Bức thư của con gái, chưa bao giờ được gửi
Không biết ở nơi ấy bố có khi nào nghe được lời con nói mỗi khi xuống thăm mộ bố? Con chỉ nói được vài điều rồi im lặng ngồi bên mộ bố, mẹ. Nhưng con biết bố hiểu con gái bố.
Bố kính mến!
Có lẽ chẳng khi nào Bố nghĩ sẽ nhận được bức thư này từ con đâu nhỉ. Ngồi viết những dòng thư này cảm xúc trong con đang lẫn lộn, khó tả. Con cảm thấy có lỗi nhưng lại biết ơn và hạnh phúc khi là con gái của Bố.
Bố à!
Con có rất nhiều điều muốn nói với bố nhưng không biết nói gì trước, gì sau, con ngốc bố nhỉ? Con nhớ bố của con là một người đàn ông nước da rám nắng nhưng có nụ cười rất duyên. Thế nên bố đã “cưa đổ” mẹ khi quanh mẹ lúc đó có bao người đàn ông theo đuổi. Đấy là con nghe ông Huấn, ông Thời kể lại thế.
Lúc con còn bé, bố đi công tác suốt, nhà chỉ có mấy mẹ con. Con mong những ngày cuối tuần, bố đạp chiếc xe thống nhất màu xanh trở về. Trên ghi đông xe bao giờ cũng tòng teng khi thịt hộp, cá hộp, lúc gói kẹo vừng, kẹo lạc và con bao giờ cũng được phần hơn.
Bố không phải người khó tính nhưng rất nghiêm khắc, ba anh em con ai cũng sợ bố. Đến cái xe đạp bố đi về chỉ có con là đứa liều lấy xe của bố tập đi. Có lần con vừa đi vừa canh chừng bố, cả người và xe lao xuống cái mương nhỏ trước nhà. Bố là người kéo con lên, con bảo bố xem xe trước, bố quát “người không lo, lo gì xe”. Lúc đó con sợ lắm nhưng lớn lên con đã hiểu, bố đã rất lo cho con.
Nhà mình xưa nghèo bố nhỉ, cả nhà có mỗi cái xe đạp của bố là tài sản quý giá nên mỗi lần bố về mẹ lại dặn tụi con không được nghịch xe của bố, mẹ sợ nó hỏng. Hai anh của con không bao giờ dám đụng vào nó mặc dù rất muốn đi, chỉ có con đôi lúc không nghe theo lời mẹ, lấy xe của bố tập đi nhưng chưa bao giờ bị bố trách vì điều đó. Sau này con mới biết thực ra bố không cấm nhưng không hiểu sao anh em tụi con lại sợ thế, chắc bởi bố là người nghiêm khắc.
Cả đời bố đi làm bằng chiếc xe đạp thống nhất, bố đạp xe ra cơ quan, đi tàu, đi ô tô mỗi lần công tác xa chứ chưa khi nào đi bằng phương tiện khác. Có lẽ vì con là đứa dám lấy xe của bố tập đi nên sau này bố nhất định không ngồi xe máy của ai khác mà chỉ ngồi sau xe con đèo. Lúc đó con đùa với hai anh rằng bố chỉ tin tưởng con, thực ra trong lòng con cũng nghĩ thế và rất vui.
Ngày con đỗ đại học, bố nhận giấy báo khi trường gửi về làng, bố đưa con nhưng không tỏ thái độ gì nhưng con thấy ánh mắt bố rất vui. Rồi lúc con được công ty bảo hiểm nhận vào làm, bố cũng là người đưa con giấy báo. Bố không khen con, không chúc mừng con nhưng bố rất vui. Bố sang khoe ngay với ông Tằng, người bạn thân ở xóm của bố. Tất cả những chuyện đó con chỉ biết vào ngày bố mất…
Một kỷ niệm có lẽ bố không biết nhưng con thì nhớ mãi. Ngày con vu quy, mọi người đang tất bật chuẩn bị để nhà trai tới đón dâu. Bố lén ra sau nhà khóc, chắc bố thương con gái khi con xuất giá. Chị dâu con tình cờ nhìn thấy, chị chạy vào buồng nói: “Hà ơi, ông thương con gái nên đang khóc ở sau nhà kìa”. Chỉ nghe thấy thế nước mắt con cũng lã chã rơi. Con khóc bong luôn đôi lông mi giả người ta gắn, con cũng không buồn trang điểm lại.
