TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL cùng nhau hợp tác phát triển kinh tế - xã hội
(NSMT) - Chiều 21/7, tại TP. Cần Thơ, UBND TP. Hồ Chí Minh phối hợp với UBND các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tổ chức Hội nghị công bố Kế hoạch triển khai Thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL năm 2023 và giai đoạn 2024 – 2025. Trước đó, chương trình ký kết đã diễn ra vào ngày 11/3 tại tỉnh Bến Tre.
Tham dự chương trình có ông Phan Văn Mãi – UV BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh; ông Nguyễn Văn Hiếu – UV dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Cần Thơ; ông Trần Việt Trường – Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ; đại diện lãnh đạo các địa phương và các sở ban ngành vùng ĐBSCL.
Tại chương trình, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã có kiến nghị, đề xuất cân bằng lại nguồn nhân lực sẵn có cũng như phát triển kinh tế - xã hội đúng đặc thù từng địa phương. Sau ngày ký kết, các chương trình hợp tác được mở rộng trên nhiều lĩnh vực, dần chuyển hóa tiềm năng, lợi thế của các bên thành giá trị cụ thể, đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương; tạo cầu nối để doanh nghiệp các bên liên kết, hợp tác với nhau; thúc đẩy hợp tác công - tư trên nguyên tắc cùng có lợi và đóng góp vào sự phát triển chung của các bên. Đồng thời, các bên thường xuyên trao đổi kinh nghiệm về cải cách hành chính, quản lý nhà nước và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, nâng cao đời sống của người dân.

Ông Phan Văn Mãi – UV BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh phát biểu tại hội nghị.

Ông Nguyễn Văn Hiếu – UV dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Cần Thơ phát biểu tại hội nghị.

Ông Trần Việt Trường – Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ phát biểu tại hội nghị.

Ông Trần Anh Thư - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu chào mừng tại Hội nghị, ông Trần Việt Trường – Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ xác định việc hợp tác phát triển với TP. Hồ Chí Minh là hướng đi cơ bản, đúng đắn, tạo động lực thúc đẩy phát triển, cũng như mở ra cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp, nhà đầu tư giữa hai địa phương.
Để liên kết sâu rộng hơn, riêng đối với TP. Cần Thơ đề nghị tiếp tục được hỗ trợ, liên kết hợp tác với các cơ quan, đơn vị của TP. Hồ Chí Minh các nội dung như đối với Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc tại TP. Cần Thơ, tiếp tục được hợp tác liên kết, phát triển Vườn ươm; được chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm với các Chuyên gia và tiếp cận các mô hình khởi nghiệp phù hợp với các đơn vị có liên quan của TP. Hồ Chí Minh.
Hợp tác phát triển các sản phẩm du lịch theo hướng khai thác, đầu tư nâng cấp các sản phẩm du lịch truyền thống; đồng thời, đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch mới gắn liền với sản phẩm du lịch truyền thống; đa dạng hóa các sản phẩm và các loại hình du lịch, phát huy liên kết vùng, liên kết trong phát triển sản phẩm du lịch, tạo các sản phẩm du lịch đặc thù; hợp tác đẩy mạnh hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch, mở rộng phạm vi thị trường quảng bá ra nước ngoài. Hợp tác xây dựng cơ chế kết nối các trường đại học, các viện, các trung tâm của TP. Cần Thơ và TP. Hồ Chí Minh nhằm đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo yêu cầu; đào tạo nhân lực theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp lớn có uy tín, có năng lực giữa hai thành phố...
Đặc biệt, với việc ký kết thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực y tế, công thương diễn ra vào buổi sáng, hy vọng người dân vùng ĐBSCL sẽ tiếp cận được các kỹ thuật tiên tiến, công nghệ hiện đại của ngành Y học hàng đầu mà TP. Hồ Chí Minh đang có.

Các đại biểu trao đổi bên lề hội nghị.

Bên cạnh đó, Hội nghị kết nối giao thương giữa TP. Hồ Chí Minh với TP. Cần Thơ sẽ phát triển các chuỗi thương mại dịch vụ, logictis hiện đại; kết nối phát triển công nghiệp giữa các doanh nghiệp tại vùng ĐBSCL và TP. Hồ Chí Minh; hỗ trợ tạo điều kiện các sản phẩm OCOP vùng ĐBSCL vào các kênh phân phối tại TP. Hồ Chí Minh; đồng thời phối hợp nghiên cứu dự án Đường sắt TP. Hồ Chí Minh - TP. Cần Thơ, sớm đề xuất chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường sắt này trong thời gian sớm nhất.

Ông Phan Văn Mãi – UV BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh (bìa trái) và các đại biểu tham dự hội nghị.

