Phong cách sống

Tâm Như Sen - tỏa ngát hương thơm

Thứ sáu, 07/01/2022, 16:06 PM

Tấm lòng của các thành viên trong Nhóm thiện nguyện Tâm Như Sen (gọi tắt là nhóm) ở xã Phú Thuận B, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp được ví như hoa sen tỏa ngát hương thơm giữa những ngày đại dịch Covid-19 bùng phát dữ dội. Ước nguyện và phương châm hành động của nhóm là làm việc giúp ích cho xã hội, từng người thể hiện bằng những việc làm ý nghĩa thiết thực trong khả năng của mình, chứ không phải đợi đến lúc dư dả mới làm từ thiện.

Nhóm thiện nguyện Tâm Như Sen gói bánh tét tặng người nghèo, lực lượng tham gia chống dịch

Nhóm thiện nguyện Tâm Như Sen gói bánh tét tặng người nghèo, lực lượng tham gia chống dịch

Tờ mờ sáng, những thành viên trong nhóm, từ cụ già đến thanh niên cùng “xắn tay” nấu tươm tất bữa ăn, tỉ mẩn gói từng đòn bánh tét để tặng cho người dân và lực lượng làm nhiệm vụ chống dịch. Những hình ảnh sống đẹp ấy đã lan tỏa tinh thần đồng lòng, chung sức “chống dịch như chống giặc” trong xã hội.

Thiện nguyện bằng cả trái tim

Trước khi thành lập nhóm, các thành viên đều đam mê làm từ thiện, tất cả có chung tấm lòng yêu thương, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trong xã hội. Tuy nhiên, việc làm từ thiện còn nhỏ lẻ, tự phát, từ đó anh Nguyễn Văn Khang - Bí thư Chi đoàn ấp Phú Lợi B, xã Phú Thuận B mong muốn có một nhóm thiện nguyện hoạt động mạnh hơn, để lan tỏa nhiều hơn những việc làm tốt. Thế là Nhóm thiện nguyện Tâm Như Sen chính thức thành lập vào tháng 4/2021 do anh Khang làm Trưởng nhóm.

Những ngày đầu mới hoạt động, nhóm còn ít người, sau đó thấy được tinh thần thiện nguyện vì cộng đồng nên nhiều người rủ nhau tham gia. Đến nay, nhóm phát triển lên 30 người và nhiều tình nguyện viên khác cùng tham gia. Mỗi cá nhân đến với nhóm trên tinh thần thiện nguyện, mỗi người, mỗi công việc để cùng chung tay giúp ích cho xã hội. Gặp gỡ và trò chuyện với những thành viên trong nhóm, tôi cảm nhận ở họ có cùng suy nghĩ tích cực: “Ở đời, không phải đợi đến lúc dư dả mới làm việc thiện, mà có thể đóng góp bằng chính khả năng của bản thân”. Thế là những người đến với nhóm đủ các thành phần, nghề nghiệp, lứa tuổi bằng cái tâm hướng đến cộng đồng, giản dị gắn với thông điệp “Thiện nguyện bằng cả trái tim”.

Nhóm ra đời trong thời điểm đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp với mục đích tổ chức nhiều hoạt động thiện nguyện, góp phần chung tay phòng, chống dịch và hướng về cộng đồng. Bà Dương Thị Được, 68 tuổi là thành viên trong nhóm bộc bạch: “Mỗi người muốn đóng góp chút công sức nấu thức ăn, gói bánh tét tặng người nghèo, các cháu tham gia chống dịch, nên ai nấy đều cảm thấy vui vẻ, nhiệt tình làm việc. Trong nhóm, người không có của thì góp sức lao động, quan trọng nhất là tinh thần đoàn kết, chia sẻ và sống vì xã hội”.