Bố biết không, lúc đó con thương bố vô cùng và con biết bố cũng rất thương con. Chỉ là hai bố con chưa bao giờ nói ra điều đó. Viết tới đây con lại không nén được cảm xúc bố ơi. Bây giờ con biết, con không nói ra là con sai bố ạ.
Cuộc sống không ai biết chữ ngờ bố nhỉ. Con không may bị tai nạn khiến cả nhà lo lắng. Bố không biết đi xe máy, nhà lúc đó không còn xe đạp, bố hớt hải chạy lên đầu đường cách nhà gần 1km để gọi anh trai con lên Bắc Ninh xem con thế nào sau cuộc điện thoại báo con gặp nạn.
Khi con ở viện về, ngày nào dù đi đâu hay làm việc gì thì đúng 9h bố nhóm bếp than nấu thuốc cho con uống, điều mà chưa bao giờ bố làm. Ông Tằng kể lại rằng đang ngồi nói chuyện vui mà bố xem đồng hồ rồi vội về, bố bảo “Tôi phải về nấu thuốc cho con Hà, cố gắng thuốc thang để nó khỏe”.
Cả năm trời đằng đẵng bố nấu thuốc cho con nhưng con không thể hồi phục. Cả đời con phải gắn với chiếc xe lăn càng khiến bố lo lắng. Mẹ bao đêm không ngủ được vì lo cho con, bố cũng thế.
Người ta nói rằng tình cảm giữa cha và con gái là một thứ tình cảm đặc biệt, con thấy đúng như thế bố ạ. Bố nghiêm khắc, không thổ lộ nhưng trong tâm bố rất thương con, lo cho con. Khi mái đầu đã bạc, bố còn lo cho con nhiều hơn. Bố sợ con buồn, sợ con thiếu thốn, đồng lương ít ỏi bố cũng dành cho con.
Gần tết bố còn lên lì xì cho bác giúp việc trước, bố động viên bác ấy giúp con. Bố còn hỏi con thích mua gì, ăn gì bố sẽ bảo các anh mua cho. Một người đàn ông mạnh mẽ, nghiêm khắc, chưa khi nào thổ lộ tình cảm, ấy vậy mà lại thể hiện sự quan tâm, lo lắng cho con. Chỉ thế thôi con đã biết bố thương con như thế nào.
Ngày bé con cứ nghĩ bố không thương con, không tự hào về con bằng mẹ nhưng con đã hiểu sai về bố. Ngày bố mất, ông Tằng, bà Hoa ngồi bên con đã kể hết cho con nghe những điều bố khoe với ông bà ấy về con. Từ chuyện con đỗ đại học, trúng tuyển đi làm đến việc con đan cho bố cái khăn, mua cho bố đôi quần đông xuân mặc khi lạnh, bố khoe hết mà khoe mấy lần.
Đặc biệt lần bố đi du lịch cùng công ty con, bố vui lắm. Cả đời bố vất vả, đi làm bao công trình, trong Nam, ngoài Bắc nhưng lần đầu tiên bố được nghỉ ngơi, thăm thú nên bố rất vui và về gặp ai trong xóm bố cũng khoe. Bố bảo: “Con Hà nó thương tôi lắm ông bà ạ, nó lo cho tôi đủ thứ”. Thực ra con có lo được gì đâu, chính bố mới là người lo cho con mọi điều.
Con nhớ mãi ngày bố xa chúng con, bố không nói gì nhiều, chỉ dặn các anh con: “Hãy lo cho em” rồi bố nhắm mắt. Con là đứa khiến bố phải lo lắng tới lúc mất, con đau lòng lắm bố ạ. Vì sức khỏe con yếu nên lúc đó không thể đưa bố xuống tận nơi an táng, con chỉ biết nhìn theo xe tang của bố mà khóc. Bố không phải ông nọ bà kia, bố chỉ là một người rất bình dị nhưng con rất yêu và tự hào về bố. Con thầm hứa sẽ sống tốt để bố yên lòng.