Ông Nguyễn Văn Hiếu – UV dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Cần Thơ; ông Trần Việt Trường – Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ tham dự hội nghị.
Về phía An Giang, địa phương có một phần nằm trong vùng Tứ giác Long Xuyên và là tỉnh biên giới có nhiều đồng bào dân tộc, để phát triển kinh tế - xã hội phù hợp đặc thù địa phương, ông Trần Anh Thư - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đề nghị kế hoạch cần có những giải pháp chuyển dịch nguồn nhân lực lao động từ TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương về các tỉnh, thành ĐBSCL, để cân bằng lực lượng lao động và giảm bớt áp lực xã hội cho hai địa phương trên. TP. Hồ Chí Minh có thể trở thành khu điều phối khu công nghiệp, còn khu công nghiệp thì doanh nghiệp có thể đặt ở An Giang hay vùng ĐBSCL. Như vậy, lực lượng lao động của vùng có thể vào làm các công ty đặt tại quê hương của họ, sẽ giảm bớt được áp lực về mặt xã hội. Để được như vậy, các địa phương cần có buổi làm việc với nhau, tham mưu và trình cho cán bộ lãnh đạo Trung ương xem xét cơ chế chính sách. Đặc biệt, đối với An Giang thuộc vùng biên giới, có đông đồng bào dân tộc, nếu sử dụng được lao động tại chỗ thì sẽ ổn định cuộc sống người dân rất tốt.
Những tháng cuối năm 2023, theo kế hoạch, TP. Hồ Chí Minh sẽ phối hợp với các tỉnh, thành vùng ĐBSCL tổ chức nhiều sự kiện cấp vùng, kết nối doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh có nhu cầu sản xuất, đầu tư kinh doanh tại các địa phương. Giai đoạn 2024 – 2025 sẽ tập trung thực hiện 05 lĩnh vực: phát triển hạ tầng giao thông; phát triển du lịch; hợp tác thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số; giáo dục, y tế, đào tạo nguồn nhân lực, lao động.
Thông qua đề xuất của lãnh đạo các địa phương vùng ĐBSCL tại Hội nghị, ông Phan Văn Mãi - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh chia sẻ, kế hoạch sẽ được triển khai bằng cách xây dựng tổ điều phối và 5 tổ chuyên ngành ở các lĩnh vực thỏa thuận. Các tỉnh, thành phố sẽ cùng xây dựng quy chế, kế hoạch và TP. Hồ Chí Minh sẽ chịu trách nhiệm, cố gắng trong tháng 8 tới sẽ triển khai một nền tảng để theo dõi toàn bộ nội dung chương trình hợp tác, cập nhật diễn biến và thông báo kết quả, trao đổi ý kiến ngay trên nền tảng đó.
"Rất mong muốn và kêu gọi các doanh nghiệp từ TP. Hồ Chí Minh đầu tư vào ĐBSCL và ngược lại. Từ phía TP. Hồ Chí Minh, chúng tôi sẽ có cơ chế thông tin mời gọi các nhà đầu tư và khi các địa phương đã có những kết nối với nhà đầu tư cụ thể nếu cần thêm sự hỗ trợ thì xin thông tin qua các tổ chuyên ngành để nhận được sự trợ giúp. Trong một số trường hợp, các nhà đầu tư TP. Hồ Chí Minh đi đến các địa phương ĐBSCL sẽ có những cơ chế hỗ trợ để tiến hành đầu tư thành công" - ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Trên tinh thần cầu thị, hợp tác, tạo điều kiện để phát triển cùng Kế hoạch triển khai Thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL - một kế hoạch mở - chắc rằng mỗi địa phương sẽ được khơi dậy tiềm năng, lợi thế đặc thù. Từ đó, biến tiềm năng thành khả năng, phát triển kinh tế - xã hội theo hướng đô thị văn minh, hiện đại trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Cháy lớn ở Kiên Giang, thiêu rụi 6 căn nhà tạm
Một dãy nhà tạm ven sông ở phường Vĩnh Hiệp, TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang bất ngờ xảy cháy lớn. Lực lượng chức năng địa phương hiện đã khống chế được lửa và phun nước dập tắt hoàn toàn.
Cà Mau: Xây dựng gần 3.500 căn nhà xã hội trong năm 2025
(NSMT) - Ông Lâm Văn Bi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau vừa ký Kế hoạch về việc xây dựng và phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2030.
Về Sóc Trăng thưởng thức mận MST...
Nhiều năm qua, nhà vườn ở Sóc Trăng đã có nhiều tìm tòi, mạnh dạn đầu tư chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi và đã cho hiệu quả cao. Trong đó có mô hình trồng giống mận hồng MST...
Sóc Trăng: Thả hơn 1,5 triệu con tôm sú về tự nhiên
Ngày 1/4, tại Cảng cá Trần Đề, huyện Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng), Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Sóc Trăng phối hợp UBND huyện Trần Đề tổ chức Lễ Mít tinh và thả hơn 1,5 triệu con tôm sú giống tái tạo nguồn lợi thủy sản kỷ niệm 66 năm ngày truyền thống ngành Thủy sản (1.4.1959 - 1.4.2025).
Cà Mau: Trao quyết định nghỉ hưu trước tuổi cho công chức, viên chức ở huyện Thới Bình
(NSMT) - Chủ tịch UBND huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau đã phê duyệt danh sách 6 người nghỉ hưu trước tuổi, được thực hiện chính sách, chế độ theo nghị định số 178/2024 của Chính phủ, đợt 1 cho công chức, viên chức trên địa bàn huyện.
Tuyên truyền về an ninh mạng tại Trường Bổ túc Văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ
Ngày 31/3, phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Sóc Trăng phối hợp với Trường Bổ túc Văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ tổ chức tuyên truyền Luật An ninh mạng cho hơn 200 cán bộ, viên chức, người lao động và học viên nhà trường.
Cà Mau: Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương sắp diễn ra tại huyện Thới Bình
(NSMT) - Nằm trong chuỗi hoạt động Sự kiện “Cà Mau – Điểm đến 2025”, UBND huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau thực hiện chỉ đạo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc chuẩn bị phục vụ Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2025, diễn ra 2 ngày từ 06/4 đến 07/4.