Lúc mới thành lập, nhóm hoạt động chủ yếu là tổ chức làm món ăn như bánh mì, bún, cơm... phát miễn phí cho người nghèo định kỳ 2 tuần/lần. Mỗi kỳ, phát từ 500 - 1.500 suất, nguồn kinh phí do các thành viên tự nguyện đóng góp và sự hỗ trợ từ các mạnh thường quân. Đặc biệt, trong đợt giãn cách xã hội, nhóm đồng hành cùng chính quyền địa phương, phối hợp với các đoàn thể tổ chức nhiều hoạt động mang lại ý nghĩa thiết thực, hỗ trợ đi mua nhu yếu phẩm cho người dân, nấu ăn cho các chốt trực, tiếp tế đồ ăn sáng; đồng thời vận động mua nhu yếu phẩm, thuốc cho người dân trong khu cách ly, khu phong tỏa với số tiền gần 120 triệu đồng.

Qua hoạt động tích cực của nhóm, nhiều người thấy được việc làm có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, từ đó các hoạt động thiện nguyện nhận được sự chung tay góp sức, góp của trong cộng đồng, giúp hoạt động của nhóm ngày càng lan tỏa sâu rộng. Khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, các thành viên không quản ngại khó khăn, nguy hiểm vẫn tổ chức nấu thức ăn sáng, trưa phục vụ miễn phí cho lực lượng các chốt kiểm soát dịch với 200 suất/ngày. Ngoài ra, nhóm còn vận động mạnh thường quân hỗ trợ nguời dân trong khu cách ly như khẩu trang y tế, nước xịt khuẩn, mì, sữa... với nguồn kinh phí trên 100 triệu đồng. Các thành viên của nhóm còn tham gia “Phiên chợ 0 đồng”, “Đội shipper áo xanh”, “Đội tình nguyện” để đi thu mua, vận chuyển hàng nông sản tiếp tế cho người dân khu cách ly, phong tỏa.

Anh Khang bộc bạch: “Ban đầu, tôi thành lập nhóm với mục đích là chung tay chia sẻ khó khăn với người dân nghèo và lực lượng tham gia chống dịch để sớm vượt qua dịch bệnh, ổn định cuộc sống. Đến nay, tôi thấy nhóm hoạt động hiệu quả, có ích cho xã hội nên tiếp tục duy trì lâu dài bằng cách tổ chức những hoạt động thiết thực khác”. Thời gian tới, nhóm vẫn duy trì hoạt động tặng các suất ăn miễn phí định kỳ 2 tuần/lần và đều đặn việc bán bánh gây quỹ mua gạo cho bà con nghèo, mua bảo hiểm y tế cho các hộ khó khăn. Đồng thời gây quỹ như Giải bóng đá thiện nguyện tranh cúp Tâm Như Sen để trao học bổng cho học sinh vượt khó học giỏi, gói bánh tét tặng gia đình chính sách, người nghèo đón Tết, anh Khang cho biết thêm.

Các thành viên của Nhóm chuẩn bị bữa ăn cho người dân và các chốt kiểm soát dịch

Các thành viên của Nhóm chuẩn bị bữa ăn cho người dân và các chốt kiểm soát dịch

Thơm thảo những tấm lòng

Từ sáng sớm, các cụ bà trong xóm sắp xếp việc nhà xong là rủ nhau đi gói bánh tét để tặng lực lượng tuyến đầu chống dịch. Đến với nhóm là những tấm lòng thơm thảo của các cụ luôn hết lòng vì xã hội. Như cụ bà Nguyễn Thị Khoai, tuy đã 81 tuổi vẫn còn “mạnh tay, khỏe chân” nhiệt tình tham gia nhóm. Đang ngồi gói từng đòn bánh tét, bà Khoai giọng sang sảng: “Bà lớn tuổi nhưng được đi gói bánh tét cùng với mấy người bạn trong xóm cảm thấy rất vui, tinh thần thoải mái lắm. Bánh tét nấu chín sẽ tặng các cháu làm nhiệm vụ chống dịch ăn lót dạ”. Nhìn các cụ tỉ mỉ gói, buộc dây từng đòn bánh tét, tôi cảm nhận tấm lòng các cụ “gói trọn” vào những đòn bánh với sự đồng lòng chống dịch, mong dịch bệnh qua nhanh để cuộc sống trở lại bình thường.

