Thương chồng vất vả, mỗi ngày, chị Thư đều thăm hỏi, dặn dò giữ sức khỏe. Có thời gian cảm nhận chồng khác lạ trong cách nói chuyện, sinh hoạt, ban đầu chị Thư tưởng chồng “lạc lòng” nhưng tìm hiểu kỹ thì biết anh bị bệnh nhưng giấu, sợ vợ lo. Vậy là chị vừa tìm thuốc vừa làm những món ăn phù hợp bồi dưỡng. Dẫu cách xa về mặt địa lý nhưng trong lòng hai người luôn có nhau. Giờ đây, hạnh phúc càng đong đầy. Những ngày giãn cách xã hội, chồng hướng dẫn chị sử dụng máy vi tính để xem tin tức, kết nối với bạn bè, cùng tập yoga….

Chị Thư chia sẻ: “Để xây dựng hạnh phúc gia đình, điều quan trọng là phải hiểu và tôn trọng, yêu thương bạn đời. Muốn hiểu thì phải hỏi han, vui buồn cùng thể hiện, tránh để dồn nén cảm xúc tiêu cực. Chúng tôi luôn thảo luận trong mọi việc, người này nói thì người kia lắng nghe nên rất hợp ý. Nhà tôi vui nhất là buổi chiều tối, con cháu đi làm về, cùng ăn cơm và trò chuyện rất rôm rả”.

Đối thoại giữa vợ chồng - chuyện tưởng chừng đơn giản nhưng không phải ai cũng xem trọng và áp dụng hiệu quả. Hơn 4 tháng qua, vợ chồng chị P ở quận Cái Răng, chiến tranh lạnh. Hiện chị P ở cùng 2 con, còn chồng chị vừa dọn về nhà mẹ ruột, gần như tránh mặt vợ, không giao tiếp, chỉ liên lạc thông qua các con hoặc nhắn tin.

Trước đây, hai vợ chồng có một số hiểu lầm liên quan chuyện “say nắng” của chồng chị P nhưng chưa giải quyết ổn thỏa. Chồng chị P cho rằng vợ ghen bóng gió, suy diễn không căn cứ nên không thèm giải thích, thường đi từ sáng đến khuya mới về nhà để khỏi chạm mặt, nghe cằn nhằn. Chị P thì nghĩ chồng thay lòng, quên trách nhiệm với gia đình. Thời điểm bị ảnh hưởng dịch bệnh, vừa đảm đương việc cơ quan vừa lo con học online, làm chuyện nhà… nên chị P quá tải, càng nghĩ càng thêm giận chồng vô tâm không phụ giúp. Chị đâu hay chồng cũng đang vất vả tìm nguồn thu trả các khoản nợ, cố gắng duy trì hoạt động công ty qua mùa dịch. Cứ thế, mỗi người âm thầm chịu đựng, hoài nghi, oán trách nhau mà không chịu tỏ bày nên rạn nứt tình cảm ngày càng lớn.

Gần đây, tòa án các cấp xét xử nhiều vụ ly hôn, nguyên nhân thường thấy là không thể sống chung vì bất đồng, mâu thuẫn. Khi hội đồng xét xử chất vấn, các đương sự trình bày do không giao tiếp, không còn tiếng nói chung nên lợt lạt tình cảm. Đáng tiếc nhất là các trường hợp ban đầu chỉ do hiểu lầm nhưng người trong cuộc tự ái, giận dỗi, bỏ mặc, không thiện ý tháo gỡ dẫn đến tan nát gia đình.

Thực tế cho thấy, có nói mới hiểu để yêu thương. Vì vậy, vợ chồng hãy quan tâm cảm xúc của nhau, tương tác, đối thoại thật nhiều bằng sự tế nhị, chân thành. Khi giao tiếp, không chỉ là sự việc để nói với nhau, mà còn là cách nói, thái độ ứng xử. Hãy thật sự lắng nghe để đối phương cảm thấy được tôn trọng, sẻ chia. Người này giận thì người kia “bớt lời”, đợi cả hai bình tĩnh rồi bày tỏ quan điểm. Nhìn cách cha mẹ giao tiếp lịch sự, thân ái mỗi ngày, con cái cũng học hỏi theo, trở nên gần gũi, gắn kết hơn. Hãy xây dựng ngôi nhà là nơi ngơi nghỉ, nạp cho nhau năng lượng tích cực, đừng để vợ, chồng đối mặt mà không tìm thấy tiếng nói chung, mất kết nối và rơi vào bế tắc.

