NSƯT Huỳnh Khải: Người nặng lòng với nghiệp đờn ca
Suốt mấy chục năm qua, NSƯT Huỳnh Khải miệt mài với việc giữ và truyền lửa cho nghệ thuật đờn ca tài tử. Với ông, biết và được theo đuổi tài tử là duyên, là nợ. Ông nhiều lần đến Hậu Giang để truyền nghề cho những nghệ nhân.
Duyên nợ với nghệ thuật dân tộc
Sinh ra ở vùng quê nghèo, trong một gia đình nông dân ở Thủ Thừa, tỉnh Long An, nhưng cha ông biết đờn các bài bản tài tử, nên được nghe và tắm mình trong những lời ru, giai điệu ngọt ngào từ thuở nhỏ. Dần dà ông yêu thích và từ 6-7 tuổi, đã biết tập tành hát các bài bản, nhưng khi xin cha học đàn thì cha ông khuyên nên chú tâm học hành. Vậy nhưng, mỗi khi rảnh rỗi, ông lại lén ôm đàn. Thấy vậy, cha ông nhượng bộ và trở thành người thầy đầu tiên… Đây chính là cơ duyên dẫn ông đến quyết định chọn làm cái nghề đờn ca để theo đuổi.
Con đường đến với âm nhạc tài tử của NSƯT Huỳnh Khải không hề suôn sẻ, bởi vì điều kiện gia đình, ông không tiếp tục học sau khi hết cấp 3 ở quê. Ông làm cán bộ văn hóa xã một thời gian, gắn kết phong trào văn nghệ ở cơ sở. Từ đó, niềm say mê với môn nghệ thuật dân tộc lớn dần, ông tự nghiên cứu thêm để đờn, ca các bài bản tài tử trên cây đờn kìm. Năm 1980 là bước ngoặt lớn trong cuộc đời ông, khi quyết định khăn gói lên Thành phố Hồ Chí Minh, thi và đỗ vào Trường Quốc gia Âm nhạc, nay là Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh, học trung cấp rồi đến đại học, thạc sĩ, được giữ trường làm cán bộ giảng dạy đến ngày về hưu.
Ông tâm huyết với tài tử, từng nghiên cứu làm đề tài thạc sĩ là “Phương pháp sư phạm đàn kìm trong âm nhạc tài tử, sân khấu cải lương và sáng tác mới cho đàn kìm”, được đánh giá rất cao, được sử dụng làm tài liệu giảng dạy. Ông chia sẻ mong muốn thế hệ sau có giáo trình để nghiên cứu, không phải lệ thuộc hết vào thầy đờn như cách truyền nghề trước đây…
Trăn trở truyền nghề
Môi trường âm nhạc chuyên nghiệp đã giúp cho NSƯT Huỳnh Khải không chỉ giỏi với cây đờn kìm, mà còn với nhiều nhạc cụ tài tử khác, như ghi-ta phím lõm, tranh, cò… Chính vì am hiểu và đờn giỏi, nên ngoài việc giảng dạy cho nhiều thế hệ sinh viên, ông còn tham gia đờn ở nhiều sự kiện quảng bá đờn ca tài tử, nhất là giai đoạn Việt Nam hoàn tất hồ sơ để UNESCO công nhận đờn ca tài tử là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Rồi khi đờn ca tài tử được vinh danh, ông vẫn tiếp tục cần mẫn với việc giảng dạy, trình diễn, tham gia nhiều chương trình dạy tài tử trên sóng phát thanh, truyền hình cũng như tập huấn đờn, ca cho các tỉnh, thành Nam bộ có nhu cầu truyền dạy đờn ca tài tử. Tất cả cùng với mục tiêu đưa tài tử bước ra bên ngoài, để thế giới biết đến loại hình nghệ thuật độc đáo của dân tộc, giúp thế hệ trẻ tiếp cận đờn ca tài tử một cách phổ thông, nhẹ nhàng, dễ hiểu, dễ nhớ, cùng góp phần gìn giữ, phát huy.
