Tết vui, tiết kiệm
Còn hơn tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, các gia đình đã bắt đầu sắm sửa để chuẩn bị đón mừng năm mới. Với sự chu đáo, vén khéo, nhiều chị em lên kế hoạch chi tiêu hợp lý, tiết kiệm để cả nhà có một mùa vui ý nghĩa.
Tranh thủ cuối tuần, chị Vân ở quận Cái Răng, TP Cần Thơ đưa con gái 15 tuổi đi mua quần áo và giày ở siêu thị; con trai lớn của chị thì tự đi mua sắm với bạn bè.
Chị Vân kể, năm nay làm ăn khó khăn, thu nhập của vợ chồng đều giảm, nên phải tính toán kỹ trong chi tiêu, cố gắng dành dụm cho những khoản dự phòng đột xuất, sinh hoạt sau Tết. Trước khi đi mua sắm, chị Vân kiểm tra tủ đồ, lên danh sách những thứ cần mua, chủ yếu sắm sửa cho con, còn chị tận dụng loạt váy áo mua trong năm. Chị Vân thường mua sắm sớm để có nhiều đồ mới, đủ size, một số mặt hàng còn được khuyến mãi giảm giá.
Chị Vân cho biết: “Tết này tôi dự trù chi tiêu tầm 10 triệu đồng. Tôi mua trước một số đặc sản để dành làm quà biếu. Về phần bánh mứt, thực phẩm dùng trong nhà, tôi cân nhắc mua vừa đủ, tránh tình trạng ăn không hết, bỏ phí. Tôi đã liên hệ với các chị ở quê gói bánh tét, làm giò thủ, đồ nguội chia nhau, vừa ngon vừa rẻ. Tết là thời điểm gia đình nghỉ ngơi, sum họp bên nhau, mua sắm nhiều hay ít không quan trọng, miễn sao vui vẻ là được”.
Mấy hôm nay, chị Vân sắp xếp làm vệ sinh nhà, các chậu hoa giả, đồ trang trí, giặt rèm cửa… khỏi phải thuê dịch vụ. Có chồng và các con hỗ trợ việc dọn dẹp nên chị Vân đỡ phần vất vả.
Vợ chồng chị Nhi ở quận Ninh Kiều TP Cần Thơ cùng quan điểm “Tết là để nghỉ ngơi, sum vầy bên gia đình” nên không cần bày vẽ nhiều. Công ty chị Nhi làm việc đang gặp khó khăn về tài chính, thu nhập giảm nhiều nên năm nay vợ chồng hết sức tiết kiệm, dành dụm trả nợ ngân hàng, lo chuyện học hành của các con. Vợ chồng chị Nhi thống nhất chỉ mua vài bộ đồ mới cho con. Gần Tết, chị Nhi sẽ kho thịt, làm dưa kiệu, sên mứt, mua thêm vài loại bánh kẹo nữa là tạm ổn. Chị thường tham khảo giá trước, canh các đợt giảm giá, mua có kèm quà tặng, rủ bạn bè đặt hàng chung để giảm chi phí.
Chị Nhi kể: “Bà nội sấp nhỏ có gọi điện kêu vài bữa về bắt mấy cặp gà lên ăn, còn cho trái cây chưng nữa. Những ngày Tết gia đình tôi ít đi chơi, chủ yếu ở nhà nghỉ ngơi, thăm người thân nên cũng không chi tiêu nhiều”.
Vợ chồng chị Kim Dung quê ở miền Trung, vào Cần Thơ lập nghiệp, sinh sống tại quận Bình Thủy. Mọi năm, chị Dung thường mua quà sớm để cả nhà về quê ăn Tết. Năm nay, kinh tế gặp khó, để tiết kiệm chi phí đi lại, anh chị không về quê mà chỉ gửi tiền để ba mẹ sắm sửa Tết. Về khoản bánh mứt, hoa chưng thì chị Dung có mối quen để đặt hàng trước, rất thuận tiện, quần áo đã mua quanh năm nên đến Tết cũng không cần sắm sửa nhiều. Chồng chị Dung rất khéo tay nên thường làm khô bò, chả giò… để ăn và biếu hàng xóm. Tết này chị Dung dự chi khoảng 15 triệu đồng, do có chuẩn bị trước nên không ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt trong nhà.
Theo ghi nhận, năm nay rất nhiều chị em mua sắm trực tuyến và đặt hàng người quen, đỡ mất thời gian đi lại, chọn lựa. Các chị chuộng xu hướng gọn gàng, đơn giản, nhưng không kém chu đáo, chất lượng. Làm việc văn phòng, theo giờ hành chính, lại bận bịu đưa rước con, gần Tết thường tăng ca nên chị Ngọc và nhóm bạn trong cơ quan ở quận Ninh Kiều cùng nhau mua sắm online. Chị Ngọc có tham gia các trang mua bán đặc sản và hội chị em khéo tay hay làm nên chị đặt sẵn một số món vừa để ăn vừa để biếu.