Tấm lòng của từng thành viên trong nhóm nhân lên những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống. Nếu mỗi người chịu khó đóng góp phần nào đó cho cộng đồng sẽ bớt gánh nặng cho nhà nước và xã hội thêm phát triển. “Ngày càng nhiều những hoàn cảnh nghèo khó được quan tâm chia sẻ, đó chính là niềm vui để nhóm phấn đấu nhiều hơn nữa, tiếp thêm động lực cho người dân vượt qua giai đoạn khó khăn do dịch bệnh. Nhóm quyết tâm đoàn kết để lan tỏa nhiều hơn nữa những hoạt động thiện nguyện hướng về cộng đồng”, anh Khang trải lòng.

Lúc đầu, nhóm hoạt động chủ yếu dựa vào nguồn kinh phí do các thành viên tự đóng góp. Về sau, nhiều người thấy được hành động đẹp của nhóm và cảm động, trân quý trước những tấm lòng tốt, từ đó người có gạo, nếp, thịt, đậu xanh, trứng... thì mang đến góp; người không có vật chất thì góp công lao động. Các hoạt động giải quyết an sinh xã hội của nhóm đã góp phần giảm bớt gánh nặng cho chính quyền địa phương. Anh Khang cho biết về dự định sắp tới: “Nhóm sẽ chủ động kinh phí từ việc bán hàng hóa, thường xuyên tổ chức gói bánh tét bán gây quỹ, nhận đặt nấu đãi đám tiệc, bán đồ chay để có nguồn lợi nhuận tổ chức các hoạt động an sinh xã hội”.

Anh Huỳnh Chí Trung - Phó Bí thư Xã đoàn Phú Thuận B chia sẻ: “Nhóm thiện nguyện Tâm Như Sen là nơi lan tỏa những yêu thương, nơi tập hợp những người thích làm từ thiện không phân biệt giàu nghèo, độ tuổi. Nhóm đã đóng góp sức người, sức của cùng chính quyền địa phương đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 và đã được Huyện đoàn Hồng Ngự tặng Giấy khen về thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch. Không những thế, nhiều tháng qua, nhóm tổ chức nhiều hoạt động như: tặng bánh mì, tặng gạo, quà, thuốc cho khu cách ly, khu phong tỏa, người dân khó khăn; đồng thời tổ chức bán bánh gây Quỹ triệu túi an sinh. Những việc làm ý nghĩa của nhóm đã giúp nhiều hoàn cảnh khó khăn được giúp đỡ, chia sẻ những vất vả, lo toan trong cuộc sống”.

Ấm lòng những ổ bánh mì được phát miễn phí cho người dân có hoàn khó khăn

Ấm lòng những ổ bánh mì được phát miễn phí cho người dân có hoàn khó khăn

Tôi cảm nhận việc đặt tên cho nhóm khá ấn tượng, đúng với ý nghĩa những việc làm, hành động đẹp của lòng tốt như hoa sen tỏa ngát hương thơm trong đời sống. “Tên nhóm lấy cảm hứng từ hoa sen là loài hoa đặc trưng của quê hương Đồng Tháp, ý nghĩa thuần khiết như hồn sen, muốn tâm mỗi người luôn luôn hướng đến những điều thiện lành, giống như hoa sen “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Tên nhóm còn gửi thông điệp làm thiện nguyện bằng cả trái tim - cho đi là còn mãi”, anh Khang chia sẻ.

