Cần Thơ: Ðề phòng ngập lụt ảnh hưởng đến sản xuất, sinh kế người dân
“Tháng Bảy nước nhảy khỏi bờ” là kinh nghiệm dân gian khi mùa nước nổi tại vùng ÐBSCL bắt đầu xuất hiện. Ðến cuối tháng 8-2023, nước thượng nguồn đổ về ÐBSCL thấp, triều cường có dấu hiệu dâng cao. TP Cần Thơ cũng như các địa phương trong vùng bắt đầu “vào mùa” ứng phó ngập lụt ...
Lũ không về
Hằng năm, vào đầu tháng 7 âm lịch, người dân thượng nguồn TP Cần Thơ và các địa phương vùng ÐBSCL bắt đầu một mùa làm ăn mới, mùa đánh bắt thủy sản theo con nước nổi. Sản xuất nông nghiệp cũng dựa theo mùa nước nổi để xuống giống lúa thu đông, nuôi trồng thủy sản… Nhưng những năm gần đây, nhiều đập thủy điện được xây dựng ở thượng nguồn sông Mekong cùng với tình trạng biến đổi khí hậu, khiến mùa nước nổi về muộn, ít, thậm chí không xuất hiện. Ông Nguyễn Văn Hải, ở phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ, cho biết: “Ðến nay đã gần giữa tháng bảy âm lịch nước dưới sông vẫn thấp, thậm chí trong những ngày qua, nước trong ao mương, ruộng vườn vẫn ít. Với tình hình này, theo kinh nghiệm của tôi, mùa lũ năm nay sẽ thấp, muộn hơn những năm trước. Tình trạng bồi đắp phù sa cho đồng ruộng, nuôi trồng thủy sản sẽ hạn chế. Tuy nhiên, vào những ngày đầu tháng bảy âm lịch, triều cường đang có dấu hiệu dâng cao, khả năng ngập do triều cường sẽ xảy ra, cần được đề phòng”.
Theo Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PTDS-PCTT&TKCN) TP Cần Thơ, mực nước đầu tháng 8-2023 lên cao ở mức 1,72m, vượt báo động I (1,7m) là 0,02m. Mùa triều cường năm 2023 bắt đầu xuất hiện vào những ngày đầu và giữa các tháng 8, 9, 10, 11. Dự báo, khu vực đầu nguồn sông Cửu Long ít có khả năng xuất hiện lũ sớm. Ðỉnh lũ năm 2023 ở đầu nguồn sông Cửu Long tại Tân Châu trên sông Tiền và tại Châu Ðốc trên sông Hậu có khả năng xấp xỉ mức báo động I. Thời gian xuất hiện đỉnh lũ năm 2023 vào trong thời kỳ cuối tháng 9 đến đầu tháng 10-2023. Tuy ít có khả năng xuất hiện lũ lớn, nhưng tiềm ẩn nguy cơ cường suất lũ lên nhanh hơn bình thường do tác động điều tiết dòng chảy từ thượng lưu. Tháng 8, đỉnh triều cường lên cao ở mức báo động I và báo động II; các tháng 9, 10 và 11 mực nước cao nhất các đợt triều cường sẽ vượt mức báo động III (2m). Mực nước cao nhất năm 2023 có khả năng ở mức 2,15m đến 2,25m (vượt báo động III từ 0,15-0,25m). Trên sông Hậu tại Cần Thơ đỉnh triều cao nhất năm xuất hiện vào tháng 9 và tháng 10-2023.
