An Giang: Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam
(NSMT)- Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ là lễ hội truyền thống của người dân An Giang, đặc biệt đối với con dân vùng Châu Đốc, lễ hội Vía Bà được gìn giữ và lưu truyền qua nhiều thế hệ mang đậm bản sắc văn hóa của mảnh đất Tây Nam Bộ.
Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ diễn ra từ ngày 22-27/5 nhằm ngày 22-27/4 âm lịch tại phường Núi Sam (TP. Châu Đốc) thu hút lượng khách du lịch lớn từ khắp nơi trong và ngoài vùng về hành hương. Lễ hội Vía Bà là tín ngưỡng, du lịch tâm linh mà nhiều người mong muốn được đến tham dự ít nhất một lần trong đời, vào dịp lễ mỗi năm du khách sẽ thường kéo về rất đông.

Ảnh minh họa
Từ năm 2014, Lễ hội Vía Bà đã được Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Văn hóa phi vật thể Quốc gia, Lễ hội thể hiện sự kế tục của đồng bào người Kinh trong tiến trình giao lưu tiếp biến văn hóa với người Hoa, Khmer, Chăm.
Truyền thuyết kể rằng hơn 200 năm trước khi vùng núi Sam còn hoang sơ hẻo lánh, người dân lên núi gặp được pho tượng cổ ngồi trên bện đá sa thạch. Đó cũng là thời điểm quân Xiêm đang nhiễu loạn nước ta, chúng lên núi thấy pho tượng đã nảy sinh ý định đem tượng xuống núi để chiếm riêng nhưng không thể nào di chuyển được nên đành bỏ lại.
Người dân trong vùng vì tín ngưỡng đã có mong muốn "thỉnh" tượng xuống núi thờ phụng nên cho trai tráng khiêng xuống, tuy nhiên không tài nào làm được. Sau đó, các bô lão cầu khấn để xin phép di dời, đúng lúc có bé gái chơi đùa gần đó bỗng dưng ngồi xuống với khuôn mặt đỏ bừng bừng và đầu lắc lư mách bảo về việc cho 9 cô gái đồng trinh trong làng khiêng rước "Bà" xuống núi mới có thể đi được.
Xuống đến chân núi không thể nào đi tiếp, như điềm báo "Bà" muốn ngự tại đó nên bà con dân làng đã lập miếu thờ với những cây rừng và tre lá đơn sơ, sau này qua nhiều lần trùng tu mới nên sự khang trang như hiện nay.

Ảnh minh họa
Trong tín ngưỡng của người Kinh, Bà Chúa Xứ nằm trong hệ thống Thánh Mẫu, được tôn thờ trong điện thần và tổ chức các thực hành liên quan như lễ hội, tế lễ và các hình thức diễn xướng dân gian khác. Theo truyền thuyết, Bà Chúa Xứ là người được Ngọc Hoàng sai xuống cứu dân độ thế, canh giữ bờ cõi. Bà cũng là một trong 6 nữ thần bất tử theo tín ngưỡng dân gian (bà Chúa Bầu, bà Chúa Liễu, bà Chúa Tó, bà Chúa Kho, bà Chúa Ngọc và bà Chúa Xứ). Lễ hội tôn vinh bà Chúa Xứ cũng là dịp người dân thể hiện tâm thức “uống nước nhớ nguồn”, sự tri ân, tôn kính đối với Bà.
Miếu Bà chúa xứ núi Sam là công trình kiến trúc dạng chữ “Quốc”, hình khối tháp dạng hoa sen nở, mái tam cấp 3 tầng lầu, lợp ngói đại ống màu xanh, góc mái vút cao như mũi thuyền lướt sóng. Tường ốp gạch men, khung cửa bằng gỗ quý, được chạm trổ hoa văn công phu, tinh tế.
Bên trong có võ ca, chánh điện, phòng khách, phòng làm việc của Ban Quý tế, bên ngoài là khuôn viên sân rộng rãi, hàng rào bao quanh và cổng tam quan. Ngay giữa chánh điện, tượng Bà chúa xứ núi Sam đội mão, mặc áo bào thêu long phụng, ngồi uy nghi với nét mặt hiền hòa, phúc hậu. Theo các nhà khảo cổ học, căn cứ vào chất liệu và hình dáng của pho tượng thì đây là tác phẩm điêu khắc có từ thời trung cổ.
Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam chứa đựng những cứ liệu sinh động về dấu ấn lịch sử thời kỳ người Việt đến vùng đất An Giang, với sự giao lưu, hội nhập về các mặt kinh tế, văn hóa, chính trị và quân sự cùng các dân tộc Khmer, Chăm, Hoa để rồi tạo ra sự đồng thuận trong quá trình dựng nước và giữ nước, sự hài hòa trong quan hệ cộng đồng về mặt văn hóa, vừa kế tục được sự nghiệp văn hóa của người cổ xưa, vừa tôn tạo, bồi đắp được nền văn hóa mang bản sắc Việt độc đáo.
Tại Lễ hội Vía Bà có nhiều hoạt động đa dạng cả về phần lễ và hội, đặc biệt sau 2 năm dịch bệnh kéo dài thì nay mới có thể tổ chức lại một Lễ hội thường niên hoàn chỉnh như trước đây. Phần lễ là những nghi thức truyền thống với các hoạt động như Chương trình may áo Bà; Lễ phục hiện rước tượng Bà từ bệ đá Bà ngự trên đỉnh núi Sam và kết thúc tại sân khấu miếu Bà; chương trình nấu nước tắm Bà; Lễ tắm Bà; Lễ thỉnh sắc ông Thoại Ngọc Hầu từ lăng mộ về miếu Bà; Lễ túc yết và xây chầu; Lễ chánh tế; Lễ hồi sắc - đưa sắc ông Thoại Ngọc Hầu từ miếu Bà về lăng mộ.

