Chi tiêu gia đình thời giá cả leo thang...
(NSMT) - Xăng tăng giá kéo theo một số mặt hàng thiết yếu cũng rục rịch leo thang, ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt, đời sống gia đình. Thực tế đó đòi hỏi cân đối lại thu chi, điều chỉnh thói quen, hành vi tiêu dùng, tiết kiệm để dự phòng. Phương án được các bà nội trợ lựa chọn nhiều nhất là hạn chế đi ăn uống bên ngoài, tăng cường nấu cơm nhà bởi không chỉ vừa ngon, đảm bảo sức khỏe mà còn gắn kết tình cảm gia đình.
Công việc bận rộn nên buổi sáng và chiều chị Kim Ngọc ở quận Cái Răng, hay mua thức ăn nấu sẵn, còn chồng chị thường tăng ca về trễ, tối ăn với bạn ở công ty. Mấy tuần nay, bên cạnh xăng tăng giá, các món con chị hay ăn quán cũng tăng 10%/món, thức uống yêu thích của các con là rễ tranh mía lau cũng tăng từ 8.000 đồng lên 10.000 đồng/hộp.

Ảnh minh họa
Chị Ngọc cho biết: “Mỗi ngày thêm vài chục ngàn, cả tháng cộng lại cũng nhiều nên tôi phải tính toán lại. Tiết kiệm thì ráng chịu cực, vài ngày tôi đi chợ một lần, đặt các mối quen đồ tươi ngon, rồi sơ chế để sẵn. Giá rau cải, thịt cá dẫu có tăng nhưng nấu vẫn lợi hơn nhiều. Mỗi ngày, tôi tranh thủ thức sớm nấu ăn sáng, bữa trưa thì nấu để dành ăn luôn buổi chiều, thay đổi nhiều món cho các con đỡ ngán. Tôi cũng hay nấu chè đậu xanh, các loại nước mát… cho cả nhà dùng, đỡ khoản nào hay khoản đó”.
Công ty ở xa nên chị Ngọc Như ở quận Ninh Kiều xin làm việc online ở nhà, khi nào có sự kiện, họp hành thì trực tiếp tham gia với mọi người. Với phương án này, chị Như vừa đỡ tốn tiền xăng vừa có điều kiện nấu ăn cho chồng con. Cuối tuần vợ chồng chị chế biến những món để được lâu như chà bông, thịt kho trứng, mắm ruốc xào thịt… Nhà chị Như gần chợ, siêu thị nên tiện lợi trong việc mua rau củ, trái cây, thịt cá dự trữ. Những khi chị có lịch công tác đột xuất, các con chỉ cần bắc nồi cơm, đã có sẵn đồ ăn. Chị Như tâm sự: “Ðiều khiến tôi bất ngờ là thấy vợ lo lắng tiền nong, ông xã chủ động đưa thu nhập tăng thêm hằng tháng. Trước đây, phần này ảnh giữ lại để cà phê, ăn sáng với bạn bè. Tôi chỉ lấy một phần tượng trưng, còn lại để chồng dằn túi. Thấy chồng biết quan tâm chia sẻ như vậy, tôi rất cảm động”.

Những bữa cơm gia đình vừa ngon, tiết kiệm vừa gắn kết thêm tình cảm.
Cả tháng nay, sự thay đổi của anh Huy Phong, làm tài xế, ở quận Ninh Kiều, khiến không khí gia đình vui hơn. Xăng tăng giá nên công ty anh Phong cũng điều chỉnh giá cước, vì vậy, đơn hàng ít, thu nhập nhân viên sụt giảm. Hiện tại, chi tiêu trong nhà phần lớn dựa vào lương của vợ nên anh Phong bớt nhậu, không tụ tập bạn bè, chiều phụ vợ rước con, rồi cả nhà cùng ăn cơm. Buổi tối, anh Phong dạy con học, rảnh thì mấy cha con đi bộ quanh chung cư tập thể dục. Những ngày không chở hàng, anh Phong trồng rau, làm việc nhà, đưa vợ đi làm, con đi học. Cuối tuần, các con cùng cha bón phân, tưới cây… bớt xem điện thoại, tivi mà còn học được nhiều kiến thức bổ ích. Anh Phong kể: “Ở nhà càng thấy thương vợ hơn, vừa lo công việc vừa đảm đương nhiều thứ. Ðể vợ có thời gian nghỉ ngơi, tôi kiêm luôn vai trò đầu bếp. Gia đình tôi có thêm chủ đề là bàn chuyện nấu ăn sao cho ngon, rẻ, thử nghiệm các món ăn con yêu cầu. Bây giờ mua hàng, tôi thường so sánh giá giữa nhiều nơi để cân nhắc lựa chọn chất lượng, dịch vụ rẻ hơn cho hợp túi tiền. Tôi vừa mới nhận đưa rước một cháu trong xóm đi học, có thêm chút đỉnh đỡ đần với vợ”.
