Phong cách sống

Trở lại lớp học tình thương

Thứ tư, 09/03/2022, 19:44 PM

“Mít... làm… thơ” - tiếng tập đọc “ê a” ngân vang của lớp học tình thương (khóm Nguyễn Du, phường Mỹ Bình, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) như khuấy động sự yên tĩnh của xóm nhỏ, đánh dấu sự trở lại của lớp học sau bao ngày tạm ngưng vì dịch bệnh COVID-19.

Gần 10 tháng qua, “trường khóm Nguyễn Du” im ỉm, bỏ mặc những lớp bụi dày mỏng bao phủ. Có mặt tại lớp học tình thương vào những ngày đầu hoạt động trở lại, chúng tôi cảm nhận rõ niềm vui của các em nhỏ.

Dù không gian lớp khoảng 22m2, nhưng hơn 10 năm qua nơi đây luôn là nơi mang đến tiếng cười, gieo mầm tri thức và hy vọng cho trẻ em nghèo ở xóm lao động này. Ngoài những gương mặt thân quen, một vài bạn vắng vì phải theo ba mẹ mưu sinh. Sau những tiếng đánh vần, tập đọc rõ to là tiếng gọi í ới, nào là: “Cô ơi xem em viết thế này đã được chưa?”, “Cô ơi, chữ này em nhớ mà đọc không được!”… Cứ thế, cô và trò lớp học tình thương bắt đầu buổi học sau bao ngày xa vắng.

Lớp học tình thương mở cửa trở lại sau thời gian tạm nghỉ phòng, chống dịch COVID-19

Lớp học tình thương mở cửa trở lại sau thời gian tạm nghỉ phòng, chống dịch COVID-19

Gắn bó, truyền đạt tri thức cho hơn 10 trẻ em nghèo khóm Nguyễn Du, cô Phan Thu Thủy (ngụ phường Mỹ Phước, TP. Long Xuyên) chia sẻ: “Sau nhiều tháng nghỉ học vì dịch bệnh COVID-19, vừa nghe tôi thông báo đi học lại, các em rất mừng. Thế là, tụi nhỏ xin cho vào lớp trước 1 ngày để dọn dẹp bàn ghế, lau chùi lớp học sạch sẽ. Thấy các em ham học vậy, tôi vui lắm!”.

Nhìn học trò cặm cụi gò từng con chữ, cô Thủy trầm tư: “Nói thật, lớp học tình thương gần như trở về “nơi bắt đầu”. Các em quên hết mặt chữ. Có em biết đọc nhưng quên cách viết, có em thì ngược lại, biết viết nhưng không nhớ phải đọc thế nào. Cũng không trách được, bởi gia đình nghèo khó, cái ăn còn phải chạy lo từng ngày, việc tạm dừng đến lớp trong thời gian quá dài, không có người nhắc nhở chuyện học hành, các em rất dễ quên bài. Có em còn làm mất tập, sách, dụng cụ học tập và quần áo đến lớp. Vậy là, tôi phải phát mới cho các em”.

Lớp học sau dịch bệnh còn 12 em theo học, nhỏ nhất 9 tuổi, lớn nhất... 21 tuổi. Với cô Thủy, nỗi lo lắng hiện tại là trong số ấy có hơn phân nửa chưa được tiêm vaccine phòng COVID-19, vì chưa đến tuổi. Để đảm bảo an toàn cho các em khi đến lớp, ngoài vệ sinh lớp học sạch sẽ, cô Thủy trang bị khẩu trang, xịt khử khuẩn tại lớp và giữ khoảng cách cho các em trong suốt quá trình học. Song song đó, các em được cô giáo nhắc nhở phải thực hiện thông điệp “5K” từ trong lớp học đến khi về nhà. 

Trước dịch, lớp học tình thương hoạt động 3 buổi/tuần. Hiện tại, cô Thủy cho các em đến lớp 1-2 buổi/tuần. “Buổi học tuy giảm lại nhưng chất lượng phải đảm bảo. Cô trò cùng cố gắng, sau vài buổi học các em sẽ quen lại ngay. Chỉ thương một vài em phải theo gia đình đi mưu sinh nơi xứ người, không còn đến học ở đây được, nhưng vẫn không quên nhờ tôi đừng nói với lớp, sợ các bạn buồn!” - cô Thủy tâm sự. 