Ông Trương Văn Nhỏ - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Phú Thuận B nhận xét: “Nhóm thiện nguyện Tâm Như Sen ra đời đã có nhiều hoạt động tích cực trong việc cưu mang, đùm bọc giúp đỡ những thành phần khó khăn trong xã hội. Từ đó, giảm bớt gánh nặng khó khăn cho chính quyền địa phương. Mặc dù, tình hình dịch bệnh hết sức căng thẳng, phức tạp nhưng các thành viên đều thể hiện rõ tinh thần thiện nguyện giúp đỡ người dân nghèo và lực lượng tuyến đầu chống dịch. Đến nay, tình hình Covid-19 trên địa bàn tỉnh đã giảm nhưng nhóm vẫn tích cực tổ chức các hoạt động nhằm giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trong xã hội”.

Theo Dương Út

Link bài gốc tại Báo Đồng Tháp Online

Cô gái Cà Mau trở thành sinh viên đại học bằng

Cô gái Cà Mau trở thành sinh viên đại học bằng "đôi chân của mẹ"

(NSMT) - Cô gái tí hon Võ Thị Huỳnh Như, sinh viên năm 4 ngành Công nghệ thông tin, phân hiệu Đại học Bình Dương tại tỉnh Cà Mau, bước vào giảng đường bằng “đôi chân của mẹ”.

Người hạnh phúc coi cuối tuần như kì nghỉ

Người hạnh phúc coi cuối tuần như kì nghỉ

Khi đo lường mức độ hạnh phúc, nhà nghiên cứu này thấy rằng những người có tư duy nghỉ dưỡng vào cuối tuần thể hiện sự hài lòng và tích cực hơn khi họ trở lại làm việc.

Yêu thương bản thân để sống vui, sống khỏe

Yêu thương bản thân để sống vui, sống khỏe

(NSMT) - Dẫu bận rộn, nhiều phụ nữ vẫn cố gắng sắp xếp, cân bằng giữa công việc, gia đình và nghỉ ngơi, thư giãn để nâng cao chất lượng cuộc sống. Các chị thể hiện tình yêu bản thân bằng sự quan tâm đến cảm xúc cá nhân, nuôi dưỡng thể chất và tâm hồn, xây dựng lối sống lành mạnh. Những thói quen tốt giúp các chị tái tạo năng lượng tích cực, vui vẻ, lạc quan, khỏe đẹp hơn…

Những “bông hoa khuyết”  tỏa sáng trên đường chạy

Những “bông hoa khuyết” tỏa sáng trên đường chạy

(NSMT) - “Những đoá hoa khuyết” phá rào cản, vượt qua giới hạn bản thân để tỏa sáng trên đường chạy “Bước chân hòa nhập 2024” – Mùa 2 do Hội Người khuyết tật TP. Cần Thơ (CAPD) tổ chức.

Tài không vào cửa gấp, phú không vào cửa lệch

Tài không vào cửa gấp, phú không vào cửa lệch

Phát tài cũng có rất nhiều điểm khác biệt, trong đó có cả tiền của bất chính, loại tài sản này không ổn định, hơn nữa còn dễ dẫn đến rắc rối.

Lặng lẽ nghề pháp y

Lặng lẽ nghề pháp y

(NSMT) - Cũng khoác áo blouse để mưu sinh và cống hiến, thế nhưng chẳng mấy ai biết bác sĩ pháp y - nghề “lên tiếng thay người đã khuất” vẫn thầm lặng tìm công lý bên những xác chết, phục vụ công tác điều tra phá án. Và, đâu đó góc khuất của nghề chưa được kể, hiểu đúng cũng như cảm thông.

Chuyện về người thương binh “tàn nhưng không phế” ở Cà Mau

Chuyện về người thương binh “tàn nhưng không phế” ở Cà Mau

(NSMT) - Thương binh hạng 2/4 Nguyễn Văn Chà, sinh năm 1963, ở xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau, luôn giữ được phẩm chất của người lính bộ đội Cụ Hồ "tàn nhưng không phế”, tích cực phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng và có nhiều đóng góp tích cực cho quê hương.