Đến hôm nay, ở cái tuổi đáng ra được nghỉ ngơi, thảnh thơi cùng con cháu, ông vẫn hăng say đi truyền nghề. Đặc biệt, hiếm khi vắng ông ở vị trí giám khảo các cuộc thi tài tử. Không chỉ là người cầm cân nảy mực, ông còn cần mẫn ghi hình bằng điện thoại những tiết mục hay, rồi phát trên facebook cá nhân, như để tiếp sức quảng bá…
Những lần NSƯT Huỳnh Khải về Hậu Giang tập huấn đờn, ca cho các nghệ nhân đờn tài tử, cũng như làm giám khảo nhiều cuộc thi tài tử cấp khu vực, toàn quốc, có sự tham gia của các nghệ nhân tài tử tỉnh nhà, ông nhận xét: Nghệ nhân ở đây đờn khá, hát hay, đủ sức đảm trách việc kế thừa và phát huy, là điều ông mừng nhất. Không chỉ truyền dạy kỹ năng, đờn, ca, ông còn khuyến khích các nghệ nhân trẻ tiếp thu cái mới, tiến bộ, phải gần gũi với cuộc sống người dân, để người nghe cảm được. Ông dạy không chỉ là kỹ năng mà còn là cảm xúc, để khi đờn, ca một bản nhạc, phải thể hiện tình cảm thật sự và lời ca phải phản ánh được nét đẹp của cuộc sống, con người hiện đại. Theo ông, đang rất cần những vở cải lương, bài ca tài tử được viết mới, phù hợp với cuộc sống, giới trẻ hiện nay cùng với cách dàn dựng, thể hiện hiện đại, sinh động, bắt mắt. Tuy nhiên, việc đổi mới này không hề dễ, đòi hỏi có sự chung tay, góp sức của nhiều người, để cải lương, tài tử mới có thể khoác lên mình một chiếc áo mới nhưng vẫn giữ được cái hồn dân tộc…
Sau mấy chục năm theo đuổi nghệ thuật dân tộc, ngọn lửa nghề trong ông vẫn đầy. Ông vẫn làm công việc truyền nghề, nuôi dưỡng cảm xúc, thâm nhập cuộc sống để viết nên những bài ca vọng cổ, bài bản tài tử mới, vững bước trên hành trình của mình một cách say mê, đầy trách nhiệm…
Bài, ảnh: VĨNH TRÀ
Cà Mau: Khởi công Dự án di tích lịch sử chiến thắng Đầm Dơi - Cái Nước - Chà Là hơn 100 tỷ
(NSMT) - Ngày 19/11, tỉnh Cà Mau tổ chức lễ khởi công xây dựng Dự án di tích lịch sử chiến thắng Đầm Dơi - Cái Nước - Chà Là được xếp hạng Di tích quốc gia ở huyện Đầm Dơi. Tham dự chương trình có ông Nguyễn Tiến Hải, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau cùng lãnh đạo và nhân dân địa phương.
Vì sao 19/11 được chọn làm Ngày Quốc tế Nam giới?
(NSMT) - Ngày Quốc tế Nam giới (còn gọi là Ngày Quốc tế Đàn ông) diễn ra vào ngày 19/11 hàng năm, là dịp quan trọng để tôn vinh những đóng góp của phái mạnh đối với xã hội và gia đình, đồng thời nâng cao nhận thức về các vấn đề sức khỏe, tâm lý và xã hội mà nam giới đang phải đối mặt. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về ý nghĩa của ngày lễ, những lời chúc ý nghĩa dành tặng nam giới và những món quà đặc biệt dành cho bạn trai trong dịp này.
Cha mẹ hướng con học 4 ngành này ra trường không lo thất nghiệp
Những ngành học này không chỉ đáp ứng nhu cầu nhân lực hiện tại mà còn hứa hẹn cơ hội việc làm rộng mở trong tương lai.
Vĩnh Long: Khai mạc Liên hoan Gia đình tài tử và Liên hoan Tiếng hát thanh niên Kinh - Hoa – Khmer
(NSMT) - Tối 17/11, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long phối hợp UBND huyện Mang Thít tổ chức khai mạc Liên hoan Gia đình tài tử và Liên hoan Tiếng hát thanh niên Kinh - Hoa - Khmer tỉnh Vĩnh Long năm 2024.
Uốn nắn con từ lời ăn, tiếng nói
Hiện nay, tình trạng trẻ vị thành niên nói tục, chửi thề, sử dụng tiếng lóng thiếu lành mạnh trong giao tiếp diễn ra khá phổ biến, gây không ít hệ lụy. Phụ huynh cần quan tâm uốn nắn, giáo dục con sửa đổi kịp thời những hành vi xấu…
Festival Gạch Gốm Đỏ - Kinh tế Xanh Vĩnh Long bước đi tiên phong, thể hiện sự đổi mới sáng tạo của địa phương
(NSMT) - Tối 16/11, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức lễ khai mạc Festival Gạch Gốm đỏ - Kinh tế Xanh tỉnh Vĩnh Long lần I năm 2024 tại Làng nghề sản xuất gạch, gốm kênh Thầy Cai (xã Nhơn Phú-huyện Mang Thít). Ông Hồ Đức Phớc - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ tới dự và phát biểu chỉ đạo.
Vĩnh Long: Khai mạc triển lãm ảnh nghệ thuật Môi trường xanh – Cuộc sống xanh – Du lịch xanh
(NSMT) – Sáng 16/11, tại khu dân cư T&T Phước Thọ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long phối hợp cùng Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tổ chức tổng kết, trao giải và khai mạc triển lãm ảnh nghệ thuật chủ đề “Môi trường xanh – Cuộc sống xanh – Du lịch xanh”.