Thương “bà cô bên chồng”
“Giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng” bởi những chị, em gái nhà chồng hay xách mé, kiếm chuyện với chị, em dâu và luôn có mặt trong vô vàn câu chuyện hấp dẫn không hồi kết, bất phân thắng bại. Thế nhưng, đâu đó trong cuộc sống, vẫn có những “bà cô” hiểu chuyện, chan hòa, yêu thương chị, em dâu…
Mẹ của Ngọc Huỳnh ở quận Cái Răng, xuất viện về nhà sau gần 10 ngày đặt stent động mạch cảnh. Dù mẹ của Huỳnh hồi phục sức khỏe nhanh so với tuổi gần 70 nhưng bác sĩ cảnh báo, cần có người kề cận, dìu đỡ, lỡ mẹ đi đứng liêu xiêu, té ngã thì nguy hiểm tính mạng. Nghe mấy chị em Huỳnh họp bàn cắt đặt, phân chia thời gian để chăm sóc mẹ, cô Út Thoa lên tiếng: “Để cô chăm mẹ con vì biết tính ý, dễ hơn. Bây cứ lo việc làm, con cái, phân công chi phiền phức”. Suốt thời gian mẹ Huỳnh nhập viện điều trị, Út Thoa là người kề cận, trấn an, khích lệ tinh thần mẹ. Út Thoa ân cần, chu đáo, khiến các bệnh nhân và người thân cùng phòng cứ ngỡ cô là em ruột, hóa ra lại là em chồng. Nghe mọi người bàn tán, Út Thoa vẻ bình thản: “Em ruột, em chồng thì sao chớ”.
Ông bà nội Huỳnh có 3 người con, trong đó, chỉ có Út Thoa là con gái. Lúc mẹ Huỳnh và thím ba về làm dâu, cô út còn nhỏ. Khi Út Thoa trưởng thành, được ông bà nội giao trông coi việc sổ sách, kinh doanh, chi xuất của cửa hàng. Họ hàng bên nội đều nể và quý Út Thoa vì sự duyên dáng, khéo léo, tâm lý. Mấy nhân viên trẻ nói Út Thoa nghiêm khắc, kỹ tính nên “ế”…, nhưng mấy chị em Huỳnh cảm nhận được Út Thoa hiền lành, biết đối nhân xử thế, chỉ là cô chưa muốn lấy chồng. Mẹ Huỳnh giải thích: “Nếu cô xuê xoa, dễ dãi thì làm sao quản lý được sản nghiệp của ông bà nội. Ba và chú các con còn kiêng dè cô”.
Lúc còn trung niên, ba và chú của Huỳnh luôn ỷ lại tài sản ông bà nội nên sống phóng khoáng, phô trương, đầu tư kinh doanh “lớn thuyền, lớn sóng”, mẹ Huỳnh và thím can ngăn còn bị cho là “kỳ đà cản mũi”. Mỗi lần thua lỗ, thất bại, ba Huỳnh và chú về “kiếm chuyện” với mẹ và thím, gia đình lục đục, xào xáo không yên. Út Thoa nóng ruột, can thiệp, bênh vực 2 chị dâu. Út Thoa sắp xếp việc làm phù hợp cho mẹ Huỳnh và thím, còn nhắn nhủ: “Hai chị không nên lệ thuộc hai anh nữa, phải sống vì bản thân. Em sẽ lo mọi việc”. Lúc đầu, ông bà nội phản đối, cho rằng Út Thoa lạm quyền, lấn lướt hai anh. Cô Út không đồng ý suy nghĩ của ông bà nội, quyết tranh luận bảo vệ 2 chị dâu đến khi ông bà nội đồng ý để mẹ và thím đi làm. Thỉnh thoảng, Út Thoa gác lại công việc, rủ mẹ Huỳnh và thím đi du lịch đó đây để thư giãn tâm trí.
Thường dịp cuối tuần, chị Minh - chị chồng của chị Nhã Khanh ở quận Ninh Kiều, điện thoại gia đình các em trai về nhà ở Hậu Giang, nấu nướng, ăn uống để ba mẹ già vui vầy bên con cháu. Nhà ba mẹ thoáng mát, vườn tược rộng rãi, các cháu vui đùa thỏa thích, không biết chán, chiều về có quà quê là trái cây, gà, vịt, cá…, mà chị Minh và em dâu út lui cui làm sạch, chia phần sẵn sàng. Chị Nhã Khanh kể: “Nhà chồng tôi có 8 chị em thì 7 người con trai, chỉ có mình chị là gái. Lúc trước, gia đình còn khó khăn, chị nghỉ học sớm, phụ cha mẹ việc ruộng vườn, rẫy bái, chăm lo việc học hành, rồi cưới vợ cho các em”.