Bố đã xa con 14 năm rồi bố nhỉ. Mẹ cũng đi theo bố được 7 năm. Giờ đây, mỗi lần xuống mộ thăm bố, mẹ con chỉ nói được rằng con ổn, con đang sống tốt, con chỉ muốn bố, mẹ an lòng. Con biết, ở nơi xa ấy bố, mẹ luôn dõi theo con và hiểu con. Nhưng bố biết không, điều mà con vẫn áy náy trong lòng là chưa một lần con nói: “Con yêu bố, mẹ!”.
Con sẽ phải thay đổi bố nhỉ. Con sẽ dạy cháu, nếu yêu thương ai, bất kể là bố mẹ, anh em hay bạn bè cũng nên thổ lộ, con cũng sẽ thế. Nhất định lần tới thăm mộ bố, mẹ con sẽ nói “Con yêu bố, mẹ rất nhiều!”.
Bài dự thi cuộc thi viết "Cha và con gái"
Tác giả: Lê Hà
Địa chỉ: Số 7, ngõ 6, đường Lê Trọng Tấn, phường La Khê, quận Hà Đông, Hà Nội
Hơn nửa thế kỷ đắp xây hạnh phúc
Cưới nhau từ năm 1973, ông Võ Văn Hai và bà Nguyễn Thị Điệp (ngụ khu vực Bình Thường A, phường Long Tuyền, quận Bình Thủy) là tấm gương về xây dựng gia đình văn hóa, con cháu thành tài. Hơn nửa thế kỷ qua, họ đã nắm tay nhau vượt qua gian khó để cùng đi đến bến bờ hạnh phúc.
Tài sản lớn nhất cuộc đời là người vợ xấu, đất cằn và chiếc áo bông rách
Tục ngữ có câu: “Ba tài sản lớn nhất của cuộc đời là người vợ xấu, đất cằn và chiếc áo bông rách”, nó chiếm bao nhiêu trong cuộc đời còn lại của bạn?
Vì sao ngày càng nhiều gia đình từ bỏ sàn gỗ?
Xu hướng trang trí lát sàn gỗ từng rất phổ biến nhưng hiện nay nhiều gia đình không còn lựa chọn. Sàn gỗ có chăng chỉ được lắp trong phòng ngủ, các phòng khác đều được lát gạch men.
Về nhà - về với yêu thương
Ðối với nhiều người, ngôi nhà không chỉ để ở mà còn mang giá trị tinh thần đặc biệt. Ðó còn là gia đình với sự bao dung, chở che, nâng đỡ và trách nhiệm dành cho nhau. Cuộc sống đôi khi phải đối mặt với khó khăn, thử thách... những lúc ấy, điểm tựa lớn nhất không đâu khác mà chính là mái nhà và những người thân yêu của mình.
Có nên thiết kế phòng tắm trong phòng ngủ?
Với sự thay đổi trong lối sống và sự đa dạng hóa nhu cầu sinh hoạt, phòng ngủ chính có phòng tắm có còn đáp ứng được nhu cầu của các gia đình hiện đại hay không và nên giữ lại hay loại bỏ đã trở thành đề tài bàn luận sôi nổi.
Có nên tiết lộ cho con cái biết về tiền lương hưu, sổ tiết kiệm?
Một người đàn ông 69 tuổi trăn trở: “Ở tuổi già, số tiền ký gửi này giống như một chiếc chìa khóa bí ẩn trong tay. Tôi không biết có nên trao lại cho con cháu hay không”.
Tâm thư gửi vợ ngày 20/10
Hạnh phúc là 365 ngày biết hài lòng chứ không phải chỉ một hai ngày hoan hỷ. Nếu không phải đánh đông dẹp bắc, anh cũng sẽ sẵn sàng ẵm con, nhặt rau để em lắp bóng đèn, sửa đường ống nước.