Ðể vừa có thức ăn ngon, chất lượng vừa có thêm thu nhập, một số chị em cùng gia đình làm bánh mứt bán, hoặc làm trung gian giới thiệu các món “nhà làm”. Chị Thanh Thúy ở quận Cái Răng, đăng online bán các loại lạp xưởng, khô, mứt, nhận làm mâm cúng tất niên; chị Như Quỳnh, làm nội trợ ở quận Ninh Kiều, thì ngoài làm một số loại mứt, dưa kiệu, bánh, còn nhận kết hoa cho khách. Hiện có nhiều mối đặt hàng, chị Quỳnh phải huy động thêm người thân phụ chế biến, giao hàng…
Ngày Tết là dịp đoàn viên, được nghỉ ngơi, vui chơi nên nhu cầu chi tiêu, mua sắm, quà cáp cho gia đình, bạn bè… tăng lên. Nhiều chị em dẫu công việc khó khăn, ngân quỹ sụt giảm, nhưng vẫn cố gắng cân đối mọi thứ tươm tất. Theo kinh nghiệm của nhiều chị, trước khi đi mua sắm nên lên danh sách những thứ cần thiết để kiểm soát chi tiêu, tránh mua quá nhiều, lãng phí. Nếu có điều kiện nên mua từ sớm những mặt hàng để lâu được như bánh kẹo, rượu bia, trà... để tránh tình trạng tăng giá vào cận Tết. Ðiều quan trọng không là phải chi bao nhiêu, đủ đầy ra sao, mà việc sắp xếp tiền nong phải phù hợp với khả năng của mỗi người để cả nhà cùng vui, đón năm mới tiết kiệm, an lành, hạnh phúc.
Cùng nhau vượt khó
(NSMT) - Cuộc sống không phải lúc nào cũng suôn sẻ, thuận lợi mà có những “khúc quanh” đột ngột như mất việc làm, ốm đau… Ðiều quan trọng, người trong cuộc đừng bi quan mà hãy suy nghĩ tích cực, tìm cách vượt qua nghịch cảnh. Sẽ đáng quý hơn nếu như trong lúc thắt ngặt, thất bại, có sự chung tay trợ giúp của gia đình.
Hạnh phúc hơn khi sinh đủ 2 con
Nhiều hộ dân tộc Khmer ở TP Cần Thơ thực hiện tốt thông điệp của ngành dân số thành phố “Mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con”. Dẫu có lúc khó khăn về kinh tế nhưng các cặp vợ chồng đều cùng nhau vượt qua để xây dựng gia đình tiêu biểu, hạnh phúc.
Nhà chật đến mấy vẫn phải tránh đặt bếp 4 hướng này để không lục đục, ốm đau
Bếp không chỉ đơn thuần là nơi nấu nướng mà còn mang theo nguồn năng lượng hỏa, ảnh hưởng đến tài vận của gia chủ. Có một số lỗi phong thủy khi đặt bếp nấu mà nhiều gia đình Việt thường mắc phải.
Giải trí ảo, hậu quả thật
Hiện nay, sử dụng mạng xã hội là hình thức giải trí phổ biến, nhất là đối với chị em phụ nữ. Các chị lên mạng cập nhật kiến thức, mở rộng quan hệ, kết giao bạn bè, nhiều chị đầu tư viết nội dung, xây dựng hình ảnh trên trang cá nhân thật lung linh để có like… Và rồi không ít trường hợp bị các thiết bị công nghệ cùng thế giới ảo chi phối quá mức, xao nhãng trách nhiệm đối với người thân, gây bao hệ lụy…
Khi mẹ là cô giáo
Chiến tranh kết thúc, mẹ tôi rời quân ngũ về làng rồi trở thành cô giáo. Làm con của cô giáo khiến tuổi thơ của tôi nhà cũng là trường mà trường cũng là nhà. Áp lực phải học giỏi, phải ngoan vì là con của cô giáo khiến tôi nhiều phen không còn là một đứa trẻ.
Hơn nửa thế kỷ đắp xây hạnh phúc
Cưới nhau từ năm 1973, ông Võ Văn Hai và bà Nguyễn Thị Điệp (ngụ khu vực Bình Thường A, phường Long Tuyền, quận Bình Thủy) là tấm gương về xây dựng gia đình văn hóa, con cháu thành tài. Hơn nửa thế kỷ qua, họ đã nắm tay nhau vượt qua gian khó để cùng đi đến bến bờ hạnh phúc.