Rặng dừa nước trong miền ký ức người Nam Bộ
Nam Bộ là xứ sở của phù sa, của sông nước. Dọc theo các bờ sông rạch, các bãi bồi, mương vườn thường có những rặng dừa nước mọc ken dày là một hình ảnh quen thuộc, thân thương đã đi vào tâm thức bao thế hệ cư dân nơi này như một miền ký ức xanh thẳm.
Hàng dừa nước là một hình ảnh quen thuộc, thân thương đã đi vào tâm thức bao thế hệ người dân Nam bộ.
Khác với cây dừa trên cạn, ngay cả tên gọi của cây dừa nước đã nói lên đặc điểm sinh trưởng của loại cây này. Ngoài tác dụng chắn sóng, ngăn sạt lở thì cây dừa nước còn có nhiều công dụng khác, gắn liền với đời sống sinh hoạt của bao lớp tiền nhân trong quá trình khẩn hoang, lập ấp.
Lá dừa nước hao hao giống lá dừa trên cạn nhưng nó to và liền bản hơn. Cùng với các loài cây mọc trong vườn như: tre, đủng đỉnh, mù u… lá dừa nước là vật liệu chủ yếu để cư dân nơi đây dùng để cất nhà ở. Một mái nhà lợp lá dừa nước có thể chịu đựng 5- 7 mùa mưa nắng nếu được chằm, lợp đúng qui cách.
Nếu cái công đoạn đốn lá, rọc lá dừa nước nặng nhọc thường dành cho cánh đàn ông thì việc chằm lá (kết nối lá thành từng miếng) đòi hỏi tính kiên trì, tỉ mẩn lại do phụ nữ đảm đương. Lá chằm xong rồi thì đem phơi nắng cho đến sắc lá từ màu xanh ngả sang màu vàng là có thể đem đi dừng vách, lợp mái nhà. Hình ảnh căn nhà mái lá đơn sơ soi bóng bên dòng sông, con rạch là nét đặc trưng nông thôn Nam Bộ của một thời chưa xa.
Đối với bọn trẻ thì cái rặng dừa nước xanh rờn đang xôn xao gọi gió kia lại có nhiều thú vui riêng. Không kể cái cùi dừa nước đem ngâm nước đá, cho thêm chút đường vào ăn giòn sần sật, mát lịm tận tâm can. Bên cạnh đó, có nhiều loài đặc sản sống cộng sinh chung quanh cây dừa nước hấp dẫn đến độ bọn trẻ bất chấp những trận đòn roi của cha mẹ, tìm bắt cho bằng được.
Cùi dừa nước có màu trắng đục, mềm dẻo, vị ngọt nhẹ, là món ăn khoái khẩu của nhiều người.
Đầu tiên kể đến là một loại cá bống, thân cá to khoảng đầu ngón tay, chuyên trú ẩn trong những bập dừa luôn ăm ắp nước nên người ta gọi thành danh là cá bống dừa. Để câu cá bống dừa, bọn trẻ dùng những con trùn đất đỏ hỏn, còn ngoe ngoảy để móc vào lưỡi câu làm mồi. Còn khi đặt lọp thì chúng dùng con cua đồng giã nát bỏ vào lọp để dụ cá. Cái mùi cua đồng có sức quyến rũ kỳ lạ khiến nhiều khi cá bống dừa chui vào đầy cứng cả lọp.
Cá bống dừa bắt được dùng rổ chà cho sạch vảy, mổ bụng, để ráo nước rồi đem đi kho tiêu, kho sả, kho nước cốt dừa… ăn cơm cùng tô canh rau tập tàng bốc khói thì no căng bụng vẫn còn thèm.
Cá bống dừa thường sống ẩn trong những bập dừa.
Bên cạnh con cá bống dừa thì cái bãi bồi phù sa của rặng dừa nước còn là môi trường lý tưởng để con hến sinh sôi. Hến thuộc họ sò, vùi mình trong bùn, ngậm phù sa mà lớn. Những trưa hè oi ả, bọn trẻ trong xóm ven sông thường hay rủ nhau nhảy ùm xuống bãi dừa nước để bắt hến. Bọn trẻ bắt hến bằng cách lặn xuống bãi sông, đưa tay rà sát mặt bùn đáy, chỗ nào cồm cộm là nơi ấy có nhiều hến. Xác định xong “tọa độ”, bọn trẻ dùng rổ tre cào lớp bùn mặt rồi đem lên đãi. Bùn đất theo nước trôi đi, những con hến nằm dưới đáy rổ bị chao đi, chao lại nghe rào rạo thật vui tai.
Hến bắt lên rồi thường được ngâm vào thau nước mưa một buổi để chúng nhả sạch bùn đất. Sau đó, người ta bắt một nồi nước lên bếp chụm lửa to cho nước sôi lên sùng sục mới đổ hến vào, dùng vá khuấy mạng cho phần thịt hến rời khỏi vỏ của nó, nổi lên trên mặt nồi nước sôi rồi dùng rổ vớt. Nói thì nghe đơn giản nhưng để phần thịt hến chịu nổi lên trên nồi nước sôi thì còn đòi hỏi sự khéo léo, quen tay của người luộc hến (nếu không thì con hến chín nhưng phần thịt lại không chịu nổi lên, tách ra rất cực).