Khánh Tường  
Yêu thương bản thân để sống vui, sống khỏe

Yêu thương bản thân để sống vui, sống khỏe

(NSMT) - Dẫu bận rộn, nhiều phụ nữ vẫn cố gắng sắp xếp, cân bằng giữa công việc, gia đình và nghỉ ngơi, thư giãn để nâng cao chất lượng cuộc sống. Các chị thể hiện tình yêu bản thân bằng sự quan tâm đến cảm xúc cá nhân, nuôi dưỡng thể chất và tâm hồn, xây dựng lối sống lành mạnh. Những thói quen tốt giúp các chị tái tạo năng lượng tích cực, vui vẻ, lạc quan, khỏe đẹp hơn…

Hơn 150 vận động viên tranh tài sôi nổi tại Giải đua vỏ Composite TP Cần Thơ mở rộng

Hơn 150 vận động viên tranh tài sôi nổi tại Giải đua vỏ Composite TP Cần Thơ mở rộng

(NSMT) - Ngày 30/11, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP. Cần Thơ tổ chức Giải đua vỏ Composite TP. Cần Thơ mở rộng năm 2024. Tham gia giải có 164 vận động viên thuộc 9 tỉnh, thành phố.

Tất cả đã sẵn sàng cho đêm chung kết Hội thi Nét đẹp Áo bà ba Xưa và Nay năm 2024

Tất cả đã sẵn sàng cho đêm chung kết Hội thi Nét đẹp Áo bà ba Xưa và Nay năm 2024

(NSMT) - Sau 3 tháng tạm hoãn, vòng chung kết Hội thi Nét đẹp Áo bà ba Xưa và Nay lần II năm 2024 đã trở lại, hứa hẹn với nhiều phần thi đầy hấp dẫn.

Độc đáo Lễ cúng Trăng của đồng bào dân tộc Khmer

Độc đáo Lễ cúng Trăng của đồng bào dân tộc Khmer

(NSMT) - Lễ cúng Trăng là một trong những lễ hội truyền thống đặc sắc, phản ánh nét văn hóa độc đáo của đồng bào Khmer Nam Bộ. Với hoạt động đặc trưng là đút cốm dẹp, hay còn gọi là Oóc Om Bóc trong tiếng Khmer, lễ cúng Trăng còn được biết đến rộng rãi với cái tên Lễ Oóc Om Bóc.

Những “bông hoa khuyết”  tỏa sáng trên đường chạy

Những “bông hoa khuyết” tỏa sáng trên đường chạy

(NSMT) - “Những đoá hoa khuyết” phá rào cản, vượt qua giới hạn bản thân để tỏa sáng trên đường chạy “Bước chân hòa nhập 2024” – Mùa 2 do Hội Người khuyết tật TP. Cần Thơ (CAPD) tổ chức.

Giải trí ảo, hậu quả thật

Giải trí ảo, hậu quả thật

Hiện nay, sử dụng mạng xã hội là hình thức giải trí phổ biến, nhất là đối với chị em phụ nữ. Các chị lên mạng cập nhật kiến thức, mở rộng quan hệ, kết giao bạn bè, nhiều chị đầu tư viết nội dung, xây dựng hình ảnh trên trang cá nhân thật lung linh để có like… Và rồi không ít trường hợp bị các thiết bị công nghệ cùng thế giới ảo chi phối quá mức, xao nhãng trách nhiệm đối với người thân, gây bao hệ lụy…

Đôi chân từng chạy loạt sự kiện lớn, bất ngờ sau 6 tháng phải sống nhờ... chống nạng

Đôi chân từng chạy loạt sự kiện lớn, bất ngờ sau 6 tháng phải sống nhờ... chống nạng

(NSMT) - Sống một mình trong căn trọ nhỏ cặp khu dân cư Bình Nhựt, quận Bình Thuỷ, TP Cần Thơ, chàng trai Dương Hữu Nghĩa (32 tuổi, ngụ tại huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) từng là đôi chân chạy hàng loạt các sự kiện lớn nhỏ ở miền Tây, bất ngờ gặp "bạo bệnh" với di chứng "Viêm hoại tử chỏm xương đùi", khiến việc đi lại với anh giờ đây trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.