Ông Nguyễn Quí Ninh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy PTDS-PCTT&TKCN TP Cần Thơ, cho biết: “Tình hình thời tiết, thủy văn trong mùa mưa bão lũ năm 2023 còn diễn biến phức tạp, Ban Chỉ huy PTDS-PCTT&TKCN TP Cần Thơ yêu cầu các địa phương cần chủ động đề phòng các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa rất to trong thời đoạn ngắn, giông mạnh kèm theo lốc xoáy, sấm sét; triều cường kết hợp với mưa lớn gây ngập lụt một số vùng trũng thấp trong các tháng cuối mùa mưa; đồng thời đề phòng hoạt động của bão và áp thấp nhiệt đới có đường đi phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp khu vực Nam Bộ trong các tháng 11 và 12. Các địa phương cần tập trung huy động nguồn lực để tiến hành duy tu, sửa chữa, gia cố đê bao ngăn triều, đặc biệt là các đoạn đê xung yếu đảm bảo bảo vệ lúa, vườn cây ăn trái, vùng nuôi trồng thủy sản… Ðồng thời, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công nạo vét các công trình thủy lợi, chỉ đạo tháo dỡ chà nò, vật cản trên kênh, rạch nhằm đảm bảo khai thông dòng chảy, tạo nguồn và dòng chảy được thông thoáng để tiêu thoát nước nhanh khi bị ngập úng…”.
Chuẩn bị ứng phó
Các tuyến đường trung tâm TP Cần Thơ thường xuyên bị ngập nặng do mỗi khi triều cường dâng. Mực nước cao nhất từng được ghi nhận tại Cần Thơ là 2,27m, xuất hiện vào ngày 12-10-2022, vượt báo động III là 0,27m. Năm 2023, mực nước triều cường kết hợp nước thượng nguồn đổ về và dự báo có khả năng ở mức 2,15m đến 2,25m (gần bằng mực nước đỉnh triều năm 2022), cần đề phòng ngập lụt đô thị, ảnh hưởng sản xuất, sinh hoạt người dân.
Ðể chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do triều cường trong những tháng sắp tới, Ban Chỉ huy PTDS-PCTT&TKCN TP Cần Thơ đề nghị UBND các quận, huyện chỉ đạo tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, triều cường để thông tin đến các cấp chính quyền, người dân nhất là vùng thấp, trũng ven sông và chủ đầu tư các công trình trên sông, ven sông, kênh, rạch chủ động các biện pháp phòng tránh. Cảnh báo và di dời dân tại khu vực nguy cơ xảy ra sạt lở đến nơi an toàn, phù hợp với tình hình từng địa phương. Ðối với các quận trung tâm, đặc biệt là quận Ninh Kiều - khu vực thường bị ngập sâu trong các đợt triều cường, Ban Chỉ huy PTDS-PCTT&TKCN thành phố đề nghị tổ chức kiểm tra, vận hành có hiệu quả các van ngăn triều để hạn chế tối đa nước từ sông theo các đường cống chảy ngược vào thành phố. Kiểm tra các tuyến phố, đặc biệt là các nắp hố ga trên vỉa hè, mặt đường để tránh hố sâu nguy hiểm, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân. Khi nước rút tổ chức kiểm tra thu gom rác tại các miệng cống thoát nước, đảm bảo cho nước rút một cách nhanh nhất, sớm đưa hệ thống giao thông trở lại bình thường. Khẩn trương đôn đốc, kiểm tra và yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình lắp đặt cống thoát nước, hệ thống ngầm trên địa bàn...
Ban Chỉ huy PTDS-PCTT&TKCN TP Cần Thơ cũng đề nghị các sở, ngành chức năng có kế hoạch chuẩn bị lực lượng, phương tiện để phân luồng, chủ động phương án khắc phục sự cố giao thông và đảm bảo an toàn giao thông đối với người, phương tiện lưu thông qua các đoạn đường bị ngập; tổ chức rà soát toàn bộ các đoạn, tuyến đường quốc lộ, đường tỉnh bị ngập nước trên toàn thành phố, chủ động bố trí lực lượng và phương tiện để tổ chức giao thông và hỗ trợ khi cần thiết. Trường hợp nước ngập sâu, không an toàn cho người và phương tiện lưu thông thì thực hiện biện pháp cấm đường tạm thời, đồng thời phối hợp với các lực lượng có liên quan triển khai phương án tổ chức, phân luồng giao thông cho phù hợp… Ðối với các quận, huyện còn lại, thành phố yêu cầu tổ chức kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý ngay từ đầu những hư hỏng của hệ thống đê bao, bờ bao, nhất là các tuyến đê bao ở các huyện đầu nguồn như Vĩnh Thạnh, quận Thốt Nốt và các cồn trên sông Hậu.
Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ huy PTDS-PCTT&TKCN TP Cần Thơ yêu cầu Ban Chỉ huy PTDS-PCTT&TKCN các cấp thực hiện tốt phương châm “Bốn tại chỗ”, duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn chuyên ngành, huy động lực lượng nhân dân tại cơ sở để sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn khi có sự cố thiên tai. Chủ động tổ chức các đoàn đi thực địa kiểm tra, theo dõi, rà soát các khu dân cư ở ven sông, kênh rạch, vùng trũng thấp có nguy cơ bị sạt lở đất; kiên quyết chỉ đạo, vận động và tổ chức di dời dân ở những nơi có nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn; tổ chức lưu thông an toàn tại các tuyến đường ngập sâu do triều cường…
Theo Hà Văn/ Báo Cần Thơ
Cần Thơ miễn tiền thuê mặt bằng cho nông dân và tiểu thương tham gia chợ hoa
(NSMT) - Ngày 2/1, Sở Công Thương TP. Cần Thơ tổ chức họp báo thông tin về sự kiện Chợ hoa Xuân Ất Tỵ và Chương trình Tết Tây Đô năm 2025. Chợ hoa Xuân Ất Tỵ năm 2025 diễn ra từ ngày 17/01 đến 28/01 (nhằm ngày 18/12 đến 29/12 Âm lịch) tại Quảng trường Tây Đô, đường Mai Chí Thọ, khu đô thị 586, phường Phú Thứ, quận Cái Răng, TP. Cần Thơ.
Xã vùng căn cứ kháng chiến ở Sóc Trăng đạt chuẩn nông thôn mới
(NSMT) - Ngày 02/01, UBND huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức Lễ công bố Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng công nhận xã Mỹ Phước đạt chuẩn nông thôn mới năm 2024.
Cần Thơ rộn ràng chào đón năm mới 2025
(NSMT) - Ngày 31/12/2024 và 1/1/2025, tại TP. Cần Thơ khắp các đường phố, điểm tham quan, khu vui chơi, giải trí và lễ hội đều nhộn nhịp người dân và du khách vui chơi, chào đón thời khắc chuyển giao năm cũ và năm mới.
Cần Thơ: Nỗ lực đấu tranh, phòng ngừa tội phạm trên quận Ninh Kiều
Năm 2024, Công an quận Ninh Kiều phát huy tốt vai trò nòng cốt, cùng các ban, ngành, đoàn thể thực hiện hiệu quả những mặt công tác về giữ gìn an ninh trật tự (ANTT). Trong đó, công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (TDBVANTQ) phát triển vững mạnh, được người dân đồng tình ủng hộ.
Vì sao ngày 1 tháng 1 được chọn là ngày đầu tiên của năm mới?
Hành trình lịch sử của ngày 1 tháng 1 trở thành ngày đầu năm mới phản ánh sự kết hợp giữa các quan sát thiên văn, các quyết định chính trị và truyền thống văn hóa cuối cùng đã định hình nên lịch hiện đại.
Cần Thơ khen thưởng học sinh đạt thành tích xuất sắc tại Cuộc thi Robothon quốc tế năm 2024
(NSMT) - Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP. Cần Thơ vừa tổ chức họp mặt chúc mừng và khen thưởng học sinh đạt thành tích xuất sắc trong Cuộc thi Robothon quốc tế năm 2024.
Cháy kinh hoàng tại cửa hàng xe máy ở Cà Mau
(NSMT) – Ngày 31/12, trên địa bàn huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau xảy ra vụ cháy kinh hoàng tại cửa hàng xe gắn máy Head Nam Bình 2.