Bãi bồi phù sa của rặng dừa nước còn là môi trường lý tưởng để con hến sinh sôi
Từ thịt hến, các bà mẹ quê đảm đang chế biến ra rất nhiều món ngon như: hến xào sả ớt, hến đổ bánh xèo, hến cuốn bánh tráng rau sống, hến đúc chả trứng… Ngay cả cái nước luộc hến màu trắng đục như nước vo gạo cũng chớ dại mà đổ đi. Chờ cho nước nguội, bùn đất do hến tiết ra lắng xuống đáy nồi thì người ta chắt lấy phần nước trong của nó. Nước luộc hến có vị ngọt thanh mát rất riêng chứ không phải ngọt theo kiểu “thịt thăn xương ống”. Ra vườn bứt thêm nắm rau dại: bình bát dây, mỏ quạ, cải trời, dền cơm… là sẽ có ngay tô canh hến có tác dụng giải nhiệt ngày hè rất tốt.
Có thể nói, đối với người Nam bộ thì cây dừa nước không còn đơn thuần là một loài thực vật mà chính nó đã góp phần hình thành một không gian văn hóa bản địa rất riêng mặc dù hình ảnh căn nhà tre lợp lá đã lùi dần vào dĩ vãng do đời sống người dân đồng bằng đã khá hơn xưa. Tuy nhiên, trong lớp thị dân mới hiện tại nhiều người sinh ra từ làng nên nửa đêm thức giấc không ít người tưởng vẫn còn nghe tiếng bìm bịp cầm canh gọi con nước lớn ở rặng dừa nước sông quê.
Lung linh đêm hội sông Trăng
(NSMT) - Trong khuôn khổ Lễ hội Óoc Om Bóc – Đua ghe Ngo Sóc Trăng khu vực ĐBSCL lần thứ 6 và Tuần lễ VHTT-DL Sóc Trăng lần thứ nhất năm 2024, tối ngày 12/11, trên đoạn sông Maspero (tên khác là Nguyệt Giang, Sông Trăng), Sở Văn hoá – Thể thao – Du lịch tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội thi Lôiprotip (thả Đèn nước), trình diễn Đèn nước và ghe Cà Hâu. Đêm hội có sự góp mặt của 20 đèn nước và 5 ghe Cà Hâu đến từ các chùa trong tỉnh.
Còn đâu mái ấm gia đình!
Chỉ vì níu kéo tình cảm không thành, trong cơn ghen tuông mù quáng, Phan Việt Cường (41 tuổi, ngụ quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) dùng hung khí nguy hiểm ra tay tàn nhẫn với vợ. Nhưng nhát dao oan nghiệt lại đâm trúng vào đứa con bé bỏng đang nằm ngủ bên cạnh, khiến cháu phải rời bỏ cõi đời khi chưa tròn 2 tuổi. Trả giá cho hành động nông nổi, tàn ác, Cường phải lãnh mức án 17 năm tù về tội giết người.
Cà Mau: Công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh đối với Bia kỷ niệm Bác Hồ với cây vú sữa miền Nam
(NSMT) - Ngày 12/11, tỉnh Cà Mau tổ chức lễ công bố quyết định xếp hạng di tích cấp tỉnh và khánh thành “Bia kỷ niệm Bác Hồ với cây vú sữa Miền Nam”. Buổi lễ được tổ chức vào Tuần lễ cao điểm với các hoạt động tái hiện 200 ngày Sự kiện Tập kết ra Bắc.
Hơn nửa thế kỷ đắp xây hạnh phúc
Cưới nhau từ năm 1973, ông Võ Văn Hai và bà Nguyễn Thị Điệp (ngụ khu vực Bình Thường A, phường Long Tuyền, quận Bình Thủy) là tấm gương về xây dựng gia đình văn hóa, con cháu thành tài. Hơn nửa thế kỷ qua, họ đã nắm tay nhau vượt qua gian khó để cùng đi đến bến bờ hạnh phúc.
Trà Vinh khai mạc Tuần lễ Văn hóa, Du lịch gắn với Lễ hội Ok Om Bok năm 2024
(NSMT) - Tối 9/11, tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Trà Vinh, Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh đã tổ chức lễ khai mạc Tuần lễ Văn hóa, Du lịch gắn với Lễ hội Ok Om Bok tỉnh Trà Vinh năm 2024. Hoạt động được diễn ra từ ngày 9/11 đến 15/11.
Trà Vinh khai mạc Triển lãm trưng bày các sản phẩm đặc trưng của đồng bào dân tộc Khmer
(NSMT) - Chiều 9/11, tại Khu Văn hóa - Du lịch Ao Bà Om, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh đã tổ chức lễ khai mạc Triển lãm gian hàng trưng bày các sản phẩm đặc trưng của đồng bào dân tộc Khmer Lễ hội Ok Om Bok tỉnh Trà Vinh năm 2024.
Cùng con vui đọc sách
Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, nhất là mạng internet, khiến cho mạng xã hội, trò chơi điện tử, phim ảnh... ngày càng phổ biến, trở thành những thú vui giải trí đầy hấp dẫn, lấn dần văn hóa đọc ở người trẻ. Ðiều này khiến không ít bậc phụ huyh lo ngại nhưng cũng có nhiều phụ huynh làm gương, kiên trì định hướng để xây dựng thói quen đọc sách cho con.