Ảnh minh họa
Phần hội thường được tổ chức bắt đầu vào đêm trước lễ tắm Bà, bên cạnh các chương trình giao lưu văn hóa văn nghệ trên sân khấu còn là các hoạt động vui chơi giải trí dành cho du khách như hội thi chọi gà nghệ thuật, thả đèn hoa đăng hay hội thi leo núi cùng giải bóng chuyền,...
Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam là hoạt động văn hóa, hình thức du lịch tâm linh giúp địa phương quảng bá hình ảnh của quê hương đến với bạn bè trong nước và quốc tế về danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử cũng như nét văn hóa đặc trưng cùng con người vùng thất sơn đã trải qua hàng trăm năm lịch sử, đây chính là cơ hội để TP. Châu Đốc phát huy giá trị du lịch góp phần phát triển kinh tế tỉnh nhà.
Phú Quốc là điểm đến có tốc độ phát triển nhanh nhất khu vực Đông Nam Á
Mới đây, chuyên trang du lịch nổi tiếng Travel Off Path (Mỹ) đã công bố danh sách 5 điểm đến có sự phát triển du lịch nhanh nhất tại Đông Nam Á và đứng đầu danh sách này chính là đảo Phú Quốc. Các địa danh khác có mặt trong danh sách bao gồm Phuket và Bangkok (Thái Lan), Singapore (Singapore), cùng với Kuala Lumpur (Malaysia).
Tàu AIDAstella đưa hơn 2.000 du khách vào Cảng hành khách quốc tế Phú Quốc
Sáng ngày 14/2, tàu AIDAstella (Italy) có trọng tải hơn 71.300 tấn đã đến cảng hành khách quốc tế Phú Quốc. Đây là chuyến tàu đưa du khách quốc tế đầu tiên đến Phú Quốc trong năm nay bằng đường biển. Trên tàu có 620 thủy thủ đoàn và 2.130 du khách đến từ các nước châu Âu.
Gần 40 chuyến bay quốc tế/ngày, Phú Quốc đông kín khách Tết Nguyên đán
Lần đầu tiên Phú Quốc đạt kỷ lục đón 38-39 chuyến bay quốc tế/ngày, với số chuyến bay từ Đài Loan tăng cao tới “đảo ngọc” đón Tết Nguyên đán. Hệ thống khách sạn, khu vui chơi, điểm du lịch tại đây ghi nhận lượng khách tăng đột biến.
Khai xuân đón Tết - Gắn kết yêu thương tại Cantho Eco Resort
(NSMT) - Dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Cantho Eco Resort, tại địa chỉ Km 7 - Quốc lộ 61c - Xã Nhơn Nghĩa, Huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ đưa vào hoạt động phim trường Tết Eco tái hiện không gian Tết truyền thống ở 3 miền.
Vì sao Phú Quốc được chọn làm điểm tổ chức APEC 2027?
Với sự bùng nổ mạnh mẽ cả về lượng khách lẫn tốc độ phát triển nhanh chóng vượt kỳ vọng của hệ thống cơ sở hạ tầng, Phú Quốc được lựa chọn làm điểm tổ chức Diễn đàn Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) năm 2027.
Đại tiệc countdown 2025 tại Kiên Giang hấp dẫn chờ đón du khách
(NSMT) - Đón năm mới 2025 và phục vụ du khách đến Kiên Giang vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng, hàng loạt chương trình countdown 2025 đã sẵn sàng với nhiều trải nghiệm hấp dẫn, sôi động…
30 chuyến bay quốc tế mỗi ngày, Phú Quốc và hành trình “thoát ngài hóa bướm”
Những ngày cuối năm, từ cảng biển đến cảng hàng không quốc tế Phú Quốc chật kín khách quốc tế, còn khách Việt nô nức tìm kiếm “đảo ngọc” cho kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Một năm trước đó thôi, ít ai có thể nghĩ đến bức tranh tươi sáng như vậy cho hòn đảo.