Gần 10 năm qua, cô Phan Thu Thủy miệt mài uốn nắn cho các em từng con chữ, tập cho các em toán cộng, trừ, nhân, chia và dạy các em hát, kể các em nghe những mẩu chuyện cổ tích, ngụ ngôn… Chính tình yêu là động lực để cô bền tâm dìu dắt các em, nắn nót từng con chữ, tranh thủ nguồn vận động từng cuốn tập, quyển sách, cây viết, thậm chí là bộ quần áo, đồng phục tinh tươm. Những ngày cuối tháng 2-2022, khi tôi đến thăm lớp học tình thương, trùng hợp cũng có vài nhà hảo tâm mang quà bánh, thức ăn đến tiếp thêm tinh thần, động lực để cô và trò cùng cố gắng.

Với học trò nghèo ở xóm lao động ấy, những tình cảm dù là nhỏ nhất của mọi người dành cho, các em đều rất trân trọng và biết ơn. “Được trở lại lớp học, em rất vui và hứa sẽ chăm ngoan. Cô Thủy luôn ân cần chỉ dạy dù em và các bạn đã quên hết con chữ. Chúng em cảm ơn cô rất nhiều!” - em Nguyễn Nhã Kỳ (12 tuổi) bộc bạch.

Rời lớp học tình thương trong tiếng đánh vần to rõ của các em, tôi vừa vui, vừa chạnh lòng, vì mỗi em mang một hoàn cảnh, tuy khác nhau nhưng đều rất khó khăn. Hy vọng các em tiếp thu được nhiều điều tốt đẹp từ lớp học “trường khóm” này để phấn đấu, vươn lên từng ngày! 

Bài, ảnh: PHƯƠNG LAN

Link bài gốc tại Báo An Giang Online

Cô gái Cà Mau trở thành sinh viên đại học bằng

Cô gái Cà Mau trở thành sinh viên đại học bằng "đôi chân của mẹ"

(NSMT) - Cô gái tí hon Võ Thị Huỳnh Như, sinh viên năm 4 ngành Công nghệ thông tin, phân hiệu Đại học Bình Dương tại tỉnh Cà Mau, bước vào giảng đường bằng “đôi chân của mẹ”.

Người hạnh phúc coi cuối tuần như kì nghỉ

Người hạnh phúc coi cuối tuần như kì nghỉ

Khi đo lường mức độ hạnh phúc, nhà nghiên cứu này thấy rằng những người có tư duy nghỉ dưỡng vào cuối tuần thể hiện sự hài lòng và tích cực hơn khi họ trở lại làm việc.

Yêu thương bản thân để sống vui, sống khỏe

Yêu thương bản thân để sống vui, sống khỏe

(NSMT) - Dẫu bận rộn, nhiều phụ nữ vẫn cố gắng sắp xếp, cân bằng giữa công việc, gia đình và nghỉ ngơi, thư giãn để nâng cao chất lượng cuộc sống. Các chị thể hiện tình yêu bản thân bằng sự quan tâm đến cảm xúc cá nhân, nuôi dưỡng thể chất và tâm hồn, xây dựng lối sống lành mạnh. Những thói quen tốt giúp các chị tái tạo năng lượng tích cực, vui vẻ, lạc quan, khỏe đẹp hơn…

Những “bông hoa khuyết”  tỏa sáng trên đường chạy

Những “bông hoa khuyết” tỏa sáng trên đường chạy

(NSMT) - “Những đoá hoa khuyết” phá rào cản, vượt qua giới hạn bản thân để tỏa sáng trên đường chạy “Bước chân hòa nhập 2024” – Mùa 2 do Hội Người khuyết tật TP. Cần Thơ (CAPD) tổ chức.

Tài không vào cửa gấp, phú không vào cửa lệch

Tài không vào cửa gấp, phú không vào cửa lệch

Phát tài cũng có rất nhiều điểm khác biệt, trong đó có cả tiền của bất chính, loại tài sản này không ổn định, hơn nữa còn dễ dẫn đến rắc rối.

Lặng lẽ nghề pháp y

Lặng lẽ nghề pháp y

(NSMT) - Cũng khoác áo blouse để mưu sinh và cống hiến, thế nhưng chẳng mấy ai biết bác sĩ pháp y - nghề “lên tiếng thay người đã khuất” vẫn thầm lặng tìm công lý bên những xác chết, phục vụ công tác điều tra phá án. Và, đâu đó góc khuất của nghề chưa được kể, hiểu đúng cũng như cảm thông.

Chuyện về người thương binh “tàn nhưng không phế” ở Cà Mau

Chuyện về người thương binh “tàn nhưng không phế” ở Cà Mau

(NSMT) - Thương binh hạng 2/4 Nguyễn Văn Chà, sinh năm 1963, ở xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau, luôn giữ được phẩm chất của người lính bộ đội Cụ Hồ "tàn nhưng không phế”, tích cực phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng và có nhiều đóng góp tích cực cho quê hương.