Thời gian dần trôi, tuổi xuân qua nhanh, chị Minh ở vậy, không lấy chồng để có thể phụng dưỡng cha mẹ, chăm sóc các em, cháu. Cặp vợ chồng nào giận hờn, xích mích, chị khéo léo can thiệp, giảng hòa và phần lỗi luôn do em trai mình là trụ cột trong nhà; gia đình nào khó khăn, trở ngại, chị kín đáo dò hỏi em dâu, rồi bảo ban, giúp đỡ. Vợ chồng nào bận mua bán, công tác, cứ đưa các con về nhà ông bà nội, chị trông giữ tiếp. Cháu nào đến tuổi đi học, chị tặng quần áo, đồ dùng học tập và thưởng theo thành tích học tập cuối năm. Chị Nhã Khanh chia sẻ: “Nhờ sự khéo léo, công bằng của chị mà mấy chị em bạn dâu dần hiểu tính nết, hòa đồng, thương yêu nhau. Nhớ mấy năm trước, chồng tôi mua bán thua lỗ, chị quan tâm giúp vốn liếng, gợi ý cách làm ăn, nhất là phải chi tiêu tiết kiệm. Riêng tôi, chị khuyên phải mạnh mẽ, làm tốt bổn phận “tay hòm chìa khóa”, không thể lơ là, phó thác hay trông nhờ chồng...”. Nhờ lời khuyên đó, chị Khanh sát cánh cùng chồng vực dậy kinh tế gia đình khấm khá như hiện nay.
Một “công thức” để các “bà cô bên chồng” chan hòa với chị, em dâu là “người một nhà phải thương yêu nhau”, đó là vợ của anh, em trai và mẹ của các cháu mình. Hãy kìm nén những cảm xúc bất chợt, nhất thời và dùng yêu thương làm công cụ giảng hòa, gắn kết tình chị em, gia đình để mọi người cùng vui vẻ, thoải mái.
Theo Mai Thy (Báo Cần Thơ)
https://baocantho.com.vn/thuong-ba-co-ben-chong--a136181.html
Giao tiếp kết nối yêu thương
Đối thoại, giao tiếp rất quan trọng trong đời sống gia đình, bởi có nói mới hiểu để chia sẻ, cảm thông. Các thành viên cùng một mái nhà hãy tăng cường tương tác, mở lòng trò chuyện cùng nhau. Khi có tiếng nói chung, sẽ giảm bớt những bất đồng, tình cảm thêm gắn kết.
Bạn ghen tị với người khác giới điều gì?
Đàn ông ghen tị với khả năng mang lại sự sống mới cho thế giới của phụ nữ, một số còn ghen tị cả với vai trò làm mẹ. Trong khi đó phụ nữ ghen tị với những điều bất ngờ khác.
Ước mơ làm mẹ của cô gái bại não
Một phụ nữ Trung Quốc mắc bệnh bại não quyết tâm bảo vệ mong muốn được làm mẹ của mình trước những lời chỉ trích trực tuyến.
Phong thủy bàn làm việc giúp sự nghiệp “thăng hoa" trong năm mới
Sự hài hòa trong việc sắp xếp bàn làm việc theo phong thủy sẽ giúp tâm trạng, sức khỏe, tiền tài và vận may trong công việc và sự nghiệp của gia chủ.
Tết vui, tiết kiệm
Còn hơn tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, các gia đình đã bắt đầu sắm sửa để chuẩn bị đón mừng năm mới. Với sự chu đáo, vén khéo, nhiều chị em lên kế hoạch chi tiêu hợp lý, tiết kiệm để cả nhà có một mùa vui ý nghĩa.
Giáo dục con truyền thống gia đình qua dịp lễ Noel
Giáng sinh đang dần trở nên quan trọng khi là dịp để mỗi gia đình đoàn tụ yêu thương, chia sẻ và tận hưởng không khí vui tươi bên bạn bè, người thân.
Cùng nhau vượt khó
(NSMT) - Cuộc sống không phải lúc nào cũng suôn sẻ, thuận lợi mà có những “khúc quanh” đột ngột như mất việc làm, ốm đau… Ðiều quan trọng, người trong cuộc đừng bi quan mà hãy suy nghĩ tích cực, tìm cách vượt qua nghịch cảnh. Sẽ đáng quý hơn nếu như trong lúc thắt ngặt, thất bại, có sự chung tay trợ giúp của gia đình.