Nhóm bạn của chị Minh Thư ở quận Ninh Kiều, thay đổi thói quen trầm quán. Lúc trước cả nhóm hay ra quán cà phê ăn uống, làm việc luôn, buổi trưa thì đặt thức ăn, shipper mang tới. Khi giá các món ăn và cước phí giao hàng đồng loạt tăng, chị Thư ít ra quán mà làm việc ở cơ quan, pha cà phê uống. Một số chị trong nhóm cùng nấu cơm đem theo ăn trưa, mỗi người làm một món, vừa vui vừa ngon. Cuối tuần, vợ chồng chị Thư đưa con về nhà nội hoặc ngoại nấu ăn chung, sẵn chuẩn bị một số món để dành ăn trong tuần. Chị Thư cũng hạn chế lên mạng mua sắm quần áo, giày dép, mỹ phẩm… theo kiểu thấy ưng bụng là chốt đơn như trước đây.
Làm nghề giúp việc nhà, thường di chuyển các nơi mà xăng và nhiều mặt hàng lên giá nên chị Phương Thùy ở quận Cái Răng phải tính toán kỹ mới đủ chi phí lo sinh hoạt gia đình. Ðể có thêm thu nhập, chị Thùy ngỏ lời với các chủ nhà để chị đi chợ và lo luôn phần nấu ăn. Chị tham gia các nhóm mua bán trong các siêu thị tiện lợi, thường mua hàng theo combo để được giá tốt và tặng thêm hàng khuyến mãi. Buổi sáng, chị Thùy thức sớm nấu xôi hoặc mì xào, cơm chiên cả nhà cùng ăn. Sau đó, chị làm món mặn để chồng (làm bảo vệ) mang theo ăn trưa. Buổi tối cả nhà ăn cơm chung, đạm bạc nhưng đầm ấm.
Trong tình hình dịch bệnh còn diễn biến khá phức tạp, một số mặt hàng tăng giá, ngoài việc đảm bảo sinh hoạt, ăn uống, nhiều gia đình còn dự trù chi phí thuốc men, kit xét nghiệm… nên việc chủ động cân đối chi tiêu để không bị thiếu hụt đột xuất là rất cần thiết. Ðể thực hiện hiệu quả việc tiết kiệm, cần có sự chia sẻ của vợ chồng, con cái. Khi cả nhà cùng quyết tâm thì khó khăn nào cũng sẽ vượt qua.
Quà 8/3 tặng mẹ cảm động giúp ngày lễ trở nên ý nghĩa
Việc chọn quà 8/3 tặng mẹ cảm động không chỉ thể hiện lòng biết ơn mà còn làm ấm lòng và mang lại niềm vui cho đấng sinh thành.
Các gia đình "vượt khó" khi kinh tế eo hẹp
Công việc gặp khó khăn, giảm thu nhập, một số mặt hàng thiết yếu tăng giá… ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt của các gia đình hiện nay. Với sự chu đáo, đảm đang, nhiều chị em khéo léo tính toán, vận động người thân cùng thực hành tiết kiệm, nỗ lực duy trì chất lượng cuộc sống.
Vì sao mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu tồn tại bất chấp thời đại?
Tiến sĩ Madeleine A. Fugère - GS Tâm lý học xã hội tại Đại học Bang Eastern Connecticut (Mỹ) đã chia sẻ những lý do bất ngờ đằng sau mâu thuẫn trong mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu.
Giảm 37% nguy cơ tử vong nhờ... trông cháu
Dành thời gian cho trẻ nhỏ có thể giúp ông bà minh mẫn, vui vẻ và thậm chí khỏe mạnh hơn về lâu dài.
Đàn ông cũng cần được khóc
Nhiều nam giới trao đổi rằng họ không được ai dạy về cách thế hiện tình cảm yêu thương thế nào và giải tỏa cảm xúc nóng giận một cách hiệu quả ra sao.
Bắt nhịp sau Tết
Sau những ngày Tết vui chơi, nghỉ ngơi thoải mái, người lớn trở lại với công việc, trẻ em đến trường. Nhanh chóng lấy lại sức khỏe, cũng như rèn luyện con cái vào nền nếp, thích nghi với môi trường đi học là điều phụ huynh quan tâm. Để đầu năm được thuận lợi, suôn sẻ, các gia đình có sự chuẩn bị chu đáo, giữ tâm trạng vui vẻ, lan tỏa năng lượng tích cực, cùng nhau nỗ lực học tập, làm việc tốt hơn.
Cúng ông Công ông Táo sau 12 giờ ngày 23 tháng Chạp được không?
Nhiều người cho rằng việc cúng ông Công ông Táo phải thực hiện trước 12 giờ ngày 23 tháng Chạp. Tuy nhiên chuyên gia lại phân tích điều ngược lại.